Liên minh Châu Âu đề xuất cải cách mới đối với WTO nhằm bảo vệ Cơ quan giải quyết tranh chấp

Theo trang thông tin điện tử của Bloomberg, Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến sẽ đệ trình gói đề xuất mới nhằm bảo vệ hệ thống giải quyết tranh chấp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) trước nguy cơ bị vô hiệu hoá vào cuối năm 2019.

Theo phát biểu của bà Cecilia Malmstrom – Cao uỷ thương mại của EU, hiện nay chức năng của Cơ quan phúc thẩm trong Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO đang có nguy cơ bị tê liệt và thế giới có thể sẽ mất đi công cụ đảm bảo sự ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu đã áp dụng từ nhiều thập kỷ. Điều này xuất phát từ việc trong hơn một năm qua, các thành viên đã không thống nhất được việc bổ sung thành viên cho Ban phúc thẩm (Ban có vai trò quyết định trong việc duy trì, sửa đổi hoặc đảo ngược các phán quyết mà thường ảnh hưởng đến các quyết định liên quan đến hạn chế thương mại trị giá tới hàng tỉ đô la). Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục duy trì, Cơ quan phúc thẩm có thể sẽ bị ngừng hoạt động trong cuối năm 2019 khi không có đủ số lượng ba thành viên để xử lý vụ việc.

Đề xuất của EU có vai trò quan trọng bởi nó nhằm mục đích chuyển các cuộc thảo luận cải tổ mới của WTO thành các cuộc đàm phán trên một văn bản cụ thể. Tuy nhiên, đề xuất này nếu muốn thực hiện cần phải được 164 thành viên của WTO đồng ý và sẽ được tiến hành trên cơ sở sửa đổi Thoả thuận về các Quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO (DSU).

Cũng theo trang tin, đề xuất này có vẻ không được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, bởi nước này luôn chỉ trích Ban Phúc thẩm đã vượt thẩm quyền khi giải thích về một số nguyên tắc của WTO trong quá trình xét xử vụ việc. Tuy nhiên, hiện nay, đã có 11 thành viên ủng hộ đề xuất bao gồm Úc, Ca-na-đa, Trung Quốc, Ai-len, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mê-hi-cô, Niu-Zi-Lân, Na-Uy, Xinh-ga-po, Thuỵ Sỹ.

Các điều khoản chính trong đề xuất của EU bao gồm:

- Tạo ra các nguyên tắc mới cho các thành viên ban phúc thẩm sắp mãn nhiệm, xác định thời gian họ có thể tiếp tục ở lại để hoàn thành các vụ việc đang diễn ra;

- Đảm bảo rằng các thủ tục khiếu nại hoàn thành trong vòng 90 ngày theo quy định của WTO;

- Tổ chức các cuộc họp hàng năm giữa các thành viên WTO và cơ quan phúc thẩm;

Ngoài ra, EU cũng đề nghị tăng cường tính độc lập và công bằng của cơ quan phúc thẩm để cải thiện hiệu quả bằng cách:

+) Thêm hai thành viên mới của cơ quan phúc thẩm vào danh sách 7 thành viên Cơ quan Phúc thẩm, quy định những thành viên này làm việc toàn thời gian, bổ sung hỗ trợ hành chính và pháp lý cho cơ quan phúc thẩm.

+) Thay đổi thời hạn nhiệm kỳ của các thành viên Cơ quan Phúc thẩm từ hai nhiệm kỳ bốn năm thành một nhiệm kỳ sáu hoặc tám năm.

+) Tạo quy trình lựa chọn tự động để chọn người thay thế các thành viên ban phúc thẩm sắp mãn nhiệm từ nhiều tháng trước khi hết hạn nhiệm kỳ.

EU dự kiến sẽ đệ trình đề xuất lên buổi họp Đại Hội đồng WTO vào ngày 12 tháng 12 năm 2019.

Tải đề xuất của EU tại đây

                                                                                       (Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài)

Tin tức khác