WTO tổ chức phiên họp định kỳ Ủy ban Chống bán phá giá, Ủy ban Chống trợ cấp và Ủy ban Tự vệ tháng 10/2020
Trong thời gian từ ngày 26-28/10/2020, WTO đã tổ chức phiên họp định kỳ Ủy ban Chống bán phá giá, Ủy ban Chống trợ cấp và Ủy ban Tự vệ. Theo thông lệ, 3 phiên họp sẽ được tổ chức định kỳ vào tháng 4, tháng 10 hàng năm, tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phiên họp tháng 4 đã không được tổ chức. Phiên họp tháng 10 được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tuyến và tại trụ sở WTO.
1. Phiên họp Ủy ban Tự vệ được tổ chức vào ngày 26/10/2020. Hơn 60 vụ việc tự vệ đã được rà soát (do phiên họp tháng 4 không được tổ chức). Biện pháp tự vệ của EU đối với các sản phẩm thép (áp dụng vào tháng 2/2019 với 28 danh mục sản phẩm thép tới tháng 6/2021) tiếp tục được các thành viên quan tâm.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc tiếp tục nhấn mạnh quan ngại chung về việc các thành viên gia tăng các biện pháp tự vệ và kêu gọi các thành viên tuân thủ nghiêm túc các quy định của Hiệp định Tự vệ. Một số thành viên nêu quan ngại về các biện pháp tự vệ trong ngành thép, một số thành viên khác nhắc đến tình hình kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.
Vương quốc Anh cũng thông báo về quy định phòng vệ thương mại mới của mình và giải thích về tình hình thực tại cũng như hệ thống mới sẽ hoạt động như thế nào khi Anh rời EU vào 1/1/2021. Anh cũng thông báo về việc khởi xướng điều tra với một số sản phẩm thép. Anh cho biết biện pháp tự vệ hiện tại của EU sẽ được “chuyển tiếp” và tiếp tục có hiệu lực tại Anh, cùng với một số điều chỉnh để đảm bảo hiệu quả tại thị trường Anh. Biện pháp hạn ngạch thuế quan sẽ có hiệu lực vào ngày 31/12/2020. Các nhà xuất khẩu sẽ có cơ hội tham gia và quá trình rà soát chuyển tiếp (nộp bản đệ trình, yêu cầu tham vấn). Một số thành viên bày tỏ quan ngại về cách thức Anh tiến hành vụ việc. Thụy Sĩ đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa việc Anh thông báo ra quyết định áp dụng biện pháp vào tháng 9/2020 và việc rà soát chuyển tiếp được thông báo tới Ủy ban. Một số thành viên hỏi về việc liệu Anh có cần thiết phải khởi xướng điều tra một vụ việc mới hay không và mức hạn ngạch thuế quan được tính toán như thế nào.
Ủy ban cũng rà soát các thông báo về quy định tự vệ mới của các thành viên: Afghanistan, Bolivia, Cameroon, Costa Rica, Ghana, Ấn Độ, Lào, Liberia, Tonga, Anh, Việt Nam và Zimbabwe cũng như tiếp tục thảo luận về các thông báo trước đây của Kenya, Các tiểu vương quốc Ả rập (UAE).
Ủy ban cũng rà soát các thông báo về các biện pháp tự vệ mà Ủy ban nhận được từ tháng 11/2019 từ các thành viên sau: Colobia, Costa Rica, Ecuador, Ai Cập; các thành viên của Cộng đồng kinh tế Á Âu, EU, các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Guatemala, Ấn Độ, Indonesia, Jordan, Madagascar, Malaysia, Ma rốc, Panama, Philippines, Nam Phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Ngoài ra, các nội dung khác cũng được Ủy ban thảo luận như biện pháp của Hoa Kỳ với thép và nhôm (do Ấn Độ, Nhật Bản, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị), các thủ tục của các thành viên trong giai đoạn Covid-19 (do Úc, Hoa Kỳ đề nghị) và việc thông báo về việc không áp dụng biện pháp tự vệ (do Brazil đề nghị).
Ủy ban đã thông qua mẫu thông báo mới để khuyến khích các thành viên tăng cường tính minh bạch khi thông báo và thông qua báo cáo năm gửi Hội đồng Thương mại Hàng hoaas.
Tại cuối buổi họp, ông Mustafa Tuzcu (Thổ Nhĩ Kỳ) đã được chọn là Chủ tịch mới của Ủy ban.
2. Phiên họp Ủy ban Chống trợ cấp được tổ chức vào ngày 27/10/2020. Chủ tịch Ủy ban (Michele Legault Dooley – Phái đoàn Canada) cho rằng các thành viên WTO tiếp tục không thực thi nghĩa vụ thông báo về các chương trình trợ cấp của mình dù đã có những nỗ lực để khuyến khích các thành viên thông báo đúng hạn, kể cả việc Ban Thư ký WTO đề nghị hỗ trợ kỹ thuật. Tổng cộng 83 thành viên WTO đã không thông báo về các chương trình trợ cấp mới và toàn bộ các chương trình trợ cấp cho năm 2019 mặc dù thời hạn thông báo là hơn 1 năm trước. Ngoài ra, 60 Thành viên vẫn chưa thông báo cho năm 2017, 58 Thành viên chưa thông báo cho năm 2015. Chủ tịch Ủy ban cho rằng các thành viên tiếp tục chậm trễ trong việc thông báo chương trình trợ cấp dù các thành viên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các thông tin cung cấp thông qua các thông báo trợ cấp và đã tái cam kết tại Hội nghị Bộ trưởng 2017 ở Buenos Aires trong việc thực thi các nghĩa vụ thông báo theo Điều 25.3 Hiệp định Chống trợ cấp.
Hoa Kỳ đã đưa ra bản đề xuất sửa đổi (G/SCM/W/557/Rev.4) để đảm bảo việc trả lời đúng hạn các câu hỏi của các thành viên về chương trình trợ cấp của các thành viên khác. Một số thành viên đã ủng hộ bản đề xuất này, tuy nhiên có một thành viên quan ngại về việc các thành viên đang phát triển có thể có khó khan trong việc trả lời đúng hạn.
Canada, EU, Na uy, Nhật Bản và Hoa Kỳ thể hiện quan ngại chung về vài trò của trợ cấp trong việc dẫn tới tình trạng dư thừa công suất sản xuất tại một số ngành.
Tại cuối buổi họp, các thành viên đã chọn Bà Sungyo Choi (Hàn Quốc) là Chủ tịch mới của Ủy ban.
3. Phiên họp Ủy ban Chống bán phá giá được tổ chức vào ngày 28/10/2020 để rà soát lại các thông báo của các thành viên về các quy định mới/quy định sửa đổi và các báo cáo về các vụ việc chống bán phá giá.
Ủy ban đã rà soát thông báo mới về quy định pháp luật của Argentina, Bolivia, Costa Rica, Ghana, Laos, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam và tiếp tục rà soát các thông báo của Cameroon, Nhật Bản, Kenya, Liberia và Các tiểu vương quốc Ả rập (UAE) mà đã được Ủy ban rà soát từ phiên trước. Theo thông lệ, đại diện các nước đã nêu câu hỏi về việc thực thi của các thành viên khác khi rà soát các báo cáo định kỳ nửa năm về các vụ việc CBPG (việc khởi xướng điều tra, áp thuế tạm thời, thuế chính thức và rà soát các biện pháp CBPG đang có hiệu lực).
Liên quan đến báo cáo định kỳ nửa năm (giai đoạn 1/7-31/12/2019 và 1/1-30/6/2020), 44 Thành viên đã thông báo về các hành động trong từng giai đoạn, 16 thành viên thông báo không có hành động nào mới về CBPG. Các câu hỏi đã được một số thành viên nêu liên quan đến báo cáo định kỳ nửa năm của Trung Quốc, Ai Cập, EU, Mexico, Philippines, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Ngoài ra, trong thời gian rà soát nửa đầu năm 2020, các thành viên sau cũng đã thông báo về các biện pháp CBPG tạm thời và chính thức: Argentian, Armenia, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Cộng hòa Dominican, Ai Cập, EU, Ấn Độ, Israel, Nhật Bản, Kazakhstan, Hàn Quốc, Cộng hòa Kyrgyz, Mexico, Morocco, New Zealand, Pakistan, Philippines, Nga, Nam Phi, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam. Một số thành viên đã đặt câu hỏi về các thông báo của Canada, Nam Phi, Hoa Kỳ và Úc.
Tại cuối buổi họp, các thành viên đã chọn Maarit Keitanen (Phần Lan) là Chủ tịch mới của Ủy ban.
Cuộc họp 3 Ủy ban tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức vào tuần bắt đầu ngày 26/4/2021.