Nghiên cứu quy định chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Thái Lan, Ấn Độ
I. Quy định của Thái Lan 1. Lẩn tránh là gì? Lẩn tránh đề cập đến các hành vi được các nhà sản xuất, xuất khẩu hoặc lắp ráp sử dụng để tránh phải trả thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp (AD/CVD) do nước nhập khẩu áp đặt.
2. Các hình thức lẩn tránh
Theo Đạo luật chống bán phá giá và chống trợ cấp (số 2), năm 2562 Phật lịch (2019) của Thái Lan, có 5 hình thức gian lận:
- Sửa đổi nhỏ: sửa đổi một chút về hình thức, bên ngoài hoặc bao bì của sản phẩm nhằm mục đích lẩn tránh thuế AD/CVD mà không làm thay đổi các đặc tính cơ bản của sản phẩm.
- Chuyển tải: xuất khẩu các sản phẩm chịu thuế AD/CVD qua một hoặc nhiều nước thứ ba.
- Phân luồng (channelling): các nhà xuất khẩu/nhà sản xuất tổ chức lại các kênh bán hàng của họ để cuối cùng sản phẩm của họ được xuất khẩu sang Thái Lan thông qua các nhà sản xuất/xuất khẩu được hưởng lợi từ mức thuế riêng lẻ thấp hơn mức thuế áp dụng đối với sản phẩm của nhà sản xuất hoặc thông qua các nhà sản xuất/xuất khẩu không bị áp thuế AD/CVD.
- Hoàn thiện: hoàn thiện hàng hóa dở dang hoặc bán thành phẩm thành hàng hóa hoàn thiện giống như hàng hóa chịu thuế AD/CVD ở Thái Lan hoặc ở các nước thứ ba.
- Hoạt động lắp ráp: nhập khẩu các bộ phận từ nước chịu thuế AD/CVD vào Thái Lan hoặc các nước thứ ba để lắp ráp thành hàng hóa giống như hàng hóa chịu thuế AD/CVD.
3. Năm yếu tố cấu thành việc lẩn tránh
Khi xem xét có nên áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh (AC) hay không, phải thỏa mãn 5 điều kiện sau:
- Có sự thay đổi trong mô hình thương mại: ví dụ, xem xét liệu số lượng hàng hóa bị áp dụng biện pháp AD/CVD có giảm không và liệu lượng nhập khẩu của hàng hóa bị điều tra AC có tăng lên hay không.
- Có ít nhất một hình thức gian lận, cụ thể là (1) Sửa đổi nhỏ, (2) Chuyển tải, (3) Phân luồng, (4) Hoàn thiện, hoặc (5) Hoạt động lắp ráp.
- Không có đủ nguyên nhân chính đáng hoặc biện minh kinh tế cho hành vi lẩn tránh ngoài lý do là do thuế AD/CVD: xem xét sự thay đổi trong mô hình thương mại đến từ đâu; ví dụ, đã có những thay đổi trong chuỗi giá trị hoặc hậu cần chưa? Hoặc hoạt động này được thực hiện đơn thuần để tránh việc áp thuế AD/CVD.
- Tác động khắc phục hậu quả của thuế AD/CVD bị giảm nhẹ về giá hoặc số lượng: xem xét liệu hàng hóa bị điều tra AC có làm giảm tác dụng của thuế AD/CVD hay không. Về giá, cân nhắc; ví dụ, liệu có xảy ra tình trạng chênh lệch giá và về số lượng, xem xét; ví dụ, liệu có sự gia tăng đáng kể hàng hóa bị điều tra AC hay không. Việc giảm giá hoặc tăng lượng nhập khẩu của các mặt hàng bị điều tra AC là một dấu hiệu cho thấy biện pháp AD/CVD đang bị giảm tác dụng.
- Có bằng chứng về việc bán phá giá hoặc trợ cấp:
+ Trong trường hợp lẩn tránh biện pháp AD: xem xét hàng hóa bị điều tra AC có bán phá giá thị trường nội địa hay không.
+ Trong trường hợp lẩn tránh biện pháp CVD: xem xét hàng hóa áp dụng biện pháp CVD có còn được hưởng lợi ích từ trợ cấp hay không.
4. Thủ tục điều tra
- Các thủ tục sẽ chỉ bắt đầu khi có đơn có đủ bằng chứng yêu cầu yêu cầu khởi xướng điều tra AC.
- Ủy ban Bán phá giá và Trợ cấp Thái Lan sẽ quyết định khởi xướng một cuộc điều tra AC nếu có đủ bằng chứng về hành vi lẩn tránh.
- Cuộc điều tra chỉ nhằm vào nhà sản xuất/nhà xuất khẩu/nhà lắp ráp đã bị cáo buộc về một hoặc nhiều trong số 5 hình thức lẩn tránh được nêu trong mẫu đơn yêu cầu khởi xướng điều tra AC.
- Thời hạn điều tra là 9 tháng kể từ ngày bắt đầu (với thời gian gia hạn tối đa là 3 tháng).
- Không thu khoản ký quỹ (bond) trong quá trình điều tra. Sau khi khởi xướng, cơ quan hải quan sẽ đăng ký sản phẩm nhập khẩu bị điều tra. Thuế AD/CVD sẽ được thu hồi hồi tố kể từ ngày đăng ký.
- Cán bộ tiến hành xác minh, thăm quan thực tế tại các công ty.
- Tất cả các bên quan tâm có thể tham gia vào quá trình điều tra theo quy định của pháp luật để bảo vệ lợi ích của chính họ và đưa ra quan điểm của họ.
5. Kết quả điều tra
- Nếu phát hiện có hành vi lẩn tránh, Ủy ban về bán phá giá và trợ cấp Thái Lan sẽ công bố thông báo mở rộng lệnh áp thuế AD/CVD đối với sản phẩm đang bị điều tra với mức không cao hơn mức còn lại. Không phải tất cả các sản phẩm từ tất cả các nước sẽ phải chịu mức thuế AD/CVD như nhau.
- Nếu không tìm thấy hành vi lẩn tránh, vụ việc sẽ được chấm dứt.
II. Quy định của Ấn Độ[1]
Các biện pháp Phòng vệ Thương mại đóng vai trò như một lá chắn cho các ngành sản xuất nội địa của các nước nhập khẩu, vì chúng hạn chế hàng nhập khẩu quá mức và không công bằng và cho phép cạnh tranh lành mạnh tồn tại. Vì thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (AC) nhắm vào hàng hóa nhập khẩu không công bằng nên chúng được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu "có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ" các nước cụ thể. Lẩn tránh là một cơ chế được các công ty sử dụng để ‘tránh’ thuế đối với hàng hóa mà họ tìm cách xuất khẩu sang các nước đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Những thực tiễn như vậy làm cho việc áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại trở nên thừa thãi và cho phép làn sóng hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh vào trong nước. Chính phủ Ấn Độ đã đề xuất tăng cường các quy định chống lẩn tránh này như một phần của Ngân sách Liên minh 2020-2021. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, Bộ Tài chính đã công bố thông báo sửa đổi 09/2020 Hải quan, ngày 2/2/2020 giới thiệu Quy tắc về Biểu thuế hải quan (Xác định, Đánh giá và Thu thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng bán phá giá và Xác định thiệt hại). (“Quy tắc sửa đổi chống bán phá giá”). Quy tắc sửa đổi đã thay thế Quy tắc 25 của Quy tắc Thuế quan (Xác định, Đánh giá và Thu thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng bán phá giá và để xác định thiệt hại), 1995 (“Quy tắc ADD”) điều chỉnh các điều khoản về hành vi lẩn tránh ở Ấn Độ. Lưu ý rằng các điều khoản chống lẩn tránh cũng đã được mở rộng sang quy định chống trợ cấp.
Quy tắc 25 của Quy tắc ADD quy định các điều khoản về hành vi lẩn tránh liên quan đến thuế chống bán phá giá ở Ấn Độ. Sau sửa đổi, hành vi lẩn tránh được định nghĩa là "sự thay đổi trong mô hình thương mại" giữa các nước hoặc công ty, là kết quả của "thực tiễn, quy trình hoặc công việc" mà:
- Không có lý do biện minh về mặt kinh tế hay mặt khác, ngoài việc áp thuế chống bán phá giá đã gây ra sự thay đổi mô hình thương mại như vậy và,
- Hiệu lực khắc phục của thuế chống bán phá giá đã bị giảm nhẹ về giá hoặc số lượng hoặc cả hai của sản phẩm tương tự và
- Có bằng chứng về việc bán phá giá liên quan đến các giá trị thông thường đã được thiết lập trước đó cho sản phẩm tương tự, nếu cần thiết với những thay đổi hoặc điều chỉnh thích hợp.
Việc đưa ra yêu cầu về "bằng chứng về việc bán phá giá so với các giá trị thông thường đã được thiết lập trước đó cho sản phẩm tương tự" là một bổ sung quan trọng cho luật chống lẩn tránh. Có vẻ như sự thay đổi trong mô hình thương mại sẽ không nhất thiết gây ra mối đe dọa đối với ngành sản xuất trong nước của nước đó, nếu nó không dẫn đến việc bán phá giá, tuy nhiên, điều đó có thể không phải lúc nào cũng xảy ra. Bán phá giá xảy ra khi hàng hoá được xuất khẩu với giá thấp hơn giá trị thông thường. Cần lưu ý rằng theo Mục 9A của Đạo luật thuế quan 1975 (“Đạo luật thuế quan”), giá trị thông thường liên quan đến một mặt hàng được tính toán trên cơ sở:
- Giá nội địa của nước xuất khẩu trong giao dịch thương mại thông thường;
- Giá đại diện của mặt hàng được xuất khẩu từ nước xuất khẩu sang các nước thứ ba thích hợp trong quá trình thương mại thông thường; và
- Chi phí sản xuất tại nước xuất xứ với sự điều chỉnh phù hợp.
Do đó, trong trường hợp nước thứ ba lẩn tránh, các nhà xuất khẩu khác nhau thường chọn nước thứ ba có giá trị "thông thường" thấp hơn, tức là giá nội địa thấp hơn, v.v., để giảm biên độ phá giá càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, quy định này loại bỏ khả năng như vậy bằng cách đảm bảo rằng giá trị thông thường của cuộc điều tra ban đầu được xem xét để xác định mức phá giá, chứ không phải của nước thứ ba. Ví dụ, thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với một sản phẩm từ nước X, với giá trị thông thường là 100 USD/tấn. Nước X đã xuất khẩu sản phẩm nói trên vào Ấn Độ với giá 90 USD/tấn và do đó đã bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Các nhà xuất khẩu từ nước X chuyển đường xuất khẩu của sản phẩm nói trên qua nước Y, có giá trị thông thường là 90 USD/tấn. Trong tình huống này, việc thay đổi tuyến đường xuất khẩu (reroute) như vậy có vẻ là không gây tác động vì việc bán phá giá giảm xuống mức tối thiểu. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn bị bán phá giá 10 USD/tấn và gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Do đó, theo sửa đổi mới này, khi có một cuộc điều tra chống lẩn tránh, giá xuất khẩu sẽ được so sánh với giá trị thông thường đã được thiết lập trước đó trong một cuộc điều tra trước đó. Tuy nhiên, lưu ý rằng thời gian điều tra đối với vụ việc chống lẩn tránh là 12-18 tháng. Do đó, có thể tồn tại khả năng rằng giá trị thông thường trước đó trở nên dư thừa cho mục đích xác định biên độ phá giá.
Hơn nữa, 'thực hành, quy trình hoặc công việc',(practice, process, work) ban đầu được giới hạn trong ba hoạt động lẩn tránh, tức là:
- Nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra ở dạng chưa lắp ráp, chưa hoàn thiện và được lắp ráp, hoàn thiện tại Ấn Độ hoặc bất kỳ nước nào khác;
- Sản phẩm đang được Điều tra (“PUI”) được nhập khẩu sau khi thay đổi nhỏ; và
- PUI được xuất khẩu sang Ấn Độ bởi nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất chịu thuế chống bán phá giá thông qua nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu hoặc nước khác không chịu thuế chống bán phá giá.
Một điều khoản đã được thêm vào định nghĩa này để bao gồm “bất kỳ cách thức nào khác mà theo đó thuế chống bán phá giá được áp đặt sẽ không có hiệu lực.” Có vẻ như Quy tắc sửa đổi chống bán phá giá cho phép Cơ quan có thẩm quyền hiện đã được toàn quyền quyết định để xác định hành vi lẩn tránh và thực hiện hành động thích hợp chống lại hành động lẩn tránh khi có vẻ như hiệu lực của thuế chống bán phá giá đã bị giảm nhẹ do thay đổi trong thực tiễn thương mại. Tuy nhiên, lưu ý rằng Mục 9A(1A) của Đạo luật thuế quan, quy định việc gia hạn thuế chống bán phá giá (đối với mặt hàng hoặc quốc gia) do hành vi lẩn tránhn, đã quy định khả năng xác định hành vi lẩn tránh khi do 'bất kỳ theo cách khác', thuế chống bán phá giá áp đặt bị khiến cho không có hiệu lực. Sửa đổi đã cân đối một cách hiệu quả điều khoản về hành vi lẩn tránh trong Đạo luật thuế quan với Quy tắc ADD điều chỉnh hành vi lẩn tránh.
Một sửa đổi khác đã được đưa ra là điều khoản mới theo Quy tắc được thay thế 25(2)(a)(ii) đưa ra cách tính giá trị cộng thêm. Điều khoản này có nội dung như sau:
- “giá trị gia tăng của các yếu tố đầu vào mang lại, trong quá trình lắp ráp hoặc hoàn thiện, thấp hơn 35% chi phí sản xuất:
- Với điều kiện là để tính giá trị gia tăng, các chi phí liên quan đến mua sắm công nghệ, chẳng hạn như bằng sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu, tiền bản quyền, bí quyết kỹ thuật, phí tư vấn, v.v., sẽ không được tính vào giá trị của các bộ phận mang lại .
- Giải thích I. - ‘Giá trị’ nghĩa là chi phí của sản phẩm được lắp ráp, hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện trừ đi giá trị của các bộ phận hoặc linh kiện nhập khẩu.
- Giải thích II. - Với mục đích tính toán "giá trị", các chi phí liên quan đến các khoản thanh toán liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, tiền bản quyền, phí bí quyết kỹ thuật và phí tư vấn sẽ không được tính đến."
Kết luận Tóm lại, quy định sửa đổi đã mở rộng phạm vi mô hình thương mại hoặc phân tích lẩn tránh. Việc bổ sung “bất kỳ cách nào khác” và phân tích liên quan, có thể làm tăng thêm chi phí hành chính cho Cơ quan vốn đã có nhiệm vụ phân biệt giữa “biện minh kinh tế” thực sự và hành vi lẩn tránh.
Lưu ý thêm rằng các Hiệp định của WTO không quy định về vấn đề chống lẩn tránh mặc dù đã thảo luận kéo dài về vấn đề tương tự trong Vòng đàm phán Uruguay. Do sự phức tạp của vấn đề, quyết định cấp Bộ trưởng được thông qua ở Marrakesh đã công nhận tầm quan trọng của các quy tắc thống nhất về vấn đề này và đồng ý chuyển vấn đề này lên Ủy ban GATT về chống bán phá giá để thảo luận. Tuy nhiên, các thành viên WTO vẫn chưa đạt được quyết định thống nhất về hành vi lẩn tránh cho đến ngày hôm nay. Mặc dù các luật chống lẩn tránh do Ấn Độ quy định tương tự như các luật của các nước, nhưng còn phải xem liệu việc nếu WTO quy định về chống lẩn tránh thì có ảnh hưởng gì đến luật của Ấn Độ hay không.