Nghiên cứ một số vụ việc EU điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua nước thứ ba và bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam, nhưng cũng đem lại không ít khó khăn và thách thức. Các quốc gia nhập khẩu thường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) là nổi bật lên như một trong số bốn đối tác áp dụng biện pháp phòng vệ nhiều nhất đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam (cùng với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ). Theo thống kê, kể từ năm 1998 đến nay, EU đã điều tra 14 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm: 6 vụ chống bán phá giá, 1 vụ chống trợ cấp, 1 vụ tự vệ, 6 vụ chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại[1].  Đáng chú ý, trong 6 vụ EU điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, có tới 5 vụ việc có kết luận cuối cùng mở rộng áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam do lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà EU đã áp dụng với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, việc tìm hiểu quy định pháp luật và thực tiễn một số vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Liên minh châu Âu là rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Từ những vụ việc trong quá khứ, Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp nước nhà khi ra “sân chơi” quốc tế.

1. Những vấn đề chung về pháp luật chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp của EU

1.1. Hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp theo quy định pháp luật EU

Các nhà sản xuất/xuất khẩu khi bị áp dụng các biện pháp chống bán phá, chống trợ cấp thường cố gắng giảm tác động tiêu cực của các biện pháp đó đối với các hoạt động thương mại của họ bằng nhiều cách thức khác nhau. Các nhà sản xuất/xuất khẩu có thể tập trung vào các thị trường khác ngoài thị trường mà hàng hoá của họ đột nhiên mất lợi thế về giá, hoặc có thể tìm cách “lách” các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp đang được áp dụng với hàng hoá xuất khẩu của họ.

Hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp hiện chưa được định nghĩa cụ thể trong các qui định pháp luật chính thức của EU. EU qui định thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp không chỉ áp dụng cho đối tượng chịu thuế (là các sản phẩm bị điều tra nhập khẩu từ các nước liên quan) mà còn áp dụng với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ một nước ngoài EU hoặc các bộ phận cấu thành của sản phẩm là đối tượng chịu thuế khi có hiện tượng cố ý thực hiện chuyển đổi để lẩn tránh thuế. Theo đó, lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp là hành vi được các nhà sản xuất, xuất khẩu hoặc lắp ráp sử dụng để tránh phải trả thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp khi nhập khẩu hàng hoá vào thị trường EU.

Hiện nay pháp luật EU quy định về chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp tại Điều 13 Quy định số 2016/1036 của Nghị viện Châu Âu (EC) và Hội đồng Châu Âu ngày 8 tháng 6 năm 2016 về chống hàng nhập khẩu bán phá giá từ các nước không phải là thành viên của Liên minh Châu Âu[2] (Quy định 2016/1036) và Điều 23 Quy định số 2016/1037 của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu ngày 8 tháng 6 năm 2016 về chống hàng nhập khẩu được trợ cấp từ các nước không phải là thành viên của Liên minh Châu Âu[3] (Quy định 2016/1037).

* Tóm tắt vụ việc:

EC đã khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm đĩa từ có xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc chuyển tải qua Canada, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Macao, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Trước đó, EC đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này nhập khẩu từ Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc.

Nguyên đơn đưa ra bằng chứng cáo buộc[4]:

Một là, có sự thay đổi rõ ràng trong mô hình thương mại giữa các nước liên quan và EU, thị phần tại EU của hàng lắp ráp/chuyển tải từ các nước bị điều tra tăng từ 21% trong năm trước khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá lên 36% vào năm sau đó; trong cùng thời kỳ này, thị phần của hàng hoá bị áp thuế chống bán phá giá từ những nước này giảm từ 20% xuống 4%. Sự thay đổi mô hình thương mại này được cho là xuất phát từ thực tiễn mà không có cơ sở hoặc lý do kinh tế nào khác ngoài việc áp thuế chống bán phá giá. Nguyên đơn cho rằng hàng xuất khẩu ở 9 quốc gia kể trên chủ yếu là được sản xuất tại Trung Quốc và Đài Loan. Với thực tế là hoạt động sản xuất vẫn ở các nước này, việc chuyển tải thêm sẽ chỉ làm tăng chi phí. Lý do duy nhất cho bước bổ sung này được nêu là do việc thực hiện một số công việc nhỏ (đánh dấu, đóng gói lại) tại quốc gia trung chuyển, với mục đích chuyển hàng hóa có xuất xứ từ quốc gia không thuộc đối tượng áp thuế chống bán phá giá.

Hai là, giảm hiệu quả khắc phục của lệnh áp thuế ban đầu liên quan tới giá cả và số lượng của các sản phẩm tương tự lắp ráp. Theo nguyên đơn, giá nhập khẩu đã giảm từ 18 ECU/kg trước khi áp thuế chống bán phá giá xuống 13 ECU/kg vào năm sau. Xu hướng này càng rõ ràng hơn đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia có hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

Ba là, hàng nhập khẩu từ các quốc gia bị yêu cầu điều tra bị bán phá giá so với giá thông thường đã được thiết lập trước đó. Việc giá nhập khẩu tiếp tục giảm và dữ liệu được chứng minh trong yêu cầu cho thấy giá xuất khẩu từ các nước liên quan đều thấp hơn giá trị thông thường được tính toán ban đầu cho Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc.

Tuy nhiên trong kết luận cuối cùng[5], EC đã quyết định không áp thuế chống lẩn tránh với tất cả hàng nhập khẩu từ các nước Canada, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Macao, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan bởi những lí do sau:

Một là, thị phần kết hợp của 4 nước Canada, Ấn Độ, Philippines và Singapore chỉ chiếm 2,8% trong thời kỳ điều tra. Thiệt hại sẽ được coi là không đáng kể nếu các nước liên quan chiếm dưới 3% lượng tiêu thụ của EU, do đó, lượng nhập khẩu trên được coi là không có khả năng làm giảm hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá về lượng.

Hai là, đối với Hồng Kông, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, EC không tìm thấy bằng chứng về việc chuyển tải. Hơn nữa, đối với mỗi công ty bị điều tra tại 4 nước này, các bộ phận nhập khẩu từ các nước bị áp thuế chống bán phá giá chiếm dưới 60% tổng giá trị của các bộ phận của sản phẩm lắp ráp.

Ba là, thuế chống bán phá giá được áp dụng hồi tố đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc xuất khẩu từ Macao do không có nhà sản xuất nào ở Macao hợp tác trong cuộc điều tra và xác định rằng hiệu quả khắc phục của các biện pháp chống bán phá giá sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể do hàng nhập khẩu từ Macao bởi số lượng đã giảm mạnh sau thời kì điều tra chống lẩn tránh.

* Nhận định về vụ việc:

Đây là một trong số vụ hiếm hoi mà cả 9 bị đơn trong cuộc điều tra chống lẩn tránh đều không bị áp thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

- Các nhà sản xuất của Canada, Ấn Độ, Philippines và Singapore đã không bị kết luận lẩn tránh thuế chống bán phá giá “nhờ” có thị phần thấp tại thị trường EU, thấp hơn 3% trong thời kỳ điều tra mặc dù ban đầu nguyên đơn cáo buộc các nhà sản xuất của 4 nước này có thị phần kết hợp 4,5%. Do đó các doanh nghiệp Việt có thể xem xét chiến lược kinh doanh, tính toán lượng xuất khẩu phù hợp và theo dõi biến động xuất khẩu trong trường hợp sản phẩm tương tự đã bị EU áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp.

- Ba nhà sản xuất Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Hồng Kông không bị áp thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá nhờ vượt qua “bài kiểm tra 60%” bởi sản phẩm của các nhà sản xuất này có các bộ phận nhập khẩu từ các nước bị áp thuế chống bán phá giá chiếm dưới 60% tổng giá trị của các bộ phận của sản phẩm lắp ráp. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hầu hết các quốc gia đều nằm trong chuỗi sản xuất hàng hóa với các quốc gia tham gia liên tiếp nhau vào nhiều công đoạn và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Việc sử dụng cả nguyên vật liệu trong nước và nguyên vật liệu nhập khẩu từ một quốc gia đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại rồi xuất khẩu hàng hóa đến một quốc gia khác là khó tránh khỏi. Do đó các doanh nghiệp Việt cũng cần lưu ý đến yếu tố này trong sản xuất nếu nhận thấy nguy cơ sản phẩm xuất khẩu có liên đến vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế.

2.2. Vụ bật lửa ga có xuất xứ từ Trung Quốc[6]

          EC đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá các sản phẩm bật lửa ga nhập khẩu từ Trung Quốc chuyển tải qua Đài Loan, Hồng Kông và Macao. Trước đó các nhà sản xuất ở EU đã nộp đơn yêu cầu điều tra với cáo buộc: (i) Sản phẩm ‘bật lửa ga dùng một lần, không thể nạp’ nhập khẩu vào EU có xuất xứ từ Trung Quốc, được trung chuyển lần lượt qua Hồng Kông, Macao và Đài Loan; (ii) Sản phẩm ‘bật lửa ga dùng một lần, không thể nạp’ nhập khẩu vào EU có xuất xứ từ Trung Quốc, sau khi được sửa đổi nhỏ, đã thay tên gọi là ‘bật lửa ga có thể nạp’.

          EC đưa ra quyết định mở rộng áp thuế chống bán phá giá đối với ‘bật lửa ga có thể nạp’ từ Trung Quốc hoặc Đài Loan, áp thuế chống bán phá giá đối với ‘bật lửa ga dùng một lần, không thể nạp’ có xuất xứ từ Đài Loan và không áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Hồng Kông và Macao. Cụ thể:

  • Đối với các nhà sản xuất/xuất khẩu Trung Quốc

Thứ nhất, thay đổi mô hình thương mại: (i) Có sự thay đổi nhỏ của sản phẩm, trong trường hợp này các nhà sản xuất bật lửa ga ở Trung Quốc đã thêm một van nạp vào bật lửa ga dùng một lần, khiến sản phẩm đó được phân loại là bật lửa ga có thể nạp, do đó thuộc mã hải quan khác mà không bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá và trên thực tế, sản phẩm này không được bán hoặc sử dụng như loại bật lửa có thể nạp. (ii) Lượng nhập khẩu ‘bật lửa ga dùng một lần, có thể nạp’ vào EU từ Trung Quốc đã tăng đáng kể từ 22,8 triệu chiếc vào năm 1994 lên 144 triệu chiếc vào năm 1997. Đồng thời, nhập khẩu loại bật lửa ga có thể nạp từ Trung Quốc giảm từ 133,5 triệu chiếc vào năm 1994 xuống còn 6,8 triệu chiếc vào năm 1997. (iii) Để đảm bảo rằng sự gia tăng ‘bật lửa ga có thể nạp’ này không bao gồm các sản phẩm bật lửa khác, EC đã so sánh đơn giá của sản phẩm này trong các giai đoạn khác nhau, theo đó đơn giá trung bình giảm mạnh, từ 0,37 ECU năm 1993 xuống 0,19 ECU năm 1994 và xuống 0,10 ECU năm 1997. Điều này cho thấy ‘bật lửa ga có thể nạp’ chiếm phần lớn nhập khẩu bật lửa ga nhập khẩu từ năm 1994. (iv) Sự thay đổi về số lượng và giá cả này trùng hợp với thời điểm bắt đầu cuộc điều tra rà soát đối với ‘bật lửa ga dùng một lần, không thể nạp’ của Trung Quốc vào cuối năm 1993 và việc áp thuế chống bán phá giá cao hơn vào năm 1995.

Thứ hai, không có lý do chính đáng hoặc lý giải về mặt kinh tế cho việc bổ sung van nạp vào bật lửa dùng một lần: EC đã kiểm tra xem việc bổ sung một van cho bật lửa ga dùng một lần có thể được lí giải vì bất kỳ lý do nào khác. Theo đó EC đã xem xét các vấn đề sau: (i) Tổng nhập khẩu bật lửa ga vào EU vẫn tương đối ổn định trong giai đoạn từ 1994 đến 1997 mặc dù tỷ trọng nhập khẩu ‘bật lửa dùng một lần, có thể nạp’ tăng cao còn ‘bật lửa ga không thể nạp’ giảm trong cùng thời kỳ. Việc thay thế ‘bật lửa ga dùng một lần, có thể nạp’ cho ‘bật lửa ga, không thể nạp’ này không xảy ra đối với hàng nhập khẩu vào EU từ bất kỳ quốc gia thứ ba nào khác. Do đó nếu có bất kỳ lý do nào ngoài lý do lệnh áp thuế chống bán phá giá thì đã có thể cũng dẫn tới sự thay đổi xu hướng thương mại từ các thị trường khác. (ii) Bật lửa có thể nạp ga của Trung Quốc trên thực tế thiết kế và hiệu quả sử dụng như bật lửa dùng một lần và không được nạp lại.

Thứ ba, giảm hiệu quả của lệnh áp thuế hiện hành về giá và lượng của sản phẩm tương tự: (i) Về giá cả, giá nhập khẩu trung bình của ‘bật lửa ga có thể nạp’, được các công ty hợp tác báo cáo trong giai đoạn điều tra là 0,047 ECU/chiếc, trong khi giá tương đương của tất cả ‘bật lửa ga có thể nạp’ dựa trên số liệu Eurostat là 0,095 ECU/chiếc. Giá nhập khẩu được xác định trong cuộc điều tra chống lẩn tránh thấp hơn đáng kể so với giá nhập khẩu 0,146 ECU/chiếc, là mức giá được xác định trong cuộc điều tra trước đó mà tại đó các tác động có hại của việc bán phá giá đã được loại bỏ. (ii) Về số lượng, tổng lượng nhập khẩu bật lửa ga có thể nạp và không thể nạp từ Trung Quốc vẫn ở mức tương đương trước và trong thời kỳ điều tra.

Thứ tư, có bằng chứng về việc bán phá giá liên quan đến giá thông thường được xác định đối với sản phẩm tương tự bị điều tra trước đó. Giá xuất khẩu trung bình của ‘bật lửa ga có thể nạp, dùng một lần’ của Trung Quốc trong thời kỳ điều tra là 0,044 ECU. Giá nhập khẩu trung bình tính trên giá CIF cho tất cả các loại ‘bật lửa ga có thể nạp’ của Trung Quốc trong cùng thời kỳ là 0,094 ECU, tương đương với 0,092 ECU tính trên giá FOB. Cả hai giá này về cơ bản đều thấp hơn đáng kể so với giá thông thường là 0,144 ECU được tính toán trong cuộc điều tra trước đó và do đó có bằng chứng rõ ràng về việc bán phá giá.

-        Đối với các nhà sản xuất/xuất khẩu Đài Loan

Thứ nhất, thay đổi mô hình thương mại: Số lượng nhập khẩu ‘bật lửa ga dùng một lần, không thể nạp’ từ Đài Loan đã tăng từ 7,5 triệu chiếc vào năm 1994 lên 37 triệu chiếc vào năm 1995 (thời gian từ khi bắt đầu điều tra cho đến khi áp thuế chống bán phá giá với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc). Sau đó, nhập khẩu từ Đài Loan giảm xuống còn 33 triệu chiếc vào năm 1996 và tiếp tục giảm xuống còn 16 triệu chiếc vào năm 1997. Đồng thời lượng nhập khẩu bật lửa không thể nạp từ Trung Quốc đã giảm từ 133,5 triệu chiếc năm 1994 xuống còn 6,8 triệu chiếc vào năm 1997. Do đó, đã có sự thay đổi trong mô hình thương mại giữa Đài Loan, Trung Quốc và EU, nghĩa là nhập khẩu bật lửa từ Trung Quốc đã một phần được thay thế bởi bật lửa Đài Loan.

Thứ hai, không có lý giải về mặt kinh tế hoặc nguyên nhân chính đáng cho sự thay đổi mô hình thương mại khác với việc áp dụng các biện pháp hiện có. Gia tăng mạnh mẽ nhập khẩu bật lửa ga dùng một lần, không thể nạp từ Đài Loan và giảm nhập khẩu từ Trung Quốc ngay sau khi thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với bật lửa ga nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng 5 năm 1995. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất ngày càng tăng đã khiến việc sản xuất ‘bật lửa ga dùng một lần, không thể nạp’ không có khả năng cạnh tranh ở Đài Loan.

Thứ ba, giảm hiệu quả của lệnh áp thuế hiện hành về giá và lượng của sản phẩm tương tự: (i) Về giá cả: Do không có nhà sản xuất/xuất khẩu nào của Đài Loan hợp tác trong cuộc điều tra, giá trung bình mà EC tính toán là 0,098 ECU/chiếc trong thời kỳ điều tra dựa trên số liệu Eurostat. Mức giá này thấp hơn đáng kể so với mức giá trong cuộc điều tra trước mà tại đó các tác động có hại của việc bán phá giá đã được loại bỏ là 0,146 ECU/chiếc. Giá nhập khẩu từ Đài Loan thấp hơn đáng kể trong giai đoạn 1994-1996 và đạt mức trung bình thấp nhất (0,038 ECU/chiếc) vào năm 1995. (ii) Về số lượng: Trong giai đoạn điều tra, nhập khẩu từ Đài Loan chiếm 2,5% tổng thị trường bật lửa ga dùng một lần của EU và 4,8% tổng lượng nhập khẩu (bao gồm cả bật lửa ga có thể nạp của Trung Quốc), tăng so với thị phần lần lượt là 0,3% và 1,1% vào năm 1993. Vào thời điểm cao nhất (1995), nhập khẩu từ Đài Loan chiếm khoảng 10% tổng lượng nhập khẩu hay 6% tiêu thụ bật lửa ga dùng một lần của EU. Theo đó, kết luận rằng nhập khẩu ‘bật lửa ga dùng một lần, không thể nạp’ từ Đài Loan đã thay thế một phần nhập khẩu ‘bật lửa ga dùng một lần, không thể nạp’ từ Trung Quốc và do đó làm giảm cả về số lượng và giá cả, các tác động khắc phục hậu quả của việc áp thuế chống bán phá giá đối với ‘bật lửa ga dùng một lần, không thể nạp’ có xuất xứ từ Trung Quốc.

Thứ, có bằng chứng về việc bán phá giá liên quan đến giá trị thông thường được xác định đối với sản phẩm tương tự bị điều tra trước đó. Trên cơ sở thông tin có được từ bên yêu cầu và Eurostat, EC tính giá nhập khẩu trung bình tính trên giá FOB của sản phẩm được chuyển tải qua Đài Loan để xuất sang EU trong thời kỳ điều tra là 0,092 ECU/chiếc trong khi giá thông thường được tính toán trong cuộc điều tra trước đó là 0,144 ECU/chiếc.

-        Đối với các nhà sản xuất/xuất khẩu Hồng Kông

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra nhận được thông tin rằng không có hoạt động sản xuất bật lửa ga dùng một lần ở Hồng Kông, do các quy định an ninh hạn chế việc lưu trữ khí đốt trong lãnh thổ. EC đã xem xét khả năng liên quan đến chuyển tải hàng hoá từ Trung Quốc sau đó xuất khẩu sang EU.

EC kết luận rằng nhập khẩu ‘bật lửa ga dùng một lần, không thể nạp’ từ Hồng Kông chỉ chiếm 2% tổng lượng nhập khẩu bật lửa ga không thể nạp, bao gồm cả ‘bật lửa ga có thể nạp’ của Trung Quốc vào EU trong thời kỳ điều tra. Hơn nữa, những mặt hàng nhập khẩu này chỉ chiếm 4,1% lượng bật lửa nhập khẩu từ Trung Quốc vào EU năm 1994, tức là trước khi hành vi lẩn tránh xảy ra.

Do đó, việc làm giảm hiệu quả của các biện pháp chống bán phá giá hiện hành, nếu có, được coi là không đáng kể. Theo đó, việc chấm dứt cuộc điều tra chống lẩn tránh đối với ‘bật lửa ga dùng một lần, không thể nạp’ nhập khẩu từ Hồng Kông được coi là phù hợp.

-        Đối với các nhà sản xuất/xuất khẩu Macao

          Macao chỉ có duy nhất một nhà sản xuất/xuất khẩu bật lửa ga dùng một lần, không thể nạp là Fábrica de Isqueiro Macau Lda. Trên cơ sở phân tích chi tiết giá thành của các bộ phận, EC xác định rằng các bộ phận từ Trung Quốc chiếm dưới 60% tổng giá trị của các bộ phận được sử dụng trong lắp ráp sản phẩm (nguyên liệu thô). Do đó, EC kết luận nhà sản xuất này không lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

          * Nhận định về vụ việc:

- Trong vụ việc này, EC cho rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu Trung Quốc đã sửa đổi nhỏ sản phẩm bị áp thuế chống bán phá giá bằng cách thêm một van nạp vào bật lửa dùng một lần; và sản phẩm lẩn tránh với tên gọi mới thực chất vẫn có hiệu quả sử dụng như sản phẩm ban đầu. Về số lượng, tổng nhập khẩu bật lửa ga vào EU vẫn tương đối ổn định, tuy nhiên các nhà sản xuất/xuất khẩu Trung Quốc đã giảm xuất khẩu sản phẩm bị áp thuế chống bán phá giá ban đầu, tăng xuất khẩu sản phẩm mới. Theo đó, trong quá trình phân tích diễn biến, số liệu xem xét nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh, chúng ta cần xem xét cả tình hình xuất nhập khẩu của các sản phẩm tương tự có mã HS khác.

- Các nhà sản xuất/xuất khẩu Đài Loan đã không hợp tác với cơ quan điều tra trong vụ việc điều tra. Các giao dịch được báo cáo bởi các nhà nhập khẩu hợp tác trong quá trình điều tra không cho thấy hàng nhập khẩu được ký gửi từ Đài Loan. Cơ quan điều tra cho rằng hàng nhập khẩu từ Đài Loan không được thống kê trong số liệu thống kê về xuất khẩu của Đài Loan, nên được coi là có xuất xứ từ Trung Quốc và được trung chuyển qua Đài Loan. Bên cạnh đó, nguyên đơn đưa ra bằng chứng về việc làm giả giấy chứng nhận xuất xứ bật lửa dùng một lần được cho là từ Trung Quốc khai báo là có xuất xứ từ Đài Loan. Có thể thấy, việc không hợp tác với cơ quan điều tra dẫn đến bất lợi cho chính các nhà sản xuất/xuất khẩu Đài Loan bởi cơ quan điều tra sẽ sử dụng thông tin sẵn có bất lợi là những thông tin mà họ có thể tìm thấy từ các nguồn khác sẵn có, thường là từ đơn kiện của nguyên đơn, và thường gây bất lợi cho doanh nghiệp. Bởi vậy, trong quá trình điều tra, các doanh nghiệp nên hợp tác với cơ quan điều tra để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp nói riêng cũng như toàn ngành sản xuất trong nước nói chung.

- Nguyên nhân kinh điển của các vụ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp thường bắt đầu đến từ vấn đề giá cả. Trong vụ điều tra chống lẩn tránh, khi xem xét hiệu quả của lệnh áp thuế hiện hành, EU bao giờ cũng so sánh mức giá nhập khẩu của sản phẩm bị điều tra với mức giá được xác định trong cuộc điều tra trước đó mà tại đó các tác động có hại của việc bán phá giá đã được loại bỏ. Do đó các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề giá xuất khẩu khi bán hàng hoá tại thị trường EU.

2.3. Vụ vải sợi thuỷ tinh của Trung Quốc và Ai Cập[7]

Tháng 4/2020, EC đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cuối cùng đối với sản phẩm vải sợi thuỷ tinh (GFF) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ai Cập.  Ngày 3/11/2021, TECH-FAB Europe eV - hiệp hội các nhà sản xuất GFF ở EU đã nộp đơn yêu cầu điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với GFF nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Ai Cập thông qua hàng nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên đơn cáo buộc, sau khi áp đặt các biện pháp đối với GFF có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ai Cập, có sự thay đổi trong mô hình thương mại xuất phát từ việc chuyển GFF từ Thổ Nhĩ Kỳ sang EU sau khi được lắp ráp/hoàn thiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là bởi một công ty có tên Turkiz Composite. Ngày 14/12/2021, EC đã khởi xướng cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với GFF có xuất xứ từ Trung Quốc và Ai Cập, chuyển tải qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Turkiz Composite là công ty con thuộc Tập đoàn Vật liệu Xây dựng Quốc gia Trung Quốc (tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc). Turkiz Composite cùng 3 nhà sản xuất khác ở Thổ Nhĩ Kỳ (Saertex Turkey Tekstil Ltd Şti., Sonmez Asf Iplik Dokuma Ve Boya San Tic A. Ş., và Metyx Composites) đã nộp đơn xin loại trừ khỏi việc mở rộng lệnh áp thuế điều tra chống lẩn tránh. Cả 4 nhà sản xuất này đều hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong vụ việc điều tra.

Thời kỳ điều tra trong vụ điều tra chống lẩn tránh này được xác định từ ngày 1 tháng 1 năm 2019 đến ngày 30 tháng 6 năm 2021. Dữ liệu chi tiết hơn được thu thập trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 7 năm 2020 đến ngày 30 tháng 6 năm 2021 (thời kỳ báo cáo).

Ngày 6/9/2022, EC ra quyết định mở rộng lệnh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp áp dụng đối với GFF nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Ai Cập bị lẩn tránh qua Thổ Nhĩ Kỳ với các lập luận sau:

- Cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá

Thứ nhất, thay đổi mô hình thương mại: (i) Nhập khẩu GFF từ Trung Quốc giảm từ 43460 tấn trong năm 2019 xuống 33263 tấn trong thời kỳ báo cáo, nhập khẩu GFF từ Ai Cập giảm từ 11349 tấn trong năm 2019 xuống còn 3608 tấn. Trong khi đó, nhập khẩu GFF từ Thổ Nhĩ Kỳ tăng từ 2334 tấn trong năm 2019 lên 8367 tấn trong kỳ báo cáo. (ii) Số liệu cho thấy nhập khẩu sợi thuỷ tinh (nguyên liệu chính để sản xuất GFF) từ Ai Cập và Trung Quốc sang Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn điều tra tăng vọt. Một mặt tăng xuất khẩu GFF từ Thổ Nhĩ Kỳ sang EU và giảm xuất khẩu GFF từ Trung Quốc và Ai Cập sang EU, cùng với sự gia tăng đáng kể xuất khẩu sợi thủy tinh của Trung Quốc và Ai Cập vào Thổ Nhĩ Kỳ tạo nên sự thay đổi trong mô hình thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU theo quy định tại Điều 13(1) Quy định 2016/1036.

Thứ hai, không có lý do chính đáng hoặc lý giải về mặt kinh tế đủ để giải thích cho sự thay đổi xu hướng thương mại ngoài lý do là do lẩn tránh lệnh áp thuế đang có hiệu lực. Turkiz Composite có doanh số xuất khẩu cao hơn doanh số xuất khẩu được báo cáo của ba nhà sản xuất hợp tác khác của Thổ Nhĩ Kỳ cộng lại. Turkiz Composite cho biết việc thành lập ở Thổ Nhĩ Kỳ là do nhu cầu đáng kể đối với GFF ở Thổ Nhĩ Kỳ và nhu cầu gia tăng đối với GFF ở các nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên cơ quan điều tra đã bác bỏ lập luận này bởi lẽ doanh số xuất khẩu GFF của Turkiz Composite sang EU về cơ bản đã tăng lên đáng kể khi bắt đầu tăng dần xuất khẩu sang EU (thị trường xuất khẩu lớn nhất) từ tháng 5 năm 2020 và ngày bắt đầu sản xuất trùng với ngày bắt đầu điều tra ban đầu.

Thứ ba, hoạt động lắp ráp hoặc hoàn thiện bắt đầu kể từ khi bắt đầu cuộc điều tra ban đầu, theo yêu cầu của Điều 13(2) (a) Quy định 2016/1036. Cuộc điều tra ban đầu được khởi xướng vào ngày 21 tháng 2 năm 2019 và thuế chống bán phá giá cuối cùng được áp dụng vào ngày 1 tháng 4 năm 2020. Turkiz Composite chính thức được thành lập vào ngày 1 tháng 6 năm 2018 và bắt đầu sản xuất từ ​​tháng 3 năm 2019. Do đó, ngày bắt đầu sản xuất trùng với ngày bắt đầu điều tra nhập khẩu GFF từ Trung Quốc và Ai Cập. Hơn nữa, Turkiz Composite đã tăng đáng kể doanh số xuất khẩu trong thời kỳ điều tra, hầu như tất cả các nguyên liệu đầu vào và đặc biệt là 100% nguyên liệu đầu vào chính (sợi thủy tinh thô) được mua từ các công ty liên quan của công ty này ở Trung Quốc và Ai Cập.

 Thứ tư, về tỉ lệ giá trị các bộ phận. Nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất GFF là sợi thủy tinh. Turkiz Composite đã mua 100% sợi thủy tinh mà họ sử dụng từ các công ty liên quan ở Trung Quốc và Ai Cập. Thông qua quá trình may-đan (được xem là hoàn thiện ở Thổ Nhĩ Kỳ), những sợi thủy tinh này đã được sản xuất thành GFF. Về phía Turkiz Composite, nhà sản xuất này cho rằng việc sản xuất GFF từ sợi thủy tinh thô nhập khẩu không phải là 'lắp ráp các bộ phận’ theo quy định tại Điều 13(2) Quy định 2016/1036 và sợi thủy tinh không phải là các bộ phận mà là vật liệu theo Chú giải chi tiết (VII) - phần thứ hai của Quy tắc chung 2(a) giải thích Hệ thống hài hòa[8], miễn là các bộ phận được lắp ráp “không bị tác động bất kỳ hoạt động nào nữa để hoàn thành ở trạng thái hoàn thiện”. 

EC đã bác bỏ những lập luận này bởi lẽ: (i) Việc dẫn giải đến Chú giải chi tiết (VII) của phần thứ hai của Quy tắc chung 2 (a) giải thích Hệ thống hài hòa là không liên quan vì cơ sở pháp lý trực tiếp là Điều 13 Quy định 2016/1036 chứ không phải luật hải quan. (ii) Khi giải thích Điều 13(2) Quy định 2016/1036, Tòa án Công lý bắt đầu bằng cách nhắc lại rằng “theo án lệ đã được giải quyết, khi giải thích một điều khoản của luật EU, cần phải xem xét không chỉ từ ngữ mà còn bối cảnh mà nó xảy ra và mục tiêu mà quy định hướng đến”[9]. Quy định 2016/1036 không giải thích thuật ngữ "vận hành lắp ráp" hoặc "vận hành hoàn thiện". Tuy nhiên, Điều 13(2) của Quy định 2016/1036 được xây dựng hướng tới việc giải thích thuật ngữ “vận hành lắp ráp”, theo Điều 13(2) (b), cũng có nghĩa là bao hàm “hoạt động hoàn thành”. Theo đó, “hoạt động lắp ráp” theo nghĩa của Điều 13(2) không chỉ bao gồm các hoạt động lắp ráp các bộ phận của một sản phẩm tổng hợp, mà còn có thể liên quan đến quá trình gia công tiếp theo, tức là hoàn thiện sản phẩm. Ngoài ra, theo Tòa án Công lý, mục đích của các cuộc điều tra được tiến hành theo Điều 13 Quy định 2016/1036  là nhằm đảm bảo tính hiệu quả của thuế chống bán phá giá và ngăn chặn hành vi lẩn tránh[10]. Mục đích của Điều 13(2) Quy định 2016/1036 là để kiểm tra các hoạt động, quy trình hoặc công việc sử dụng chủ yếu các bộ phận từ quốc gia đang bị áp dụng biện pháp và lắp ráp hoặc hoàn thiện bằng cách thêm giá trị cho các bộ phận này. EC kết luận rằng tiêu chí 60% nêu tại Điều 13(2) (b) của Quy định 2016/1036 đã được đáp ứng.

Thứ năm, về giá trị gia tăng của các bộ phận trong quá trình lắp ráp hoặc hoàn thiện so với chi phí sản xuất. Phía Turkiz Composite cho rằng chi phí giá trị gia tăng của sản phẩm trên 25% tổng chi phí sản xuất. Các khoản mục chính trong việc tính toán giá trị gia tăng bao gồm chi phí khấu hao, chi phí thuê, chi phí vật liệu đóng gói, chi phí nhân công trực tiếp, gián tiếp và chi phí gián tiếp sản xuất khác. EC cho rằng một số chi phí phát sinh không thể được phân loại là một phần của chi phí sản xuất hoặc đã được tính quá cao: (Chi phí thuê được giảm xuống bằng cách không bao gồm chi phí thuê liên quan đến diện tích văn phòng, dựa trên tỷ lệ mét vuông trên tổng số mét vuông; Chi phí vật liệu đóng gói đầy đủ đã được trừ khỏi chi phí giá trị gia tăng do EC cho rằng vật liệu đóng gói này là vật liệu đóng gói thứ cấp và là chi phí bán hàng; Chi phí tiền lương của bộ phận nhân sự và bộ phận đóng gói đã được tính vào chi phí nhân công sản xuất, EC cho rằng đây là chi phí quản lý doanh nghiệp…).

EC cho rằng, Turkiz Composite tìm nguồn cung cấp các nguyên liệu đầu vào và đặc biệt 100% nguyên liệu đầu vào chính (sợi thủy tinh) từ các công ty liên quan ở Trung Quốc và Ai Cập. Không có bằng chứng khẳng định nào được đưa ra bởi Turkiz Composite chứng minh rằng những mức giá này là giá thị trường và không bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ thay vì là giá chuyển nhượng giữa các công ty liên quan. Mặt khác, EC nhận thấy rằng những mức giá này thấp hơn đáng kể so với giá mà ba nhà sản xuất xuất khẩu hợp tác khác của Thổ Nhĩ Kỳ trả cho các nhà cung cấp độc lập trong thời kỳ báo cáo.

Bằng cách điều chỉnh chi phí sản xuất được báo cáo và thay thế giá mua sợi thủy tinh, giá trị gia tăng trung bình do đó thiết lập trong thời kỳ báo cáo được kết luận là dưới 25% theo quy định tại Điều 13(2) (b) Quy định 2016/1036. Do đó, EC kết luận rằng giá trị gia tăng cho các bộ phận mang lại, trong quá trình lắp ráp hoặc hoàn thiện, thấp hơn 25% chi phí sản xuất.

Thứ sáu, giảm hiệu quả khắc phục của lệnh áp thuế ban đầu liên quan tới giá cả và số lượng của các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ thuộc đối tượng điều tra. (i) Về lượng, thị phần nhập khẩu của EU từ Thổ Nhĩ Kỳ chiếm hơn 4% trong thời kỳ báo cáo. (ii) Về giá: EC đã so sánh giá trung bình không gây thiệt hại được thiết lập trong cuộc điều tra ban đầu với giá CIF xuất khẩu bình quân gia quyền được xác định trên cơ sở thông tin do Turkiz Composite cung cấp, được điều chỉnh hợp lý, bao gồm chi phí sau thông quan. So sánh giá này cho thấy hàng nhập khẩu từ Turkiz Composite bán thấp hơn 10% so với giá thông thường của các nhà sản xuất ở EU.

Thứ bảy, bằng chứng về hành vi bán phá giá theo Điều 13(1) của Quy định 2016/1036. EC so sánh giá xuất khẩu của Turkiz Composite với giá thông thường được tính toán trong cuộc điều tra ban đầu. So sánh giá thông thường và giá xuất khẩu, EC kết luận GFF nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ được bán phá giá trong thời kỳ báo cáo.

Ba nhà sản xuất /xuất khẩu hợp tác được xác nhận là các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ “chân chính”, không tham gia vào hoạt động chuyển tải hoặc các hoạt động lẩn tránh khác, do đó được loại trừ áp dụng các biện pháp mở rộng. Turkiz Composite được kết luận có liên quan đến các hoạt động lẩn tránh thuế nên nhà sản xuất này không được loại trừ áp dụng các biện pháp mở rộng theo Điều 13(4) Quy định 2016/1036 và chịu mức thuế mở rộng 69% như các nhà sản xuất khác ở Trung Quốc.

 

 


[6] Nguồn: https://eur-lex.europa.eu/eli/reg/1999/192/oj

[7] Nguồn: https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A32022R1477&qid=1666635422576

[8] Nguồn: https://www.customslegaloffice.com/global/general-rules-of-interpretation-rule-2gri2/

[9] Nguồn: Judgment of 12 September 2019, Commission v Kolachi Raj Industrial, C-709/17 P, ECLI:EU:C:2019:717, para. 82 and the case-law cited.

[10] Nguồn: Judgment of 8 June 2022, Guangxi Xin Fu Yuan Co. Ltd v European Commission, T-144/20, ECLI:EU:T:2022:346, para. 59 and the case-law cited.

Tin tức khác