Kinh nghiệm của Hoa Kỳ và EU về điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp PVTM. Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6 năm 2021, Hoa Kỳ đã điều tra tổng cộng 1.137 vụ việc và áp dụng 774 biện pháp PVTM. Hoa Kỳ đã điều tra 41 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Một số biện pháp PVTM mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được rà soát định kỳ và có được kết quả tích cực. Đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa, tháng 3 năm 2021, Hoa Kỳ đã ra kết luận cuối cùng của kỳ rà soát lần thứ 16, trong đó đã có tổng cộng 8 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được Hoa Kỳ kết luận là không bán phá giá. Tháng 3 năm 2022, Hoa Kỳ ra kết luận cuối cùng của kỳ rà soát hành chính lần thứ 17 và có thêm 01 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được kết luận không bán phá giá. Đối với mặt hàng ống thép dẫn dầu, sau kỳ rà soát lần thứ 3, doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam cũng được kết luận là không bán phá giá. Đối với mặt hàng lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ) được kết luận là không bán phá giá. Trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá với mật ong, tháng 03 năm 2022, Hoa Kỳ đã ra kết luận cuối cùng của vụ việc với mức thuế giảm mạnh gần 7 lần so với mức thuế sơ bộ được ban hành vào tháng 11 năm 2021, từ mức 410,93% - 413,99% trong kết luận sơ bộ xuống còn 58,74% - 61,27%. Ngoài ra, trong năm 2021, Hoa Kỳ cũng ra quyết định áp dụng/gia hạn biện pháp CBPG với một số sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, như ống đồng, túi PE.

 

Đáng lưu ý, trong 02 vụ điều tra năm 2016 đối với thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS) nhập khẩu từ Việt Nam, DOC đã kết luận rằng Việt Nam sử dụng thép cán nóng (HRC) và/hoặc CRS nhập khẩu từ Trung Quốc để làm nguyên liệu chính sản xuất sản phẩm bị điều tra. Tuy nhiên, việc sản xuất này không được coi là “chuyển đổi đáng kể” do quá trình sản xuất tại Việt Nam chỉ thêm một phần nhỏ trong tổng trị giá sản phẩm CORE và CRS xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Theo đó, DOC kết luận có sự lẩn tránh thuế và sản phẩm thép CORE và CRS xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng phải chịu mức thuế CBPG và CTC đang áp dụng với Trung Quốc. Đặc biệt, kết luận trên của DOC đi ngược lại với quyết định trong nhiều vụ việc trước đây của cơ quan này khi cho rằng sản xuất thép CORE và CRS từ HRC và/hoặc CRS là sự chuyển đổi đáng kể. Như vậy, trong 02 vụ việc này, DOC đã thay đổi kết luận mang tính tiền lệ trước đây để ra quyết định có sự lẩn tránh thuế. Bên cạnh đó, do quy định/thông lệ của Hoa Kỳ là sẽ áp mức thuế chống lẩn tránh chung cho tất cả các doanh nghiệp dù doanh nghiệp có hợp tác hay không hợp tác vì vậy, các doanh nghiệp hợp tác sẽ rất thiệt và không được hưởng mức thuế thấp hơn kể cả họ có hợp tác.

Căn cứ kết luận trên của DOC, ngành sản xuất Hoa Kỳ đã nộp đơn đề nghị DOC khởi xướng điều tra 2 vụ việc tiếp theo nhằm vào nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan (khởi xướng 7/2018) trên cơ sở cáo buộc rằng khả năng Việt Nam sản xuất thép cán nóng là rất thấp và chủ yếu phải nhập khẩu nên các nhà sản xuất thép Đài Loan, Hàn Quốc đã tận dụng cơ hội để xuất khẩu ồ ạt thép cán nóng sang Việt Nam, thay thế cho thép cán nóng Trung Quốc. Trong hai vụ việc mới này, nguyên đơn đều viện dẫn đến kết luận cuối cùng của DOC trong hai vụ việc trước đây là quá trình sản xuất từ thép cán nóng nhập khẩu – nguyên liệu chính – sang CRS và CORE tại Việt Nam là “không đáng kể” và do đó có sự lẩn tránh thuế CBPG, CTC. Vì vậy, với tiền lệ trong vụ việc trước, DOC có khả năng cao kết luận rằng có sự lẩn tránh thuế CBPG, CTC từ Hàn Quốc và Đài Loan.

2.2. Liên minh châu Âu (EU)

Theo số liệu của WTO, tính đến hết năm 2018, EU đã khởi xướng điều tra 502 vụ CBPG, 79 vụ CTC, là một trong ba Thành viên tích cực điều tra CBPG, CTC nhất trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Ấn Độ (888 vụ CBPG, 3 vụ CTC) và Canada (524 vụ CBPG, 65 vụ CTC). Trong tổng số 502 vụ CBPG mà EU khởi xướng, có 325 vụ có kết luận cuối cùng áp thuế, sau Ấn Độ (656 vụ) và Hoa Kỳ. Trong tổng số 79 vụ CTC mà EU khởi xướng, có 38 vụ có kết luận cuối cùng áp thuế, chỉ sau Hoa Kỳ. Đáng lưu ý là, EU điều tra và áp dụng biện pháp CBPG nhiều nhất đối với đối với Trung Quốc (132 vụ khởi xướng trong đó có 95 vụ có quyết định áp thuế), điều tra CTC nhiều nhất đối với Ấn Độ (21 vụ) và sau đó là Trung Quốc (12 vụ) và áp dụng biện pháp CTC nhiều nhất đối với Ấn Độ (21 vụ) và Trung Quốc (6 vụ).

Đối với Việt Nam, hiện nay EU chỉ đang áp dụng biện pháp PVTM với duy nhất sản phẩm thép (biện pháp TV).


Trong năm 2021, EU không điều tra cũng như áp dụng biện pháp PVTM mới nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đối với biện pháp TV đối với sản phẩm thép, năm 2021, EU đã tiến hành rà soát cuối kỳ. Trên cơ sở đó, EU đã ra quyết định gia hạn biện pháp TV theo hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ) thêm 03 năm. Theo đó, Việt Nam tiếp tục bị áp dụng TRQ chung với các nước khác theo từng quý đối với các sản phẩm thép nhóm 2 (thép tấm cán nguội); nhóm 5 (thép mạ, phủ, tráng); nhóm 9 (thép tấm không gỉ); nhóm 24 (ống thép đúc). Đối với các nhóm sản phẩm thép khác, Việt Nam được loại trừ theo tiêu chí nước đang phát triển có thị phần nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%).

            EU lần đầu tiên khởi xướng điều tra CBPG, CTC vào năm 1987. Với số lượng vụ việc điều tra CBPG, CTC nhiều thứ 3 trên thế giới tính đến hết năm 2018 như đã đề cập trên đây, EU cũng là Thành viên WTO điều tra chống lẩn tránh thuế tích cực nhất trên thế giới. Đặc biệt, số vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG luôn lớn hơn nhiều so với số vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế CTC (ví dụ, trong khoảng thời gian từ 1995-2012, có 34 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG trong khi chỉ có 3 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế CTC[1]). Mặc dù nhiều cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế đã được khởi xướng, tuy nhiên không nhiều vụ việc có kết quả mở rộng áp thuế.

Như trên đã phân tích, một số vụ việc cụ thể liên quan như:

- Thay đổi xu hướng thương mại: có thể xảy ra các trường hợp:

+Tăng lượng nhập khẩu: Sự tương quan giữa việc giảm lượng nhập khẩu hàng hóa chịu thuế chống bán phá giá và việc tăng lượng nhập khẩu hàng hóa thay thế (hàng hoá lẩn tránh). Ví dụ: Trong vụ việc Bộ phận xe đạp (Trung Quốc), lượng nhập khẩu khung xe đạp (bộ phận chính của xe đạp) được sử dụng để lắp ráp tại EU tăng 139% trong khi lượng xe đạp nhập khẩu giảm 98% trong cùng giai đoạn.

Trong vụ việc Belarus sợi PSF (1997)[2], sợi PSF nhập khẩu (polyester staple fibre) từ Belarus (bị áp thuế chống bán phá giá) đã gần như bị thay thế hoàn toàn bởi sợi PFT (polyester filament tow) nhập khẩu từ nước đó. EC đã điều tra lượng nhập khẩu PFT so với tổng lượng nhập khẩu PFT và PSF. PFT tăng từ khoảng 1% chỉ sau khi bắt đầu vụ việc điều tra CBPG năm 1994 lên đến 99,27% vào cuối thời kỳ điều tra năm 1997. Công ty có liên quan bình luận rằng không có thay đổi về xu hướng thương mại do nhập khẩu PFT chưa đạt tới lượng nhập khẩu về tuyệt đối so với PSF năm 1994. Tuy nhiên, EC giải thích rằng “không nhất thiết sự thay thế phải đạt đến mức độ nhập khẩu cao nhất mà sản phẩm thay thế từng đạt đến trong một phân khúc cụ thể trong thời kỳ […] miễn là có xu hướng thay thế rõ ràng và ổn định trong một thời kỳ kéo dài.”[3]

Trong vụ Đĩa từ[4], thị phần tại EU của hàng lắp ráp/chuyển tải từ các nước bị điều tra tang từ 21% trong năm trước khi áp biện pháp CBPG lên 36% vào năm sau đó. Trong cùng thời kỳ này, thị phần của hàng bị áp thuế CBPG từ những nước này giảm từ 20% xuống 4%, điều này cho thấy sự thay đổi xu hướng thương mại giữa EU và những nước liên quan.

Trong vụ Bật lửa ga Trung Quốc, lượng nhập khẩu bật lửa sử dụng 1 lần giảm 127 triệu cái và được thay thế gần như hoàn toàn bởi sự gia tăng bật lửa có thể nạp ga (đều từ Trung Quốc) với lượng là 121 triệu cái. Tuy nhiên, để đảm bảo rằng sự gia tang bật lửa có thể nạp ga này không bao gồm các sản phẩm bật lửa đắt tiền hơn, EC đã so sánh đơn giá của sản phẩm này trong các giai đoạn khác nhau, theo đó đơn giá năm 1993 (khi cuộc rà soát biện pháp CBPG ban đầu được tiến hành) là 0,37 đồng, năm 1994 là 0,19 đồng và 1997 là 0,10 đồng. Số liệu này cho thấy bật lửa ga có thể nạp ga nhưng chỉ sử dụng 1 lần  chiếm phần lớn nhập khẩu bật lửa ga có thể nạp ga từ năm 1994 trở đi.[5]Bên cạnh đó, có cáo buộc về việc bật lửa ga sử dụng một lần (sản phẩm bị áp thuế CBPG) được chuyển tải thông qua Đài Loan để vào EU, với sự gia tang từ 7,5 triệu cái (1994) lên 37 triệu cái (1995), sau đó giảm vào năm 1996 và 1997 còn 16 triệu cái nhưng EC vẫn kết luận rằng bật lửa từ Trung Quốc đã một phần được thay thế bởi bật lửa Đài Loan vì thế có sự thay đổi xu hướng thương mại giữa Trung Quốc, Đài Loan và EU.[6]

Ngoại trừ trong vụ việc điều tra với xe nâng hàng kê bằng tay từ Trung Quốc lẩn tránh qua Thái Lan, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục tăng đáng kể và hàng nhập từ Thái Lan cũng tăng. Tuy nhiên, EC lý giải rằng sự gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc đến từ duy nhất 1 công ty có biên độ phá giá thấp nhất.

Lưu ý rằng sự thay đổi về xu hướng thương mại có thể xảy ra nhiều năm sau khi áp thuế CBPG, CTC ban đầu, ví dụ trong vụ Kim loại silicon từ Trung Quốc, thuế CBPG được áp từ năm 1992 nhưng sự thay đổi về xu hướng thương mại được đánh giá trong giai đoạn 2002-2006.

Trong trường hợp lẩn tránh qua nước thứ 3, xuất khẩu sản phẩm/linh kiện từ nước bị áp thuế CBPG/CTC (nước X) sang nước thứ 3 cũng được đánh giá cùng giai đoạn với giai đoạn đánh giá xu hướng nhập khẩu vào EU. Ví dụ, trong vụ Giày mũ da từ Trung Quốc qua Macao, EC chú ý rằng trong thời kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế, dân số của Macao là 0,5 triệu người nhưng đã nhập khẩu 4,5 triệu đôi giày từ Trung Quốc.

+ Sự thay đổi của sản phẩm: sửa đổi nhỏ các đặc tính của sản phẩm để khiến sản phẩm thuộc phân loại mã hải quan mà không chịu lệnh áp thuế CBPG/CTC (với điều kiện sự thay đổi này không làm thay đổi đặc điểm chủ yếu của sản phẩm). Ví dụ: Trong vụ bật lửa ga (Trung Quốc)[7], nhà sản xuất đã thêm chức năng có thể nạp ga vào bật lửa để sản phẩm này được phân loại vào nhóm bật lửa có thể nạp ga khi thông quan (nhằm tránh thuế áp với bật lửa ga không thể nạp lại ga). Trong vụ PSF từ Belarus (như đã nêu ở trên), PFT bắt đầu được xuất khẩu sang EU sau khi áp thuế tạm thời với PSF, việc thay đổi PFT từ PSF chỉ cần hoạt động cắt đơn giản. Trong vụ kẽm oxit từ Trung Quốc (AD): kẽm oxit trộn với silica được xuất khẩu sang EU sau khi có lệnh áp thuế với kẽm oxit từ Trung Quốc. Trong vụ Biodiesel từ Hoa Kỳ (CBPG và CTC): sau khi áp dụng biện pháp, hỗn hợp biodiesel không thuộc phạm vi áp thuế đã được xuất khẩu sang EU.

+ Chuyển tải có hoặc không thay đổi sản phẩm: việc vận chuyển sản phẩm bị áp thuế thông qua nước thứ 3, ví dụ vụ Giày mũ da từ Trung Quốc (AD): chuyển tải thông qua Macao; kim loại silicon từ Trung Quốc (AD): chuyển tải qua Hàn Quốc; Coumarin từ Trung Quốc (AD): chuyển tải qua Ấn Độ.

+ Xuất khẩu thông qua công ty với mức thuế thấp: việc các nhà sản xuất/xuất khẩu sắp xếp lại cách thức và kênh bán hàng ở nước bị áp thuế để xuất khẩu sản phẩm sang EU thông qua các nhà sản xuất hưởng lợi từ mức thuế riêng rẽ thấp hơn mức áp cho sản phẩm của các nhà sản xuất khác. Ví dụ: vụ túi nhựa từ Trung Quốc (AD): biện pháp áp năm 2006. Một công ty chịu mức thuế 8,4% đã được phát hiện là xuất khẩu túi nhựa sản xuất bởi 2 công ty chịu mức thuế 28,8%.

Do pháp luật không quy định, nên các kết luận này không thể cho phép kết luận về mức độ thay đổi xu hướng thương mại như thế nào để tiến hành điều tra, tuy nhiên ít nhất cũng cho phép chúng ta hiểu một cách tương đối.

- Không đủ lý do chính đáng và lý giải về mặt kinh tế để giải thích cho việc thay đổi xu hướng thương mại ngoài lệnh áp thuế

+ Nguyên nhân của việc thay đổi xu hướng thương mại được phân tích dựa trên cơ sở lợi ích chi phí (cost- benefit) và được phân tích trong các trường hợp cụ thể. Ví dụ: Trong vụ việc Vòng khuyên kim loại Ring binder mechanisms RBM (Trung Quốc), sau khi áp thuế, EU đã nhập khẩu sản phẩm RBM có thay đổi nhỏ và tiết kiệm nguyên liệu không đáng kể (chỉ khoảng 2%). Bất kỳ khoản tiết kiệm nào trong tiêu thụ nguyên liệu thô thì cũng chỉ đủ bù cho chi phí phát sinh khi phải thay đổi máy móc. Ngoài ra, sản phẩm RMB thay đổi chỉ được bán cho EU và chủ yếu là cho 1 khách hàng (mà yêu cầu việc sửa đổi sản phẩm), điều này ngầm ý rằng họ chỉ có 1 khách hàng duy nhất.

Trong vụ việc Bộ phận xe đạp (Bicycle parts) (Trung Quốc), [8] các nhà lắp ráp cho rằng quá trình lắp ráp tại EU là do việc ngừng áp thuế nhập khẩu ưu đãi GSP đối với xe đạp nhập khẩu xuất xứ từ Trung Quốc chứ không phải do lệnh áp thuế CBPG (lý do về mặt lợi thế kinh tế). Tuy nhiên, EC đã bác bỏ lập luận này và cho rằng việc thay đổi GSP chỉ là tạm thời và việc lắp ráp tại EU có hạn chế lớn về chi phí vận chuyển.

Trong vụ việc sợi PSF từ Belarus, việc cắt PFT thành PSF tại EU làm phát sinh chi phí lao động và chi phí đóng gói cao và không được bù bởi bất kỳ khoản tiết kiệm chi phí nào. Nếu nhập khẩu sợi PFT có lợi ích liên quan đến chi phí thì PFT đáng lẽ đã được nhập khẩu trước khi áp biện pháp CBPG nhưng lượng nhập khẩu trước đó là không đáng kể. Việc nhà xuất khẩu Belarus tiếp tục xuất khẩu PSF sang thị trường khác (và không xuất khẩu PFT) cho thấy rằng không có lợi ích về mặt kinh tế khi xuất khẩu PFT.[9]

Vụ việc Bật lửa ga Trung Quốc cũng tương tự vụ Sợi Belarus, EC xem xét điều gì đã xảy ra liên quan đến các thị trường xuất khẩu và nhập khẩu khác của hàng hoá tương tự và thấy rằng sự thay đổi xu hướng thương mại giữa EU và Trung Quốc (với cả 2 sản phẩm bật lửa ga dùng 1 lần và bật lửa ga có thể nạp ga) không dẫn đến xu hướng tương tự trong nhập khẩu từ các nước khác. Vì vậy, nếu có bất kỳ lý do nào ngoài lý do lệnh áp thuế CBPG thì đã có thể cũng dẫn tới sự thay đổi xu hướng thương mại từ các thị trường khác. Ngoài ra, EC lập luận rằng sự gia tăng lượng bán sản phẩm bật lửa ga có thể nạp ga (sản phẩm bị điều tra chống lẩn tránh) đáng lẽ phải dẫn tới việc giảm tổng lượng bán bật lửa tại EC nhưng trên thực tế không có sự suy giảm này, do đó EC kết luận rằng bật lửa có thể nạp ga của Trung Quốc trên thực tế đã được sử dụng như là bật lửa dùng 1 lần và không được nạp lại. Ngoài ra, trong marketing và phân phối, bật lửa này cũng được coi như bật lửa dùng 1 lần. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 2 đồng/năm để nạp ga. Một dấu hiệu nữa cho thấy là sản phẩm của Trung Quốc chưa có sự thay đổi về thiết kế cơ bản nào kể từ khi bắt đầu sản xuất 10 năm trước đó, cho tới khi bổ sung thêm van nạp ga cho sản phẩm xuất sang thị trường EU.[10]

Trong vụ việc Graphite electrode systems từ Ấn Độ (AD và CVD): nhà sản xuất Ấn Độ bắt đầu bán cho công ty liên quan của mình tại Đức bán thành phẩm/linh kiện. EC cho rằng: việc mua hàng của công ty liên quan tại Đức không phải là do biện pháp áp thuế do phải đầu tư nhiều; Công ty liên quan tại Đức chưa bao giờ sản xuất linh kiện/bán thành phẩm mà chủ yếu mua từ ngoài và do đó việc công ty mua những nguyên liệu này từ công ty mẹ tại Ấn Độ là hợp lý; Sự chênh lệch về chi phí sản xuất giữa Đức và Ấn Độ không phải đáng kể và việc thuận lợi nhỏ về chi phí sản xuất toàn bộ sản phẩm ở Ấn Độ không bằng với các thuận lợi khác ví dụ như việc hoàn thiện sản phẩm ở Đức và bán dưới nhãn mác 1 công ty Đức và có thể cung cấp một phạm vi sản phẩm rộng từ nhà máy ở Đức.

+ Nếu sự việc chỉ bắt đầu sau khi áp thuế, có thể coi thay đổi xu hướng thương mại là do biện pháp thuế.

Khả năng phản biện lại giả thiết trên:

Ví dụ:  Trong vụ Kẽm Oxit (Zinc Oxides) (Trung Quốc), EC thấy rằng có sự thay đổi rõ ràng về xu hướng thương mại vì hàng xuất khẩu từ Trung Quốc giảm trong khi hàng xuất khẩu từ Kazakhstan tăng kể từ khi áp thuế CBPG. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu từ Kazakhstan chỉ được nhập từ 1 nhà nhập khẩu EU và không có kẽm oxit hay nguyên liệu thô để sản xuất kẽm oxit được mua từ Trung Quốc. Công ty này vì vậy đã được coi là một nhà sản xuất trung thực và việc thẩm tra cho thấy công ty có khả năng sản xuất kẽm oxit bán cho EU. Không có sự chuyển hàng được thực hiện. Kết luận: Không có lý giải thích kinh tế hợp lý ngoài thuế CBPG cho sự thay đổi xu hướng thương mại này.

Những ví dụ trên cho thấy EC sẽ xem xét rất nhiều yếu tố khác nhau để phân tích vấn đề này. Các yếu tố quan trọng có thể đơn thuần là lý do kinh tế hoặc vấn đề thực tiễn và phương pháp điều tra có thể là sử dụng số liệu thống kê, ý kiến chuyên gia để nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đưa ra các phép thử. Và EC sẽ có quyền quyết định trong việc yếu tố nào là hợp lý, lập luận nào là chấp nhận được.

- Bằng chứng về hành vi bán phá giá

Trong vụ Ống thép và phụ kiện (Tube and Pipes Fittings) (Trung Quốc), EC chỉ rõ rằng Luật chống bán phá giá của EU chỉ quy định việc xác định chứng cứ về hành vi bán phá giá trong mối liên hệ với trị giá thông thường được xác định trong cuộc điều tra ban đầu, và không quy định cần xác định biên độ bán phá giá mới.

Trong vụ sợi PSF Belarus, để xác định liệu có bằng chứng sợi PFT từ Belarus có phá giá hay không, cơ quan điều tra sử dụng giá nhà nhập khẩu mua sợi PFT từ Belarus (giá ĐU- giao hàng chưa trả thuế) làm giá gốc. Để so sánh với giá trị thông thường tính toán cho sợi PSF trong vụ điều tra ban đầu, cơ quan điều tra tính toán và cộng thêm chi phí cắt từ sợi PFT sang PSF tại EU để tính ra giá PSF. Từ giá này, trừ đi chi phí vận chuyển, phụ phí xếp dỡ hàng hoá, chi phí tín dụng để tính ra mức giá CIF EU cho sợi PSF. Giá này lại được tính toán để ra được mức giá FOB Belarus bằng cách trừ đi chi phí vận chuyển và xếp dỡ từ Belarus đến biên giới EU và trừ đi lợi nhuận của các bên trung gian. Sau đó tính toán sự chênh lệch giữa giá FOB Belarus và giá trị thông thường (giá FOB Đài Loan- là mức giá thay thế để tính giá trị thông thường trong vụ việc ban đầu)/ giá CIF EU của sợi PSF.

- 1 trong các điều kiện xem xét việc lắp ráp tại EU hoặc tại nước thứ 3 là hành vi lẩn tránh thuế: Có sự bắt đầu gia tăng hoặc gia tăng đáng kể về hoạt động lắp ráp kể từ khi hoặc ngay trước khi khởi xướng điều tra CBPG

Ví dụ: trong vụ đĩa từ (Magnetic Disks) (Đài Loan, Trung Quốc), vụ việc được kết luận rằng điều kiện này đã được đáp ứng vì: (i) Lượng bán hàng của đĩa từ lắp ráp tại EU bắt đầu ngay sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, (ii) Lượng bán hàng tăng 270% và (iii) Công suất lắp ráp trong EU tăng tương tự.

Trong vụ Đèn compact fluorescent từ Trung Quốc, EC đã phát hiện ra một công ty từ Pakistan đã được đăng ký sau khi khởi xướng điều tra vụ việc ban đầu, bắt đầu hoạt động sau khi áp thuế tạm thời; và nhập khẩu bán thành phẩm từ công ty liên quan tại Trung Quốc và thậm chí là không có máy móc để tiến hành sản xuất.

- Làm giảm tác động của biện pháp

+ Về giá: Trong vụ PSF từ Belarus, CQĐT xác định liệu tác động khắc phục của mức thuế bị giảm tác động về giá. Theo đó, CQĐT so sánh giá bán trung bình sợi PSF cắt từ sợi PFT của Belarus tại EU trong giai đoạn điều tra, và giá xuất khẩu “không phá giá” sang EU của sợi PSF xuất xứ từ Belarus được tính toán trong vụ việc điều tra ban đầu. Giá này được tính toán là giá CIF EU trên cơ sở giá xuất khẩu được tính toán trong vụ việc điều tra ban đầu, cộng với mức thuế nhập khẩu và thuế CBPG. Giá bình quân gia quyền của sợi PSF cắt từ sợi PFT cũng được tính kèm theo sự điều chỉnh để đảm bảo rằng 2 giá này so sánh cùng mức (CIF EU), theo đó, những khoản giảm giá, chi phí bán hàng, chi phí chung và chi phí hành chính (SG&A) và chi phí vận chuyển trong EU (mà không có trong chi phí SG&A) được trừ đi. 2 mức giá này so sánh với nhau để tính xem giá sợi PSF cắt từ sợi PFT thấp hơn giá không bán phá giá như thế nào để chứng minh việc làm giảm tác động của biện pháp. Tổng mức giảm tác động được tính là tỷ lệ % của tổng trị giá nhập khẩu PSF (giá CIF, tại mức giá không bán phá giá). Trong vụ việc này, giá bán trung bình của sợi PSF cắt từ PFT thấp hơn giá xuất khẩu của sợi PSF nhập khẩu từ Belraus là 19,45%.[11]

Trong vụ Xe đạp Trung Quốc, hơn 90% lượng bán xe đạp lắp ráp (sản phẩm bị điều tra) có mức giá thấp hơn giá xuất khẩu không phá giá trung bình là 14,5%.[12]

Trong vụ Bật lửa ga Trung Quốc, giá trung bình của sản phẩm bật lửa ga có thể nạp ga của Trung Quốc (sản phẩm bị điều tra chống lẩn tránh) được so sánh với giá xuất khẩu không phá giá và với giá của tất cả bật lửa ga có thể nạp ga bán tại EU.[13]

+ Về lượng: Số liệu cả 3 vụ trên cho thấy có sự thay thế giữa sản phẩm bị điều tra ban đầu với sản phẩm lẩn tránh và do đó đủ để chứng minh điều kiện này. Trong vụ việc Bật lửa ga liên quan đến việc chuyển tải sản phẩm của Trung Quốc thông qua Đài Loan, lượng nhập khẩu thấp hơn 3 vụ kia (lượng nhập từ Đài Loan chỉ chiếm 2,5% tổng lượng bật lửa dùng 1 lần (bao gồm cả bật lửa có thể nạp ga của Trung Quốc) tại EU và 4,8% tổng lượng nhập khẩu trong thời kỳ điều tra. Tuy nhiên, vào 1 số thời điểm thì chiếm 10% tổng lượng nhập và 6% lượng tiêu thụ của EU. Số liệu này được so sánh với lượng nhập khẩu của năm trước năm khởi xướng điều tra (tương ứng là 0,3% và 1,1%).

Tuy nhiên trong vụ Đĩa từ (bị cáo buộc chuyển tải qua Canada, Ấn Độ, Philippines và Singapore) và vụ Bật lửa bỏ túi Trung Quốc (bị cáo buộc chuyển tải qua Hong Kong), EC đã kết luận không có sự suy giảm biện pháp về mặt lượng. Theo đó, trong vụ Đĩa từ, tổng thị phần của 4 nước này chỉ chiếm 2,8% lượng tiêu thụ của EU trong thời kỳ điều tra. Thông thường thiệt hại sẽ được coi là không đáng kể nếu các nước liên quan chiếm dưới 3% lượng tiêu thụ của EU, do đó, lượng nhập khẩu trên được coi là không có khả năng làm giảm hiệu quả của biện pháp CBPG về mặt lượng .[14] Trong vụ Bật lửa bỏ túi, lượng nhập khẩu từ Hong Kong chiếm 2% tổng lượng nhập khẩu vào EU trong thời kỳ điều tra vụ việc CBPG (bao gồm cả bật lửa nạp ga của Trung Quốc). EC cũng xem xét mức độ hang nhập khẩu từ Hong Kong thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc như thế nào. Lượng nhập khẩu từ Hong Kong trong thời kỳ điều tra chống lẩn tránh chiếm 4,1% lượng nhập khẩu từ Trung Quốc (trước khi lẩn tránh xảy ra). Do đó EC quyết định chấm dứt điều tra với Hong Kong do cho rằng kể cả nếu việc suy giảm hiệu quả biện pháp CBPG xảy ra thì cũng không đáng kể.[15]

Mặc dù tỷ lệ lượng nhập khẩu của sản phẩm lẩn tránh so với tổng lượng nhập khẩu vào EU trong thời kỳ điều tra không phải là yếu tố duy nhất để xác định liệu có sự suy giảm hiệu quả về lượng hay không nhưng có lẽ đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Và cũng do phân tích yếu tố này mà có thể phân biệt được thế nào được coi là mức gây thiệt hại và mức chấp nhận được (trong những vụ việc nêu trên thì con số là từ 2-4,8% tổng lượng nhập khẩu). Điều này có thể không phải là vô tình vì tương ứng với quy định tại Điều 5.8 ADA (lượng nhập khẩu hàng phá giá thông thường được coil à không đáng kể nếu lượng nhập khẩu từ một nước chiếm ít hơn 3% lượng nhập khẩu sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu), do đó trong khoảng 3% thì được coi là giới hạn chấp nhận được. Tuy nhiên, đối với vấn đề về giá, khó có thể đưa ra kết luận.

Mặc dù trong 2 vụ việc nêu trên trong đó EC chấm dứt điều tra do không có sự suy giảm hiệu quả về lượng và không xem xét liệu có sự suy giảm hiệu quả về giá hay không. Tuy nhiên, với các vụ còn lại, EC xem xét liệu cả 2 yếu tố có xảy ra hay không. Mặc dù luật quy định chỉ cần xem xét 1 trong 2 yếu tố, nhưng thực tiễn điều tra cho thấy, CQĐT có xu hướng xem xét cả 2 yếu tố (có thể là nếu chỉ có 1 yếu tố về lượng mà không có yếu tố về giá thì không đủ hợp lý lắm để chứng minh về thiệt hại).

- Các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế đối với Việt Nam từ EU

Đối với Việt Nam, đến nay, EU đã điều tra 6 vụ chống lẩn tránh thuế, trong đó có 5 vụ việc có kết luận cuối cùng mở rộng áp thuế CBPG đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam do lẩn tránh thuế CBPG đã áp với Trung Quốc, một vụ việc gần đây nhất là vụ việc điều tra lẩn tránh thuế CBPG đối với xe nâng hàng bằng tay có kết luận cuối cùng không lẩn tránh thuế CBPG. Tất cả các vụ việc đều liên quan tới các vụ việc điều tra CBPG ban đầu đối với Trung Quốc. Hiện nay, 05 vụ việc có kết luận lẩn tránh thuế đều đã hết hiệu lực áp thuế.

Bảng 3. Các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế đối với Việt Nam từ phía EU

STT

Sản phẩm

Tình trạng

Nước liên quan

Ngày khởi xướng

Kết luận cuối cùng

Ngày ra kết luận cuối cùng

1

Xe nâng hàng bằng tay (Hand pallet truck)

Kết thúc

Trung Quốc

19/7/2017

Không lẩn tránh thuế

22/2/2018

2

Bật lửa ga (gas lighters)

Hết hạn áp thuế

Trung Quốc

26/6/2012

Mở rộng áp thuế, mức thuế 0,065 cho thời kỳ 26/5/2012-13/12/2012

29/1/2013

3

Đèn huỳnh quang (Intergrated compact fluorescent Lamps)

Hết hạn áp thuế

Trung Quốc

10/9/2004

Mở rộng áp thuế CBPG,   (66,1% áp dụng 1 năm)

10/9/2006

4

Vòng khuyên kim loại (Ring binder Mechanism)

Hết hạn áp thuế

Trung Quốc

1/10/2003

Mở rộng áp thuế CBPG, (51,2%-78,8%)

26/2/2010

5

Oxyde kẽm (Zinc Oxides)

Hết hạn áp thuế

Trung Quốc

2003

Mở rộng áp thuế CBPG (28%)

 

6

Mì chính(Monosodium glutamate)

Hết hạn áp thuế

Trung Quốc

1998

Mở rộng áp thuế 16,8%

29/9/1998

 


[1] Graphite electrode system xuất xứ Ấn Độ (2004): chấm dứt điều tra không áp dụng biện pháp; Màng PET xuất xứ từ Ấn Độ (2004): áp dụng biện pháp với sản phẩm chuyển từ Brazil và Israel; Biodiesel từ Hoa Kỳ (2010-2011): áp dụng biện pháp với hàng nhập khẩu từ Canada và một số sản phẩm biodiesel trộn mà trước đó không bị áp biện pháp chống trợ cấp.

[2] Council Regulation (EC) No 2513/97.

[3] Vụ Sợi PFT Belarus, đoạn 12.

[4] Quy định 2451/95 ngày 19/10/1995 điều tra chống lẩn tránh biện pháp CBPG (số 2861/93) đĩa từ xuất xứ từ Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, đoạn 4-6.

[5] Vụ Bật lửa ga Trung Quốc, đoạn 11-14.

[6] Vụ Bật lửa ga Trung Quốc, đoạn 39-40.

[7] Council Regulation (EC) No 192/1999.

[8] Đoạn 12.

[9] Sợi PFT Belarus, đoạn 13.

[10] Bật lửa ga Trung Quốc, đoạn 15-24.

[11] Vụ Sợi PFT Belarus, đoạn 18.

[12] Vụ Xe đạp Trung Quốc, đoạn 19-23.

[13] Vụ Bật lửa ga Trung Quốc, đoạn 25-28.

[14] Vụ Đĩa từ, đoạn 7-8.

[15] Vụ Bật lửa bỏ túi, đoạn 50-54.

Tin tức khác