Quy trình điều tra chống lẩn tránh thuế chống trợ cấp của Thổ Nhĩ Kỳ

Lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp: có thể được hiểu là hành vi lẩn tránh nguồn gốc hàng hóa đang bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp CBPG và/hoặc CTC nhằm lẩn tránh thuế CBPG/CTC, gây trở ngại trong việc thực thi đối với cơ quan hải quan của nước nhập khẩu.

‘Lẩn tránh’ là ‘tìm cách để tránh một quy định hoặc một sự khó khăn’[1]. Theo đó, lẩn tránh thể hiện một tình huống là tìm cách đạt được tình trạng tốt hơn thông qua gian lận hoặc thủ thuật nào đó.[2] Thuật ngữ ‘lẩn tránh’ do đó liên quan đến hành vi thực hiện nhằm mục đích lẩn tránh.

Khi hàng hóa xuất khẩu là đối tượng áp thuế CBPG/CTC thì các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài thường cố gắng làm giảm thiểu tác động tiêu cực của biện pháp đối với hoạt động thương mại của doanh nghiệp thông qua hành vi lẩn tránh các biện pháp CBPG/CTC (gọi ngắn gọn là lẩn tránh thuế).

Hành vi lẩn tránh thuế có thể thông qua việc thay đổi hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp CBPG/CTC hoặc chuyển toàn bộ hay một phần quá trình sản xuất/gia công của sản phẩm đó từ nước đang bị áp thuế CBPG/CTC (nước xuất khẩu) đến các thị trường khác bên cạnh thị trường của nước xuất khẩu, hoặc tìm mọi cách để phá vỡ hoặc lẩn tránh biện pháp này.

            Tóm lại, hành vi lẩn tránh thuế CBPG/CTC sẽ làm giảm hoặc triệt tiêu hiệu quả của việc áp dụng biện pháp CBPG/CTC nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu.

            - Biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp: Các biện pháp để ứng phó với hành vi lẩn tránh thuế CBPG/CTC (gọi ngắn gọn là biện pháp chống lẩn tránh thuế) đã được cơ quan có thẩm quyền các nước điều chỉnh tại các văn bản pháp luật và áp dụng trên thực tiễn thông qua các vụ việc điều tra. Biện pháp chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC là biện pháp sử dụng để chống lại hoặc loại bỏ tác động tiêu cực của các hành vi cố ý lẩn tránh biện pháp CBPG/CTC mà nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài thực hiện dưới các hình thức khác nhau. Bản chất của biện pháp này nhằm mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp CBPG/CTC để bao gồm thêm không chỉ các sản phẩm đã bị điều tra trong vụ kiện gốc (vụ kiện ban đầu) mà cả những sản phẩm gần giống của doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn hoặc các sản phẩm tương tự nhưng có nguồn gốc xuất xứ từ các nước xuất khẩu khác.

Lưu ý rằng, biện pháp PVTM bao gồm biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.[3] Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu của đề tài chỉ giới hạn ở biện pháp chống lẩn tránh biện pháp CBPG/CTC do việc lẩn tránh biện pháp CBPG/CTC là phổ biến và các nước hiếm khi hoặc thậm chí là không điều tra chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.

Vấn đề lẩn tránh thuế CBPG/CTC và biện pháp chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC là vấn đề tương đối mới, phức tạp. Hiện nay, một số nước có quy định pháp luật (nội luật) và đã thực thi áp dụng luật này (sẽ được trình bày cụ thể dưới đây). Tuy nhiên, hiện tại WTO không có quy định riêng về hành vi lẩn tránh thuế CBPG/CTC và các biện pháp chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC. ADA và SCMA cũng không quy định cụ thể về vấn đề biện pháp lẩn tránh thuế CBPG/CTC và chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC. Trong vòng đàm phán Uruguay, các bên đã đưa ra được một bản dự thảo sửa đổi Đạo luật Chống bán phá giá 1979 (Antidumping Code) thông qua Dự thảo Dunkel về Đạo luật cuối cùng (Dunkel Draft Final Act) để cho phép có một số biện pháp làm ngăn chặn việc lẩn tránh thuế CBPG với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, sau đó Quyết định của các Bộ trưởng (Ministerial Decision)[4] được thông qua vào cuối vòng đàm phán đã thay thế quy định chống lẩn tránh thuế trong dự thảo nói trên.

Như đã nói ở trên, Quyết định Bộ trưởng liên quan đến hành vi lẩn tránh biện pháp CBPG nhấn mạnh rằng do không thống nhất được việc đưa ra các quy định chống lẩn tránh thuế tại ADA trong vòng đàm phán Uruguay, các thành viên WTO cần phải nỗ lực để xử lý vấn đề lẩn tránh và chống lẩn tránh. Tuy nhiên, dù có quan ngại về vấn đề chống lẩn tránh như đã được thể hiện tại Quyết định của Bộ trưởng, cụm từ “lẩn tránh các biện pháp chống bán phá giá” sử dụng vẫn còn chưa rõ ràng vì thiếu định nghĩa về lẩn tránh hoặc phạm vi áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh. Do đó, có thể thấy việc xác định các hành vi lẩn tránh sẽ tùy thuộc vào nội luật của từng nước và giúp các thành viên WTO có thẩm quyền không hạn chế liên quan đến việc định nghĩa thuật ngữ ‘lẩn tránh’.

Nguyên tắc tương tự cũng được hiểu là áp dụng cho điều tra chống lẩn tránh thuế chống trợ cấp.[5]

b. Các hình thức lẩn tránh thuế chống bán phá giá/ chống trợ cấp

Có rất nhiều cách để các nhà xuất khẩu của nước đang bị áp thuế thực hiện hành vi lẩn tránh thuế CBPG/CTC. Ví dụ, công ty X (của nước A) xuất khẩu sản phẩm Y sang nước B và bị nước B áp thuế CBPG/CTC, có thể phân thành 4 loại hành vi cơ bản sau:

  1. Công ty X chuyển/xuất khẩu từng linh phụ kiện rời của sản phẩm Y sang chi nhánh của mình tại nước B (gọi là Công ty X-B), sau đó X-B lắp ráp mặt sản phẩm Y từ các linh phụ kiện nhập khẩu này. Trong trường hợp này, nước B không thể áp thuế CBPG/CTC đối với linh phụ kiện lắp ráp sản phẩm Y vì linh phụ kiện không thể được xem là sản phẩm tương tự (like products) với sản phẩm Y do có các đặc điểm, tính chất vật lý khác nhau;
  2. Công ty X xuất khẩu các linh phụ kiện rời của sản phẩm Y sang một công ty liên quan tại nước C (Công ty X-C). X-B sau đó nhập khẩu các linh phụ kiện từ X-C và tiến hành lắp ráp tại nước B. Trong trường hợp này, nước B không thể áp thuế CBPG/CTC đối với sản phẩm Y do hàng hóa được sản xuất tại nước C không thuộc nhóm các nước/vùng lãnh thổ bị áp thuế của vụ việc điều tra CBPG/CTC (nước A);
  3. Công ty X chuyển một phần hoặc toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm Y từ nước A sang nước B hoặc nước C để bán tại nước B hoặc xuất khẩu từ nước C sang nước B. Khác với hai trường hợp nêu trên, trường hợp này phức tạp hơn do các nhà sản xuất xuất khẩu lẩn tránh thuế thông qua di chuyển dây chuyền sản xuất nhằm thay đổi nguồn gốc xuất khẩu của hàng hóa, do đó nước B không thể áp thuế CBPG/CTC đang áp đối với hàng nhập từ nước C hoặc sản phẩm được sản xuất tại thị trường nội địa nước B.
  4. ty X thay đổi một vài đặc tính không đáng kể của sản phẩm Y, nhằm tạo ra một mặt hàng mới (nhưng thực chất là biến thể của sản phẩm Y) và xuất khẩu sang nước B.

            Nhìn chung, việc phân loại hành vi lẩn tránh có thể như sau[6]:

            - lẩn tránh đơn giản và lẩn tránh phức tạp (dựa trên mức độ phức tạp trong các phương pháp lẩn tránh được sử dụng).

Lẩn tránh đơn giản liên quan đến các phương pháp đơn giản do nhà xuất khẩu/nhà sản xuất sử dụng để lẩn tránh thuế, ví dụ chuyển tải, thông báo mã hải quan sai và các hình thức gian lận khác- hành vi này đã bị hầu hết các thành viên WTO coi là lẩn tránh.[7]

Ngược lại, lẩn tránh phức tạp bao gồm sửa đổi nhỏ, lẩn tránh thông qua nước thứ 3, sản phẩm phát triển sau (phiên bản sau) (later-developed product), thay đổi giá các dạng khác nhau của sản phẩm (fictious markets)…Hành vi lẩn tránh phức tạp này rất gây tranh cãi khi các thành viên WTO thảo luận về vấn đề lẩn tránh thuế do thường liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và do đó khó để phân biệt với hành vi thương mại thông thường hơn.

            - lẩn tránh liên quan đến sản phẩm, lẩn tránh liên quan đến nước.

Cách phân loại này liên quan đến hai yếu tố quan trọng trong một lệnh áp thuế CBPG/CTC.

Do thuế CBPG/CTC thường áp với một sản phẩm nhất định, theo quy định tại ADA, SCMA yêu cầu phải xác định có hành vi phá giá/trợ cấp và có thiệt hại đối với sản phẩm “tương tự” (like product) để kết luận về việc có cần thiết phải áp thuế CBPG/CTC hay không. Theo đó, sản phẩm tương tự là “một sản phẩm mà giống ở mọi khía cạnh với sản phẩm bị điều tra, hoặc, nếu không có sản phẩm nào như thế, thì là một sản phẩm khác mà mặc dù không giống ở mọi khía cạnh nhưng có các đặc điểm gần giống với sản phẩm bị điều tra.”[8] Một số hành vi lẩn tránh thuộc phân loại này vì liên quan đến phạm vi sản phẩm: (i) lẩn tránh side stream (lẩn tránh mà có sự sửa đổi hoặc thay đổi nhỏ với sản phẩm hoặc với sản phẩm phát triển sau này); (ii) lẩn tránh thượng nguồn (upstream), xảy ra khi nhà xuất khẩu/sản xuất xây dựng nhà máy lắp ráp ở nước nhập khẩu và vận chuyển các linh kiện chưa được lắp ráp của sản phẩm mà không bị áp thuế CBPG/CTC tới nhà máy này, sau đó lắp ráp tại nước nhập khẩu sử dụng các kỹ thuật, công nghệ rất cơ bản với rất ít trị giá gia tăng; (iii) và lẩn tránh hạ nguồn (downstream), xảy ra khi nhà xuất khẩu/sản xuất xuất khẩu sản phẩm có chứa linh kiện thuộc phạm vi áp thuế CBPG/CTC.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là vấn đề “nước cụ thể” hoặc “nhà sản xuất cụ thể”, ví dụ chuyển tải, lẩn tránh thông qua nước thứ ba và lẩn tránh qua hệ thống các công ty đa quốc gia (country-hopping) vv. Điều này xảy ra vì thuế CBPG/CTC được áp đối với một sản phẩm cụ thể từ một nước cụ thể [9], và ‘sản phẩm tương tự’ nếu được xuất khẩu từ nước khác (không thuộc nước bị điều tra) thì không bị áp thuế CBPG/CTC. Do đó, một số hành vi lẩn tránh liên quan đến việc chuyển đổi sang nước thứ 3. Một mặt, các hành vi này cũng liên quan đến quy tắc xuất xứ vì các sản phẩm có thể được thay đổi nhãn mác xuất xứ một cách dễ dàng nếu áp dụng quy tắc xuất xứ để chứng minh sản phẩm đó đáp ứng các quy tắc để được coi là có xuất xứ từ nước thứ 3. Điều này thậm chí có thể đúng trong trường hợp chỉ một bộ phận nhỏ của sản phẩm bị nghi ngờ lẩn tránh là được lắp ráp, gia công tại nước thứ 3.[10] Vấn đề còn phức tạp hơn khi phải phân biệt rõ 2 khái niệm ‘nước xuất khẩu’ và ‘nước xuất xứ’ trong thương mại quốc tế. ADA quy định rằng một biện pháp CBPG chỉ áp dụng với sản phẩm từ một (số) nước xuất khẩu cụ thể chứ không áp với nước xuất xứ, và sẽ phải tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá mới nếu có sự thay đổi về nước xuất khẩu. Khi đó, sản phẩm được thay đổi nhãn mác (được xuất khẩu sang nước thứ 3 để lấy xuất xứ từ nước này) sẽ không bị áp thuế CBPG theo lệnh áp thuế ban đầu (đang áp) do sản phẩm này không còn được xuất khẩu từ nước bị áp thuế, trừ phi khởi xướng một cuộc điều tra chống bán phá giá mới đối với nước thứ 3 này. SCMA cũng quy định[11] trong trường hợp sản phẩm không được nhập khẩu trực tiếp từ nước xuất xứ mà được xuất khẩu vào nước nhập khẩu từ một nước trung gian thì các quy định của SCMA sẽ áp dụng với nước trung gian này và nước nhập khẩu như giữa nước xuất xứ và nước nhập khẩu.

            Vấn đề lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đã được Thổ Nhĩ Kỳ đề cập từ những năm 1990. Thông qua các văn bản gửi Ủy ban về các thông lệ CBPG trong Nhóm không chính thức về lẩn tránh thuế, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng vấn đề lẩn tránh thuế cần phải được xử lý trong hệ thống thương mại đa phương.

a. Quy định pháp luật

Khung pháp lý để điều tra, áp dụng các biện pháp CBPG/CTC bao gồm cả chống lẩn tránh thuế là:

- Luật số 3577/1989 về Ngăn chặn các vấn đề cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu; Luật số 4412 sửa đổi, bổ sung luật 3577;

-  Nghị định số 13482/1999 về việc ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh của hàng hoá nhập khẩu quy định chi tiết một số điều trong Luật số 4412; Nghị định 9840/2005 sửa đổi bổ sung Nghị định số 13482;

- Thông tư về thực thi pháp luật xử lý các vấn đề cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu (sửa đổi năm 2002, 2005, 2006).

Các quy định về lẩn tránh thuế cũng như thủ tục điều tra được ban hành trong nội luật của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2006, trong đó định nghĩa về lẩn tránh thuế như sau:

Là trường hợp trong đó có bằng chứng cho thấy sự tồn tại của việc thay đổi xu hướng thương mại giữa nước thứ ba và Thổ Nhĩ Kỳ hoặc nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc giữa các nhà xuất khẩu cụ thể tại nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM và Thổ Nhĩ Kỳ, mà nguyên nhân của sự thay đổi này đến từ hành vi, quá trình, công việc và không phải đến từ yếu tố kinh tế mà do sự né tránh các biện pháp PVTM đang có hiệu lực và sự thay đổi đó đang làm giảm hiệu quả của biện pháp đang áp dụng.

Tuy nhiên, pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ lại không định nghĩa thế nào là hành vi, quá trình hay công việc mà bị xem là lẩn tránh thuế. Điều này dẫn đến việc khái niệm về lẩn tránh thuế của Thổ Nhĩ Kỳ là khá rộng, tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng khởi xướng, điều tra, áp dụng biện pháp. Thêm vào đó, quy định nội luật của Thổ Nhĩ Kỳ cũng không đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định. Ví dụ, đối với hành vi lẩn tránh thông qua lắp ráp tại nước thứ ba, quy định của EU yêu cầu ngưỡng để các nhà xuất khẩu được công nhận là 60% trị giá các linh kiện hoặc 25% trị giá gia tăng; Thổ Nhĩ Kỳ không có các quy định này và do đó, cơ quan điều tra có thể tùy nghi diễn giải về hành vi này trong từng vụ việc cụ thể.

Theo quy định, các sản phẩm bị áp dụng biện pháp CBPG/CTC sẽ tự động bị giám sát kể từ ngày biện pháp có hiệu lực (theo Nghị định về việc Giám sát sản phẩm nhập khẩu bị áp biện pháp PVTM số 2011/20, căn cứ trên Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng số 2004/7304) với mục đích tăng cường hiệu quả của biện pháp.[12] Thông qua giám sát, nếu có dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi xu hướng thương mại giữa một nước thứ 3 và Thổ Nhĩ Kỳ hoặc giữa nước bị áp biện pháp và Thổ Nhĩ Kỳ hoặc giữa các công ty riêng rẽ tại nước bị áp dụng biện pháp và Thổ Nhĩ Kỳ do xuất phát từ hành vi lẩn tránh và làm giảm hiệu quả của biện pháp thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở rộng biện pháp để áp hồi tố kể từ ngày biện pháp ban đầu có hiệu lực[13] và khi đó mức thuế cao nhất sẽ được áp. Không có rà soát cuối kỳ đối với biện pháp chống lẩn tránh.[14]

Những yêu cầu trong vụ việc điều tra lẩn tránh thuế

- Thay đổi trong xu hướng thương mại

Sự thay đổi trong xu hướng thương mại giữa các nước thứ ba hoặc giữa các nhà sản xuất/xuất khẩu tại các nước đã bị áp dụng biện pháp là yếu tố quan trọng khi khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế. Thông thường sau khi áp dụng biện pháp, trong một số trường hợp có thể trước khi áp dụng biện pháp, luôn sẽ có sự thay đổi về xu hướng thương mại. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu từ nước bị điều tra sẽ giảm xuống trong khi từ các nước khác sẽ tăng lên. Trong vụ việc khớp nối nhập khẩu từ Đài Loan, sản phẩm bị điều tra ban đầu được nhập khẩu từ Trung Quốc và Brazil từ năm 2006, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng biện pháp, sản phẩm nhập khẩu từ Đài Loan tăng lên nhanh chóng và làm giảm hiệu quả của biện pháp đã áp dụng trước đó. Cụ thể, năm 2008, thị phần nhập khẩu từ Đài Loan đối với sản phẩm khớp nối chỉ là 1%, nhưng đã tăng lên 11,8% năm 2009, 12,4% năm 2010.

Trong vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống bán phá giá với sản phẩm sợi, dây từ Trung Quốc và Liên bang Nga, cơ quan điều tra đã kết luận sản phẩm sợi, dây xoắn là nguyên liệu để sản xuất sản phẩm bị áp thuế và được thay đổi không đáng kể. Như vậy, việc xuất khẩu dây, cáp xoắn thay vì sản phẩm bị điều tra là hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM. Trong vụ việc này, Liên bang Nga đã lập luận rằng lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra từ Liên bang Nga là “không đáng kể” do vậy cần phải chấm dứt điều tra vụ việc. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng: “vụ việc được coi là điều tra lẩn tránh thuế nếu tồn tại hành vi lẩn tránh thuế và việc xác định lượng nhập khẩu là không đáng kể hay không sẽ không dẫn đến việc hủy bỏ biện pháp”. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng điều 5.8 của ADA chỉ áp dụng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và không áp dụng đối với vụ việc điều tra lẩn tránh thuế. Tuy nhiên, cách diễn giải luật của Thổ Nhĩ Kỳ như vậy sẽ gây ra vấn đề là liệu với lượng nhập khẩu không đáng kể có thể gây ra sự “giảm hiệu quả của biện pháp” hay không.

- Nguyên nhân không phải là các yếu tố kinh tế

Việc thay đổi xu hướng thương mại phải bắt nguồn từ hành vi, quá trình hay công việc trong đó không phải từ yếu tố kinh tế mà từ việc áp dụng biện pháp CBPG/CTC. Cụm từ “bắt nguồn” được hiểu là mối quan hệ nhân quả giữa sự thay đổi xu hướng thương mại và áp dụng biện pháp CBPG/CTC. Trong vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tra lẩn tránh thuế với sợi, dây nhập khẩu từ Trung Quốc và Liên bang Nga nêu trên, sau khi áp dụng biện pháp PVTM, sản phẩm sợi, dây xoắn (nguyên liệu để sản xuất sợi, dây) nhập khẩu từ những nước bị áp thuế đã gia tăng đáng kể và được coi là có sự thay đổi đáng kể xu hướng thương mại xuất phát từ việc áp dụng biện pháp PVTM.

- Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại hoặc làm giảm hiệu quả của biện pháp CBPG/CTC đã áp dụng

Theo pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ, làm giảm hiệu quả của biện pháp là yếu tố quan trọng để áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC (Điều 2 Nghị định về ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hoá nhập khẩu). Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không định nghĩa thế nào là làm giảm hiệu quả biện pháp. Hầu hết các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế đều liên quan đến hành vi chuyển tải do việc thông qua nước thứ 3 xuất khẩu hoặc đóng gói rồi sau đó xuất khẩu sẽ dẫn đến việc làm giảm hiệu quả của biện pháp.

- Có bằng chứng là sản phẩm bán phá giá hoặc hưởng lợi từ trợ cấp.

Quy trình, thủ tục điều tra

Cơ quan điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC của Thổ Nhĩ Kỳ là Tổng vụ Nhập khẩu- Bộ Kinh tế.

Quy trình, thủ tục điều tra vụ việc chống lẩn tránh thuế được quy định tại điều 40 và điều 41 Thông tư quy định ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng nhập khẩu.

Theo đó, tất cả các vụ kiện chống lẩn tránh thuế tiến hành từ trước đến nay đều được tiến hành trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong vụ việc điều tra lẩn tránh thuế, Thổ Nhĩ Kỳ không quy định về các điều kiện để được coi là nguyên đơn (khác với vụ việc CBPG/CTC). Thêm vào đó, như đã đề cập ở trên, lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra không đáng kể cũng không phải là lý do để chấm dứt vụ việc chống lẩn tránh thuế nếu đã khởi xướng điều tra. Tóm lại quy trình điều tra vụ việc chống lẩn tránh thuế được tiến hành như sau:

- Cơ sở tiến hành: yêu cầu của ngành sản xuất trong nước hoặc tự khởi xướng điều tra;

- Thời gian xem xét hồ sơ: 45 ngày từ ngày khởi xướng;

- Sau khi xem xét, cơ quan điều tra sẽ quyết định khởi xướng hoặc không khởi xướng điều tra. Nếu cơ quan điều tra đồng ý với cáo buộc của nguyên đơn, cơ quan này sẽ trình báo cáo lên Ban đánh giá hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu (Ban đánh giá) để khởi xướng. Trong trường hợp khởi xướng, cơ quan điều tra phải đăng Công báo;

- CQĐT có thể ban hành kết luận sơ bộ trước khi ban hành kết luận cuối cùng (khác với một số nước khác không ban hành kết luận sơ bộ).

- Sau khi điều tra, cơ quan điều tra sẽ ban hành kết luận và trình báo cáo lên Ban đánh giá;

- Nếu Ban đánh giá đồng ý với báo cáo, cơ quan này sẽ trình lên Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ để ban hành quyết định cuối cùng. Quyết định cuối cùng sẽ được đăng lên Công báo;

- Các bên liên quan nếu không đồng ý với Quyết định có thể kháng cáo lên Tòa án của Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 60 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Quy trình điều tra vụ việc chống lẩn tránh thuế của Thổ Nhĩ Kỳ không quy định thời hạn điều tra cũng như rà soát biện pháp chống lẩn tránh thuế.

Biện pháp chống lẩn tránh thuế sẽ kết thúc nếu biện pháp PVTM gốc được dỡ bỏ.


[1] Từ điển hiện đại Oxford.

[2] Từ điển từ vựng Macquaire.

[3] Biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đã được giải thích ở trên.

Biện pháp tự vệ là biện pháp áp với hàng nhập khẩu khi có hiện tượng nhập khẩu gia tăng ồ ạt, đột biến gây thiệt hại nghiêm trọng tới ngành sản xuất hàng hoá tương tự, hàng cạnh tranh trực tiếp trong nước. Biện pháp này áp dụng không phân biệt nguồn gốc xuất xứ hàng hoá (áp toàn cầu), trong khi biện pháp CBPG/CTC áp với đối tượng nước cụ thể (1 vụ việc chỉ điều tra với 1 hoặc 1 số nước).

[4] Quyết định về chống lẩn tránh, ngày 15/12/1993 quy định: “Các Bộ trưởng hiểu rằng khi vấn đề lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá cấu thành một phần của đàm phán Hiệp định thực thi Điều VI GATT 1994, các nhà đàm phán đã không thể thống nhất về lời văn cụ thể. Các Bộ trưởng cũng hiểu mong muốn về việc áp dụng các quy định thống nhất trong lĩnh vực này càng sớm càng tốt, do đó, quyết định đưa vấn đề này ra Hội đồng về các Hành vi chống bán phá giá được thành lập theo Hiệp định nói trên để giải quyết.”

[5] Vụ việc EU điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG và CTC với màng PET từ Ấn Độ (2004).

[6] Tham khảo Yanning Yu (2008).

[7] Những loại này đã được chấp nhận bởi các thành viên WTO mà phản đối việc đưa các quy định về lẩn tránh thuế vào Hiệp định ADA hiện tại, ví dụ Nhật Bản. Xem WTO, G/ADP/IG/W/0 ngày 28/4/1998, quan điểm của Nhật Bản

[8] Điều 2.6 ADA.

[9] Theo Điều 2.1 ADA, ‘phá giá’ xảy ra theo điều kiện thương mại thông thường, nếu hàng xuất khẩu được xuất khẩu từ một nước (nước xuất khẩu) tới một nước khác (nước nhập khẩu). Do đó, hàng xuất khẩu bị điều tra thường được giới hạn ở một số nước xuất khẩu cụ thể.

[10] Nếu không có quy định cụ thể về tỷ lệ phần trăm để xác định mức độ gia công như thế nào thì được công nhận là đáp ứng quy tắc xuất xứ.

[11] Điều 11.8 SCMA.

[12] https://thelawreviews.co.uk/edition/the-international-trade-law-review-edition-3/1148545/turkey.

[13] https://www.trade.gov.tr/legislation/import/trade-defence-policy/anti-circumvention-and-monitoring.

[14] http://www.traderemedies.com/uygulama_detay/AntiCircumvention_Investigations/12.