Trong suốt vòng đàm phán Uruguay, Úc là một trong những thành viên đàm phán ủng hộ việc đưa các quy định chống lẩn tránh thuế vào ADA.
Tại cấp quốc tế, Úc có quan điểm cho rằng một mặt cần phải sửa đổi ADA hiện tại và xử lý vấn đề chống lẩn tránh thuế. Mặt khác, Úc cũng quan ngại việc áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh có thể làm cản trở các hoạt động thương mại thông thường. Quan điểm của Úc là: (i) ủng hộ việc đưa các quy định chống lẩn tránh thuế vào bất kỳ thỏa thuận nào. Cần áp dụng một cách hiệu quả để chống lại hành vi lẩn tránh nhưng không được ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và đầu tư bình thường của doanh nghiệp; (ii) cần phải có một định nghĩa về lẩn tránh. Đồng thời, những diễn giải cụ thể về việc những vụ việc lẩn tránh được xác định có thể áp dụng cũng cần được quy định. Những yếu tố cần xem xét như liệu những linh kiện bị nghi ngờ có phá giá hay không, hoặc liệu những sản phẩm lắp ráp có phá giá không nếu việc gia công là ở một nước thứ 3; và (iii) liên quan đến thủ tục chống lẩn tránh, Úc đề xuất rằng các biện pháp bảo đảm tạm thời có thể được áp dụng ngay lập tức khi được thông báo khi biện pháp lẩn tránh được xác định để có thể áp biện pháp một cách hồi tố. So với quan điểm của Hoa Kỳ và EU, quan điểm của Úc về các biện pháp chống lẩn tránh thuế có vẻ bảo thủ.
Ở cấp độ quốc gia, một số quy định của Đạo luật Thuế quan 1987 (cơ sở pháp lý cho quy định về CBPG/CTC) yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp thông tin chính xác và đúng cho hải quan liên quan đến gian lận hải quan khi nhập khẩu. Tuy nhiên, mặc dù vậy, còn thiếu quy định chi tiết và rõ ràng về các hành vi lẩn tránh khác nhau, ví dụ như lẩn tránh thượng nguồn, lẩn tránh hạ nguồn và thay đổi nhỏ trong sản phẩm trong quy định của Úc.
Trên thực tế, vấn đề chống lẩn tránh cũng liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc xuất xứ. Trong Đạo luật thuế quan 1987 của Úc, có 2 quy tắc cụ thể giải quyết vấn đề liên quan đến lẩn tránh: (i) xác định nước xuất xứ của sản phẩm thô chưa được chế biến là nước mà nguyên liệu được thu hoạch hoặc chiết xuất; (ii) nước xuất xứ của bất kỳ sản phẩm nào khác là nước mà quy trình gia công đáng kể cuối cùng trong việc sản xuất hàng hóa được thực hiện.
Quy định nói trên không phù hợp để áp dụng với hành vi lẩn tránh (ví dụ thay đổi nhỏ về sản phẩm, lẩn tránh thượng nguồn và lẩn tránh thông qua nước thứ 3) mặc dù có thể cần thiết để xử lý vấn đề chuyển tải. Bên cạnh đó, do thiếu việc diễn giải chi tiết hơn liên quan đến thuật ngữ như“giai đoạn gia công cuối cùng”, việc áp quy tắc xuất xứ sẽ trở nên khó hơn.
Hiện tại, cơ quan có thẩm quyền của Úc về vấn đề chống lẩn tránh vẫn thực hiện vụ điều tra CBPG/CTC thông thường cho các vụ chống lẩn tránh[1], mặc dù một thủ tục tương đối “rút gọn”, có thể được áp dụng để đẩy nhanh vụ điều tra. Một trong những câu hỏi là cơ quan điều tra có xu hướng áp dụng thông tin trước đây trong vụ điều tra phá giá/trợ cấp ban đầu vào vụ điều tra mới. Mặc dù vậy, những yêu cầu thủ tục và quan trọng khác được quy định để chống lại các hành vi phá giá, trợ cấp thông thường cũng phải được đáp ứng.
Mục đích của phương pháp hiện tại do Úc áp dụng là để cân bằng giữa việc chống lại lẩn tránh và phù hợp với quy định của WTO. Tuy nhiên, cũng có 1 số vấn đề cần lưu ý, một vấn đề quan ngại là liệu thông tin trước đây có phù hợp để áp dụng với một vụ điều tra mới vì có thể khó để đưa ra quyết định mới một cách chính xác mà không cập nhật thông tin. Một quan ngại nữa là liệu việc điều tra rút gọn có công bằng với các doanh nghiệp nhỏ và nhà xuất khẩu nước ngoài nhỏ với nguồn lực hạn chế hay không do khó để trả lời một cách hiệu quả trong một vụ điều tra CBPG/CTC lớn.
Chống lẩn tránh thuế là một vấn đề khá mới đối với luật về CBPG và CTC của Úc. Thay đổi đầu tiên liên quan đến pháp luật về chống lẩn tránh thuế được thực hiện thông qua Luật sửa đổi về hải quan (Số 3) năm 2012, có hiệu lực vào tháng 6 năm 2013. Biên bản giải thích cho dự luật khẳng định rằng:
“Lẩn tránh là một chiến lược thương mại được sử dụng bởi các nhà xuất khẩu và nhập khẩu sản phẩm để tránh phải nộp đầy đủ thuế CBPG và thuế CTC. Hành vi lẩn tránh có nhiều hình thức và khai thác các khía cạnh khác nhau của hệ thống CBPG và CTC, nhưng tất cả đều nhằm mục đích đảm bảo rằng hàng hóa có liên quan không phải nộp thuế CBPG/CTC.”
Luật sửa đổi về hải quan 2012 đã bổ sung những điều khoản đối với Đạo Luật hải quan 1901 cho phép cơ quan điều tra tiến hành điều tra để xử lý hành vi lẩn tránh thuế theo những cách sau (những hành vi này không phải là phạm pháp và không nhất thiết là hành vi hình sự): (mục 269ZDBB Đạo luật)
- Lắp ráp các bộ phận ở Úc;
- Lắp ráp các bộ phận ở một nước thứ ba;
- Xuất khẩu hàng hóa thông qua một hoặc nhiều nước thứ ba; và
- Dàn xếp giữa các nhà xuất khẩu.
- Bỏ qua ảnh hưởng của thuế;
- Thay đổi nhỏ với hàng hóa.
- Bất kỳ hành vi bổ sung nào được quy định.[2]
Theo quy định của Úc, hành vi nhà nhập khẩu cung cấp thông tin sai, gây nhầm lẫn tại tờ khai hải quan (cố tình cung cấp sai mã nước, nước xuất khẩu, phân loại thuế quan, mã thống kê hoặc dạng loại trừ). Tuy nhiên, nếu phát hiện hành vi này, vẫn có thể đề nghị CQĐT (Uỷ ban Chống bán phá giá Úc- Antidumping Commission ADC) điều tra để xem xét liệu có khả năng không tuân thủ quy định tại Đạo luật Hải quan không.
Hiện nay, pháp luật về chống lẩn tránh thuế của Úc được quy định trong Đạo Luật Hải quan 1901 và Quy định về hải quan (theo nghĩa vụ quốc tế) 2015 được ban hành sau đó. Theo đó, pháp luật quy định những hành vi sau:
- Chuyển tải (Xuất khẩu qua ít nhất 1 nước thứ 3)
Hành vi này liên quan đến việc hàng hoá đáng lẽ đã bị áp thuế CBPG/CTC nếu được xuất khẩu trực tiếp từ nước xuất xứ mà chịu thuế CBPG/CTC. Tuy nhiên, hàng hoá lại được xuất khẩu thông qua 1 hoặc nhiều nước thứ 3 (chuyển tải) mà không chịu lệnh áp thuế CBPG/CTC do đó không bị áp thuế. Điều này xảy ra khi:
(1) Hàng hóa được xuất khẩu sang Úc từ một nước không bị áp dụng các biện pháp hiện hành (nước B);
(2) Trước khi có chuyến xuất khẩu này, đã có ít nhất 1 chuyến xuất khẩu hàng từ một nước ngoài khác sang nước B;
(3) Chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên trong các chuyến xuất khẩu nói trên là từ một nước bị áp thuế chống bán phá giá/ chống trợ cấp (nước A);
(4) Hàng hóa sẽ là đối tượng của biện pháp hiện hành nếu được xuất khẩu sang Úc bởi một nhà xuất khẩu bị áp dụng các biện pháp hiện hành;
- Thay đổi nhỏ đối với hàng hóa
Hành vi lẩn tránh xảy ra nếu tồn tại các trường hợp sau[3]:
(1) Hàng hóa được xuất khẩu sang Úc từ một nước bị áp dụng các biện pháp hiện hành;
(2) Trước khi xuất khẩu, hàng hóa đã được sửa đổi nhỏ;
(3) Mục đích hoặc cách sử dụng của hàng hóa lẩn tránh là giống như trước và sau khi sửa đổi;
(4) Nếu hàng hóa không được sửa đổi nhỏ thì sẽ là đối tượng của biện pháp hiện hành; và
(5) Biện pháp hiện hành không áp dụng đối với hàng hóa được sửa đổi nhỏ xuất khẩu sang Úc.
Có một danh sách các tiêu chí để cơ quan điều tra tham khảo khi đánh giá liệu hàng hóa đã được sửa đổi nhỏ để gian lận hay không (không bắt buộc phải xem xét tất cả tiêu chí này), bao gồm (nhưng không giới hạn ở):[4]
- đặc điểm vật lý chung, công dụng cuối cùng, sự có thể thay đổi lẫn nhau của từng hàng hoá; sự khác biệt trong quy trình sản xuất, trong chi phí sản xuất từng hàng hoá; chi phí thay đổi; sở thích của khách hàng và mong đợi với từng hàng hoá; cách thức từng hàng hoá được marketing; các kênh thương mại và phân phối từng hàng hoá; xu hướng thương mại, sự thay đổi về định giá, sự thay đổi về lượng xuất khẩu và mã áp thuế, mã thống kê của từng hàng hoá.
Nguyên đơn phải cung cấp bằng chứng phù hợp và việc điều tra sẽ tiến hành trong vòng 155 ngày, trừ khi được gia hạn.
- Vận chuyển qua nhà xuất khẩu với mức thuế thấp hơn
Trong một vụ việc PVTM, một số công ty xuất khẩu sẽ có mức thuế riêng rẽ nếu được lựa chọn là bị đơn bắt buộc. Thông thường, mức thuế của bị đơn bắt buộc hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra sẽ thấp hơn mức thuế của các công ty không được lựa chọn làm bị đơn. Do đó, các nhà xuất khẩu sẽ có mức thuế khác nhau. Đặc biệt là trong trường hợp mức độ chênh lệch thuế là lớn sẽ dẫn đến việc nhà sản xuất/xuất khẩu có mức thuế cao sẽ chuyển hàng hóa sang cho nhà xuất khẩu có mức thuế thấp sau đó xuất khẩu sang nước đang áp dụng biện pháp CBPG/CTC.
Hành vi vận chuyển qua nhà xuất khẩu với mức thuế thấp hơn này liên quan đến trường hợp hàng hoá thuộc đối tượng áp thuế CBPG/CTC được xuất khẩu sang Úc từ một nhà xuất khẩu ban đầu (A) thông qua một nhà xuất khẩu khác (B) ở nước đó mà có biên độ áp thuế thấp hơn hoặc được miễn thuế. Trong trường hợp này, hàng xuất khẩu sẽ được áp mức thuế thấp hơn hoặc không phải nộp thuế (nếu không bị điều tra lẩn tránh). Trong trường hợp này, nhà xuất khẩu A là bên lẩn tránh thuế. Nhà xuất khẩu B cũng có thể biết khi tham gia vào hành vi này. Nhà nhập khẩu Úc có thể biết hoặc không biết về hành vi lẩn tránh.
Hành vi lẩn tránh xảy ra nếu tồn tại các trường hợp sau:
(1) Hàng hóa (lẩn tránh) được xuất khẩu sang Úc từ một nước bị áp dụng các biện pháp;
(2) Nhà xuất khẩu (B) thỏa thuận với một nhà xuất khẩu khác (A) ở nước đó để xuất khẩu sản phẩm sang Úc (2 nhà xuất khẩu này có thể liên quan hoặc không liên quan).;
(3) Nhà xuất khẩu khác này (A) là đối tượng bị áp thuế chống bán phá giá/ chống trợ cấp;
(4) Biện pháp sẽ bị áp dụng cho hàng hóa nếu chúng được xuất khẩu bởi nhà xuất khẩu A; và
(5) Một trong hai trường hợp:
- Lắp ráp tại Úc
Luật chống lẩn tránh thuế của Úc cũng quy định việc lắp ráp bộ phận thành sản phẩm tại Úc để lẩn tránh thuế. Hoạt động này xảy ra nếu các điều kiện sau được đáp ứng:
(a) Các bộ phận riêng lẻ/linh kiện được xuất khẩu sang Úc;
(b) Các linh kiện đã được sản xuất ở nước bị áp dụng các biện pháp;
(c) Các linh kiện sau đó được lắp ráp tại Úc để tạo ra hàng hóa mà sẽ bị áp dụng biện pháp nếu chúng được xuất khẩu sang Úc bởi một nhà xuất khẩu bị áp dụng biện pháp;
(d) Tổng trị giá của các linh kiện được sản xuất ở nước bị áp dụng biện pháp chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng trị giá của hàng hóa lắp ráp; và
(e) Biện pháp CBPG/CTC không áp dụng đối với các linh kiện xuất khẩu (theo mục 8 hoặc 10 của Đạo luật Thuế phá giá).
- Lắp ráp tại nước thứ ba
Tương tự như hoạt động lẩn tránh liên quan đến lắp ráp ở Úc, đây là hành vi lẩn tránh khi lắp ráp ở một nước thứ ba. Nước thứ 3 này không phải là nước bị áp thuế CBPG/CTC. Hàng hoá sau đó được xuất khẩu sang Úc từ nước thứ 3 dưới dạng lắp ráp và không phải nộp thuế CBPG/CTC. Trong trường hợp này, hoạt động gia công ở nước thứ 3 có thể được coi là không đáng kể. Hành vi lẩn tránh xảy ra nếu đáp ứng các điều kiện sau:
(a) Các bộ phận riêng lẻ/linh kiện của hàng hóa được sản xuất tại nước bị áp dụng biện pháp (ví dụ doanh nghiệp tại nước A sản xuất chân ghế, mặt ghế, lưng ghế và xuất khẩu các bộ phận này sang nước B);
(b) Các linh kiện được lắp ráp tại một nước không bị áp dụng biện pháp (nước B) (dù có lắp ráp cùng các linh kiện khác hay không) để tạo ra hàng hóa (hàng hoá lẩn tránh) mà có thể là đối tượng áp dụng của biện pháp chống lẩn tránh nếu được xuất khẩu sang Úc bởi một nhà xuất khẩu bị áp dụng biện pháp (nhà nhập khẩu, gia công và nhà xuất khẩu của nước B nhập khẩu các linh kiện từ nước A và lắp ráp thành ghế sử dụng keo và ốc vít và xuất khẩu ghế sang Úc, lưu ý các doanh nghiệp của nước A và B có thể liên quan hoặc không liên quan);
(c) Hàng hoá lẩn tránh được xuất khẩu sang Úc;
(d) Trị giá của các bộ phận được sản xuất ở nước thứ ba chiếm tỷ lệ đáng kể trong trị giá hải quan của hàng hóa lẩn tránh; và
(e) Biện pháp CBPG/CTC không áp dụng cho hàng hóa được lắp ráp xuất khẩu vào Úc (theo mục 8 hoặc 10 của Đạo luật Thuế phá giá).
Trong trường hợp này, nhà xuất khẩu của nước A là bên lẩn tránh. Nhà lắp ráp và xuất khẩu của nước thứ 3 (nước B) và nhà nhập khẩu Úc có thể biết hoặc không biết hành vi lẩn tránh.
- Lẩn tránh tác động của thuế
Hoạt động này xảy ra nếu các điều kiện sau được đáp ứng: [5]
(b) Nhà xuất khẩu là bên thuộc đối tượng đóng thuế CBPG/CTC;
(c) Hàng hoá lẩn tránh đang bị áp thuế theo Mục 8 và/hoặc Mục 10 của Đạo luật Thuế CBPG (tương ứng liên quan đến thuế CBPG và CTC)
(d) Nhà nhập khẩu hàng hóa lẩn tránh, dù nhập khẩu trực tiếp hoặc thông qua công ty liên kết, bán những hàng hóa đó ở Úc mà không tăng giá tương xứng với tổng số thuế bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp phải nộp; và
(e) Hành vi này xảy ra trong một khoảng thời gian hợp lý.
Hành vi lẩn tránh bao gồm: bán lỗ, nhà xuất khẩu bồi hoàn hoặc bồi thường hoặc hành vi khác có bản chất tương tự, cụ thể: nhà xuất khẩu nước A đền bù cho nhà nhập khẩu để bù đắp cho những thiệt hại nhà nhập khẩu gặp phải vì nhập khẩu hàng bị áp thuế và bị coi là lẩn tránh. Nhà nhập khẩu của Úc có thể biết được hành vi lẩn tránh do có lợi từ việc đền bù tài chính do nhà xuất khẩu nước A cấp cho để tiếp tục bán hàng lẩn tránh với giá không đủ bù đắp chi phí về thuế. Hành vi này có thể coi là ‘bán lỗ’. Việc xác định hàng hoá có bán lỗ hay không dựa trên việc áp phép thử về tỷ suất lợi nhuận bằng cách so sánh chi phí của hàng hoá được bán với doanh thu bán hàng. Kể cả khi nhà nhập khẩu bán lỗ mà không có sự bù đắp từ nhà xuất khẩu (ví dụ do bán kèm với hàng khác mà hàng khác bán có lãi) thì cũng bị coi là lẩn tránh.
Hành vi này chỉ được coi là lẩn tránh và không phải là hành vi bất hợp pháp. Một hành vi sẽ không bị coi là lẩn tránh nếu các yếu tố bên ngoài (như biến động tiền tệ hoặc giảm chi phí bán hàng và chi phí chung của nhà nhập khẩu, thay đổi tình hình thị trường...) đã gây ra tình huống khiến cho nhà nhập khẩu đã không tăng giá bán hàng hoá tương ứng với mức thuế. Ngoài ra, nhận thức được rằng việc giảm lợi nhuận có thể là một hành vi kinh doanh hợp pháp, một hành vi sẽ không bị coi là lẩn tránh nếu nhà nhập khẩu, người mà thực sự độc lập với bên xuất khẩu, tự động giảm lợi nhuận của mình để có giá bán thấp hơn.
Cơ quan điều tra cũng hiểu rằng nguyên đơn có thể không biết được về các tình huống mà dẫn đến tác động thương mại của việc áp thuế CBPG/CTC không được phản ánh trên thị trường Úc đối với hàng hoá bị áp thuế, do đó, nguyên đơn có thể nộp đơn kiện với những bằng chứng sơ bộ cho thấy giá bán của hàng hoá bị áp thuế CBPG/CTC đã không tăng tương ứng với tác động dự kiến của mức thuế phải nộp để làm cơ sở cho ADC khởi xướng điều tra nhằm xác định liệu hành vi lẩn tránh có thực sự xảy ra hay không.
Đơn kiện phải bao gồm các thông tin:[6] mô tả hàng hoá thuộc đối tượng áp thuế CBPG/CTC; mô tả về lệnh áp thuế này; mô tả về hành vi lẩn tránh bị cáo buộc; mô tả về yêu cầu áp thuế. Cần lưu ý là, đơn kiện cáo buộc hành vi này không được cáo buộc về các hành vi lẩn tránh khác vì các hành vi khác liên quan đến hành vi của nhà xuất khẩu nhằm tránh hoặc giảm tối đa mức thuế trong khi với hành vi lẩn tránh tác động của thuế bởi nhà xuất khẩu và/hoặc nhà nhập khẩu, thuế sơ bộ đã được trả.[7]
Bản giải trình về Dự luật giải thích quy định này nhằm xử lý tình huống sau:
Khi thuế CBPG/CTC đã được áp dụng và được nộp bởi nhà nhập khẩu; tuy nhiên, việc áp thuế ít hoặc không có hiệu lực, trong một “khoảng thời gian hợp lý”, giá bán hàng hóa của nhà nhập khẩu bán không tăng tương ứng với số thuế đã nộp.
Và quy định này xử lý:
Tình huống khi nhà xuất khẩu đã hạ giá xuất khẩu, khi một bên trong giao dịch đã bán lỗ, hoặc khi nhà nhập khẩu chịu phần thuế đó.
Khi xác định liệu hoạt động lẩn tránh có xảy ra hay không, cơ quan điều tra sẽ xem xét các đặc tính của hàng hóa liên quan, điều kiện thị trường, bản chất mối quan hệ giữa nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu và mức lợi nhuận hợp lý. Việc điều tra liên quan đến hoạt động này được tiến hành trong một thời gian ngắn hơn các hoạt động lẩn tránh khác (ADC đề xuất lên Bộ trưởng trong vòng 100 ngày thay vì 155 ngày) và không yêu cầu cơ quan điều tra phải công bố các dữ kiện trọng yếu trước khi trình Bộ trưởng.
Một vấn đề quan trọng là hành vi này phải xảy ra trong một “khoảng thời gian hợp lý”. Điều này phản ánh rằng có khả năng có một giai đoạn điều chỉnh trên thị trường để tăng giá phù hợp với mức thuế (thực chất là chi phí tăng thêm đối với nhà nhập khẩu). Trong giai đoạn sau khi áp thuế, nhà nhập khẩu có thể tiếp tục bán hàng với giá không phản ánh mức thuế tương ứng do có thể bán hàng tồn kho được mua trước khi bị áp thuế hoặc do nghĩa vụ hợp đồng với bên mua không cho phép nhà nhập khẩu tăng giá trong một khoảng thời gian. “Khoảng thời gian hợp lý” là bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào loại hàng hoá bị áp thuế và các dàn xếp, thoả thuận bán hàng. Đơn kiện phải giải thích vì sao giá bán đáng lẽ phải được điều chỉnh (ví dụ do cấu trúc, hoạt động của thị trường và thoả thuận bán hàng). Thông thường, khoảng thời gian hợp lý là dài hơn 3 tháng.
Việc điều tra chống lẩn tránh thuế được thực hiện bởi Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) thuộc Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học. ADC trình Bộ trưởng các khuyến nghị chi tiết của mình để Bộ trưởng ra quyết định cuối cùng.
Nếu biện pháp được áp dụng đối với một số hàng hóa nhất định, người đại diện tất cả hoặc một phần ngành sản xuất trong nước của Úc có thể nộp đơn đề nghị ADC bắt đầu cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế. Đơn kiện phải: đưa ra cơ sở hợp lý để khởi xướng cuộc điều tra, tức là đã có một hoặc một số hành vi lẩn tránh đã xảy ra; cung cấp bằng chứng liên quan (ví dụ như thông tin tình báo thị trường, tài liệu thương mại bao gồm báo giá, hoá đơn, vận đơn, chứng nhận sản xuất, bằng chứng về đàm phán bán hàng…) có được từ nhà xuất khẩu, nhập khẩu, gia công.
Các thủ tục pháp lý đối với nội dung và việc nộp đơn kiện phải được tuân thủ.
Uỷ viên của ADC có 20 ngày để xem xét đơn kiện. Nếu đơn kiện không đáp ứng được các yêu cầu về nội dung và nộp đơn, hoặc không có cơ sở hợp lý để khẳng định rằng hoạt động lẩn tránh đã xảy ra, ADC phải từ chối đơn kiện và thông báo cho nguyên đơn. Thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn phải đưa ra lý do từ chối.
Bộ trưởng (Bộ Nội vụ) cũng có thể yêu cầu Uỷ viên của ADC tiến hành tự khởi xướng điều tra.
Nếu đơn kiện được chấp nhận hoặc nếu có yêu cầu của Bộ trưởng, ADC phải ban hành thông báo khởi xướng cuộc điều tra và cung cấp thông tin chi tiết của cuộc điều tra. Các nội dung cần bao gồm chi tiết về hàng hóa, biện pháp đang áp dụng và loại hành vi lẩn tránh bị điều tra, thời gian điều tra và các bên liên quan có thể tham gia vào cuộc điều tra như thế nào.
Thời gian điều tra bao gồm các giai đoạn sau:
- Giai đoạn nộp bản trả lời của các bên – 40 ngày kể từ ngày khởi xướng. Uỷ viên ADC không phải xem xét các bản trả lời nộp sau giai đoạn này nếu việc xem xét này ảnh hưởng đến thời hạn ban hành dữ kiện trọng yếu (Statement of essential facts- SEF) tại hồ sơ công khai.
- Việc thẩm tra tại chỗ có thể được tiến hành để xác minh thông tin do các bên liên quan nộp. (Có thể không thẩm tra tại chỗ mà tự thẩm tra- desk audit). Sau đó báo cáo thẩm tra sẽ được ADC công bố (bản công khai).
- Công bố dữ kiện trọng yếu (SEF), trong đó đưa ra các dữ kiện làm căn cứ để ADC đề xuất khuyến nghị của mình tới Bộ trưởng (đối với điều tra về lẩn tránh tác động của thuế, không có giai đoạn này). Điều này sẽ diễn ra trong vòng 110 ngày kể từ ngày khởi xướng[9] và được gia hạn nếu Uỷ viên ADC yêu cầu và Bộ trưởng cho phép. Các bên liên quan có thể bình luận về SEF trong vòng 20 ngày kể từ ngày công bố[10]. Uỷ viên ADC không bắt buộc phải xem xét các bản bình luận sau giai đoạn này nếu việc xem xét ảnh hưởng đến thời hạn báo cáo lên Bộ trưởng.
- ADC báo cáo cho Bộ trưởng và đưa ra đề xuất, 155 ngày sau khi khởi xướng (đối với điều tra về lẩn tránh tác động của thuế, thời hạn là 100 ngày, không quy định về gia hạn). Giai đoạn này cũng có thể được gia hạn nếu Bộ trưởng cho phép. Báo cáo phải bao gồm lý do đưa ra các kết luận chính về các dữ kiện mà Uỷ viên đã dựa vào để đưa ra đề xuất và cung cấp các bằng chứng để chứng minh cho các kết luận này.
Không có điều trần công khai. Cuộc điều tra diễn ra theo yêu cầu trực tiếp của ADC đối với các bên liên quan.
Trong báo cáo của ADC, ADC có thể khuyến nghị: (i) không có thay đổi nào đối với biện pháp hiện hành[11]; (ii) hoặc ngược lại, nếu thỏa mãn các hành vi lẩn tránh đã xảy ra, ADC phải khuyến nghị thay đổi biện pháp, thay đổi như thế nào,[12] từ thời điểm nào, [13] (việc thay đổi có thể hồi tố nhưng không được sớm hơn ngày khởi xướng điều tra).[14]
- Sau khi xem xét khuyến nghị của ADC và các thông tin liên quan, Bộ trưởng phải đưa ra quyết định (đăng tại Công báo và một tờ báo quốc gia) trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo. Tuy nhiên, Bộ trưởng có thể gia hạn thời gian 30 ngày trong trường hợp đặc biệt (phải công bố về việc gia hạn). Quyết định của Bộ trưởng phải được thông báo tới nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng. Bộ trưởng có thể thay đổi biện pháp theo hướng:[15] mở rộng với hàng hoá khác, với nước khác, với nhà xuất khẩu khác, thay đổi một số yếu tố đối với nhà xuất khẩu hiện bị áp thuế, hoặc với nhà xuất khẩu sẽ bị áp thuế.
- Khiếu nại: Quyết định của Bộ trưởng có thể được rà soát bởi Ban rà soát chống bán phá giá (Antidumping Review Panel). Bên liên quan có thể yêu cầu rà soát (khiếu nại) trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định của Bộ trưởng.
[1] G/ADP/IG/W/48 16/4/2003, Quan điểm của Úc
[2] https://www.adcommission.gov.au/accessadsystem/anticircumventioninquiries/Pages/default.aspx
[3] Tiểu mục 48(2) của Quy định hải quan
[4] https://www.adcommission.gov.au/accessadsystem/anticircumventioninquiries/Pages/default.aspx
[5] Tiểu mục 269ZDBB(5A).
[6] Mục 269ZDBD(5A) Đạo luật
[7] Tiểu mục 269ZDBD(2A).
[8] Phần XVB, tiểu mục 5A của Đạo luật.
[9] Tiểu mục 269ZDBF Đạo luật.
[10] Tiểu mục 269ZDBG(2)(a)(iv).
[11] Tiểu mục 269ZDBG(1)(c).
[12] Tiểu mục 269ZDBG(1)(d).
[13] Tiểu mục 269ZDBH(1)(b).
[14] Tiểu mục 269ZDBH(8).
[15] Tiểu mục 269ZDBH(2).