Trước đây, các quy tắc liên quan đến thủ tục điều tra chống lẩn tránh được nêu trong Mục 351.225 của Chương 19, là một phần trong các quy định của DOC liên quan đến điều tra về phạm vi. Quy tắc cuối cùng đưa các quy định chống lẩn tránh này vào một phần mới của quy định AD/CVD, Mục 351.226, do đó phân biệt giữa điều tra về phạm vi và chống lẩn tránh. Các quy định trước đây cũng đưa ra rất ít hướng dẫn về các thủ tục cho một cuộc điều tra chống lẩn tránh, và thay vào đó, chủ yếu tập trung vào các yếu tố cơ bản mà DOC cần đánh giá khi đưa ra quyết định. Các quy định mới quy định nhiều chi tiết hơn về quy trình của DOC khi tiến hành điều tra chống lẩn tránh.
Theo Mục 781 Đạo luật thuế quan, có bốn tình huống mà DOC có thể tiến hành điều tra về hành vi bị cáo buộc lẩn tránh lệnh áp thuế AD/CVD:
- Hai trong số các tình huống này là khi loại sản phẩm chịu lệnh áp thuế được hoàn thiện hoặc lắp ráp tại Hoa Kỳ hoặc một nước thứ ba từ các bộ phận và linh kiện nhập khẩu từ nước chịu lệnh áp thuế. Trong hai trường hợp này, DOC xác định xem nếu quá trình lắp ráp hoặc hoàn thiện ở Hoa Kỳ hoặc nước thứ ba là nhỏ hoặc không đáng kể.
- Tình huống thứ ba là khi chỉ có một thay đổi nhỏ về hình thức hoặc bề ngoài đối với hàng hóa chịu lệnh áp thuế AD/CVD.
- Cuối cùng, một cuộc điều tra chống lẩn tránh có thể được khởi xướng liên quan đến “hàng hóa được phát triển sau này”, được định nghĩa là sản phẩm được phát triển sau khi lệnh áp thuế ban đầu được bắt đầu và có cùng đặc điểm vật lý chung và cách sử dụng, đồng thời đáp ứng cùng kỳ vọng của khách hàng như hàng hóa thuộc phạm vi của lệnh áp thuế AD/CVD.
Nếu DOC đưa ra kết luận khẳng định về hành vi lẩn tránh trong bất kỳ tình huống nào trong số này, thì DOC sẽ mở rộng phạm vi lệnh để đưa vào sản phẩm là đối tượng của cuộc điều tra.
Phù hợp với các quy định trước đây, DOC có thể khởi xướng điều tra về hành vi chống lẩn tránh sau khi nhận được yêu cầu từ một bên quan tâm hoặc cơ quan này có thể tự khởi xướng điều tra. Tuy nhiên, các quy định mới cũng cho phép DOC thêm tính linh hoạt nếu DOC cho rằng cần có cuộc điều tra về phạm vi trước khi tiến hành cuộc điều tra về hành vi lẩn tránh. Điều này có thể xảy ra, ví dụ, nếu DOC không rõ liệu hàng hóa được điều tra có nằm trong phạm vi của lệnh áp thuế AD/CVD hay không. Trong những trường hợp như vậy, DOC có thể giải quyết vấn đề phạm vi trong quá trình điều tra, hoặc trì hoãn việc khởi xướng điều tra lẩn tránh trong khi chờ hoàn thành bất kỳ phân đoạn mới hoặc đang diễn ra nào của thủ tục giải quyết vấn đề phạm vi.
Quy tắc cuối cùng cũng thiết lập các quy tắc nhất định liên quan đến việc phát triển hồ sơ thực tế cho các quá trình tố tụng này. Quy tắc cuối cùng hệ thống hóa thông lệ hiện có của DOC về việc gửi bảng câu hỏi cho những bị đơn được chọn, cũng lưu ý rằng DOC có thể “xác minh” các nội dung đệ trình, nếu thích hợp. Các quy định cũng đặt ra thời hạn gửi thông tin thực tế để đáp ứng với việc khởi xướng một vụ điều tra và để phản bác, làm rõ hoặc sửa các câu trả lời bảng câu hỏi, thường tuân theo các mốc thời gian tương tự như Mục 351.301 (quy định việc gửi thông tin thực tế trong quá trình điều tra AD/CVD). Thời gian của các bản tóm tắt (briefs) (được gọi là “bình luận” trong quy định) cũng được đề cập đến. Trừ khi DOC có quy định khác, các bên liên quan có 14 ngày sau quyết định sơ bộ để gửi bản tóm tắt vụ việc, và sau đó 7 ngày là thời hạn gửi bản phản bác. Điều này khác với thông lệ trước đây của DOC tại cuộc điều tra chống gian lận, thường sẽ quy định thời hạn nộp bản bình luận trong 30 ngày sau thời điểm ban hành quyết định sơ bộ.
Các quy định mới cũng áp đặt thời hạn DOC ban hành các quyết định sơ bộ và cuối cùng tương ứng là 150 và 300 ngày kể từ ngày công bố thông báo khởi xướng. Tuy nhiên, nếu DOC xác định rằng một cuộc điều tra chống lẩn tránh là cực kỳ phức tạp, thì DOC có thể kéo dài thời gian ra quyết định cuối cùng lên đến 65 ngày, nâng tổng thời hạn là 365 ngày. Nhiều nhà bình luận ủng hộ những thời hạn mới này bởi vì DOC trước đây không có bất kỳ thời hạn xác định nào cho việc ban hành các quyết định tại những cuộc điều tra này. Các quy định trước đây chỉ đơn thuần nói rằng thủ tục tố tụng như vậy “thông thường” sẽ mất 300 ngày, nhưng trên thực tế, các quyết định cuối cùng thường bị trì hoãn sau khoảng thời gian 300 ngày.
Đối với vấn đề về các biện pháp khắc phục mà không được đề cập trong quy tắc trước đó, Quy tắc cuối cùng liệt kê các ví dụ về các biện pháp khắc phục phù hợp có thể có sau khi ban hành quyết định khẳng định, bao gồm:
(1) áp dụng quyết định với từng nhà sản xuất, xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu cụ thể, hoặc có một số kết hợp;
(2) áp dụng quyết định trên phạm vi toàn quốc đối với tất cả các sản phẩm từ cùng một nước với sản phẩm bị kiện, có cùng các đặc tính vật lý liên quan, bất kể nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu của các sản phẩm đó là ai; hoặc
(3) áp dụng quyết định trên toàn quốc đối với tất cả các sản phẩm từ cùng một nước với sản phẩm bị kiện, có các đặc điểm vật lý tương tự có liên quan, bất kể nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu của các sản phẩm đó là ai. Trên thực tế, điều này có nghĩa là hàng xuất khẩu từ các công ty không liên quan trực tiếp đến cuộc điều tra chống lẩn tránh có thể phải chịu các khoản đặt cọc bằng tiền mặt bằng với thuế AD/CVD hoặc bị áp thuế AD/CVD trong tương lai. Ngoài các biện pháp khắc phục được mô tả ở trên, Quy tắc cuối cùng cũng cho phép DOC áp đặt yêu cầu chứng nhận theo Mục 351.228.
Đáng chú ý, các quy định mới cũng làm rõ khả năng của DOC áp dụng các biện pháp tạm thời đối với các sản phẩm có khả năng bị điều tra chống lẩn tránh. Quy chế và các quy định trước đây không đưa ra hướng dẫn nào về vấn đề này và thực tiễn của DOC không nhất quán. Quyết định sơ bộ khẳng định có thể dẫn đến việc các khoản đặt cọc bằng tiền mặt được thu cho các chuyến hàng nhập khẩu sau ngày khởi xướng, nhưng đôi khi, nó chỉ áp với các chuyến hàng nhập khẩu sau thời điểm ban hành quyết định sơ bộ. Với các quy định mới, tại thời điểm khởi xướng, DOC sẽ hướng dẫn Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) tiếp tục đình chỉ bất kỳ chuyến hàng nhập nào của các sản phẩm thuộc diện điều tra chống lẩn tránh mà vì bất kỳ lý do gì, đã bị đình chỉ thanh khoản và áp dụng mức đặt cọc tiền mặt nếu bị kết luận là thuộc phạm vi của lệnh AD/CVD. Nếu sau đó có quyết định sơ bộ khẳng định, DOC sẽ bắt đầu đình chỉ việc thanh khoản và yêu cầu đặt cọc tiền mặt cho các khoản thuế ước tính, theo mức áp dụng, đối với các chuyến hàng nhập vào hoặc sau ngày công bố thông báo khởi xướng điều tra nếu việc thanh khoản đã không bị đình chỉ. Hơn nữa, nếu thấy phù hợp, DOC sẽ hướng dẫn CBP tạm dừng việc thanh khoản và thu mức đặt cọc tiền mặt đối với các chuyến hàng được nhập trước ngày khởi xướng điều tra. Các bên quan tâm có thể yêu cầu DOC thu mức đặt cọc bằng tiền mặt trước ngày khởi xướng, nhưng phải cung cấp bằng chứng cho thấy lý do tại sao DOC nên sử dụng một ngày thay thế đó.