Lẩn tránh là gì?
Hành vi lẩn tránh là bất kỳ sự thay đổi nào trong mô hình thương mại giữa các nước thứ ba và EU hoặc giữa các công ty riêng lẻ trong nước bị áp dụng các biện pháp và Liên minh, mà không có nguyên nhân chính đáng hoặc biện minh kinh tế ngoài lý do là việc áp các biện pháp chống phá giá/chống trợ cấp.
Các hình thức lẩn tránh phổ biến nhất là:
• Chuyển tải, tức là định tuyến lại (reroute) các chuyến hàng qua một nước thứ ba;
• Hoạt động lắp ráp ở nước thứ ba với giá trị gia tăng hạn chế dưới ngưỡng quy định trong một cơ sở được bắt đầu hoặc tăng lên đáng kể kể từ hoặc ngay trước khi bắt đầu điều tra chống bán phá giá/hoặc chống trợ cấp;
• Phân luồng (channelling), tức là định tuyến lại hàng hóa xuất khẩu thông qua một nhà sản xuất có mức thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp thấp hơn; và
• Các thay đổi nhỏ của sản phẩm để làm cho sản phẩm nằm ngoài phạm vi của các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp ban đầu.
Một cuộc điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng như thế nào?
Một cuộc điều tra chống lẩn tránh thường được khởi xướng theo yêu cầu của một ngành sản xuất EU. Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu (Tổng vụ Thương mại) có thể và cũng đã tự khởi xướng điều tra, đặc biệt là trong những năm gần đây. Trong năm 2018, 28 biện pháp chống lẩn tránh của EU đã có hiệu lực và Ủy ban đã tự khởi xướng 4 cuộc điều tra mới vào năm 2019 và quý 1/2020.
Mất bao lâu để các cuộc điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng và các biện pháp chống lẩn tránh được áp dụng?
Việc chuẩn bị đơn khiếu nại chống lẩn tránh hoặc tự khởi xướng điều tra và tiến hành một cuộc điều tra chống lẩn tránh diễn ra rất nhanh. Bản thân cuộc điều tra chống lẩn tránh thường mất từ 9-12 tháng. Quan trọng nhất, hàng hóa nhập khẩu được đăng ký bởi cơ quan hải quan quốc gia kể từ ngày cuộc điều tra được khởi xướng, có nghĩa là các biện pháp chống lẩn tránh chính thức được áp cho tất cả hàng hóa nhập khẩu từ 1 hoặc nhiều kể từ ngày đó. Các biện pháp được giữ nguyên miễn là các biện pháp ban đầu được duy trì.
Liệu sẽ không mất nhiều năm trước khi một bộ máy lớn như Ủy ban phản ứng với các đơn kiện lẩn tránh và bắt đầu một cuộc điều tra?
Trong những năm gần đây, Ủy ban đã đặt ra một hệ thống giám sát chặt chẽ và đẩy nhanh các hoạt động thực thi của mình để đối phó với các hoạt động lẩn tránh nhanh hơn và thường xuyên hơn, đặc biệt là của các công ty Trung Quốc.
Ví dụ, đối với vụ việc vải lưới hở từ Trung Quốc, các nhà sản xuất xuất khẩu của Trung Quốc đã bắt đầu lẩn tránh qua Malaysia trong khi cuộc điều tra ban đầu vẫn đang tiếp tục. Cuộc điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng chỉ 3 tháng sau khi áp dụng các biện pháp ban đầu. Trong khi cuộc điều tra đó đang diễn ra, các nhà sản xuất Trung Quốc đã lẩn tránh các biện pháp chống bán phá giá của EU thông qua Đài Loan và Thái Lan. Điều đó dẫn đến việc mở một cuộc điều tra chống lẩn tránh khác trong khi cuộc điều tra chống lẩn tránh đầu tiên vẫn đang tiếp tục. Trong khi cuộc điều tra chống lẩn tránh thứ 2 đang diễn ra, các nhà sản xuất Trung Quốc lại chuyển sang Ấn Độ và Indonesia. Một lần nữa, Ủy ban lại bắt đầu một cuộc điều tra chống lẩn tránh chỉ 3 tháng sau khi gia hạn các biện pháp đối với Đài Loan và Thái Lan và khiến hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ và Indonesia phải chịu các biện pháp lẩn tránh chưa đầy 9 tháng sau đó. Tương tự đối với vụ việc Xe đạp từ Trung Quốc, Ủy ban đã khởi xướng rà soát tạm thời (interim) vào tháng 3/2012 và trong khi cuộc điều tra vẫn đang diễn ra, đã mở một cuộc điều tra chống lẩn tránh đối với hàng nhập khẩu từ 4 nước Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và Tunisia, và sau đó mở rộng sang 3 nước nữa là Campuchia, Pakistan và Philippines.
Các nhà nhập khẩu EU mà chỉ biết đến các cuộc điều tra chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp thông thường (có thể kéo dài đến 15 tháng và thường không liên quan đến việc đăng ký sớm) thường ngạc nhiên bởi Ủy ban có thể hành động nhanh như vậy.
Những biện pháp nào có thể áp dụng trong các cuộc điều tra chống lẩn tránh?
Ủy ban có thể mở rộng đối với hàng nhập khẩu lẩn tránh toàn bộ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước bị áp dụng các biện pháp ban đầu.
Trong trường hợp lẩn tránh thông qua trung chuyển hoặc lắp ráp ở nước thứ ba, chỉ các công ty ở nước thứ ba đó có thể chứng minh họ là nhà sản xuất thực sự mới có thể được miễn trừ các biện pháp mở rộng.
Các biện pháp chống lẩn tránh có hiệu lực kể từ ngày nào?
Như đã nói ở trên, khi khởi xướng điều tra chống lẩn tránh, tất cả hàng hóa nhập khẩu đều phải đăng ký. Sau đó, khi sự tồn tại của hành vi lẩn tránh được xác nhận, các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng trong cuộc điều tra ban đầu được gia hạn hồi tố kể từ khi khởi xướng điều tra đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước bị điều tra. Nói cách khác, một nhà nhập khẩu EU phải trả toàn bộ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các nước đó, cho dù hàng hoá đó được nhập khẩu trong quá trình cuộc điều tra chống lẩn tránh hay sau đó.
Người mua ở EU có chịu trách nhiệm về các hoạt động lẩn tránh của các nhà cung cấp của họ không?
Theo luật hải quan của EU, cũng được áp dụng bởi các cơ quan hải quan quốc gia thành viên, nhà nhập khẩu trên hồ sơ chịu trách nhiệm về sự tuân thủ của các sản phẩm nhập khẩu với luật của EU. Ví dụ, nếu một nhà nhập khẩu tuyên bố một sản phẩm được sản xuất tại Malaysia nhưng nó thực sự chỉ được vận chuyển từ Trung Quốc - như đã xảy ra ở vụ tấm pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc - thì đây là một kiểu lẩn tránh theo Quy định chống bán phá giá và Quy định chống trợ cấp, và thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, cũng như thuế hải quan thông thường, được áp với hàng nhập khẩu trực tiếp của EU từ Trung Quốc cũng áp dụng đối với các sản phẩm này. Ngoài ra, khai báo sai xuất xứ còn cấu thành hành vi gian lận hải quan, có thể bị phạt tiền cao, thậm chí có thể bị phạt tù.
Thậm chí còn nguy hiểm hơn đối với các nhà nhập khẩu khi dựa vào sự đảm bảo về tính trung thực của hoạt động lắp ráp do các nhà sản xuất Trung Quốc mở tại các nước thứ ba sau khi các biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp được áp đối với hàng nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc của EU. Các tính toán cơ bản để xác định xem hoạt động lắp ráp có đủ giá trị gia tăng để không bị coi là hành vi lẩn tránh hay không là rất kỹ thuật và đòi hỏi kiến thức chi tiết về chi phí sản xuất cơ bản và nguồn gốc của tất cả các đầu vào. Vì các nhà cung cấp không liên quan thường không chia sẻ thông tin này với khách hàng của họ, nên một nhà nhập khẩu đặt niềm tin vào những đảm bảo về hoạt động lắp ráp như vậy là như đang chơi trò đánh cược với danh tiếng và có thể là sự tồn tại của nhà nhập khẩu trong tương lai. Và ngay cả khi một nhà nhập khẩu có thể chứng minh rằng họ đã thực sự mua từ một công ty tham gia vào các hoạt động lẩn tránh, thì ít nhất họ vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thanh toán các khoản thuế hải quan, chống bán phá giá và chống trợ cấp đã bị bỏ qua. Nếu một nhà nhập khẩu biết về các hoạt động lẩn tránh, họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Đã có rất nhiều vụ việc tại các tòa án quốc gia và EU, nơi các nhà nhập khẩu xe đạp, tấm pin mặt trời, giày dép, thép và nhiều sản phẩm khác đã và đang bị kiện về số tiền nộp thuế lớn và phải chịu các hình phạt bổ sung và phạt tù, vì họ dựa trên thông tin được cung cấp bởi một nhà lắp ráp lẩn tránh thuế.
Tóm lại, các hoạt động lẩn tránh được giám sát cẩn thận và Ủy ban đã hành động với tốc độ và hiệu quả ngày càng cao trong những năm gần đây để ngăn chặn các nỗ lực nhằm tránh tác động của các biện pháp nhằm giải quyết hiện tượng thương mại không công bằng và cung cấp cho các nhà sản xuất EU một sân chơi bình đẳng.