Hội thảo chuyên đề về phòng vệ thương mại

Chiều ngày 11 tháng 10 năm 2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Phòng vệ thương mại: Tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề phòng vệ thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại, đại diện các bộ, ban, ngành ở trung ương và địa phương cùng đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội.

Tại hội thảo, đại diện Cục Phòng vệ thương mại đã giới thiệu một số quy định pháp luật về phòng vệ thương mại dự kiến sẽ bổ sung, sửa đổi trong năm 2024, hướng dẫn cách thức doanh nghiệp nộp và nhận kết quả xử lý hồ sơ đối với các vụ việc phòng vệ thương mại trên môi trường điện tử, giới thiệu và hướng dẫn doanh nghiệp khai thác thông tin, dữ liệu của hệ thống cảnh báo sớm.

Nghị định số 10/2018/NĐ-CP bao gồm 7 chương và 96 điều quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại. Sau 7 năm thực thi, nghị định đã thiết lập hành lang pháp lý vững chắc trong việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đóng vai trò nền tảng trong việc thiết lập và thực hiện các văn bản pháp lý về công tác điều tra và xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại. Theo ông Phan Khánh An, Trưởng phòng Pháp chế Cục Phòng vệ thương mại, nghị định thay thế nghị định số 10/2018/NĐ-CP hiện đang được xây dựng, sửa đổi trong năm 2024 có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng vệ thương mại, nghị định này sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 10/2018/NĐ-CP với 6 nhóm vấn đề lớn sẽ được nêu ra bao gồm: biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp; biện pháp tự vệ; rà soát biện pháp PVTM; chống lẩn tránh biện pháp PVTM; vấn đề thẩm quyền đối với việc miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM; yêu cầu bồi thường, trả đũa. Những sự thay đổi này sẽ giúp tạo sự minh bạch, rõ ràng cho các bên liên quan trong quá trình điều tra, đảm bảo hoạt động điều tra được thực hiện công bằng theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài những sửa đổi, bổ sung về pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng vệ thương mại, Hệ thống cảnh báo sớm là công cụ đắc lực do Cục Phòng vệ thương mại xây dựng với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động phòng tránh rủi ro, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu; các doanh nghiệp đều có thể tiếp cận và tra cứu thông tin, dữ liệu từ hệ thống cảnh báo sớm nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch. Theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, các thông tin trên hệ thống được cập nhật và cung cấp nhanh chóng, doanh nghiệp có thể tra cứu các thị trường xuất khẩu, mặt hàng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu, mức độ tăng trường xuất khẩu, mức cảnh báo theo đánh giá của hệ thống. Từ đó, doanh nghiệp có thể tham khảo được mức độ rủi ro bị điều tra đối với mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp, có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, xây dựng chiến lược phù hợp để giảm thiểu thiệt hại và duy trì thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh hệ thông cảnh báo sớm, hệ thống nộp hồ sơ và tra cứu thông tin các vụ việc phòng vệ thương mại (Trav Online) giúp doanh nghiệp chủ động trong việc nộp, theo dõi và nhận kết quả xử lý hồ sơ đối với các vụ việc phòng vệ thương mại trên môi trường điện tử, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân liên quan đến vụ việc có thể nhanh chóng và dễ dàng cập nhật, tra cứu thông tin để kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong quá trình điều tra.

Tin tức khác