Sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong tình hình mới - Hội thảo Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong lĩnh vực phòng vệ thương mại - Thực trạng điều tra và ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại

Ngày 25 tháng 7 năm 2025, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong tình hình mới - Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong lĩnh vực phòng vệ thương mại” tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện Quyết định số 3703/QĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2025 và Quyết định số 755/QĐ-BCT ngày 28 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025”. Sự kiện này là một phần quan trọng trong chương trình công tác của Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, trong bối cảnh các vụ việc phòng vệ thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ phức tạp.

Tham dự Hội thảo có đại diện Cục Phòng vệ thương mại, đại điện Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP. Hồ Chí Minh cùng đại diện các cơ quan, ban ngành địa phương, các Hiệp hội và doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.

Trong bài phát biểu khai mạc, Bà Trần Đỗ Quyên - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh vai trò kinh tế hàng đầu của TP. Hồ Chí Minh và những đóng góp to lớn của thành phố vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, cùng với cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh, đang đối mặt với những thách thức đáng kể từ các vụ việc phòng vệ thương mại do các nước ngoài khởi xướng. Nhiều sản phẩm chủ lực của địa phương như thép, dệt may, da giày, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ đã phải đối mặt với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, gây ra những thiệt hại đáng kể về kim ngạch xuất khẩu, sức cạnh tranh, việc làm và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Hội thảo đã tập trung phổ biến chi tiết 01 Nghị định và 05 Thông tư mới ban hành trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, cùng với các quy định mới về miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại – vấn đề đang được đông đảo doanh nghiệp quan tâm. Các diễn giả từ Cục Phòng vệ thương mại cũng đã trình bày tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, bao gồm các quy định và xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng cung cấp thông tin về thực tiễn ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm và những lưu ý quan trọng cho doanh nghiệp trong việc xác định nền kinh tế thị trường và ứng phó hiệu quả với các vụ việc.

Phần thảo luận và hỏi - đáp đã nhận được sự tương tác tích cực từ các đại biểu tại Hội thảo, giúp làm rõ những vướng mắc và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Hội thảo đã góp phần nâng cao hiểu biết và trang bị kiến thức, quy định cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại mới ban hành, kỹ năng ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng và phát triển bền vững trên thị trường quốc tế.

Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác phòng vệ thương mại, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam./.

Tin tức khác