Cơ chế phúc thẩm trọng tài tạm thời nhiều bên của WTO đã có thể hoạt động
Vào ngày 31 tháng 7, các bên tham gia cơ chế phúc thẩm trọng tài tạm thời nhiều bên (MPIA) đã thông báo cho WTO về việc đã lựa chọn được 10 trọng tài viên xét xử kháng cáo các báo cáo của Ban hội thẩm WTO theo MPIA. Điều này đánh dấu bước cuối cùng để MPIA đi vào hoạt động đối với các tranh chấp giữa các bên tham gia. Mặc dù MPIA vẫn là một giải pháp tình thế trong trường hợp Cơ quan Phúc thẩm WTO chưa thể hoạt động trở lại, nhưng nó cũng giúp ích cho các bên tham gia quá trình kháng cáo trong hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.
Ủy viên Thương mại của Uỷ ban Châu Âu (EC)- Phil Hogan cho biết: “Với sự đồng ý của các thành viên về việc lựa chọn các trọng tài viên, việc xử lý kháng cáo tạm thời cho các tranh chấp của WTO hiện sẽ đi vào hoạt động. Tôi biết ơn các trọng tài viên đã tham gia vào cơ chế quan trọng này và những bên liên quan khác đã tham gia một cách rất xây dựng vào việc lựa chọn các trọng tài viên. Nó cho thấy rằng các thành viên MPIA sẵn sàng có những hành động cụ thể để duy trì một hệ thống giải quyết tranh chấp độc lập với chức năng kháng cáo. Giờ đây, chúng ta có thể hướng sự chú ý vào việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề cơ bản thông qua cải cách Cơ quan Phúc thẩm WTO và các khía cạnh khác của hệ thống WTO mà cần được cải thiện”.
Theo MPIA, nhóm trọng tài bao gồm những người có thẩm quyền được công nhận, có kiến thức chuyên môn về luật, thương mại quốc tế và các Hiệp định WTO. Trong giai đoạn bắt đầu từ tháng 6 năm nay, các bên tham gia MPIA đã giới thiệu các ứng cử viên, thực hiện các cuộc phỏng vấn và thống nhất về 10 cá nhân sẽ làm trọng tài viên theo thỏa thuận này. Trong bất kỳ tranh chấp nào của WTO giữa các bên tham gia mà một bên đưa ra kháng cáo với báo cáo của Ban hội thẩm WTO, 3 thành viên của nhóm trọng tài được chọn ngẫu nhiên để giải quyết vụ việc kháng cáo theo thỏa thuận này.
MPIA có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 4 năm 2020. Cho đến nay nay, EU và 22 thành viên WTO khác là thành viên tham gia thỏa thuận này, giúp đưa ra một hệ thống giải quyết tranh chấp hai cấp độc lập đối với các tranh chấp giữa các thành viên. Cơ chế này sẽ được áp dụng cho đến khi Cơ quan Phúc thẩm của WTO có thể hoạt động trở lại.
Ưu tiên của EU vẫn là giải quyết sự bế tắc hiện tại của Cơ quan Phúc thẩm WTO như một phần của quá trình cải tổ sâu rộng WTO hơn. Điều này thậm chí còn quan trọng hơn trong giai đoạn bây giờ khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nhấn mạnh lại sự cần thiết của một hệ thống thương mại toàn cầu hoạt động đúng đắn, mang tính đa phương và tuân thủ các quy tắc.