Điều tra chống lẩn tránh PVTM theo Đạo luật Thực thi và Bảo vệ năm 2015 của Hoa Kỳ (EAPA): 5 điều cần cân nhắc hàng đầu đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay
Lời nói đầu:
Trong một đệ trình vào năm 2021 lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hoa Kỳ lưu ý rằng họ đã “chứng kiến sự gia tăng đáng kể các hoạt động được thiết kế rõ ràng để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại”. Đây là lý do để các cơ quan chức năng của nước này “ráo riết” hơn trong việc xác định và “xử lý nghiêm khắc” các hành vi “lẩn tránh biện pháp phóng vệ thương mại” đối với hàng hóa nhập khẩu. Bối cảnh “căng thẳng” hơn thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và cả các tổ chức tư vấn phát triển thị trường quốc tế. Bài viết dưới đây sẽ phân tích một số lưu ý mang tính pháp lý và thực tiễn đối với các doanh nghiệp về phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM của Hoa Kỳ.
- Tổng quan
Pháp luật về phòng vệ thương mại (PVTM) của Hoa Kỳ có quy định rất chặt chẽ về việc áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) phát hiện đã được bán với giá thấp hơn giá trị thị trường hợp lý (chống bán phá giá-AD) và / hoặc được hưởng trợ cấp của chính phủ (CVD).
Để ban hành lệnh AD và /hoặc lệnh CVD (sau đây gọi tắt là AD/CVD), Ủy ban Thương mại Quốc tế của Hoa Kỳ (ITC) cũng phải ghi nhận hàng nhập khẩu đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa.
Sau khi DOC ban hành lệnh AD/CVD, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) chịu trách nhiệm thu tiền đặt cọc bằng tiền mặt và các khoản thuế cuối cùng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Tuy nhiên, một số nhà nhập khẩu nhất định đã tìm cách tránh phải trả các loại thuế AD / CVD thích hợp bằng cách sử dụng nhiều phương “lẩn tránh”, bao gồm cả việc vận chuyển bất hợp pháp để ngụy tạo nguồn gốc xuất xứ thực sự của sản phẩm, lập chứng từ vận chuyển và nhập khẩu không chính xác và hoặc cố ý để hàng hóa được phân loại không đúng.
Đạo luật Thực thi và Bảo vệ năm 2015 (“EAPA”) thiết lập các thủ tục mới cho Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (“CBP”) để điều tra các khiếu nại về việc trốn thuế chống bán phá giá (“AD”) và thuế đối kháng (“CVD”). Căn cứ vào Mục 421 của Đạo luật (tại 19 U.S.C. § 1517), vào ngày 22 tháng 8 năm 2016, CBP đã công bố các quy định tạm thời với chi tiết các thủ tục mới để điều tra các cáo buộc “lẩn tránh” biện pháp PVTM. Luật và quy định mới giúp thực thi các lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp bằng cách cung cấp cho CBP một công cụ mạnh mẽ hơn để ngăn chặn và chống lại hành vi trốn thuế. Họ cũng nâng cao tầm quan trọng đối với cộng đồng nhập khẩu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn đủ để đảm bảo rằng các loại thuế nhập khẩu chính xác được nộp đối với hàng hóa thuộc đối tượng của các lệnh AD/CVD.
Trong khi các quy định pháp luật trước khi có EAPA cho phép CBP thực thi hành động chống lại việc “lẩn tránh” các lệnh AD / CVD, bao gồm cả các hình phạt dân sự đối với các nhà nhập khẩu đã “lẩn tránh” các lệnh đó, thì thực tế cho thấy quá trình thực thi chưa bao trùm được trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính minh bạch. Không có quy trình chính thức nào để các bên tham gia và không có thời hạn mà CBP phải đưa ra xác định chính thức của họ về hành vi “lẩn tránh”. Do đó, EAPA được ban hành để giải quyết những thiếu sót này và nhằm thực thi đầy đủ hơn các lệnh AD/CVD bằng cách giảm tình trạng trốn thuế.
Đạo luật Thực thi và Bảo vệ năm 2015 (EAPA) và các quy định tiếp theo do Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) ban hành cho phép cơ quan này tiến hành các cuộc điều tra chuyên sâu về các cáo buộc về lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm tránh các lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Luật mới và các quy định mới của CBP quy định rằng bất kỳ bên nào quan tâm đều có thể nộp đơn cáo buộc các hành vi “lẩn tránh” biện pháp PVTM. Các bên quan tâm bao gồm các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, công đoàn và hiệp hội kinh doanh nước ngoài và trong nước. Ngoài ra, bất kỳ cơ quan Liên bang nào, bao gồm cả DOC và ITC, đều có thể đưa ra cáo buộc. EAPA đã dẫn đến sự thành lập Bộ phận thực thi Luật Phòng vệ Thương mại (“TRLED”) trực thuộc CBP để tiến hành điều tra các cáo buộc “lẩn tránh” biện pháp PVMT. Các quy định cũng yêu cầu CBP làm việc theo thời hạn nghiêm ngặt để đưa ra khẳng định của mình.
Sau khi cáo buộc được đưa ra, CBP có 15 ngày làm việc để xác định xem liệu họ có bắt đầu điều tra hay không. Nếu CBP bắt đầu một cuộc điều tra, sẽ có 300 ngày kể từ ngày bắt đầu để xác định xem liệu hàng hóa nhập khẩu có thông qua các phương thức “lẩn tránh” PVTM hay không. CBP có thể kéo dài cuộc điều tra tới 60 ngày. Không muộn hơn 90 ngày sau khi bắt đầu điều tra, CBP có thẩm quyền ban hành các biện pháp tạm thời nếu có nghi ngờ hợp lý rằng nhà nhập khẩu đã nhập hàng hóa vào Hoa Kỳ thông qua một hình thức “lẩn tránh” thuế nào đó. Các biện pháp tạm thời bao gồm việc tạm dừng thanh lý đối với các hàng hóa đã nhập khẩu vào Hoa Kỳ trước và sau ngày bắt đầu, cũng như thực hiện các biện pháp bổ sung mà CBP xác định là cần thiết.
Vào cuối quá trình EAPA, CBP sẽ kết thúc cuộc điều tra của mình bằng cách đưa ra quyết định về việc có xảy ra hành vi “lẩn tránh” hay không. Nếu xác định là các bên bị cáo buộc có vi phạm ,các bước sau đó sẽ tùy thuộc vào các cuộc đánh giá hành chính và tư pháp tùy chọn.
Khoảng thời gian từ khi bắt đầu điều tra đến khi có quyết định cuối cùng có thể là một quá trình phức tạp và tốn nhiều công sức. Theo kinh nghiệm thực tiễn có thể thấy 05 (năm) cân nhắc hàng đầu để doanh nghiệp ứng phó trước một cuộc điều tra EAPA là:
(1) trình tự chính xác của các sự kiện và thời gian;
(2) nghĩa vụ chứng minh và yêu cầu thông tin;
(3) phạm vi mở rộng với các suy luận bất lợi và tác động của chúng đối với các mối quan hệ khác của nhà cung cấp;
(4) bản chất công khai của thủ tục tố tụng và cơ chế bảo vệ bí mật; và
(5) khả năng xem xét xác định bất lợi ban đầu.
2. Phân tích cụ thể từng lưu ý đối với các doanh nghiệp
2.1. Lưu ý thứ nhất: Bám sát lộ trình và tham gia kịp thời ở mỗi khâu của thủ tục điều tra EAPA
Người nhận thông báo điều tra EAPA phải lưu ý về một lộ trình nghiêm ngặt về mặt thời gian và có thể sẽ có nhiều thêm người tham gia xuất hiện sau đó trong suốt quá trình này. Trong quá trình điều tra, CBP có thể chọn yêu cầu thông tin từ:
(1) bên đưa ra cáo buộc;
(2) bên bị cáo buộc đã “lẩn tránh” AD/CV;
(3) nhà sản xuất hoặc xuất khẩu hàng hóa nước ngoài; hoặc
(4) chính phủ nước ngoài (chính phủ của quốc gia mà hàng hóa được xuất khẩu). [19 CFR. § 165.23]
Thời hạn trả lời được nêu trong yêu cầu bằng văn bản của CBP. CBP sẽ không xem xét thông tin được gửi ngoài khoảng thời gian bắt buộc.
Chu kỳ của các hồ sơ thường bao gồm thời gian dài cho những lần đệ trình ban đầu do khối lượng thông tin liên quan là rất lớn, nhưng thời gian để bác bỏ hoặc phản hồi của các bên khác sẽ ngắn hơn nhiều. Ví dụ: tất cả các bên tham gia cuộc điều tra có thể tự nguyện gửi thông tin thực tế trong vòng 200 ngày theo lịch kể từ ngày bắt đầu [tham khảo 19 CFR. § 165.23], nhưng thông tin bác bỏ có thể được gửi chỉ trong vòng 10 ngày kể từ ngày cung cấp thông tin thực tế. Tương tự như vậy, các bên cũng có thể gửi các lập luận bằng văn bản cho CBP trong vòng 230 ngày theo lịch kể từ ngày bắt đầu [19 CFR. § 165.26]. Các bên khác có thể phản hồi các lập luận bằng văn bản đó và phải gửi phản hồi không muộn hơn 15 ngày theo lịch sau khi các lập luận bằng văn bản được nộp.
Vì lý do chính đáng, bất kỳ bên nào cũng có thể yêu cầu gia hạn bất kỳ thời hạn nào, nhưng việc này đỏi hỏi một bản đệ trình riêng, độc lập. [19 C.F.R. § 165.5] Yêu cầu phải được gửi không ít hơn 3 ngày làm việc trước khi hết thời hạn trừ khi có những trường hợp bất thường. CBP có toàn quyền quyết định đồng ý hoặc từ chối yêu cầu gia hạn.
Lịch trình phân tích và xác định của CBP cũng bao gồm một khoảng thời gian tương đối dài nhưng được xác định rõ. CBP phải xác định xem liệu hành vi “lẩn tránh” có xảy ra trong vòng 300 ngày kể từ khi bắt đầu điều tra hay không trừ khi thời hạn đó phải được điều chỉnh do gia hạn thời hạn [tham khảo 19 CFR § 165.22].
Tuy nhiên, nếu cuộc điều tra đặc biệt phức tạp, CBP có thể gia hạn thời hạn xác định, nhưng không được kéo dài quá 60 ngày theo lịch. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi được xác định là “lẩn tránh”, CBP sẽ đưa ra bản tóm tắt quyết định cho tất cả các bên tham gia cuộc điều tra.
Nếu bất kỳ bên nào không hài lòng với quyết định thì bên đó có thể yêu cầu xem xét hành chính. Cần lưu ý là yêu cầu xem xét phải được nộp chậm nhất là 30 ngày làm việc sau khi ban hành quyết định ban đầu. Phản hồi bằng văn bản cho các yêu cầu của bên thứ ba phải được gửi không muộn hơn 10 ngày làm việc kể từ khi bắt đầu xem xét hành chính. [19 CFR § 165.42]
Việc xem xét hành chính sẽ được hoàn thành trong vòng 60 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu. [19 CFR § 165.45]
Quyết định hành chính cuối cùng phải được xem xét lại bởi cơ quan tư pháp và phải được đệ trình lên Tòa án Thương mại Quốc tế trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra quyết định xem xét hành chính.
Sau quyết định của CBP, các bên liên quan có 30 ngày để gửi yêu cầu CBP xem xét hành chính. Quyết định cuối cùng phải được CBP đệ trình trong vòng 60 ngày kể từ ngày bắt đầu xem xét. Xem xét tư pháp tại Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ cũng được cung cấp.
Với một lộ trinh chi tiết và chặt chẽ EAPA cung cấp cho CBP, cũng như các nhà sản xuất, sản xuất, nhập khẩu, công đoàn và các bên quan tâm của Hoa Kỳ một công cụ mạnh mẽ hơn đáng kể để chống trốn thuế.
Với thời hạn nhất định mà CBP phải hoạt động, các bên sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin cho CBP trong thời hạn ngắn. Hơn nữa, các quy định cung cấp cho CBP các phương tiện để thực thi thời hạn của họ và đảm bảo hợp tác với họ. Điều này cũng có nghĩa là cộng đồng các doanh nghiệp (gồm cả nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và đối tác bán hàng cho họ ở nước xuất khẩu) phải cảnh giác và chú tâm nhiều hơn đến lộ trình mà họ phải hoặc dự định sẽ tham gia. Để tránh bất kỳ hình phạt nào có thể xảy ra, các nhà nhập khẩu phải đảm bảo rằng họ đang nộp một cách hợp lý số thuế AD / CVD thích hợp đối với hàng hóa nhập khẩu đối tượng; hoặc họ phải xác định chính xác rằng hàng hóa mà họ không phải nộp thuế AD / CVD thực sự nằm ngoài phạm vi hiện hành của các lệnh AD/CVD.
Bảng dưới đây thống kê chi tiết lộ trình với các mốc mà một doanh nghiệp (nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, nhà xuất khẩu của nước đối tác) nên lưu ý
Các mốc |
Mô tả |
Điều luật tham chiếu |
Khởi xướng điều tra |
Sau khi nhận được cáo buộc “lẩn tránh”, CBP có 15 ngày làm việc để bắt đầu điều tra hoặc yêu cầu điều tra từ một cơ quan liên bang khác. |
19 C.F.R. § 165.15(a) |
Biện pháp tạm thời |
Không muộn hơn 90 ngày theo lịch kể từ ngày bắt đầu, CBP có thể thực hiện các biện pháp tạm thời nếu có nghi ngờ hợp lý về việc “lẩn tránh”. |
19 C.F.R. § 165.24(a) |
Thông báo điều tra |
Không muộn hơn 95 ngày theo lịch, CBP phải thông báo cho tất cả các bên về quyết định bắt đầu điều tra của mình, hoặc, nếu các biện pháp tạm thời được thực hiện, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ các biện pháp đó. |
19 C.F.R. § 165.15(d)(1) |
Thu thập thông tin thực tế |
CBP có thể phát hành bảng câu hỏi hoặc sử dụng các phương tiện khác để thu thập thông tin thực tế cần thiết. |
19 C.F.R. § 165.5 (a) |
Nộp các biện luận/giải trình |
Không muộn hơn 230 ngày theo lịch sau khi CBP đưa ra quyết định khởi xướng, các bên liên quan có thể gửi lập luận bằng văn bản. Các bên có 15 ngày theo lịch để trả lời bộ câu hỏi. |
19 C.F.R. § 165.26 (a)-(d) |
Xác định ban đầu về việc lẩn tránh |
Chậm nhất là 300 ngày sau khi CBP ra quyết định bắt đầu, CBP phải xác định hành vi “lẩn tránh”. Thời hạn này có thể được kéo dài thêm 60 ngày. |
19 C.F.R. § 165.22(a) |
Yêu cầu đánh giá/xem xét lại |
Chậm nhất là 30 ngày làm việc kể từ ngày xác định có hành vi “lẩn tránh” ban đầu, các bên có thể nộp đơn yêu cầu xem xét lại. |
19 C.F.R. § 165.41 |
Xác định/Kết luận cuối cùng về việc “lẩn tránh” |
Chậm nhất là 60 ngày làm việc sau khi bắt đầu xem xét và ấn định số hồ sơ, CBP phải đưa ra quyết định cuối cùng về việc “lẩn tránh” |
19 C.F.R. § 165.45 |
2.2. Lưu ý thứ 2: Chủ động trong xử lý các vấn đề liên quan đến Bằng chứng và Thông tin
Mục tiêu điều tra của CBP là xác định xem liệu "bằng chứng quan trọng" có tồn tại để chứng minh rằng hàng hóa được nhập khẩu thông qua một hình thức “lẩn tránh” biện pháp PVTM hay không [tham khảo 19 CFR § 165.45].
Hành vi “lẩn tránh” có nghĩa là “việc nhập hàng hóa vào lãnh thổ hải quan của Hoa Kỳ để tiêu thụ bằng bất kỳ tài liệu hoặc dữ liệu hoặc thông tin được truyền điện tử nào, bằng văn bản hoặc lời nói, hoặc hành động quan trọng và sai sự thật, hoặc bất kỳ sự thiếu sót nào là trọng yếu và dẫn đến không thực hiện việc đặt cọc bằng tiền mặt hoặc các khoản bảo đảm khác hoặc bất kỳ khoản thuế chống bán phá giá hoặc thuế đối kháng hiện hành nào được giảm hoặc không được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu ” [tham khảo 19 CFR § 165.1]
Cần lưu ý là mức độ nghiêm trọng hay mức độ phạm lỗi người bị cáo buộc không phải là yếu tố quyết định đối với phán quyết của CBP. Như vậy về mặt thực tiễn, điều này có nghĩa là việc bào chữa cho mình trong các cuộc điều tra của EAPA đòi hỏi phải có bằng chứng được tài liệu hóa cho thấy vi phạm cơ bản dẫn đến việc “lẩn tránh” đã không xảy ra trên thực tế, thay vì cho rằng mức độ phạm lỗi là nhỏ hoặc hậu quả là không lớn.
Trên thực tế, toàn bộ quá trình xem xét của CBP dựa trên thông tin trong hồ sơ hành chính được lập trong quá trình điều tra. Thông tin này bao gồm tài liệu do CBP thu được thông qua quá trình điều tra, thông tin thực tế do các bên gửi và kết quả của bất kỳ xác minh nào được tiến hành theo § 165.25, tài liệu từ các cơ quan khác được cung cấp cho CBP theo cuộc điều tra, lập luận bằng văn bản và phản bác và tóm tắt các cuộc thảo luận bằng miệng với các bên quan tâm có liên quan đến cuộc điều tra [tham khảo 19 C.F.R. § 165,21].
Đáng chú ý, luật và quy định mới yêu cầu CBP phải duy trì hồ sơ hành chính và trao cho CBP quyền thu thập thông tin rộng rãi. Ví dụ: CBP có thể đưa ra bảng câu hỏi cho các bên hoặc thu thập thông tin từ các cơ quan khác của Hoa Kỳ hoặc thông qua điều tra thực địa của chính mình. Thông tin thực tế thu được từ các bên liên quan có thể được xác minh. Các bên liên quan cũng được phép gửi lập luận và phản hồi bằng văn bản.
2.3. Lưu ý thứ 3: Đánh giá các tác động bất lợi tiềm ẩn
Luật và các quy định cũng cung cấp cho CBP các công cụ để thực thi sự tham gia nhanh chóng và trung thực của các bên. Theo đó các bên không tham gia có thể bị suy luận bất lợi cho lợi ích của họ. Điều này dựa trên giả định rằng một bên có bằng chứng liên quan sẽ tham gia nếu bằng chứng đó hỗ trợ cho lợi ích chính đáng của họ và sẽ từ chối tham gia nếu không có lợi ích liên quan hoặc có lý do để trốn tránh sự minh bạch thông qua trách nhiệm giải trình. Do đó, nếu một bên không cung cấp cho CBP thông tin được yêu cầu, CBP có thể lựa chọn các dữ kiện bất lợi để xác định xem liệu có hành vi “lẩn tránh” hay không. Ngoài ra, các nội dung gửi không đúng thời hạn sẽ bị từ chối, trong trường hợp đó, CBP cũng có thể áp dụng các suy luận bất lợi. Đặc biệt, những thông tin cũng cấp sai sự thật có thể dẫn đến việc CBP sử dụng các dữ kiện bất lợi, cũng như có khả năng dẫn đến truy tố và những chế tài “khắc nghiệt”.
Một điểm quan trọng khác đang gây tranh cãi trong thực tế là CBP được phép đưa ra các suy luận bất lợi tiêu cực khi các bên liên quan không trả lời bộ câu hỏi của CBP. Tức là nhìn chung CBP có thể tự do “điền vào chỗ trống” theo những cách bất lợi cho người “lẩn tránh” bị cáo buộc.
Nhưng nếu một bên liên quan quyết định trả lời các câu hỏi của CBP, họ sẽ phải chấp nhận tiết lộ đầy đủ cũng như thúc đẩy bất kỳ bên thứ ba nào, chẳng hạn như các nhà sản xuất nước ngoài, những người cũng có thể nhận được yêu cầu thông tin cũng phải tuân thủ.
Thực tế cho thấy nếu bất kỳ bên nào không hợp tác và tuân thủ “trong khả năng có thể” với yêu cầu cung cấp thông tin của CBP thì CBP có quyền áp dụng suy luận bất lợi cho bên đó khi đưa ra quyết định [tham khảo 19 CFR § 165.6].
CBP cũng có thể áp dụng suy luận bất lợi dựa trên quyết định trước của CBP hoặc “bất kỳ thông tin sẵn có nào khác”.
2.4. Lưu ý thứ 4 -Cân nhắc tính bảo mật của thông tin đã nộp
Phản hồi đầy đủ cho các truy vấn CBP cũng đồng nghĩa với việc các bên liên quan phải cung cấp khối lượng lớn thông tin, trong đó có thể bao gồm các thông tin nhạy cảm ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của họ như địa chỉ liên hệ của nhà cung cấp hoặc khách hàng và chi phí hàng hóa. CBP sẽ coi thông tin của một bên được gửi để phản ứng với cuộc điều tra là “thông tin bí mật của doanh nghiệp-BCI”, miễn là bên gửi chỉ định đúng thông tin như vậy [tham khảo19 CFR § 165.4].
Để chỉ định BCI, bên phản hồi phải gửi cả phiên bản công khai và phiên bản BCI. Trang đầu tiên của phiên bản BCI phải ghi rõ rằng bản đệ trình có chứa BCI. Sau đó, bên đó phải xác định BCI bằng cách đặt thông tin bí mật được yêu cầu trong dấu ngoặc đơn. Bên đó cũng phải giải thích lý do tại sao mỗi mục của thông tin trong ngoặc đơn được hưởng quyền xử lý theo dạng bí mật kinh doanh.
Phiên bản công khai phải được nộp cùng ngày với phiên bản BCI và phải được đánh dấu rõ ràng là phiên bản công khai trên trang đầu tiên. Phiên bản này phải “chứa một bản tóm tắt thông tin trong ngoặc đơn với đầy đủ chi tiết để cho phép hiểu hợp lý về nội dung của thông tin”. Khi áp dụng, bất kỳ thông tin nào mà CBP đưa vào hồ sơ hành chính sẽ bao gồm bản tóm tắt công khai của BCI. Khi cung cấp phiên bản công khai, bên đó phải xác nhận rằng thông tin đó là thông tin từ hồ sơ kinh doanh của chính mình (chứ không phải BCI của thực thể khác) hoặc thông tin được lấy công khai hoặc trong phạm vi công cộng.
CBP sẽ từ chối đệ trình bao gồm yêu cầu xử lý bí mật kinh doanh nhưng không đáp ứng các yêu cầu chính xác về tài liệu. Tuy nhiên, CBP sẽ coi phần liên quan của nội dung đệ trình là BCI cho đến khi hành động sửa chữa thích hợp được thực hiện hoặc đệ trình bị từ chối.
2.5. Lưu ý thứ 5: Quyền Khiếu nại và yêu cầu xem xét lại
Các bên liên quan có thể yêu cầu xem xét hành chính các quyết định CBP ban đầu, nhưng sau đó họ không thể rút lại yêu cầu [tham khảo 19 CFR § 165.43].
Tiêu chuẩn xem xét là "de novo", có nghĩa là CBP sẽ xem xét toàn bộ hồ sơ hành chính mà quyết định ban đầu được đưa ra, (các) yêu cầu đã nộp để xem xét và phản hồi, và bất kỳ thông tin bổ sung nào đã được nhận. [19 CFR § 165.45]
Sau khi quyết định xem xét hành chính, một bên tham gia xem xét hành chính có thể đệ đơn kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế (CIT) để phản đối quyết định của CBP. Tòa án sẽ kiểm tra: (1) liệu CBP có tuân thủ đầy đủ tất cả các thủ tục quy định hay không; và (2) liệu bất kỳ xác định, phát hiện hoặc kết luận nào là tùy tiện, thất thường, lạm dụng quyền, hoặc không phù hợp với luật pháp.
3. Lưu ý khi điều tra EAPA kết thúc và những hậu quả liên quan
Quyết định của CBP không phải là quyết định cuối cùng cho đến khi hết quyền kháng cáo và ngay cả khi đó, hậu quả tức thì của một quyết định bất lợi có thể không rõ ràng ngay lập tức.
Nếu CBP xác định rằng hành vi “lẩn tránh” đã xảy ra, CBP sẽ ngừng áp dụng bất kỳ biện pháp tạm thời nào và thanh lý các mục nhập khẩu trong quy trình bình thường. Bên “lẩn tránh” sẽ phải trả mọi khoản thuế đã “lẩn tránh” không nộp, cộng với tiền lãi, và bất kỳ hình phạt hoặc thiệt hại nào mà CBP tìm cách áp đặt.
CBP có thể chọn tiến hành các cuộc điều tra bổ sung hoặc các hành động thực thi, bao gồm bằng cách thông báo cho các cơ quan chính phủ khác, chẳng hạn như Bộ Thương mại Hoa Kỳ, để các cơ quan đó cũng có thể thực hiện hành động trong phạm vi quyền hạn của họ [tham khảo 19 CFR §§ 165.47, 165.28 (b)]
Trên đây là những hậu quả tức thì, nhưng hậu quả lớn và lâu dài hơn là uy tín bị sụt giảm nghiêm trọng và khả năng đánh mất đối tác và thị phần tại Hoa Kỳ nếu bị khẳng định là “lẩn tránh biện pháp PVTM”. Do đó các doanh nghiệp một mặt phải tìm hiểu kỹ lưỡng các quy định pháp luật của Hoa Kỳ về phòng vệ thương mại, phòng chấn lẩn tránh biện pháp PVTM. Trong trường hợp bị cáo buộc hoặc trở thành một bên liên quan của một cuộc điều tra, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ các quy định, tham vấn cơ quan Nhà nước chuyên trách hoặc các chuyên gia, luật sư để đảm bảo quá trình tham gia của mình diễn ra chủ động, hiệu quả và an toàn nhất.