Một số diễn biến phiên họp 3 Uỷ ban Phòng vệ thương mại tháng 10/2024 tại WTO
Từ ngày 28 đến ngày 31 tháng 10 năm 2024, 03 Uỷ ban Phòng vệ thương mại của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), bao gồm Uỷ ban về các biện pháp Tự vệ, Uỷ ban Trợ cấp và các biện pháp đối kháng, Uỷ ban Thực thi Chống bán phá giá đã nhóm họp và thông qua báo cáo thường niên năm 2024 để trình lên Hội đồng Thương mại Hàng hóa.
1. Tại cuộc họp Ủy ban về các biện pháp tự vệ, Uỷ ban đã rà soát các thông báo tự vệ do 11 thành viên đệ trình (liên quan đến 24 sản phẩm). Uỷ ban cũng tiến hành rà soát các thông báo về quy định và biện pháp tự vệ của 1 số thành viên, trong đó có: EU (1 vụ); Ấn Độ (1 vụ); Indonesia (8 vụ); Madagascar (3 vụ); Philippines (1 vụ); Thổ Nhĩ Kỳ (4 vụ); Anh (1 vụ); Hoa Kỳ (2 vụ).... Sáu thành viên đã lên tiếng liên quan đến cập nhật của EU về biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép. Một thành viên đề cập đến đề xuất đình chỉ các nhượng bộ tương đương đáng kể đối với hàng nhập khẩu của EU. Năm thành viên đã bình luận về tình trạng mới nhất của biện pháp tự vệ của Anh đối với một số sản phẩm thép.
Liên quan đến vụ việc Indonesia áp biện pháp với sản phẩm thảm và các loại vải trải sàn khác, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất về việc đình chỉ các nhượng bộ tương đương hoặc các nghĩa vụ khác đối với hàng nhập khẩu từ Indonesia. Một số thành viên bày tỏ quan điểm trong đó có vấn đề thời hạn liên quan được sử dụng cho mục đích xác định giá trị của các nhượng bộ tương đương.
Bên cạnh đó, nhóm thảo luận không chính thức về các thủ tục tự vệ cũng đã được tiến hành nhằm cung cấp một góc nhìn rộng hơn so với các cuộc họp Ủy ban chính thức và tập trung nhiều hơn vào chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, Chủ tịch Uỷ ban đã cung cấp thông tin cập nhật về việc Ban Thư ký WTO đang xây dựng cổng thông tin trực tuyến để các Thành viên gửi thông báo tự vệ và hiện cổng thông tin đã sẵn sàng để thử nghiệm.
2. Tại cuộc họp Ủy ban về Trợ cấp và Biện pháp đối kháng WTO, Uỷ ban đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của tính minh bạch để Hiệp định hoạt động hiệu quả. Chủ tịch Uỷ ban bày tỏ quan ngại về tỷ lệ tuân thủ thấp của các thành viên WTO đối với nghĩa vụ thông báo trợ cấp và kêu gọi các thành viên gửi thông báo kịp thời. Theo đó, 84 Thành viên chưa thông báo về các chương trình năm 2023, 82 Thành viên chưa thông báo chương trình năm 2021. Ban Thư ký WTO cũng đã tiến hành dự án hỗ trợ kỹ thuật về thông báo trợ cấp. Vòng đầu tiên của dự án hoàn thành vào năm 2023 đã mời 43 thành viên tham gia, trong đó có 23 thành viên đồng ý tham gia. Trong số này, 11 thành viên sau đó đã gửi thông báo trợ cấp năm 2023, chiếm 13% tổng số thông báo nhận được cho chu kỳ đó. Vòng tiếp theo của dự án sẽ được triển khai vào cuối năm 2024. Dựa trên ý kiến của một số Thành viên, Chủ tịch cũng đề xuất Ban Thư ký tổ chức buổi đào tạo về nghĩa vụ thông báo trợ cấp, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2025. Ủy ban đã rà soát các thông báo trợ cấp mới và đầy đủ năm 2023, tiếp tục rà soát các thông báo năm 2023, 2019; rà soát báo cáo nửa đầu năm 2024 và thông báo áp dụng biện pháp sơ bộ, biện pháp cuối cùng của 1 số Thành viên.
Bên cạnh đó, Ủy ban đã tiếp tục thảo luận một số nội dung đáng lưu ý như: Trung Quốc yêu cầu về vấn đề chính sách và biện pháp trợ cấp mang tính phân biệt đối xử của Hoa Kỳ; Hàn Quốc yêu cầu về chương trình trợ cấp xe điện của Pháp; Úc, Canada, EU, Nhật Bản, Anh và Hoa Kỳ yêu cầu liên quan đến vấn đề trợ cấp và năng lực. Ủy ban cũng đã thảo luận một nội dung mới mà Hoa Kỳ yêu cầu về các hoạt động do Ban Thư ký WTO khởi xướng liên quan đến nội dung trợ cấp, và kêu gọi sự minh bạch và tham vấn nhiều hơn giữa Ban Thư ký và các thành viên. Úc, EU, Ấn Độ và Anh cũng đã ủng hộ ý kiến của Hoa Kỳ. Ban Thư ký đã thông báo rằng họ đang hoàn thiện cổng thông tin minh bạch cho phép các thành viên truy cập thông tin về các hoạt động do Ban Thư ký khởi xướng và dự kiến cổng thông tin này sẽ được triển khai vào cuối tháng 11/2024.
3. Tại cuộc họp Ủy ban Thực thi Chống bán phá giá, Uỷ ban đã rà soát các thông báo của các thành viên về các luật, quy định chống bán phá giá mới, được sửa đổi hoặc đã được xem xét trước đó cũng như các báo cáo về các vụ việc chống bán phá giá. Ủy ban đã rà soát các thông báo mới về luật do Brazil, Hoa Kỳ đệ trình và tiếp tục rà soát thông báo của Liên minh Châu Âu và 1 số thành viên khác. Các Phái đoàn cũng đã đặt câu hỏi và thảo luận về các vụ việc nêu trong báo cáo nửa đầu năm 2024 do Brazil, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Pakistan, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Hoa Kỳ đệ trình. Đối với các báo cáo nửa đầu năm 2024, 45 thành viên đã thông báo về các hoạt động về chống bán phá giá, 15 thành viên thông báo không có hoạt động mới trong cùng kỳ. Ngoài ra, 51 thành viên đã gửi thông báo một lần về việc chưa thành lập cơ quan điều tra và chưa thực hiện vụ việc điều tra nào.
Bên cạnh đó, Uỷ ban cũng đã rà soát các quyết định chống bán phá giá sơ bộ và cuối cùng trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2024 của 1 số Thành viên như Argentina; Úc; Brazil; Canada; Chilê; Trung Quốc; EU; Ấn Độ; Israel; Nhật Bản; Hàn Quốc; Mexico; Ma-rốc; Pakistan; Nga; Nam Phi; Đài Bắc (Trung Quốc); Thổ Nhĩ Kỳ; Ukraina; Anh; Hoa Kỳ.....Trong giai đoạn này, Việt Nam đã thông báo về việc khởi xướng điều tra với thép mạ (AD19); ra kết luận rà soát với bột ngọt (AD09), tuy nhiên không có Thành viên nào có ý kiến. Các thành viên tiếp tục sử dụng rộng rãi cổng thông tin chống bán phá giá để nộp báo cáo nửa năm.