Nghiên cứu quy định về khái niệm chính phủ bỏ qua hoặc không thu khoản phải thu của Hiệp định SCM
Điều 1.1(a)(1) Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp đối kháng WTO (SCM) quy định trợ cấp trong thương mại quốc tế tồn tại nếu:
- Có sự đóng góp về tài chính của chính phủ hoặc một tổ chức công trên lãnh thổ của một Thành viên (theo Hiệp định này sau đây gọi chung là “chính phủ”) khi:
Chính phủ bỏ qua hoặc không thu khoản phải thu (government revenue otherwise due is foregone or not collected).
Bài nghiên cứu dưới đây sẽ tập trung phân tích khái niệm “chính phủ bỏ qua hoặc không thu khoản phải thu” và một số khái niệm liên quan theo các kết luận của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO.
1. Một số phân tích về khái niệm “chính phủ bỏ qua hoặc không thu khoản phải thu”
Khi xác định nếu doanh thu "đáng lẽ đến hạn phải trả" bị bỏ qua (revenue otherwise due has been foregone), cần phải so sánh giữa doanh thu thực sự được thu và doanh thu lẽ ra đã được thu[1]. Cơ sở so sánh để xác định những gì đáng lẽ phải trả "là các quy tắc thuế - tax rules- được áp dụng bởi Thành viên liên quan".[2]
Để xác định xem liệu doanh thu đã bị bỏ qua có "đến hạn phải nộp hay không" có thể áp dụng phép thử "but for" (nếu không...)[3]. Phép thử này liên quan đến việc xem xét tình huống có thể đã tồn tại nếu không có biện pháp bị kiện và xác định xem liệu đáng lẽ đã phải nộp thuế cao hơn nếu không có biện pháp bị kiện hay không. Tuy nhiên, phép thử “but for” chưa hẳn là một phép thử chung thích hợp nên áp dụng trong mọi tình huống.[4] Thuật ngữ ‘foregone’ (bỏ qua) cho thấy rằng chính phủ đã từ bỏ quyền tăng doanh thu mà đáng nhẽ họ có thể đã tăng. Phải có một số ngưỡng chuẩn quy chuẩn xác định (defined normative benchmark) để dựa vào đó có thể so sánh giữa doanh thu thực sự được thu và doanh thu lẽ ra đã được thu ... Thuật ngữ 'đáng nhẽ đến hạn' (otherwise due) tạo ra một phép thử ‘but for’ trong đó cơ sở so sánh để xác định xem liệu doanh thu 'đáng lẽ đến hạn' có là 'tình huống đáng lẽ xảy ra nếu không có các biện pháp bị kiện'. Trong một số trường hợp, tiêu chuẩn pháp lý này là cơ sở hợp lý để so sánh vì không khó để xác định xem ... thu nhập ... sẽ bị đánh thuế theo cách nào "nếu không có" biện pháp bị kiện. Tuy nhiên, có những trường hợp có thể lẩn tránh một phép thử như vậy ... Do đó, phép thử 'but for' chưa chắc đã phù hợp trong tất cả các trường hợp.[5]
Có những tình huống mà có thể áp dụng phép thử "but for", ví dụ như khi biện pháp bị kiện là "ngoại lệ" đối với quy tắc "chung" về thuế.[6] Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng phải xác định quy tắc "chung" về thuế. Trong nhiều tình huống, có thể khó thực hiện điều đó. Khi đó, nên tìm cách so sánh cách xử lý tài chính (fiscal treatment) đối với thu nhập có thể so sánh một cách hợp pháp (legitimately comparable income) để xác định xem liệu biện pháp bị kiện có liên quan đến việc bỏ qua không thu khoản phải thu 'đáng lẽ đến hạn', liên quan đến thu nhập được đề cập ... Ngưỡng chuẩn để xác định xem liệu doanh thu bị bỏ qua có đến hạn hay không phải cho phép so sánh việc thu thuế đối với thu nhập có thể so sánh được của người nộp thuế trong các tình huống tương tự.
Tại vụ Canada - Ô tô, biện pháp bị kiện liên quan đến việc Canada miễn thuế nhập khẩu cho xe có động cơ nhập khẩu vào Canada bởi các nhà sản xuất ô tô Canada đáp ứng các điều kiện nhất định. Cơ quan Phúc thẩm đã kết luận về việc bỏ qua khoản doanh thu “đáng lẽ đến hạn phải thu” bằng cách so sánh "thuế suất MFN thông thường" của Canada đối với xe có động cơ nhập khẩu với việc miễn thuế nhập khẩu bị kiện: "Mức thuế suất MFN thông thường của Canada đối với xe có động cơ nhập khẩu là 6,1%. Nếu không được miễn thuế nhập khẩu, xe có động cơ nhập khẩu sẽ bị áp mức thuế này. Thông qua việc miễn thuế nhập khẩu, Canada đã bỏ qua 'ngưỡng chuẩn quy định được xác định' tự thiết lập về thuế nhập khẩu đối với xe cơ giới theo thuế suất MFN thông thường và do đó, Canada đã bỏ qua 'doanh thu của chính phủ đến hạn' và 'đã từ bỏ quyền tăng doanh thu mà đáng lẽ có thể tăng'."
Cơ quan Phúc thẩm bác bỏ lập luận rằng biện pháp của Canada "'tương tự' 'với tình huống được mô tả trong chú thích 1". Cơ quan Phúc thẩm nêu rõ: "Chú thích 1 ... đề cập đến việc miễn hoặc giảm thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu. Ngược lại, biện pháp bị kiện lại được áp dụng đối với hàng nhập khẩu .... "
Tại vụ Hoa Kỳ- Máy bay Dân dụng Lớn (khiếu nại lần 2), Ban Hội thẩm kết luận rằng một số biện pháp nhất định liên quan đến việc không thu khoản phải thu theo Điều 1.1(a)(1)(ii). Ban Hội thẩm nhắc lại hướng dẫn của Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ- FSC và Hoa Kỳ - FSC (Điều 21.5 - EC): "... nếu có thể xác định một quy tắc chung về thuế do Thành viên bị kiện áp dụng, thì có thể áp dụng phép thử 'but for'. ...." Ban Hội thẩm sau đó kết luận rằng: “có một mức thuế suất chung áp dụng cho các hoạt động sản xuất ở bang Washington và việc giảm thuế dành cho các hoạt động sản xuất máy bay cấu thành một ngoại lệ đối với quy tắc này. Do đó, có thể áp dụng phép thử 'but for'. Câu hỏi liên quan là liệu,"nếu không có" việc giảm thuế bị kiện, thuế suất cao hơn có được áp dụng cho các nhà sản xuất máy bay thương mại hay không. Câu trả lời là có. Mức thuế tiêu chuẩn cho hoạt động sản xuất và bán buôn là 0,484% và cho hoạt động bán lẻ là 0,471%. Nếu không có 'mức thuế ưu đãi', các nhà sản xuất máy bay sẽ phải chịu mức thuế 0,484% đối với sản xuất và bán buôn và 0,471% đối với bán lẻ. Do đó, việc giảm thuế suất cấu thành việc bỏ qua không thu khoản phải thu đến hạn và là một khoản đóng góp tài chính theo Điều 1.1(a)(1)(ii) Hiệp định SCM."
"Việc so sánh theo Điều 1.1(a)(1)(ii) phải là giữa các quy tắc đánh thuế do Thành viên liên quan áp dụng đối với những người bị cáo buộc nhận trợ cấp, và các quy tắc đánh thuế được áp dụng đối với những người nộp thuế có vị trí tương tự- comparably situated taxpayers- nhưng không phải là người nhận trợ cấp bị cáo buộc."[7] Các chính phủ tạo ra nguồn thu thông qua việc áp các khoản thuế, do đó, "việc miễn hoặc bãi bỏ các loại thuế này, chẳng hạn như những khoản được đề cập trong khoản (g), (h) và (i) của Phụ lục I của Hiệp định SCM[8], có thể đáp ứng định nghĩa về việc chính phủ không thu khoản phải thu theo Điều 1.1(a)(1)(ii)"[9]
Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Braxin - Thuế đã phân tích xem liệu Ban hội thẩm có sai sót trong việc xác định hành vi ngưỡng chuẩn (benchmark treatment) (thu thuế thông thường) theo Điều 1.1(a)(1)(ii) bằng cách tìm cách "xác định sự tồn tại của ‘quy tắc chung về thuế’ thay vì xem xét các nguyên tắc tổ chức và cấu trúc của chế độ thuế của Brazil và xác định những gì cấu thành thu nhập có thể so sánh được của những người nộp thuế ở vị trí tương tự". Cơ quan Phúc thẩm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định cách thu thuế thông thường đối với thu nhập có thể so sánh được của những người nộp thuế có vị trí tương tự. Khi xác định một ngưỡng chuẩn để so sánh, Ban Hội thẩm phải nhận thức được những hạn chế vốn có trong việc tìm cách xác định một quy tắc chung về thuế và ngoại lệ của quy tắc đó, bởi vì cách tiếp cận như vậy có thể dẫn đến quan niệm quá hẹp về việc quy tắc nào có liên quan trong việc xác định một ngưỡng chuẩn. Khi đã xác định được một quy tắc chung về thuế, sẽ không đủ nếu chỉ tiến hành một phân tích giới hạn ở việc xác định rằng, nếu không có biện pháp bị kiện, theo quy tắc thuế chung, đáng lẽ thuế phải nộp đã cao hơn. Thay vào đó, ngay cả khi việc xem xét chế độ thuế của một Thành viên cho thấy sự hiện diện của một quy tắc chung và một ngoại lệ, phải 'kiểm tra thêm cấu trúc của chế độ thuế nội địa và các nguyên tắc tổ chức của nó' để xác định những gì là 'cách xử lý thuế đối với thu nhập có thể so sánh được của những người nộp thuế có vị trí tương tự'. Ban hội thẩm xem xét chế độ thuế nội địa của Brazil bằng cách xác định các loại công ty được hoãn nộp thuế. Ban Hội thẩm xác định, ngoài những công ty đủ tiêu chuẩn (là công ty xuất khẩu lớn), còn có các công ty khác được hưởng các lệnh hoãn thuế liên quan. Tuy nhiên, Ban Hội thẩm cuối cùng đã giới hạn phân tích của mình trong việc tìm cách xác định sự tồn tại của một quy tắc chung về thuế mà hành vi bị kiện là một ngoại lệ. Bằng cách đó, Ban Hội thẩm đã kết luận về sự tồn tại của khoản doanh thu đến hạn mà bị bỏ qua hoặc không được thu theo Điều 1.1(a)(1)(ii). Thay vì tìm cách xác định sự tồn tại của một quy tắc chung, theo đó việc hoãn thuế sẽ chỉ áp dụng cho các công ty đáp ứng được yêu cầu, Ban Hội thẩm nên xác định việc áp thuế đối với những người nộp thuế ở vị trí tương tự là như thế nào. "
Trong vụ Braxin - Thuế, khi đánh giá sự so sánh của Ban hội thẩm về cách áp thuế chuẩn và cách áp thuế bị kiện, Cơ quan phúc thẩm đã bác bỏ lập luận của Braxin rằng "Ban hội thẩm nên thực hiện một so sánh giống như đánh giá về đối xử kém thuận lợi hơn (less favoured treatment) theo Điều III:4 của GATT 1994": "Chúng tôi không thấy thử nghiệm pháp lý được sử dụng để xác định việc đối xử kém thuận lợi hơn theo Điều III: 4 của GATT 1994 có thể được đưa vào phân tích theo Điều 1.1(a)(1)(ii) của Hiệp định SCM như thế nào. Theo Điều III:4 GATT 1994, đối xử kém thuận lợi hơn phải ảnh hưởng đến nhóm sản phẩm nhập khẩu so với nhóm sản phẩm tương tự trong nước. Có sự mâu thuẫn với Điều III:4 chỉ khi các sản phẩm nhập khẩu từ Thành viên kiện, với tư cách là một nhóm sản phẩm, bị đối xử kém thuận lợi hơn so với nhóm sản phẩm tương tự trong nước.
Ngược lại, trợ cấp luôn được trao cho một số người nhận nhất định. Khi xác định sự tồn tại của khoản doanh thu đến hạn mà không được thu theo quy định tại Điều 1.1(a)(1)(ii), 'hàng hoá tương tự sẽ được so sánh với hàng hoá tương tự', và điều quan trọng là phải đảm bảo rằng việc kiểm tra theo Điều 1.1(a)(1)(ii) 'liên quan đến việc so sánh cách thu thuế đối với thu nhập liên quan của người nộp thuế ở cùng điều kiện tương tự'. Do đó, để xác định xem liệu doanh thu đến hạn có bị bỏ qua hay không, hành vi bị kiện phải được so sánh với một ngưỡng chuẩn có thể xác định được một cách khách quan (cách thu thuế thông thường). Tuy nhiên, không có nghĩa là phải so sánh giữa nhóm các công ty được cho là hưởng lợi từ trợ cấp, với nhóm của tất cả các công ty khác. Theo đó, ngay cả khi không phải tất cả người nộp thuế trong nhóm ngưỡng chuẩn (nhóm nộp thuế thông thường) đều nộp đủ số thuế liên quan, không nhất thiết điều đó nghĩa là không có doanh thu nào bị bỏ qua đối với người nộp thuế được hưởng lợi từ trợ cấp. Do đó, trong khi cả việc phân tích đối xử kém thuận lợi theo Điều III: 4 và việc kiểm tra theo Điều 1.1(a)(1)(ii) đều liên quan đến việc so sánh, điều này không có nghĩa là cùng một khung phân tích áp dụng cho việc kiểm tra mức độ đối xử kém thuận lợi theo Điều III: 4 của GATT 1994 cũng được áp dụng đối với việc so sánh giữa cách áp thuế thông thường và cách áp thuế bị kiện nhằm mục đích xác định xem doanh thu có bị bỏ qua theo Điều 1.1(a)(1)(ii) hay không."
Khi xác định liệu có khoản đóng góp tài chính dưới hình thức "doanh thu của chính phủ đến hạn trả" bị bỏ qua hoặc không thu hay không, cũng nên xem xét liệu chính phủ có thu khoản thu tại thời gian dự kiến trong các quy định liên quan[10]: "Chính phủ từ chối hoặc không thu 'doanh thu đến hạn phải trả' trong tình huống chính phủ từ bỏ quyền thu doanh thu còn nợ hoặc phải trả trong các trường hợp khác. Trong vụ tranh chấp hiện tại, khi áp dụng các khoản miễn/giảm thuế, Chính phủ Brazil không thu toàn bộ doanh thu thuế như bình thường đáng lẽ phải thu hoặc chỉ thu một phần. Thực tế là cuối cùng, số thuế thu được theo cách thu thông thường và cách thu bị kiện về danh nghĩa có thể giống nhau. Tuy nhiên, theo cách thu thông thường, Chính phủ Brazil sẽ thu và giữ lại số thuế phải trả của các công ty này trong một thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian này, Chính phủ Brazil có thể tận hưởng số tiền mặt có sẵn và thu lãi từ số tiền đó. Ngược lại, khi các biện pháp miễn giảm thuế được áp dụng, Chính phủ Brazil thu thuế muộn hơn và không được hưởng lượng tiền mặt sẵn có như theo cách thu thuế thông thường. Vì vậy, do thu thuế theo cách bị kiện (miễn/giảm thuế), Chính phủ Brazil không thu thuế vào thời điểm như cách thu thuế thông thường. Làm như vậy, Chính phủ Brazil sẽ không thu khoản phải thu đến hạn. Theo đó, việc Chính phủ Brazil không thu doanh thu thuế vào thời điểm mà thông thường Chính phủ Brazil làm sẽ cấu thành hành vi 'bỏ qua hoặc không thu doanh thu của chính phủ đến hạn trả ' theo Điều 1.1(a)(1)(ii). "
Không nên tập trung vào việc phân tích liệu các ưu đãi thuế có sẵn có được sử dụng bởi những người nộp thuế đủ điều kiện hay không mà nên tập trung vào việc phân tích "liệu chính phủ có từ bỏ quyền thu nhập của mình hay không".[11]
Để xác định xem chính phủ có bỏ qua khoản doanh thu phải thu hay không, cơ quan điều tra phải so sánh doanh thu thực tế do chính phủ thu được so với doanh thu đáng lẽ chính phủ phải thu, dựa trên các quy tắc về thuế hoặc tài khóa của Thành viên bị kiện[12]: "Điều 1.1(a)(1) liên quan đến các hình thức khác nhau của một 'khoản đóng góp tài chính'. Theo Điều 1.1(a)(1)(ii), một khoản đóng góp tài chính có thể dưới dạng chính phủ bỏ qua hoặc không thu khoản phải thu đáng lẽ đến hạn. Nếu chính phủ bỏ qua hoặc không thu doanh thu 'đến hạn' của mình, điều này ngụ ý là chính phủ đã thu ít hơn so với doanh thu đáng lẽ phải thu. Nói cách khác, chính phủ 'từ bỏ quyền thu khoản phải thu còn nợ hoặc phải trả."
Ban hội thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Gỗ xẻ mềm VII không đồng ý với quan điểm của cơ quan điều tra (USDOC) là khoản tín dụng do một nhà cung cấp điện thuộc sở hữu nhà nước (NB Power) cấp cho một công ty để đổi lấy việc NB Power mua điện tái tạo từ công ty đó cấu thành "doanh thu bị bỏ qua" theo Điều 1.1(a)(1)(ii). Ban Hội thẩm cho rằng số tiền tín dụng "không cấu thành số tiền đáng lẽ phải trả cho NB Power", vì khoản tín dụng có được từ doanh thu được tạo ra từ việc bán điện tái tạo cho công ty: "NB Power tạo ra doanh thu bằng cách bán điện cho khách hàng ở New Brunswick, bao gồm cả Tập đoàn Irving. Do đó, bất kỳ số tiền nào phải trả cho NB Power, cuối cùng, đều được đổi lấy việc cung cấp điện cho người tiêu dùng ở New Brunswick. Theo [chương trình mua năng lượng tái tạo công nghiệp lớn (LIREPP)], NB Power thanh toán cho điện năng tái tạo mà họ mua theo chương trình từ các công ty đủ điều kiện trong Tập đoàn Irving bằng cách cấp một khoản tín dụng trên hóa đơn điện của Irving Paper. Khoản tín dụng LIREPP là một cơ chế thanh toán theo Thỏa thuận LIREPP giữa NB Power và Tập đoàn Irving Group, và đại diện cho một số tiền mà NB Power nợ Tập đoàn Irving để đổi lại việc mua điện tái tạo. Mặc dù khoản tín dụng làm giảm hóa đơn tiền điện của Tập đoàn Irving, nhưng nó không cấu thành một số tiền đáng lẽ phải nộp cho NB Power vì NB Power sẽ phải trả số tiền đó cho Irving Paper để đổi lại lượng điện tái tạo mà công ty đã mua từ các công ty đủ điều kiện trong Tập đoàn Irving. USDOC thừa nhận rằng, 'chương trình bao gồm một phần việc mua hàng hóa hoặc dịch vụ'. Tuy nhiên, doanh thu được tạo ra từ việc 'mua' điện này được sử dụng như một khoản ghi có trên hóa đơn của Irving Paper đối với chi phí điện chung của Tập đoàn Irving. Do đó, Ban Hội thẩm cho rằng kết luận của USDOC rằng các khoản tín dụng LIREPP là doanh thu bị bỏ qua và do đó, lợi ích có thể bị đối kháng không phải là kết luận mà một cơ quan điều tra khách quan có thể đưa ra."
Ban Hội thẩm cũng cho rằng khoản tín dụng do NB Power cung cấp, ít nhất một phần, là một phần của việc mua một lượng điện tái tạo cần thiết được quy định trong Thỏa thuận LIREPP, và lượng điện do đó không phải là "không đáng kể" đối với việc cung cấp tín dụng: "Khoản tín dụng được xác định liên quan đến Phần trăm giảm chi phí theo mục tiêu (Target Reduction Percent), là phần trăm mà các công ty đủ điều kiện ở New Brunswick sẽ phải giảm chi phí điện của họ để phù hợp với chi phí điện trung bình ở các tỉnh nơi các công ty đó có đối thủ cạnh tranh. Mặc dù Phần trăm giảm chi phí theo mục tiêu có thể được đặt ra theo các mục tiêu chính sách LIREPP, nhưng điều đó không có nghĩa rằng lượng điện mua được là không quan trọng đối với khoản tín dụng nhằm mục đích đặc trưng cho khoản đóng góp tài chính theo Điều 1.1(a)(1). Ngược lại, điều kiện tiên quyết để Tập đoàn Irving nhận được tín dụng là NB Power mua lượng điện cần thiết. Cả thiết kế và hoạt động của LIREPP đều là những cân nhắc phù hợp để xác định đặc tính thích hợp của nó cho mục đích của Điều 1.1(a)(1). Bằng cách tập trung vào thiết kế chương trình, tức là khoản tín dụng, theo Hoa Kỳ, được xác định trước để đáp ứng các mục tiêu chính sách nhất định, USDOC đã không đưa ra được những cân nhắc liên quan đến hoạt động của chương trình. Cụ thể, USDOC đã không xem xét rằng trên thực tế, lượng điện cần thiết phải được NB Power mua trước khi cấp tín dụng cho Irving Group. Đây không phải là một kết luận mà cơ quan điều tra có thể đưa ra một cách công tâm và khách quan ".
2. Chú thích 1
2.1 Một số thông tin chung
Chú thích 1 của Hiệp định SCM quy định: Phù hợp với các quy định tại Điều XVI GATT 1994 (Chú thích của Điều XVI) và các quy định từ Phụ lục I đến III của Hiệp định SCM, việc một sản phẩm xuất khẩu khi được tiêu thụ trong nước được miễn thuế so với sản phẩm tương tự, hoặc việc miễn giảm các khoản thuế đó với số tiền không vượt quá những khoản phải nộp, sẽ không bị coi là trợ cấp.
Phần thứ hai của chú thích 1 "mô tả hai nhóm biện pháp mà 'sẽ không bị coi là trợ cấp' (miễn là chúng cũng phù hợp với Chú thích của Điều XVI GATT 1994 và Phụ lục I đến III Hiệp định SCM) là (a) "việc một sản phẩm xuất khẩu khi được đưa vào tiêu thụ trong nước được miễn khoản thuế mà sản phẩm tương tự vẫn phải nộp"; và (b) "việc miễn các khoản thuế đó với số tiền không vượt quá những khoản phải nộp". Sự khác biệt giữa hai nhóm này là "nếu được miễn thuế thì nghĩa vụ thuế không bao giờ phát sinh, trong khi, nếu được hoàn thuế thì nghĩa vụ nộp thuế phát sinh trước, nhưng sau đó được hoàn trả, bao gồm cả việc trả lại tiền nếu đã thanh toán." [13]
"Bốn yếu tố mang tính định nghĩa" của các biện pháp được mô tả trong chú thích 1 bao gồm: "(1) miễn hoặc hoàn (2) khoản thuế (3) đối với một sản phẩm xuất khẩu, (4) không vượt quá các loại thuế phải nộp."[14]
2.2. "phù hợp với ... các quy định của Phụ lục I-III"
Chú thích 1 phải được đọc cùng với Phụ lục I đến III Hiệp định SCM[15].
Xoay quanh các tình tiết của vụ tranh chấp, Ban Hội thẩm tại vụ Ấn Độ - Các biện pháp liên quan đến xuất khẩu kết luận rằng hàng hóa vốn (capital goods) nhập khẩu mà được miễn thuế hải quan theo các Chương trình liên quan của Ấn Độ, không phải là nguyên liệu đầu vào được tiêu thụ để sản xuất một sản phẩm xuất khẩu, theo Phụ lục I (i) và Phụ lục II Hiệp định SCM. Do đó, việc miễn thuế hải quan cho những hàng hóa này theo các Chương trình của Ấn Độ không đáp ứng các điều kiện của chú thích 1 của Hiệp định SCM, đọc cùng với Phụ lục I (i).
2.3. "Nguyên tắc hoàn thuế thừa" (excess remissions principle)
Điều 1.1(a)(1)(ii) mô tả chung về doanh thu bị bỏ qua, còn chú thích 1 xác định các trường hợp cụ thể của doanh thu bị bỏ qua không bị coi là trợ cấp (miễn, giảm thuế hoặc thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu).[16]
Đối với các chương trình hoàn thuế (duty drawback), trợ cấp chỉ tồn tại khi xảy ra hoàn thuế quá mức, thể hiện là doanh thu của chính phủ bị bỏ qua theo Điều 1.1(a)(1)(ii) và chú thích 1[17] ("nguyên tắc hoàn thuế quá mức"). Trong trường hợp các chương trình hoàn thuế, khoản đóng góp tài chính được giới hạn ở số tiền hoàn thuế quá mức: "Điều 1.1(a)(1)(ii) không quy định về hai điều nên được so sánh để xác định xem một công ty được hoàn thuế nhập khẩu theo chương trình hoàn thuế có cấu thành hành vi bỏ qua không thu khoản phải thu đến hạn hay không. Tuy nhiên, chú thích 1, đính kèm với điều khoản này, chứa hướng dẫn quan trọng về vấn đề này. Chú thích 1 bao gồm một câu với hai phần cơ bản. Câu thứ nhất xác định các quy định pháp luật mà phần còn lại của câu phải 'phù hợp với’. Câu thứ hai xác định hai tình huống, là (a) ‘sản phẩm xuất khẩu khi để tiêu dùng trong nước được miễn thuế áp với sản phẩm tương tự'; hoặc (b) 'việc hoàn các loại thuế đó với mức không vượt quá khoản phải nộp', thì 'sẽ không bị coi là trợ cấp'. Đính kèm chú thích 1 (đề cập đến 'trợ cấp') vào Điều 1.1(a)(1)(ii) (định nghĩa về 'khoản đóng góp tài chính') (tức là một phần của trợ cấp) về mặt bỏ qua khoản phải thu đến hạn, cho thấy nó nên được diễn giải trong phạm vi điều đó, và hơn nữa là sự thừa nhận ngầm hiểu về mối quan hệ chặt chẽ giữa các khái niệm về bỏ qua khoản phải thu đến hạn và trợ cấp. Đó là, nếu 'khoản đóng góp tài chính' tồn tại dưới dạng bỏ qua khoản phải thu đến hạn, thì có thể kết luận là tồn tại 'lợi ích' - và do đó là có 'trợ cấp'.[18]
Lời văn 'sẽ không bị coi là trợ cấp' trong chú thích 1 chỉ ra rằng, trong trường hợp không có thêm các đặc điểm khác, hai tình huống được mô tả sẽ không bao giờ cấu thành trợ cấp theo Điều 1. Trong hai tình huống, tình huống sau chứa các điều khoản mà tại đó các bên đưa ra lập luận của mình, tức là 'việc hoàn các khoản thuế đó với số tiền không vượt quá những khoản phải nộp cộng dồn'. 'Thuế' được 'cộng dồn' trong trường hợp này là thuế nhập khẩu được tích lũy trên các đầu vào nhập khẩu được tiêu thụ trong quá trình sản xuất một sản phẩm xuất khẩu sau đó. Do đó, việc so sánh theo Điều 1.1(a)(1)(ii) là so sánh giữa một bên là việc hoàn thuế thu được từ một công ty theo chương trình hoàn thuế và một bên là thuế tích lũy đối với đầu vào được nhập khẩu được sử dụng để sản xuất một sản phẩm được xuất khẩu sau đó. Trợ cấp tồn tại trong chừng mực khoản hoàn thuế vượt quá khoản thuế cộng dồn phải nộp, tức là khoản khấu trừ 'vượt quá' cấu thành hành vi bỏ qua khoản phải thu đến hạn"[19]
Chú thích 1 và thuật ngữ "phù hợp với" gợi ý rằng "Nguyên tắc hoàn trả quá mức" phù hợp với các quy định tại Điều XVI GATT 1994 (Chú thích của Điều XVI) và các quy định của Phụ lục I - III của Hiệp định SCM này. Từ 'phù hợp' (accordance) có nghĩa là " thống nhất- agreement; phù hợp- conformity; hài hòa- harmony'. Do đó, Nguyên tắc hoàn trả quá mức là 'thống nhất với', 'phù hợp với' và/hoặc 'hài hòa với' các điều khoản được trích dẫn. Chú thích đề cập đến các điều khoản này như nhau, cho thấy rằng Nguyên tắc Hoàn trả quá mức cũng phù hợp với từng nguyên tắc."[20]
"Nguyên tắc Hoàn trả quá mức quy định tiêu chuẩn pháp lý để xác định xem liệu việc hoàn thuế nhập khẩu theo chương trình hoàn thuế có cấu thành một khoản đóng góp tài chính dưới hình thức bỏ qua không thu khoản phải thu đến hạn theo Điều 1.1(a)(1)(ii) hay không". Phụ lục II và/hoặc Phụ lục III không quy định lý do để không áp dụng Nguyên tắc hoàn thuế quá mức. "Kể cả nếu Thành viên xuất khẩu không có hệ thống đáng tin cậy để theo dõi đầu vào được tiêu thụ trong quá trình sản xuất một sản phẩm xuất khẩu liên quan và trong trường hợp Thành viên xuất khẩu không kiểm tra thêm về vấn đề đó, thì cơ quan điều tra vẫn phải xác định xem có xảy ra việc hoàn thuế quá mức hay không".[21]
Việc đọc Điều 1.1(a)(1)(ii), chú thích 1, và các Phụ lục I (i), II và III của Hiệp định SCM và Chú thích đối với Điều XVI GATT 1994 xác nhận rằng các chương trình hoàn thuế có thể cấu thành một khoản trợ cấp xuất khẩu chỉ bị đối kháng nếu chúng dẫn đến việc hoàn chi phí nhập khẩu 'vượt quá' so với mức thực tế được đánh vào các nguyên liệu đầu vào nhập khẩu được tiêu dùng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Do đó, trong bối cảnh của các chương trình hoàn thuế, yếu tố đóng góp tài chính của trợ cấp (tức là bỏ qua khoản phải thu đến hạn của chính phủ) được giới hạn ở mức hoàn quá mức chi phí nhập khẩu và không bao gồm toàn bộ số tiền chi phí nhập khẩu được hoàn."[22]
Phụ lục II(II)(2) không quy định về các bước thủ tục nhưng 'không có nghĩa là các phần khác của Phụ lục II không quy định và toàn bộ Phụ lục II(II)(2) chỉ hoạt động khi có cáo buộc rằng 'chương trình hoàn thuế[...] cấu thành một khoản trợ cấp do giảm giá quá mức hoặc hoàn thuế quá mức' ". Vấn đề không được quy định tại Phụ lục II và III của Hiệp định SCM không liên quan đến định nghĩa về trợ cấp, và đặc biệt là cái gì cấu thành yếu tố khoản đóng góp tài chính của trợ cấp, dưới hình thức bỏ qua khoản phải thu của chính phủ. Thay vào đó, 'sự không quy định' liên quan đến một bước thủ tục trong bối cảnh cơ quan điều tra đang điều tra xem liệu có xảy ra việc hoàn quá mức các khoản chi phí nhập khẩu hay không. Liên quan đến vấn đề này, nếu cơ quan điều tra xác định rằng không có hệ thống xác minh nào được áp dụng tại Thành viên xuất khẩu, hoặc có hệ thống xác minh nhưng không phù hợp với mục đích, hoặc nó không được Thành viên xuất khẩu áp dụng hiệu quả và khi Thành viên xuất khẩu chưa tiến hành kiểm tra thêm, hoặc được cơ quan điều tra coi là không đạt yêu cầu, đúng là Phụ lục II và III không quy định rõ ràng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tuy nhiên, nói chung, Hiệp định SCM không “im lặng” và sự 'im lặng' trong Phụ lục II và III không cho cơ quan điều tra quyền tự do rời khỏi những nguyên tắc khác này của Hiệp định SCM. Đặc biệt, Điều 12.7 Hiệp định SCM cho phép cơ quan điều tra dựa vào 'các dữ kiện có sẵn' trong hồ sơ điều tra của mình để hoàn tất việc điều tra xem chương trình hoàn thuế có cấu thành khoản trợ cấp vì lý do hoàn quá mức chi phí nhập khẩu đối với đầu vào hay không.[23]
Nguồn: WTO Analytical Index
[1] Hoa Kỳ - FSC, Cơ quan Phúc thẩm.
[2] Hoa Kỳ - FSC, Cơ quan Phúc thẩm và Ban Hội thẩm.
[3] Hoa Kỳ - FSC, Ban Hội thẩm.
[4] Hoa Kỳ - FSC, Cơ quan Phúc thẩm.
[5] Hoa Kỳ - FSC, Cơ quan Phúc thẩm.
[6] Hoa Kỳ- FSC (Điều 21.5- EC), Cơ quan Phúc thẩm.
[7] EU - PET (Pakistan), Cơ quan Phúc thẩm.
[8] Khoản g: Miễn hoặc giảm thuế gián thu đối với sản xuất và phân phối sản phẩm xuất khẩu cao hơn thuế đối với sản xuất và phân phối sản phẩm tương tự khi bán cho tiêu dùng trong nước; Khoản h: Việc miễn, giảm hoặc hoãn thuế gián thu tích lũy giai đoạn trước đối với hàng hóa hoặc dịch vụ được sử dụng để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu cao hơn mức miễn, giảm hoặc hoãn thuế gián thu tương tự tích lũy giai đoạn trước đối với hàng hóa hoặc dịch vụ được sử dụng để sản xuất sản phẩm tương tự khi bán ra để tiêu thụ trong nước; Tuy nhiên, với điều kiện là thuế gián thu tích lũy giai đoạn trước có thể được miễn, hoàn hoặc hoãn đối với các sản phẩm xuất khẩu ngay cả khi không được miễn, hoàn hoặc hoãn đối với các sản phẩm tương tự khi bán cho tiêu dùng nội địa, nếu thuế gián thu tích lũy giai đoạn trước được đánh vào đầu vào được tiêu thụ trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu (có tính đến phế liệu). Khoản mục này sẽ được giải thích theo hướng dẫn về tiêu thụ nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất nêu trong Phụ lục II.; Khoản i: Việc miễn giảm hoặc hoàn khoản phí nhập khẩu vượt quá các khoản đánh vào đầu vào nhập khẩu được sử dụng để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu (có tính đến phế liệu); Tuy nhiên, với điều kiện là trong những trường hợp cụ thể, một công ty có thể sử dụng một lượng nguyên liệu đầu vào tại thị trường trong nước bằng, và có cùng chất lượng và đặc điểm với các nguyên liệu đầu vào nhập khẩu để thay thế nhằm hưởng lợi từ điều khoản này nếu việc nhập khẩu và các hoạt động xuất khẩu tương ứng đều diễn ra trong một khoảng thời gian hợp lý, không quá hai năm. Khoản mục này phải được giải thích theo hướng dẫn về tiêu thụ nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất nêu trong Phụ lục II và hướng dẫn xác định hệ thống hoàn thuế thay thế là trợ cấp xuất khẩu trong Phụ lục III.
[9] EU - PET (Pakistan), Cơ quan Phúc thẩm.
[10] Braxin - Thuế, Cơ quan Phúc thẩm.
[11] Hoa Kỳ - Máy bay Dân dụng Lớn (khiếu nại lần 2) (Điều 21.5 - EU), Cơ quan Phúc thẩm.
[12] Hoa Kỳ - Gỗ xẻ mềm VII, Ban Hội thẩm.
[13] Ấn Độ - Các biện pháp liên quan đến xuất khẩu, Ban hội thẩm.
[14] Ấn Độ - Các biện pháp liên quan đến xuất khẩu, Ban hội thẩm.
[15] Ấn Độ - Các biện pháp liên quan đến xuất khẩu, Ban hội thẩm.
[16] EU - PET (Pakistan), Cơ quan Phúc thẩm.
[17] EU - PET (Pakistan), Ban Hội thẩm.
[18] EU - PET (Pakistan), Ban Hội thẩm.
[19] EU - PET (Pakistan), Ban Hội thẩm.
[20] EU - PET (Pakistan), Ban Hội thẩm.
[21] EU - PET (Pakistan), Ban Hội thẩm.
[22] EU - PET (Pakistan), Cơ quan Phúc thẩm.
[23] EU - PET (Pakistan), Cơ quan Phúc thẩm.