Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Cục Phòng vệ thương mại
Triển khai công tác năm 2024, ngày 31 tháng 7 năm 2024, Cục Phòng vệ thương mại tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Tại Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại và toàn thể công chức, viên chức và người lao động của Cục. Ông Trịnh Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại chủ trì Hội nghị.
Trong 6 tháng đầu năm, Cục PVTM đã chủ động triển khai, hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng được giao.
Đối với công tác điều tra phòng vệ thương mại, trong 06 tháng đầu năm 2024, Cục PVTM tiếp tục thực hiện các công tác liên quan đến việc điều tra, rà soát 7 vụ việc phòng vệ thương mại đã được Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng trong năm 2023 và thẩm định, báo cáo Bộ trưởng ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với 1 vụ việc mới. Đồng thời, Cục Phòng vệ thương mại cũng đã tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát của các ngành sản xuất trong nước.
Đối với công tác xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại đã triển khai có hệ thống các hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại cụ thể. Cục Phòng vệ thương mại đã hỗ trợ doanh nghiệp xử lý 10 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024. Số vụ việc mới khởi xướng trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Cục hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục xử lý các vụ việc điều tra đã diễn ra từ những năm trước. Một số vụ việc đã có kết quả tích cực như các doanh nghiệp Việt Nam có mức thuế thấp hoặc chứng minh được sản phẩm xuất khẩu không thuộc phạm vi của các lệnh áp thuế hiện hành, từ đó giữ vững được thị trường xuất khẩu.
Cục Phòng vệ thương mại cũng đã tham gia đầy đủ các hoạt động theo quy trình tố tụng để đề nghị Hoa Kỳ xem Việt Nam là một nền kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, bao gồm việc xây dựng gửi các lập luận, cung cấp các thông tin tài liệu chứng minh, nêu ý kiến, phản biện và tham gia phiên điều trần do Bộ Thương mại Hoa Kỳ tổ chức. Các diễn biến cập nhật thường xuyên được báo cáo với cấp có thẩm quyền và thông tin cho các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp xử lý.
Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Cục đã tham mưu, đề xuất và xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại. Đến nay, dự thảo của nghị định thay thế đã được đăng tải công khai để lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ.
Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, Cục Phòng vệ thương mại đã đưa vào vận hành hệ thống tiếp nhận hồ sơ phòng vệ thương mại trực tuyến để tạo thuận lợi cho tất các các bên liên quan trong việc nộp các hồ sơ, tài liệu phục vụ cho công tác điều tra phòng vệ thương mại cũng như tiếp cận các thông tin công khai trong quá trình điều tra.
Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 316/QĐ-TTg về xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại và Quyết định 824/QĐ-TTg về tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng vệ thương mại, Cục đã tổ chức và tham gia 17 hội thảo, hội nghị, khóa tập huấn tại các địa phương nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và đúng tiến độ các hoạt động theo kế hoạch công tác đã xây dựng, bao gồm việc hoàn thành điều tra 2 vụ việc chống bán phá giá và 4 vụ việc rà soát, tiếp tục triển khai công tác điều tra đối với 2 vụ việc chống bán phá giá và 3 vụ việc rà soát cuối kỳ, thẩm định và báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thẩm định các hồ sơ đề nghị điều tra, rà soát của ngành sản xuất trong nước, hoàn thành thủ tục trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính – kiểm soát thủ tục hành chính; công tác đàm phán, thực thi các FTA và tham gia trong khuôn khổ WTO; công tác đề nghị một số quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại, công tác hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, công tác cảnh báo sớm các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại và công tác nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp./.