Hướng dẫn tham gia vụ việc Nam Phi khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp xe ô-tô, xe buýt và xe tải có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Thái Lan, Cam-pu-chia và Việt Nam
Liên quan đến vụ việc Cộng hòa Nam Phi khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) với lốp xe ô-tô, xe buýt và xe tải có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Thái Lan, Cam-pu-chia và Việt Nam, với cáo buộc lẩn tránh thuế CBPG đang áp dụng với Trung Quốc, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất⁄xuất khẩu liên quan cách thức tham gia vụ việc như sau:
Thông tin chung về vụ việc:
(Xem tin đăng về việc khởi xướng vụ việc tại đây)
Vụ việc trên do Nguyên đơn của Nam Phi đề nghị sau khi Nam Phi áp thuế CBPG với sản phẩm tương tự có nguồn gốc từ Trung Quốc vào tháng 7/2023. Sau khi áp thuế, có hiện tượng lượng xuất khẩu sản phẩm bị áp thuế từ Trung Quốc vào Nam Phi giảm, trong khi lượng xuất khẩu sản phẩm này từ Thái Lan, Cam-chia và Việt Nam vào Nam Phi tăng. Nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp của Trung Quốc đã thông qua các công ty liên kết của họ tại Việt Nam, Thái Lan và Cam-pu-chia để chuyển xuất khẩu từ Việt Nam, Thái Lan và Cam-pu-chia sang Nam Phi (hình thức lẩn tránh “country hopping” - xuất khẩu thông qua công ty liên kết ở nước thứ ba).
Yêu cầu của Cơ quan điều tra:
Cơ quan điều tra PVTM của Nam Phi (ITAC) yêu cầu tất cả các công ty Việt Nam có xuất khẩu hoặc không xuất khẩu sản phẩm bị điều tra vào Nam Phi trong giai đoạn điều tra đều phải trả lời Bản câu hỏi điều tra để cung cấp thông tin cho ITAC, kèm theo tài liệu chứng minh để phục vụ việc điều tra của ITAC. Bản trả lời này là căn cứ để ITAC lưu vào hồ sơ vụ việc. Trong trường hợp công ty không trả lời Bản câu hỏi, công ty sẽ bị xét vào diện không hợp tác và sau này khi xuất khẩu vào Nam Phi, phải chịu mức thuế dành cho các công ty không hợp tác (thường là rất cao).
ITAC sẽ tính mức thuế CBPG riêng cho từng công ty trả lời Bản câu hỏi. Hiện nay mức thuế đang đề xuất cho Việt Nam là 84%, tuy nhiên mức thuế thực tế có thể thay đổi tùy vào số liệu và mức độ hợp tác của từng công ty. Mức thuế này sẽ được duy trì trong 05 năm, trừ khi doanh nghiệp yêu cầu ITAC tiến hành rà soát thay đổi hoàn cảnh (sau 01 năm nếu có sự thay đổi hoàn cảnh đáng kể).
Thủ tục tiếp theo:
Sau khi nhận được Bản trả lời của các doanh nghiệp Việt Nam, ITAC có thể sẽ gửi yêu cầu bổ sung/làm rõ thông tin. Kết luận sơ bộ sẽ được ban hành trong vòng 06 tháng kể từ ngày khởi xướng điều tra, khoảng ngày 25/03/2025. Các doanh nghiệp có thể đề nghị ITAC tổ chức phiên điều trần công khai để nêu quan điểm về vụ việc. Kết luận cuối cùng thường sẽ được ban hành trong vòng tối đa 12 tháng (có thể gia hạn đến 18 tháng), khoảng tháng 9 năm 2025.
Khuyến nghị:
Hiện nay đã có 07 Công ty Việt Nam gửi phản hồi/trả lời Bản câu hỏi của ITAC và một số công ty đã yêu cầu gia hạn Bản trả lời câu hỏi. ITAC đã đồng ý gia hạn tới ngày 11/11/2024 (chỉ dành cho các công ty có yêu cầu gia hạn), các công ty còn lại không gửi yêu cầu gia hạn vẫn bị áp dụng thời hạn cũ là ngày 28/10/2024).
Cục PVTM khuyến nghị các doanh nghiệp liên quan:
- Khẩn trương trả lời và nộp đúng hạn theo hướng dẫn của ITAC, nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam;
- Thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi tình hình với Cục PVTM để nhận được sự hỗ trợ kịp thời;
- Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong trường hợp có quyết định áp thuế của Nam Phi.
(Tải Bản câu hỏi điều tra và tài liệu liên quan tại đây).
Thông tin chi tiết xin liên hệ: Phòng Xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM, Bộ Công Thương, 21-23-25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chuyên viên phụ trách: Bùi Anh Dũng. E-mail: dungban@moit.gov.vn; nganha@moit.gov.vn