Hội thảo phổ biến quy định về chống lao động cưỡng bức và trốn thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ dành cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam

Trong 02 ngày 24 và 25 tháng 9 năm 2024, Cục Phòng vệ thương mại phối hợp với Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã tổ chức 02 buổi hội thảo phổ biến quy định về chống lao động cưỡng bức và trốn thuế PVTM của Hoa Kỳ dành cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Mục tiêu của 02 buổi hội thảo này là nhằm phổ biến, cập nhật quy định của Hoa Kỳ về chống lao động cưỡng bức và trốn thuế PVTM để các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp thực thi và các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ đầy đủ nhằm hạn chế các vướng mắc liên quan trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ. 

Chống lao động cưỡng bức là một nội dung được quy định trong luật pháp thương mại của Hoa Kỳ. Theo đó, cơ quan hải quan Hoa Kỳ có quyền từ chối thông quan các lô hàng nhập khẩu được xác định là có sử dụng lao động cưỡng bức. Cùng với các quy định chung về lao động cưỡng bức, ngày 23 tháng 12 năm 2021, Tổng thống Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ. Đạo luật này có hiệu lực kể từ 21 tháng 6 năm 2022. Theo đó, các hàng hóa và vật phẩm được khai thác, sản xuất, chế biến một phần hoặc toàn bộ tại khu vực Tân Cương sẽ không được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành nghề vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả hàng hóa từ khu vực Tân Cương. Do đó, nếu không có các phương thức thẩm định chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sẽ trở thành đối tượng của Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, các quy định về gian lận xuất xứ, chuyển tải và trốn thuế phòng vệ thương mại cũng là nội dung mà Chính phủ Hoa Kỳ muốn tăng cường việc thực thi với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, đây là nội dung các cơ quan Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp cần nắm rõ nhằm phòng tránh các rủi ro pháp lý liên quan trong quá trình doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong 02 buổi Hội thảo, các chuyên gia từ CBP đã có các bài trình bày, giới thiệu về quy định chống lao động cưỡng bức của Hoa Kỳ và hướng dẫn các cơ quan quản lý Nhà nước cách thức phát hiện các dấu hiệu vi phạm; đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp cách thức truy suất nguồn gốc chuỗi cung ứng để phòng ngừa và chứng minh không thuộc đối tượng bị áp dụng quy định về chống lao động cưỡng bức. Các chuyên gia cũng đề xuất một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành có nguy cơ cao liên quan đến quy định về chống lao động cưỡng bức, bao gồm các ngành: cà chua, bông sợi, quần áo, nhôm, thủy sản và PVC. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra một số nguồn thông tin, tài liệu tham khảo để các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp nghiên cứu trong quá trình thực thi và tuân thủ. Nhằm giúp các cơ quan Chính phủ hiểu rõ hơn quy định và cách thức phát hiện sai phạm, các chuyên gia từ CBP cũng đưa ra một số bài tập tình huống mang tính thực tế.

Ngoài ra đối với quy định về gian lận xuất xứ, chuyển tải và trốn thuế phòng vệ thương mại, các chuyên gia CBP cũng chia sẻ định nghĩa, số liệu thống kê về các vụ việc điều tra chuyển tải và trốn thuế PVTM với các nước trên thế giới cũng như quy trình, thủ tục điều tra của CBP.

Trong 02 buổi Hội thảo, đại diện các cơ quan có liên quan của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia buổi Hội thảo đã đặt ra nhiều câu hỏi và nhận được phản hồi, giải thích cụ thể từ phía CBP liên quan đến Đạo luật Chống lao động cưỡng bức và trốn thuế PVTM của Hoa Kỳ.

Kết thúc buổi Hội thảo, đại diện CBP và Cục PVTM, Tổng cục Hải quan cảm ơn và đánh giá cao sự phối hợp của 03 bên trong thời gian qua để tổ chức chương trình này cũng như những nỗ lực hợp tác trong thời gian qua trong các lĩnh vực cả 02 quốc gia cùng quan tâm.

Tin tức khác