Bộ Công Thương tổ chức “Hội thảo thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương”
Sáng ngày 12 tháng 11 năm 2024, Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương” tại thành phố Hà Nội.
Hội thảo có sự tham dự của Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội cùng các Bộ, ban, ngành cùng đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số địa phương lân cận.
Mục đích của Hội thảo nhằm cập nhật, trao đổi thông tin về tình hình thị trường, cơ hội và thách thức thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng sang thị trường Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương cũng như kinh nghiệm phối hợp, ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường này. Chương trình Hội thảo gồm các bài trình bày về:
i) Tình hình thị trường, cơ hội và thách thức thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng sang thị trường Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương;
ii) Tình hình điều tra, áp dụng và ứng phó các biện pháp PVTM của các nước thị trường Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương với Việt Nam;
iii) Kinh nghiệm phối hợp, ứng phó của cơ quan quản lý địa phương trong các vụ việc phòng vệ thương mại;
iv) Kinh nghiệm phối hợp, ứng phó của hiệp hội, doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng Mười, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 69,19 tỷ đô, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87% tỷ đô, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Á – châu Phi đạt khoảng 250 tỷ đô tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm gần 67% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực châu Á đạt gần 89 tỷ đô, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023; khu vực châu Đại Dương và châu Phi lần lượt đóng góp gần 3,5 tỷ đô và 1,5 tỷ đô, tăng khoảng 27% và 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong những năm gần đây, phòng vệ thương mại nổi lên là một trong các công cụ hợp pháp, hữu hiệu và được nhiều thành viên WTO sử dụng. Do xuất khẩu nhiều sang thị trường Á - Phi và châu Đại Dương
g, Việt Nam phải đối mặt với các vụ việc về phòng vệ thương mại tại các thị trường này. Theo thống kê của Bộ Công Thương, có tới 14/25 nước thuộc nhóm thị trường Châu Á, Châu Phi và Châu Đại dương đã điều tra 145/268 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Indonesia, Phi-líp-pin… Chỉ riêng trong ASEAN, 4 nước Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Thái Lan đã điều tra tới 52 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa của ta. Còn tại Châu Đại Dương, Úc cũng đã điều tra 19 vụ việc với Việt Nam.
Bộ Công Thương đã triển khai hàng hoạt các công tác hỗ trợ các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương ; phối hợp với các Cơ quan liên quan tham gia với tư cách một bên liên quan trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với Chính phủ. Tại nhiều thị trường quan trọng như Úc, Phi-líp-lin, In-đô-nê-xi-a…, Bộ Công Thương đã thành công trong việc bảo vệ các lập luận chứng minh Chính phủ không trợ cấp và không can thiệp vào thị trường để tạo ra lợi thế bất bình đẳng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; thường xuyên bám sát thông tin, quy trình điều tra của Cơ quan điều tra nước ngoài, từ đó cung cấp các thông tin theo yêu cầu và đưa ra các lập luận pháp lý phản bác các luận điểm thiếu căn cứ của Nguyên đơn hoặc hoặc các kết luận có khả năng vi phạm WTO của Cơ quan điều tra. Trong nhiều vụ việc, Cơ quan điều tra đã phải xem xét lại các kết luận hoặc kéo dài thời gian khởi xướng để tiếp tục bổ sung các chứng cứ theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương cũng chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo cho các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, đơn vị tư vấn. Mục đích của công tác này nhằm thường xuyên cập nhật các thay đổi trong pháp luật phòng vệ thương mại và thực tiễn áp dụng pháp luật PVTM của nước ngoài; nâng cao kiến thức và nhận thức về phòng vệ thương mại, giúp các bên liên quan phản ứng kịp thời và hiệu quả khi vụ việc phòng vệ thương mại diễn ra.