Hội thảo “Phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam”

Ngày 15 tháng 11 năm 2020, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết sau 8 năm đàm phán, hứa hẹn mở ra một giai đoạn hợp tác và phát triển kinh tế thương mại mới giữa ASEAN và các nước đối tác. Với Việt Nam, sau khi thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA), việc ký kết RCEP sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực. Do vậy, việc thực hiện các cam kết thương mại một mặt góp phần thúc đẩy nền kinh tế, nhưng mặt khác cũng tạo ra thách thức cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam khi tuân thủ các quy định của WTO cũng như nội luật của quốc gia nhập khẩu. Để khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA thế hệ mới trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, nhằm giúp các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) ở nước ngoài đồng thời hạn chế những thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam, Cục PVTM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo Phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam vào ngày 27 tháng 11 năm 2020 tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại và các diễn giả đến từ Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Cục Xuất Nhập khẩu cùng sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; các hội, hiệp hội; cộng đồng doanh nghiệp, các viện - trường và các cơ quan thông tấn báo chí.

Công cụ PVTM xuất hiện từ rất sớm và được sử dụng thường xuyên trong thương mại quốc tế. Các biện pháp này phát triển song hành cùng với tiến trình tự do hóa thương mại quốc tế. Theo thống kê của WTO, 25 năm qua (kể từ khi WTO ra đời vào năm 1995), các nước đã khởi xướng điều tra tổng cộng 5.944 vụ chống bán phá giá (CBPG), 577 vụ chống trợ cấp (CTC) và 377 vụ việc tự vệ, trung bình mỗi năm hơn 270 vụ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Nếu giai đoạn 2005 -2010 mới có 21 vụ việc (12 vụ việc CBPG, 1 vụ việc CTC, 5 vụ việc tự vệ và 3 vụ việc chống lẩn tránh) thì đến giai đoạn 2011 – 2015 là 52 vụ việc và giai đoạn 2016 – tháng 11/2020 là 99 vụ việc (49 vụ việc CBPG, 15 vụ việc CTC, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh). Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM.

Lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc PVTM áp dụng với hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu của ta tăng nhanh trong thời gian vừa qua – nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định FTA. Nhiều mặt hàng của ta đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ “Khi phải đối diện với các biện PVTM, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của ta đã rất thất vọng. Chúng tôi hiểu, thông cảm với các doanh nghiệp và đang sát cánh cùng họ để đấu tranh chống lại các biện pháp này, thậm chí là kiện các biện pháp này ra WTO. Tuy nhiên, các biện pháp PVTM là một thực tế phổ biến trên thế giới trong bối cảnh tự do hóa thương mại mà chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp, sớm hay muộn cũng sẽ phải đối diện”.

Ở chiều ngược lại, mặc dù PVTM là nội dung tương đối mới với Việt Nam, nhưng trong những năm gần đây,có thể thấy, chúng ta cũng đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ PVTM để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước. Tính đến tháng 11 năm 2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 21 vụ việc PVTM, gồm 13 vụ việc CBPG, 01 vụ việc CTC, 06 vụ việc tự vệ và 01 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Đối tượng là các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân DAP, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi và gần đây nhất là đường. Trong đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng 07 biện pháp CBPG, 05 biện pháp tự vệ và 01 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Các biện pháp này đã góp phần lập lại môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh chúng ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.

Biện pháp PVTM có thể xuất hiện cả ở chiều xuất khẩu và ở chiều nhập khẩu, do vậy, trong thời gian qua, PVTM nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp. Nắm bắt xu thế này, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động cung cấp thông tin và nâng cao năng lực về PVTM cho các ngành sản xuất và các doanh nghiệp.

Cũng trong buổi hội thảo, các diễn giả đã trình bày, truyền đạt nhiều thông tin, kiến thức về tình hình thị trường EU – Cơ hội, thách thức khi thực thi Hiệp định EVFTA; nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA; tổng quan về các hiệp định thương mại tự do và tác động đối với kinh tế Việt Nam; quy tắc xuất xứ và thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ trong EVFTA; hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó và sử dụng công cụ PVTM. Đây là những nội dung rất thiết thực giúp các hiệp hội, doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý nắm được cách ứng phó để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, giảm thiểu được rủi ro cũng như tác động tiêu cực của các biện pháp PVTM.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp, hiệp hội. Các ý kiến chia sẻ và băn khoăn của đại biểu đều được ban tổ chức ghi nhận và giải đáp đầy đủ. Hội thảo cũng là dịp để để các doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhìn nhận về cơ hội và thách thức mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, giúp các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài, đồng thời hạn chế những thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.