Cục Phòng vệ thương mại tổ chức Hội thảo “Đánh giá các quy định pháp luật Phòng vệ thương mại trong Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn hiện hành” tại Bắc Giang

Ngày 26 tháng 8 năm 2022, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) phối hợp cùng Sở Công Thương Bắc Giang tổ chức Hội thảo “Đánh giá các quy định pháp luật Phòng vệ thương mại trong Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn hiện hành” nhằm rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật PVTM hiện hành và hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư, các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc sử dụng các công cụ PVTM.

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả đến từ Cục Phòng vệ thương mại cùng hơn 100 đại biểu đến từ các sở ban ngành, các thành viên BCĐ và Tổ giúp việc BCĐ Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Bắc Giang; Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh; Cục Quản lý thị trường tỉnh; UBND các huyện, TP; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Giang; các tổ chức hành nghề luật sư và doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi hội thảo, các cán bộ của Cục đã giới thiệu chung về về các nội dung: Tổng quan về các biện pháp PVTM trong hệ thống pháp luật Việt Nam và WTO; Đánh giá quy định về PVTM trong Luật Quản lý Ngoại thương; Thực trạng việc áp dụng một số quy định pháp luật PVTM trong thực tiễn điều tra các vụ việc PVTM; Cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp; Ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tại đây các đại biểu tham dự cũng đưa ra các ý kiến trao đổi, đánh giá các quy định pháp luật PVTM hiện hành, đồng thời làm rõ thêm nội dung cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Có thể thấy trong thời gian qua, việc xuất khẩu tăng trưởng nhanh đã thể hiện năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như vị thế của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại nhiều thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu biết về PVTM chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra. Các doanh nghiệp không đáp ứng đúng yêu cầu của cơ quan điều tra có khả năng cao nhận được kết quả bất lợi, thể hiện bởi việc phải chịu mức thuế cao khi xuất khẩu vào thị trường áp dụng biện pháp PVTM, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, các công cụ PVTM nếu được áp dụng hợp lý sẽ là tấm khiên để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các hàng rào thuế quan thông thường sẽ được giảm dần theo các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp được trang bị những kiến thức cơ bản về các biện pháp PVTM, yêu cầu điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình cũng như bước đầu nắm được các quy trình, thủ tục, cách thức xử lý trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp trở thành đối tượng bị nước ngoài điều tra PVTM.

 Trong thời gian tới, Cục PVTM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi hội thảo tương tự để rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật PVTM hiện hành, hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp sản xuất trong nước./.