Hội thảo “Phòng vệ thương mại – công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập”

Tiếp theo Hội thảo tổ chức ngày 27 tháng 10 năm 2020 tại Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2020, tại Tp Hồ Chí Minh, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức buổi Hội thảo “Phòng vệ thương mại – công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập”. Buổi hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, doanh nghiệp, Hiệp hội và các cơ quan báo chí, truyền thông.

Với chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian qua Việt Nam đã tích cực tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), mới nhất là Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8 năm 2020. Các FTA này đã đem lại nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, cùng với việc thực hiện lộ trình giảm thuế theo các FTA, sức ép cạnh tranh với hàng nhập khẩu cũng gia tăng, theo đó dẫn tới xu hướng các nước tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Việc cắt giảm thuế theo FTA dẫn đến nhiều hàng hóa nước ngoài gia tăng nhập khẩu đột biến vào Việt Nam, trong đó, một số hàng hóa có dấu hiệu bán phá giá, được trợ cấp đã khiến các doanh nghiệp trong nước phải thu hẹp sản xuất, người lao động giảm thu nhập và thậm chí mất việc làm. Vì vậy, cần đẩy mạnh áp dụng công cụ PVTM để duy trì và thúc đẩy sản xuất trong nước, giữ vững công ăn việc làm của người lao động trước các hành vi bán phá giá, trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại đã so sánh các biện pháp phòng vệ thương mại như một liều kháng sinh hỗ trợ cho các ngành sản xuất trong nước có điều kiện tốt hơn để khắc phục các thiệt hại và cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu. Và trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh sôi động hiện nay, việc nâng cao năng lực phòng vệ thương mại là một nhu cầu rất thiết yếu đối với nền kinh tế Việt Nam.

Bà Phạm Châu Giang đã có bài trình bày về nội dung “Đề án nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới”. Các thông tin cập nhật về tình hình điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua và mục tiêu hướng tới với các giải pháp cụ thể được xây dựng trong Đề án đã được cung cấp đầy đủ, sinh động tới các đại biểu tham gia.

Cùng với việc giới thiệu các nội dung của Dự thảo Đề án, Cục Phòng vệ thương mại đã có phần giới thiệu về Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực thi Hiệp định EVFTA về phòng vệ thương mại để các đại biểu cùng nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Dự thảo Thông tư hiện đang lấy ý kiến thông qua trang điện tử của Bộ Công Thương và Cục Phòng vệ thương mại, dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 11 năm 2020.

Trong buổi Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Thùy Dung – đại diện của VCCI đã có những bình luận, gợi mở về một số vấn đề cần thảo luận trong nội dung Dự thảo Đề án và Dự thảo Thông tư mà Cục Phòng vệ thương mại đang xây dựng. Các ý kiến của đại diện VCCI nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, đặc biệt với các khó khăn đến từ dịch bệnh Covid-19, có nhiều lý do để doanh nghiệp cần lo lắng. Do đó, phòng vệ thương mại là công cụ hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước

Sau phiên thảo luận, đóng góp ý kiến về Dự thảo Đề án và Dự thảo Thông tư liên quan đến lĩnh vực phòng vệ thương mại, Ông Tô Thái Ninh – Trưởng phòng, Phòng điều tra chống bán phá giá và trợ cấp – Cục Phòng vệ thương mại đã có bài trình bày, hướng dẫn doanh nghiệp về trình tự thủ tục cũng như lưu ý trong quá trình yêu cầu điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tại buổi Hội thảo “Phòng vệ thương mại – công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập”, các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, luật sư đã tích cực trao đổi, góp ý đối với nội dung của các Dự thảo. Các ý kiến góp ý đều được đại diện Cục Phòng vệ thương mại trao đổi và ghi nhận nhằm hoàn thiện các Dự thảo trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.