Cục Phòng vệ thương mại tổ chức Hội nghị tập huấn “Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do” tại Phú Yên

Thời gian qua, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ PVTM được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, ngày 11 tháng 5 năm 2022, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương Phú Yên đã phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn “Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do”.   

Hội nghị tập huấn có sự tham gia của ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên và các diễn giả đến từ Cục Phòng vệ thương mại, cùng sự tham dự của hơn 80 đại biểu đến từ các sở ban ngành, các cơ quan, đơn vị, hội, hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên.  

Tại hội nghị tập huấn, các chuyên gia đã trao đổi nhiều nội dung thiết thực về pháp luật PVTM của Việt Nam và quy định về PVTM trong một số Hiệp định thương mại tự do; ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; thực tiễn và tác động của các biện pháp PVTM trong thời gian qua. 

Xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hoá của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình. Do đó, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Trên thực tế, số lượng vụ việc PVTM với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Các thị trường có tần suất điều tra nhiều là Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Úc và Canada. Việc bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khiến một số mặt hàng xuất khẩu phải chịu mức thuế cao, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cả ngành hàng, ảnh hưởng đến công ăn, việc làm và thu nhập của hàng chục ngàn lao động và làm suy giảm vị thế là quốc gia xuất khẩu hàng đầu trong khu vực của Việt Nam. 

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã tiến hành điều tra 25 vụ việc PVTM, trong đó có 16 vụ việc chống bán phá giá, 06 vụ việc tự vệ, 02 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM và 01 vụ việc chống trợ cấp. Trên cơ sở kết quả của các cuộc điều tra, mười sáu biện pháp phòng vệ thương mại hiện đang áp dụng đối với một số mặt hàng nhập khẩu. Điều này cho thấy Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp PVTM như một công cụ để bảo đảm môi trường thuơng mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội. 

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với điều tra PVTM và đấu tranh chống lẩn tránh như trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, xây dựng chiến lược xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM, theo dõi các thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước, tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM, tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.  

Hội nghị tập huấn đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp, hiệp hội. Hội nghị cũng là dịp để các doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhìn nhận về cơ hội và thách thức mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, giúp các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện PVTM ở nước ngoài, đồng thời hạn chế những thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.

Tin tức khác