Cục Phòng vệ thương mại phối hợp Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng vệ thương mại”

Thực hiện chủ trương đổi mới, Việt Nam đã từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực toàn cầu. Việt Nam đã ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có những Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và cam kết toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế này đã góp phần thay đổi căn bản thể chế kinh tế nói riêng nền kinh tế của Việt Nam nói chung, thể hiện rõ nhất qua hoạt động ngoại thương. Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại- Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng vệ thương mại”.

Hội thảo có sự tham gia của ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên; ông Chu Thắng Trung Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, và các báo cáo viên đến từ Cục Phòng vệ thương mại cùng sự tham dự nhiều đại biểu đến từ các sở ban ngành, các cơ quan, đơn vị, hội, hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Tại Hội thảo này, các báo cáo viên đã trình bày và cung cấp thông tin đối với một số nội dung như: (i) Tổng quan về pháp luật phòng vệ thương mại; (ii) Ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; (iii) Hướng dẫn sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Qua hội thảo, các báo cáo viên cũng giải đáp thắc mắc của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong việc nắm bắt, triển khai, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước trong việc hợp tác với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại để chủ động xử lý, ứng phó với các vụ việc PVTM trong và ngoài nước.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với điều tra PVTM và đấu tranh chống lẩn tránh biện pháp PVTM như: trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, xây dựng chiến lược xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM, theo dõi các thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước/ vùng lãnh thổ, tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM, tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc. Đồng thời, khuyến nghị các hiệp hội, doanh nghiệp trong thời gian tới cần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm theo cả chiều rộng và chiều sâu; thận trọng trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu; đa dạng nguồn nguyên vật liệu, thị trường xuất nhập khẩu.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Cục Phòng vệ thương mại khẳng định: Phòng vệ thương mại được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đã và đang tham gia hội nhập quốc tế sâu, rộng; từng bước đưa hàng hóa sản xuất trong nước cạnh tranh công bằng, lành mạnh với hàng hóa nhập khẩu./.

Tin tức khác