Bộ Công Thương chủ động hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài

Trong những năm gần đây hiện tượng bảo hộ trên toàn thế giới đang có dấu hiệu gia tăng, tác động không nhỏ tới các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến tháng 5 năm 2019, đã có 146 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (27 vụ, chiếm 18%); thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ, chiếm 14%); thứ ba là Ấn Độ (18 vụ, chiếm 12%) và thứ tư là EU (14 vụ, chiếm 10%). Dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (83 vụ việc, chiếm 57%); tiếp đó là các vụ việc tự vệ (30 vụ, chiếm 20%); thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (19 vụ việc, chiếm 13%) và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp (14 vụ việc, chiếm 10 %).

Trong các vụ việc PVTM, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: (i) cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý; (ii) cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; (iii) tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp; (iv) có ý kiến với cơ quan quản lý, cơ quan điều tra của nước ngoài đề nghị đối xử khách quan với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam; (v) xem xét khởi kiện các biện pháp PVTM của cơ quan điều tra nước ngoài nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp, Việt Nam đã thu được một số kết quả khả quan trong các vụ việc trên, cụ thể là:

(i) Kháng kiện thành công 62/146 vụ việc (không áp dụng biện pháp/không tiếp tục áp dụng biện pháp), chiếm tỷ lệ khoảng 42%.

(ii) Mặt khác, liên quan đến một số biện pháp PVTM mà Việt Nam đã khiếu nại ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, tính đến nay, ta đã khiếu kiện 05 vụ trong đó 03 vụ đã kết thúc (với kết quả tích cực), 02 vụ đang trong quá trình xét xử.

(iii) Đối với công tác hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cảnh báo nguy cơ bị kiện PVTM, Bộ Công Thương đã xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm. Hiện nay, Bộ đang tiến hành xem xét nâng cấp, mở rộng phạm vi cảnh báo để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn nữa.

Các nỗ lực nêu trên về phòng vệ thương mại đã góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu do Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là diễn biến xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, nhằm ứng phó với các hệ quả phát sinh, Bộ Công Thương đã theo dõi chặt chẽ tình hình, liên tục có các đánh giá, khuyến nghị cho các cơ quan quản lý liên quan, đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ lẩn tránh thuế thông qua Việt Nam. Để chủ động xử lý vấn đề này, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ./.