Hội nghị tập huấn “Các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế"

Nhằm hỗ trợ các sở, ban ngành tỉnh; các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ PVTM được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Cảnh báo - Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang tổ chức chương trình tập huấn “Các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” tại tỉnh Tiền Giang vào ngày 16 tháng 9 năm 2022.

Chương trình tập huấn có sự tham gia của ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, ông Đặng Văn Tuấn - quyền Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang, cùng sự tham dự của các đại biểu đến từ các sở ban ngành, các cơ quan, đơn vị, hội, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tại buổi tập huấn, Phó Cục trưởng Nguyễn Phương Nam đã trình bày tổng quan về các biện pháp Phòng vệ thương mại; hoạt động điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và tác động đối với hàng nhập khẩu; kinh nghiệm thực tiễn hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Việt Nam đã ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới với cam kết toàn diện như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Với lợi thế này, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,7% trong giai đoạn 2016-2020 và đạt 336,31 tỷ USD trong năm 2021. Mặc dù WTO và các FTA đều hướng đến mục tiêu dỡ bỏ các rào cản thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại phát triển, tuy nhiên các khuôn khổ này vẫn cho phép các nước thành viên sử dụng một số công cụ chính sách thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu. Trong số đó, biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ được sử dụng nhiều nhất. Trong giai đoạn từ năm 1995 - 2021 đã có 4.941 biện pháp phòng vệ thương mại được các nước thành viên WTO áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Tính đến hết tháng 6/2022, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị 22 quốc gia/vùng lãnh thổ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tổng cộng 214 vụ việc phòng vệ thương mại. Trong các vụ việc này, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả, đồng thời công tác cảnh báo sớm cũng ngày càng được đẩy mạnh. Nhờ đó, cho tới nay, Việt Nam đã xử lý đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp mặt hàng xuất khẩu, không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp (như tôm, cá tra, cá basa, thép, ván gỗ MDF…), góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Úc, Canada…

 Trước sự tăng nhanh về số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, các sản phẩm bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng mở rộng, vì thế, thời gian tới ngành hàng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ bị gia tăng điều tra phòng vệ thương mại đặc biệt là điều tra chống lẩn tránh thuế, từ nhiều thị trường XK khác nhau. Tính chất các vụ việc cũng sẽ ngày càng phức tạp và khó khăn hơn trong việc ứng phó, xử lý.

Ở chiều ngược lại, các công cụ PVTM nếu được áp dụng hợp lý sẽ bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các hàng rào thuế quan thông thường sẽ được giảm dần theo các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế.

Thông qua buổi Hội nghị tập huấn lần này, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tổ chức liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ có những hiểu biết sâu sắc hơn về các biện pháp PVTM và cách áp dụng những biện pháp này một cách phù hợp với quy định pháp luật; đồng thời tận dụng được ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Tin tức khác