Cục Phòng vệ thương mại tổ chức Hội thảo “Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do” tại Thành phố Hải Phòng

Ngày 10 tháng 8, Cục Phòng vệ thương mại phối hợp cùng Sở Công thương Thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do” nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, các viện trường, và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ PVTM được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả đến từ Cục Phòng vệ thương mại, chuyên gia kinh tế cùng sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các sở ban ngành, các cơ quan, đơn vị, hội, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn Thành phố Hải Phòng.

Các bài trình bày tại hội thảo cho biết hiện nay một số quốc gia, kể cả các quốc gia tích cực tham gia Hiệp định thương mại tự do vẫn đang tiếp tục duy trì áp dụng một số biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước. Thậm chí, một số quốc gia đã có dấu hiệu lạm dụng các biện pháp này để bảo hộ quá mức ngành sản xuất nội địa, gây tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Có thể thấy, trong những năm gần đây, xuất khẩu tăng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Tuy nhiên cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Tính đến tháng 6 năm 2022, Việt Nam đã bị 22 quốc gia/vùng lãnh thổ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM với tổng cộng 214 vụ việc PVTM. Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia điều tra nhiều nhất với tổng cộng 44 vụ việc, Ấn Độ với 29 vụ việc, Thổ Nhĩ Kỳ 24 vụ việc, Canada 18 vụ việc, Úc 18 vụ việc, tiếp theo là EU, Philippines, Indonesia, Malaysia…

Việc bị điều tra và áp dụng biện pháp PVTM khiến một số mặt hàng xuất khẩu phải chịu mức thuế cao, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cả ngành hàng và việc làm của người lao động.

Tại hội thảo, các diễn giả của Cục PVTM đã giới thiệu hệ thống pháp luật và thực tiễn PVTM Việt Nam trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời các diễn giả cũng cung cấp thêm các thông tin về thực tiễn và tác động các biện pháp PVTM trong thời gian qua và một số lưu ý cho doanh nghiệp, hiệp hội, hội, ngành hàng trong việc ứng phó và sử dụng công cụ PVTM.

Tại đây các đại biểu tham dự cũng đưa ra các ý kiến trao đổi về nhiều nội dung như: cách thức cung cấp thông tin, những khuyến nghị của Cục PVTM dành cho các doanh nghiệp để không tham gia tiếp tay cho các hành vi lẩn tránh chuyển tải bất hợp pháp do gian lận xuất xứ, không vì lợi ích trước mắt mà gây ảnh hưởng đến cả ngành cũng như uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Đại diện Cục PVTM thể hiện mong muốn qua buổi Hội thảo này các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ nắm được cách thức ứng xử khi gặp phải các vụ kiện PVTM, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng như các ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam./.