Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Phòng vệ thương mại

Triển khai công tác năm 2023, ngày 11 tháng 7 năm 2023, Cục Phòng vệ thương mại tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, vượt qua những thách thức, Cục Phòng vệ thương mại chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chuyên môn theo chức năng được Bộ Công Thương giao.

Cụ thể, về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Cục Phòng vệ thương mại đã tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tiếp tục triển khai 3 thủ tục hành chính cấp độ 4 của Bộ Công Thương gồm: Thủ tục khai báo nhập khẩu hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để phục vụ công tác điều tra; Thủ tục miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; Thủ tục bổ sung lượng hàng hóa được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thươmg mại; Công tác tham mưu đàm phán, thực thi các FTA và tham gia trong khuôn khổ WTO.

Về công tác điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, ông Trịnh Anh Tuấn thông tin thêm, Cục đã tiếp nhận và xử lý 4 hồ tiếp nhận và xử lý các hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, Cục tiếp tục thực hiện công tác rà soát nhà xuất khẩu mới và xuất khẩu hàng năm, trong đó đã trình lãnh đạo Bộ 3 quyết định rà soát nhà nhập khẩu mới…

Đối với công tác ứng phó với các vụ việc điều tra từ nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Phòng vệ thương mại đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, ngành liên quan triển khai có hệ thống hàng loạt các hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại cụ thể; tham gia cung cung cấp, giải trình các chính sách của Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc trợ cấp; tham gia phản biện pháp lý đối với các vi phạm, khả năng vi phạm cam kết quốc tế của cơ quan điều tra nước ngoài; tiến hành các hoạt động giải quyết tranh chấp tại WTO; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần nâng cao năng lực kháng kiện phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý các vụ việc khởi xướng từ những năm trước. Một số vụ việc đã có kết luận sơ bộ hoặc cuối cùng trong 6 tháng đầu năm 2023. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nêu trên đã đem lại một số kết quả tích cực như: Việt Nam chứng minh doanh nghiệp xuất khẩu không có các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với nước thứ ba trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh với thép dây không gỉ dạng tròn, việc Úc chấm dứt điều tra chống bán phá giá với amoni nitrat, các doanh nghiệp xuất khẩu pin mặt trời sang Hoa Kỳ được miễn thuế phòng vệ thương mại tạm thời, mức thuế CBPG chính thức do Mexico áp dụng với thép mạ giảm so với sơ bộ...

Bên cạnh đó, thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại đã tổ chức 15 Hội thảo, hội nghị về phòng vệ thương mại tại các địa phương như Hải Dương, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, An Giang,… và 10 buổi toạ đàm trao đổi chuyên môn với các doanh nghiệp, Hiệp hội bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng vệ thương mại.

6 tháng cuối năm, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ chuyên môn được Bộ giao, trong đó tập trung cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính; công tác tham mưu xây dựng phương án đàm phán các Hiệp định FTA; theo dõi và xây dựng báo cáo tổng thể về kinh tế thị trường của Việt Nam.

Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục triển khai thực thi pháp luật phòng vệ thương mại; xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng trong thời gian qua và các vụ việc mới phát sinh, tập trung vào vụ việc chống lẩn tránh với các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như gỗ, pin năng lượng mặt trời, thép... do tác động lớn và mức thuế chống lẩn tránh áp dụng thường ở mức cao.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá, 6 tháng năm 2023, mặc dù Cục Phòng vệ thương mại có những chuyển đổi, thêm nhiều vụ việc phòng vệ thương mại; các yêu cầu nhiệm vụ về thực hiện các cam kết quốc tế sâu hơn, đòi hỏi nhanh hơn… song hiệu quả công tác phòng vệ thương mại đạt được rất tích cực.

Thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Cục Phòng vệ thương mại nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó chủ động rà soát kỹ pháp luật; thực hiện hiệu quả thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác đánh giá các tác động, thiệt hại từ các vụ việc phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng lưu ý, Cục Phòng vệ thương mại phối hợp với các đơn vị trong Bộ Công Thương; các Bộ, ngành khác như hải quan, tài chính, hiệp hội… trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ. Ngoài ra, Cục cần rà soát cơ sở vật chất, bổ sung đội ngũ nhân lực, cán bộ quản lý để kịp thời đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được Bộ giao đối với lĩnh vực phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cũng như thực hiện các cam kết FTA.

Tin tức khác