Hội nghị tập huấn “Công tác phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)” ngày 21/8/2020

Nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng vệ thương mại (PVTM) của Việt Nam cũng như của WTO và một số nước trên thế giới, nâng cao nhận thức và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ PVTM, Văn phòng Bộ Công thương phối hợp với Cục PVTM tổ chức Hội nghị tập huấn “Công tác phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)” cung cấp những thông tin về lĩnh vực PVTM trong và ngoài nước tới phóng viên theo dõi ngành công thương tại miền Bắc. Hội nghị đã giới thiệu tổng quan nhất về các biện pháp PVTM của thế giới và Việt Nam, cũng như cung cấp các thông tin về hoạt động của Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài và các hoạt động đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp tới các cơ quan báo chí, phóng viên theo dõi ngành Công Thương.

Buổi hội nghị có sự tham gia và chủ trì của ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM và đại diện Văn phòng Bộ , cùng sự tham gia của các đại biểu đến từ các đơn vị: Cục PVTM – Bộ Công Thương, Văn phòng Bộ Công Thương và các cơ quan báo chí, phóng viên theo dõi ngành Công Thương.

Kể từ khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được hình thành, tự do hoá là xu hướng mang tính chất chủ đạo trong thương mại quốc tế. Đồng thời, quy định của WTO vẫn cho phép sử dụng các biện pháp PVTM như là các công cụ chính sách thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu. Để áp dụng các biện pháp PVTM, các nước thành viên phải tiến hành điều tra theo các nguyên tắc, quy trình, thủ tục được quy định trong các hiệp định liên quan của WTO.

 Biện pháp PVTM chỉ được áp dụng khi các hiện tượng/hành vi gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước của nước nhập khẩu. Các vụ việc điều tra PVTM thường tập trung ở một số quốc gia có pháp luật và thực tiễn áp dụng các biện pháp PVTM đã được xây dựng và phát triển như: Hoa Kỳ, Ca-na-da, Mê-xi-cô, Bra-xin, Ác-hen-ti-na, EU, Nga, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Ma-lay-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Hàn Quốc, Nam Phi, Ai Cập. Theo thống kê của WTO từ năm 1995 đến hết năm 2019, các thành viên WTO đã khởi xướng 5.944 vụ việc điều tra CBPG, 577 vụ việc điều tra CTC và 377 vụ việc điều tra tự vệ. Trong số đó, các nước kết luận áp dụng 3.958 biện pháp CBPG, 320 biện pháp CTC và 185 biện pháp tự vệ.

Theo ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương, pháp luật về PVTM tại Việt Nam mới bắt đầu được xây dựng và hình thành kể từ năm 2005 và được hoàn thiện trong Luật Quản lý ngoại thương được Quốc hội ban hành năm 2017. Hiện nay, Cục PVTM đã và đang tiến hành điều tra biện pháp PVTM đối với 17 vụ việc, trong đó có 11 vụ việc CPBG và 6 vụ việc tự vệ. Đồng thời, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra 189 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó có 107 vụ việc CBPG, còn lại là các vụ việc chống trợ cấp và tự vệ. Chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2020, số lượng vụ việc đã lên đến 27 vụ, nhiều hơn tổng số vụ việc trong cả năm 2019.

Cục PVTM luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM nước ngoài, luật sư, hiệp hội và doanh nghiệp để kịp thời cập nhật tình hình, thông tin các vụ việc PVTM nhằm cung cấp tới các bên liên quan một cách nhanh chóng và chính xác. Cục đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện PVTM tại nhiều thị trường khác nhau được cập nhật thường xuyên trên trang web của Cục nhằm cung cấp những biến động xuất khẩu của các mặt hàng có nguy cơ bị áp dụng biện pháp PVTM. Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Việt Nam, Cục PVTM luôn theo sát, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ quan điểm; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc. Cục PVTM cũng nỗ lực đưa các nội dung đào tạo, tập huấn doanh nghiệp vào các chương trình, hoạt động của ngành công thương nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cung cấp những thông tin cơ bản về PVTM để doanh nghiệp có thể chủ động ứng phó kịp thời hơn, hiệu quả hơn với các vụ kiện PVTM của nước ngoài.

Buổi hội nghị đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu, đăc biệt là các cơ quan báo chí, phóng viên theo dõi ngành Công Thương. Các ý kiến chia sẻ và băn khoăn của đại biểu đều được ban tổ chức ghi nhận và giải đáp đầy đủ. Kết thúc hội nghị, các đại biểu tham dự bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương và Cục PVTM sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền và thực thi pháp luật PVTM với các chủ đề có tính thực tiễn cao tới đông đảo các bên quan tâm.