Hội nghị sơ kết công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Phòng vệ thương mại 7 tháng đầu năm 2019 và Kế hoạch, nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2019

Ngày 9 tháng 8 năm 2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Phòng vệ thương mại 7 tháng đầu năm và Kế hoạch, nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2019 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sự tham gia của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Văn phòng Bộ, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ CSTM Đa biên, Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ, Vụ thị trường châu Á-châu Phi, Vụ Kế hoạch, Tổng cục quản lý thị trường, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và các đơn vị liên quan trong Bộ. Tại Hội nghị, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) đã báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ trong 07 tháng đầu năm 2019; những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc; phương hướng, kế hoạch công việc trong 5 tháng cuối năm 2019. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã triển khai các niệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về PVTM như sau:

(1) Tham mưu, xây dựng chính sách về phòng vệ thương mại thông qua: rà soát, sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực PVTM; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” (Đề án 824) đồng thời ban hành Kế hoạch hành động của Bộ triển khai Đề án 824; thành lập Tổ công tác liên ngành về phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ hàng hóa; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại”; ban hành Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025; cải cách thủ tục hành chính; đàm phán các nội dung PVTM trong WTO và các Hiệp định FTA.

(2) Tổ chức thực thi pháp luật về PVTM bao gồm: (i) tiến hành khởi xướng điều tra chống bán phá giá với các sản phẩm nhôm định hình, ván gỗ MDF, màng BOPP, tôn màu; thẩm định hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội, đường lỏng HFCS, vật liệu hàn, rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội; điều tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với thép dây, thép cuộn; theo dõi hiệu quả áp dụng của 04 vụ việc tự vệ với hàng nhập khẩu, triển khai các hoạt động về miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM; (ii) đối với công tác xử lý biện pháp PVTM của nước ngoài để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, Bộ đã xử lý 07 vụ việc PVTM khởi xướng với hàng xuất khẩu của Việt Nam, tiếp tục xử lý 07 vụ việc khởi xướng từ năm 2018, xử lý 04 vụ việc rà soát, xử lý 03 vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO.

(3) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PVTM: thường xuyên cập nhật thông tin về chính sách, quy định về PVTM của Việt Nam và các nước cho cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan và tổ chức có liên quan; chú trọng thông tin, tuyên truyền về các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, đặc biệt là cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị lẩn tránh, gian lận xuất xứ.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được như ngày càng hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy định pháp luật về PVTM; tích cực hỗ trợ ngành sản xuất trong nước giảm thiểu thiệt hại trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh/hàng hóa nhập khẩu quá mức cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ kiện PVTM do nước ngoài khởi xướng, báo cáo về công tác PVTM cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; nhận thức chung của cộng đồng doanh nghiệp; thiếu cơ sở dữ liệu chung.

Trên cơ sở thông tin nêu trên đồng thời đánh giá tình hình thương mại quốc tế trong 5 tháng cuối năm 2019, Cục PVTM đã kiến nghị kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

Trên cơ sở báo cáo của Cục PVTM, các đơn vị liên quan trong Bộ đã có ý kiến bổ sung về công tác PVTM của Bộ trong thời gian qua. Theo đó, các đơn vị đều thống nhất với những phân tích, đánh giá, kết quả hoạt động nêu trong báo cáo, đồng thời bổ sung ý kiến để tăng cường phối hợp nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa công tác phòng vệ thương mại, bao gồm: (i) rà soát quy định pháp luật PVTM, đề xuất tăng tính chủ động của cơ quan điều tra vụ việc PVTM (trong trường hợp tự khởi xướng vụ kiện); (ii) xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành hàng (thông tin về xuất, nhập khẩu, năng lực sản xuất, sản lượng); (iii) tăng cường tuyền truyền phổ biến pháp luật về PVTM; (iv) tích cực triển khai Đề án 824, thường xuyên cập nhật danh sách mặt hàng cảnh báo; (v) xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị đảm bảo thông tin xuyên suốt, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật phòng vệ thương mại, (vi) tăng cường nghiên cứu thay đổi pháp luật, thực tiễn điều tra PVTM ở một số đối tác quan trọng của Việt Nam.

Bộ trưởng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, doanh nghiệp, các cơ quan trong và ngoài nước trong lĩnh vực phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng, đặc biệt là tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới đồng thời tình hình kinh tế khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, xu thế bảo hộ thương mại gia tăng. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã yêu cầu Cục PVTM phối hợp với các đơn vị triển khai các định hướng lớn trong công tác phòng vệ thương mại trong thời gian tới như sau:

(i) Theo dõi sát diễn biến xu thế bảo hộ, xung đột thương mại giữa các nước để kiến nghị các biện pháp ứng phó kịp thời;

(ii) Tập trung triển khai Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Trong đó Tổng cục Quản lý thị trường lồng ghép kế hoạch công việc với Đề án 824 để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước, người tiêu dùng; xây dựng cơ chế phối hợp triển khai Đề án; chú trọng cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý, các hiệp hội doanh nghiệp;

(iii)  Nghiên cứu, báo cáo các thay đổi quy định pháp luật về PVTM của các nước, đặc biệt là các quy định liên quan tới chống lẩn tránh biện pháp PVTM, quy tắc xuất xứ liên quan tới PVTM để cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp;

(iv) Nghiên cứu, thể chế hóa cơ chế hợp tác về PVTM với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; trao đổi với các đối tác thương mại quan trọng những nội dung hợp tác cụ thể để xử lý vấn đề gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM;

(v) Bổ sung nguồn lực cho công tác PVTM, nâng cao năng lực cán bộ, đào tạo kỹ năng, cập nhật kiến thức cho các cán bộ, cơ quan quản lý thực hiện các nhiệm vụ PVTM;

(vi) Rà soát, kiến nghị các nội dung về vai trò của cơ quan PVTM để đảm bảo thẩm quyền trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc;

(vii) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt cần tăng cường trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp với sự tham gia của đại diện các bộ/ngành để cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp;

Căn cứ chỉ đạo của Bộ trưởng và Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tại Hội nghị, trong thời gian tới Cục Phòng vệ thương mại sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao.