Cục Phòng vệ thương mại tổ chức Hội thảo “Nâng cao nhận thức về các Hiệp định thương mại tự do và các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hiện nay” tại Hải Dương

Ngày 24 tháng 5 năm 2023, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) phối hợp cùng Sở Công Thương Hải Dương tổ chức Hội thảo “Nâng cao nhận thức về các Hiệp định thương mại tự do và các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hiện nay” nhằm rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật PVTM hiện hành và hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hành nghề luật sư, các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc sử dụng các công cụ PVTM.

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả đến từ Cục Phòng vệ thương mại và các đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, Lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương, các tổ chức hành nghề luật sư và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi hội thảo, các cán bộ của Cục đã trao đổi về các nội dung tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định pháp luật Việt Nam và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; đánh giá thực trạng việc áp dụng một số quy định pháp luật trong thực tiễn điều tra các vụ việc PVTM và việc ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do.

Tại đây các đại biểu tham dự cũng đưa ra các ý kiến trao đổi, bày tỏ sự quan tâm đến việc áp dụng các quy định pháp luật PVTM hiện hành.

Có thể thấy trong thời gian qua, việc xuất khẩu tăng trưởng nhanh đã thể hiện năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như vị thế của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại nhiều thị trường trên thế giới. Thông qua trao đổi tại Hội thảo, nhìn chung các doanh nghiệp cũng đã có những kiến thức, nhận thức cơ bản về lĩnh vực phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, những hiểu biết về PVTM vẫn chưa sâu nên có khả năng bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra. Các doanh nghiệp không đáp ứng đúng yêu cầu của cơ quan điều tra có khả năng cao nhận được kết quả bất lợi, thể hiện bởi việc phải chịu mức thuế cao khi xuất khẩu vào thị trường áp dụng biện pháp PVTM, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, các công cụ PVTM nếu được áp dụng hợp lý sẽ là tấm khiên để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các hàng rào thuế quan thông thường sẽ được giảm dần theo các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp hiểu sâu hơn về PVTM, có thể chủ động xử lý trong trường hợp yêu cầu điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ doanh nghiệp cũng như chủ động ứng phó trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp trở thành đối tượng bị nước ngoài điều tra PVTM.

 Trong thời gian tới, Cục PVTM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi hội thảo tương tự để phổ biến pháp luật PVTM, hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ PVTM được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp sản xuất trong nước./.

Tin tức khác