Khóa tập huấn nghiệp vụ điều tra về phòng vệ thương mại cho cán bộ, công chức, viên chức Cục Phòng vệ thương mại

Trước bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp, số vụ điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) nói chung và chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều lên, nhất là đối với một số sản phẩm đang trong tình trạng dư thừa công suất trên toàn cầu. Chính phủ kiên quyết ngăn chặn việc giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để và không có ngoại lệ nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong WTO và các FTA đã ký kết. Nhằm cụ thể hóa quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn các hành vi chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh các biện pháp PVTM của các nước, qua đó bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, hướng tới chủ trương xuất khẩu bền vững, ngày 04 tháng 7 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức của Cục PVTM để triển khai Quyết định số 824/QĐ-TTg, Cục PVTM tổ chức Khóa tập huấn nghiệp vụ điều tra về PVTM cho cán bộ, công chức, viên chức Cục từ ngày 09 đến 10 tháng 10 năm 2020 tại Vĩnh Phúc.

Buổi tập huấn có sự tham dự và chủ trì của Lãnh đạo Cục PVTM; các diễn giả đến từ Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan - Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, Đại học Kinh tế quốc dân cùng sự tham gia của các cán bộ, công chức, viên chức Cục PVTM. 

Trong khóa tập huấn, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan đã có bài trình bày về hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa. Thủ tục hải quan là tất cả các hoạt động mà các bên liên quan và Hải quan phải thực hiện nhằm đảm bảo sự tuân thủ Luật Hải quan (theo Công ước Kyoto). Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải (Khoản 23 Điều 4 Luật Hải quan). Thủ tục hải quan thực hiện dưới hình thức điện tử hoặc thủ công. Giám sát hải quan là biện pháp nghiệp vụ do cơ quan hải quan áp dụng để bảo đảm sự nguyên trạng của hàng hóa, sự tuân thủ quy định của pháp luật trong việc bảo quan, lưu giữ, xếp dỡ, vận chuyển, sử dụng hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải đang thuộc đối tượng quản lý hải quan. Các phương thức giám sát hải quan bao gồm niêm phong hải quan là việc sử dụng các công cụ kỹ thuật hoặc các dấu hiệu để nhận biết và bảo đảm tính nguyên trạng của hàng hóa; giám sát trực tiếp do công chức hải quan thực hiện và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật. Kiểm tra hải quan là việc cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ, tài liệu liên quan và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải. Kiểm tra hải quan bao gồm kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Công nghệ Thông tin và Thống kê hải quan cũng có bài hướng dẫn về kỹ năng thu thập, xử lý và phân tích số liệu hải quan. Cụ thể thống kê hải quan bao gồm: thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thống kê thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; số vụ việc vi phạm pháp luật về hải quan; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh và các thống kê nghiệp vụ khác. Các hoạt động thống kê hải quan bao gồm xác định nhu cầu thông tin cần thu thập; chuẩn bị thu thập; xử lý và tổng hợp; phân tích; dự báo; công bố, phổ biến và lưu trữ.

Ngoài ra, trong khóa tập huấn, các học viên cũng được hướng dẫn xác định quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam tham gia; hướng dẫn tổng quan về kế toán giá thành, phân tích báo cáo tài chính, kiểm toán giá thành sản phẩm.

Khóa tập huấn nghiệp vụ điều tra PVTM cho cán bộ, công chức, viên chức Cục PVTM là một trong những hoạt động triển khai Đề án 824 nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh bất hợp pháp các biện pháp PVTM và định hướng phát triển sản xuất, xuất khẩu theo hướng bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế cũng như bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Khóa tập huấn đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu và các cán bộ, công chức, viên chức Cục PVTM. Các ý kiến chia sẻ và thắc mắc của các đại biểu đều được ban tổ chức ghi nhận và giải đáp đầy đủ. Bên cạnh đó, khóa tập huấn cũng góp phần nâng cao năng lực điều tra về PVTM, cung cấp các thông tin hữu ích cho các cán bộ, công chức và viên chức trong Cục PVTM./.