Quy định và thực tiễn về điều tra rà soát gia hạn biện pháp tự vệ

1. Quy định về điều tra rà soát gia hạn biện pháp tự vệ

1.1. Quy định của WTO

 Theo quy định của Hiệp định về các biện pháp tự vệ của WTO (Hiệp định Tự vệ):

            Khoản 2 Điều 7 Hiệp định Tự vệ quy định biện pháp tự vệ có thể được gia hạn nếu Cơ quan điều tra xác định, phù hợp với các thủ tục được nêu tại Điều 2 (điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ), Điều 3 (quy định về cuộc điều tra: các bước điều tra, quyền của các bên về thủ tục...), Điều 4 (vấn đề thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại) và Điều 5 (việc áp dụng biện pháp tự vệ), rằng biện pháp tự vệ vẫn cần thiết để ngăn chặn hay khắc phục những thiệt hại nghiêm trọngcó chứng cứ chứng minh ngành sản xuất trong nước đang được điều chỉnh, với điều kiện đảm bảo các quy định liên quan tại Điều 8 (mức độ nhượng bộ và các nghĩa vụ khác- mức độ đền bù) và Điều 12 (thông báo và tham vấn).

Toàn bộ thời gian áp dụng một biện pháp tự vệ kể cả thời gian áp dụng biện pháp tạm thời, thời gian bắt đầu áp dụng và bất kỳ sự gia hạn nào không được vượt quá 8 năm (trừ trường hợp Thành viên WTO là nước đang phát triển có quyền gia hạn biện pháp thêm 2 năm, theo đó tổng thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ có thể lên tới 10 năm).

Theo quy định tại Điều 12.1 (c), khi quyết định gia hạn, thành viên WTO phải thông báo tới Uỷ ban Tự vệ WTO.

Các nước hiện có quan điểm khác nhau về vấn đề thông báo khi khởi xướng điều tra gia hạn. Một số Thành viên cho rằng WTO chỉ quy định rõ ràng nghĩa vụ thông báo về quyết định gia hạn biện pháp chứ không quy định về việc thông báo khi khởi xướng điều tra gia hạn. Tuy nhiên, có thành viên cho rằng Điều 12.1(a) yêu cầu các Thành viên thông báo ngay lập tức tới Uỷ ban Tự vệ khi  „khởi xướng quy trình điều tra liên quan đến thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ thiệt hại nghiêm trọng và lý do điều tra”, theo đó, quy định này cũng bao gồm cả việc khởi xướng rà soát (trong đó có rà soát gia hạn) vì rà soát cũng là một quy trình điều tra về thiệt hại nghiêm trọng/đe doạ thiệt hại nghiêm trọng.

Điều 12.2 quy định trong thông báo tới Uỷ ban Tự vệ, Bên đề xuất gia hạn biện pháp phải cung cấp tất cả các thông tin thiết yếu (bao gồm bằng chứng về thiệt hại nghiêm trọng/đe doạ thiệt hại nghiêm trọng gây ra bởi hàng nhập khẩu, mô tả sản phẩm liên quan, biện pháp đề xuất, ngày đề xuất ban hành biện pháp. Thời hạn dự kiến và lịch trình nới lỏng thuế, bằng chứng ngành sản xuất trong nước đang điều chỉnh. Hội đồng Thương mại hàng hoá hoặc Uỷ ban Tự vệ có thể yêu cầu thêm thông tin nếu cần thiết.

Điều 12.3 quy định, Bên đề xuất gia hạn biện pháp phải cung cấp đủ cơ hội để tham vấn trước với các Thành viên có lợi ích đáng kể nhằm mục đích rà soát lại các thông tin thiết yếu được cung cấp ở trên, trao đổi ý kiến về biện pháp và đạt được cách hiểu (understanding) về các cách thức nhằm đạt được mục tiêu quy định tại Điều 8.1 (bồi thường).

Theo Điều 12.5, kết quả tham vấn sẽ được thông báo ngay lập tức tới Hội đồng Thương mại hàng hoá.

Theo quy định tại Điều 8.1, Bên mong muốn gia hạn biện pháp tự vệ sẽ phải cố gắng (endeavour) duy trì mức độ nhượng bộ (concessions) và các nghĩa vụ khác tương đương đáng kể (substantially equivalent) theo quy định của GATT 1994 giữa Thành viên này và các thành viên xuất khẩu mà có thể bị ảnh hưởng bởi biện pháp, thông qua việc tham vấn. Có nghĩa là, các bên liên quan có thể phải thống nhất về phương thức phù hợp để bồi thường thương mại cho các tác động bất lợi của biện pháp đối với thương mại của mình.

Theo Điều 8.2, trong trường hợp không đạt được thoả thuận về vấn đề bồi thường trong vòng 30 ngày kể từ ngày tham vấn, bên bị ảnh hưởng có thể trả đũa (trì hoãn việc nhượng bộ tương đương đáng kể hoặc trì hoãn việc áp dụng các nghĩa vụ khác tại GATT 1994) đối với thương mại của bên áp biện pháp với điều kiện bên xuất khẩu phải thông báo tới Hội đồng Thương mại hàng hoá về ý định trả đũa và phải đợi sau 30 ngày kể từ ngày thông báo. Tuy nhiên, việc trả đũa không được trước 30 ngày kể từ ngày Hội đồng Thương mại hàng hoá nhận được thông báo và không được muộn hơn 90 ngày kể từ ngày biện pháp được áp và phải được Hội đồng Thương mại Hàng hoá không bác bỏ (trên thực tế việc Hội đồng Thương mại hàng hoá bác bỏ là gần như không xảy ra. Ngoài ra, các nước có thể thống nhất và thông báo về việc bảo lưu quyền trả đũa sau thời hạn 90 ngày).

1.2. Pháp luật Việt Nam

Cơ sở pháp lý của Việt Nam cho việc tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ được quy định trong các văn bản pháp luật sau đây:

  • Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 06 năm 2017 (sau đây gọi là Luật Quản lý ngoại thương) (Khoản 2 Điều 96), theo đó

            + Trước khi kết thúc thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ, tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp muốn gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ phải nộp hồ sơ yêu cầu gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ.

            Hồ sơ yêu cầu gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ bao gồm bằng chứng cho thấy ngành sản xuất trong nước đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh cần thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh và việc chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.

            + Cơ quan điều tra có thể tiến hành điều tra căn cứ theo hồ sơ yêu cầu gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ hoặc Cơ quan điều tra tự rà soát cuối kỳ.

+ Căn cứ vào kết quả rà soát của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định về việc chấm dứt hoặc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ.

+ Mức độ áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian gia hạn không được cao hơn mức độ áp dụng trong thời gian ngay trước khi kết thúc thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ trước đó.

+ Thời hạn rà soát cuối kỳ là không quá 06 tháng kể từ ngày có quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 06 tháng.

  • Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (sau đây gọi là Nghị định 10/2018/NĐ-CP) (Điều 55, Điều 56, Điều 57, Điều 69)

              + Điều 69 quy định về việc rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ: Chậm nhất 09 tháng trước ngày quyết định áp dụng biện pháp tự vệ hết hiệu lực, Cơ quan điều tra thông báo về việc tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ.

+ Điều 55 quy định Hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm: Đơn đề nghị rà soát việc áp dụng phòng vệ thương mại theo mẫu của Cơ quan điều tra ban hành; Các tài liệu, thông tin mà bên đề nghị rà soát cho là cần thiết.

          + Điều 56 quy định việc thẩm định Hồ sơ yêu cầu rà soát: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận Hồ sơ yêu cầu rà soát, Cơ quan điều tra phải thông báo cho tổ chức, cá nhân về tính đầy đủ, hợp lệ của Hồ sơ yêu cầu rà soát. Nếu Hồ sơ yêu cầu rà soát chưa đầy đủ và hợp lệ, Cơ quan điều tra phải thông báo yêu cầu bổ sung cho tổ chức, cá nhân nộp Hồ sơ yêu cầu rà soát.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Hồ sơ yêu cầu rà soát đầy đủ và hợp lệ, Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét quyết định rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

         + Điều 57 quy định Bản câu hỏi điều tra rà soát: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định rà soát, Cơ quan điều tra gửi bản câu hỏi điều tra cho các đối tượng liên quan.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản câu hỏi điều tra rà soát, bên nhận được bản câu hỏi phải gửi bản trả lời đầy đủ cho Cơ quan điều tra. Thời hạn này có thể được Cơ quan điều tra xem xét, gia hạn một lần với thời hạn tối đa không quá 30 ngày trên cơ sở văn bản đề nghị gia hạn của bên đề nghị gia hạn. Bản câu hỏi điều tra được coi là được nhận sau 07 ngày làm việc kể từ ngày Cơ quan điều tra gửi đi. Ngày gửi được xác định căn cứ dấu của bưu điện.

              + Điều 69:

 Nội dung rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ: Xác định mức độ gia tăng của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng; Đánh giá tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất trong nước kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng; Những điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng; Khả năng ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng nếu chấm dứt việc áp dụng biện pháp tự vệ.

             Nội dung quyết định về kết quả rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ: gia hạn hoặc không gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ, điều chỉnh mức độ áp dụng biện pháp tự vệ hoặc điều chỉnh phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ.

2. Thực tiễn điều tra rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ

2.1. Thực tiễn rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ của một số nước

Theo số liệu của WTO, tính đến hết năm 2018 đã có 347 vụ việc điều tra tự vệ[1], trong đó có 172 biện pháp tự vệ được áp dụng. [2]

Qua tìm hiểu số liệu trên WTO, có một số vụ việc sau đây đã được thông báo khởi xướng điều tra gia hạn như:

- Vụ việc của Indonesia về việc rà soát đối với sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim dẹt[3] (2017), trên cơ sở xem xét số liệu về kế hoạch điều chỉnh sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất trong nước chưa được hoàn thiện do giá hàng nhập khẩu thấp so với hàng trong nước dẫn tới xu hướng giảm thị phần của nguyên đơn, do đó, cần duy trì biện pháp để ngăn chặn thiệt hại nghiêm trọng với ngành sản xuất trong nước vì nếu dỡ bỏ biện pháp, hàng nhập khẩu sẽ tang mạnh và nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng với ngành sản xuất trong nước sẽ tái diễn;

- Vụ việc của Ma rốc đối với dây thép và thanh thép cường lực (2015)[4] để xem xét chương trình điều chỉnh do ngành sản xuất trong nước đã áp dụng và tác động của chương trình này tới hoạt động của ngành cũng như xem xét các biện pháp chưa được thực hiện để hồi phục lại sức cạnh tranh của ngành so với hàng nhập khẩu;

- Vụ việc Thái Lan đối với gạch kính (2013)[5] do lượng nhập khẩu tăng, mặc dù ngành sản xuất đã điều chỉnh để hồi phục (hiệu quả sản xuất, cải tiến sản phẩm, quy trình phân phối và marketing) nhưng do tác động của hàng nhập khẩu nên dù có sự thay đổi tích cực trong bán hàng và thị phần của ngành sản xuất trong nước nhưng vẫn thấp hơn mức lợi ích được cho là sẽ cải thiện do các kế hoạch cải tổ đang thực hiện, do đó ngành đã tăng mức tồn kho và bị thua lỗ tài chính liên tiếp.

- Vụ việc của Thổ Nhĩ Kỳ đối với sản phẩm diêm (2012) [6].

Ngoài ra, một số vụ việc được thông báo về việc gia hạn biện pháp như:

- Vụ việc của Nga với ống và tuýp thép không gỉ (2014)[7], theo đó sau một số thay đổi tích cực về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành (tăng thị phần) thì các chỉ số tài chính sụt giảm (tỷ suất lợi nhuận giảm, giá giảm, chi phí tang, công suất sử dụng thấp), hàng nhập khẩu tăng. Tỷ lệ giữa giá trong nước và giá nhập khẩu giảm trong thời gian áp biện pháp, điều này cho thấy biện pháp đã góp phần làm giảm khoảng cách về giá mặc dù hàng nhập khẩu tiếp tục kìm giá hàng trong nước. Ngành sản xuất đã áp dụng một số chương trình điều chỉnh như tăng đầu tư, hiện đại hoá và mua sắm thiết bị mới làm tăng sản xuất, giới thiệu các loại sản phẩm mới,

- Vụ việc của Thổ Nhĩ Kỳ đối với một số thiết bị điện tử (2012)[8]. Theo thông báo, hầu hết các chỉ số tích cực vào giai đoạn đầu áp biện pháp, tuy nhiên ở năm cuối, các chỉ số đã giảm do sự gia tăng của hàng nhập khẩu. Trong giai đoạn đầu của biện pháp, các công ty năng suất cao tiếp tục hoạt động và có các công ty mới gia nhập thị trường. Một số công ty đã hoạt động lâu năm thì có tiến triển tốt do đạt mức sản xuất với lợi thế về quy mô nên có thể giảm chi phí và cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Việc tăng công suất sử dụng, lợi thế về quy mô và thay đổi cơ cấu sản xuất dẫn tới tăng hiệu quả và cho thấy ngành đang điều chỉnh để thích ứng với các điều kiện cạnh tranh. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra kết luận rằng ngành sản xuất vẫn cần thêm thời gian để thay đổi.

- Vụ việc của Thổ Nhĩ Kỳ đối với sợi bông (2012)[9]. Điều tra cho thấy lượng cầu giảm. công suất tăng, các chỉ số khác biến động (xuất khẩu, bán hàng, thị phần, sản xuất, năng suất, công nhân, tồn kho, lợi nhuận….). Ngành sản xuất đã tăng chất lượng, loại sản phẩm thông qua nghiên cứu và phát triển, xây dựng các phòng thí nghiệm để kiểm soát chất lượng, đầu tư hệ thống sản xuất mới, đào tạo cán bộ, giảm chi phí lao động/năng lượng, thủ tục mới về chính sách bán hàng, mua nguyên liệu thô làm tăng hiệu quả nguyên liệu thô và chất lượng; chi phí tồn kho giảm thông quan việc lên kế hoạch sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường; tham gia các hội chợ để mở rộng mạng lưới marketing và tiến hành điều tra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên do các yếu tố về tình hình khủng hoảng toàn cầu (2009) và sự bất ổn trong thị trường bông thế giới, bất ổn trong thị trường xuất khẩu đã ảnh hưởng tới các nỗ lực điều chỉnh của ngành.

 


[1] https://www.wto.org/english/tratop_e/safeg_e/SG-InitiationsByRepMember.pdf

[2] https://www.wto.org/english/tratop_e/safeg_e/SG-MeasuresByRepMember.pdf

[3] G/SG/N/6/IDN/22/Suppl.2; G/SG/N/14/IDN/2 ngày 20/1/2017

[4] G/SG/N/10/MAR/3/Supple.2; G/SG/N/14/MAR/1 ngày 4/9/2015

[5] G/SG/N/14/THA/1 ngày 8/1/2013

[6] G/SG/N/14/TUR/8 ngày 11/4/2012

[7] G/SG/N/6/RUS/4; G/SG/N/8/RUS/3,G/SG/N/10/RUS/3, G/SG/N/11/RUS/3 ngày 29/10/2014

[8] G/SG/N/11/TUR/18; G/SG/N/14/TUR/9 ngày 9/5/2012

[9] G/SG/N/11/TUR/17/Supple.1; G/SG/N/14/TUR/7 ngày 2/2/2012