Quy định của Canada về điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

Tại Canada, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp (sau đây gọi là chống lẩn tránh) do Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) thực hiện, theo quy định của Đạo luật về các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMA) để xác định liệu hành vi lẩn tránh các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp có đang xảy ra hay không. Nếu kết luận là có hành vi lẩn tránh, Toà Thương mại quốc tế Canada (CITT) sẽ sửa đổi biện pháp để mở rộng thuế với hàng hoá lẩn tránh biện pháp.[1]

1. Lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp là gì?

Lẩn tránh xảy ra khi thay đổi các hoạt động thương mại và kinh doanh để tránh nghĩa vụ nộp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp theo quy định của SIMA. Cụ thể hơn, vấn đề lẩn tránh được định nghĩa trong Mục 71 là hành vi xảy ra khi có tất cả các yếu tố sau:

- một sự thay đổi trong mô hình thương mại (pattern of trade) đã xảy ra sau khi khởi xướng một cuộc điều tra bán phá giá hoặc trợ cấp;

-  một hành động diễn ra mà làm cho việc nhập khẩu hàng hóa theo hành động đó làm suy yếu các tác động khắc phục (remedy) của một lệnh áp thuế hoặc kết luận của Tòa án Thương mại Quốc tế Canada (CITT) (sau đây gọi chung là lệnh áp thuế); và

- nguyên nhân chính của sự thay đổi trong mô hình thương mại là việc áp thuế chống bán phá giá (CBPG) hoặc thuế chống trợ cấp (CTC).
2. Thế nào được coi là không phải lẩn tránh?

Mặc dù lẩn tránh liên quan đến việc tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, nó không liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp. Các hoạt động bất hợp pháp như gian lận không nằm trong phạm vi điều tra chống lẩn tránh. Trốn thuế do nghi ngờ phân loại sai mã hàng hoá nhập khẩu hoặc hoạt động gian lận có thể bị báo cáo lên mục Báo cáo trốn thuế tại trang web của Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA).

3. Các cuộc điều tra chống lẩn tránh

CBSA sẽ tiến hành các cuộc điều tra chống lẩn tránh khi có đầy đủ bằng chứng. Điều tra chống lẩn tránh nhằm mục đích loại bỏ sự lẩn tránh của một lệnh áp thuế hiện hành. Nếu kết luận là có lẩn tránh thuế sau một cuộc điều tra chính thức của CBSA, thuế sẽ được mở rộng đối với những hàng hóa lẩn tránh.

Nội dung dưới đây mô tả tổng quan về các chính sách và quy trình của CBSA liên quan đến việc tiến hành các cuộc điều tra chống lẩn tránh tuân thủ quy định tại các mục từ 71 đến 75.7 của SIMA. Các chính sách và thủ tục này không thay thế các quy định của SIMA.

3.1 Quy trình điều tra chống lẩn tránh
Các cuộc điều tra chống lẩn tránh có thể được khởi xướng do nhận được hồ sơ yêu cầu hoặc do CBSA tự khởi xướng.

a. Hồ sơ yêu cầu

Nhìn chung, một cuộc điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng khi có hồ sơ yêu cầu chính thức. Cùng với thông tin hành chính khác, hồ sơ yêu cầu, trong chừng mực bên nguyên đơn có sẵn các thông tin, phải cung cấp thông tin chứng minh các cáo buộc về lẩn tránh. Để biết chi tiết cụ thể về cách nộp đơn yêu cầu, có thể tham khảo Hướng dẫn về việc nộp hồ sơ yêu cầu trên trang web của CBSA.

b. Khởi xướng

Quyết định có khởi xướng điều tra chống lẩn tránh hay không phải được đưa ra trong vòng 45 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ yêu cầu. Nếu CBSA ​​cho rằng có bằng chứng cho thấy việc lẩn tránh đang xảy ra, dựa trên các yếu tố chống lẩn tránh được quy định, CBSA sẽ khởi xướng điều tra. Quyết định khởi xướng có thể được đưa ra đối với một số hoặc tất cả hàng hóa được xác định trong hồ sơ yêu cầu. Tương tự như vậy, một cuộc điều tra có thể liên quan cụ thể đến một số hàng hóa từ một nước. CBSA sẽ xác định cách thức mà một cuộc điều tra được khởi xướng và phụ thuộc vào tìn hình của từng vụ việc.
Nếu CBSA quyết định không khởi xướng, tất cả các hành động liên quan đến hồ sơ yêu cầu đều bị chấm dứt. CBSA sẽ thông báo cho nguyên đơn và đưa ra lý do cho quyết định của mình.

Khi khởi xướng, Yêu cầu thông tin (RFI) (bảng câu hỏi) sẽ được gửi đến các nhà nhập khẩu, xuất khẩu, nhà cung cấp và nhà sản xuất hàng hóa nước ngoài bị điều tra cũng như các nhà sản xuất hàng hóa tương tự ở Canada để có được thông tin cần thiết cho cuộc điều tra. Bảng câu hỏi có kèm theo Hướng dẫn chung để hỗ trợ các bên chuẩn bị thông tin cần thiết, trong đó xác định thời kỳ điều tra và giải thích về thông tin sẽ được cung cấp cho các tình huống cụ thể cũng như các quy tắc về việc xử lý, sử dụng và công bố thông tin mật.

3.2. Lịch trình điều tra chống lẩn tránh

Một lịch trình mẫu cho các mốc thời điểm quan trọng trong một cuộc điều tra chống lẩn tránh được cung cấp dưới đây. Lịch trình này có thể được sửa đổi tùy thuộc vào tình hình của một cuộc điều tra cụ thể. Việc lên lịch các sự kiện trong một cuộc điều tra cụ thể sẽ được công bố trên trang web của CBSA, khi khởi xướng và sẽ được cập nhật theo quy định.

Ngày 0

CBSA khởi xướng vụ điều tra chống lẩn tránh, gửi bảng câu hỏi và đưa ra Tuyên bố lý do (statement of reasons)

Ngày 21

Nhà nhập khẩu trả lời bảng câu hỏi

Ngày 37

Nhà xuất khẩu/Nhà sản xuất trả lời bảng câu hỏi

Ngày 110

Đóng hồ sơ hành chính

Ngày 135

Công bố về các dữ kiện thiết yếu (Statement of essential facts)

Ngày 142

Hạn nộp các lập luận (argument)

Ngày 149

Hạn nộp các bản đệ trình phản bác (reply submission)

Ngày 180

Kết thúc điều tra, quyết định của CBSA, thông báo cho CITT về việc có hành vi lẩn tránh và ban hành Tuyên bố lý do

3.3. Thông báo

CBSA sẽ thông báo cho nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, chính phủ của nước xuất khẩu, nhà sản xuất trong nước và người khiếu nại, nếu có, về việc bắt đầu điều tra, chấm dứt, gia hạn, công bố tuyên bố về các dữ kiện thiết yếu, và quyết định cuối cùng.

3.4. Đóng hồ sơ hành chính

Trong mỗi cuộc điều tra chống lẩn tránh, sẽ có một ngày đóng hồ sơ hành chính, sau đó các bên không được gửi thêm thông tin. Điều này cho phép CBSA đưa ra Tuyên bố về các dữ kiện thiết yếu và các bên liên quan có thể chuẩn bị các lập luận về vụ việc và đưa ra bản lập luận phản bác dựa trên thông tin có trong hồ sơ kể từ ngày đóng hồ sơ. Để được hướng dẫn thêm về việc có được thông tin liên quan đến một cuộc điều tra chống lẩn tránh, có thể tham khảo Hướng dẫn về Công bố Thông tin mật[2].

Theo đó, bên liên quan nên nộp tất cả thông tin mà họ tin là ủng hộ cho quan điểm của họ trước khi đóng hồ sơ, để CBSA có thể cân nhắc thông tin này trong việc chuẩn bị tuyên bố về các dữ kiện thiết yếu. Các bên sẽ được thông báo về ngày đóng hồ sơ hành chính thông qua lịch trình điều tra chống lẩn tránh.

3.5. Chấm dứt điều tra - Hàng hóa thuộc phạm vi lệnh áp thuế
Trong quá trình điều tra, có thể phát hiện ra bằng chứng rằng hàng hóa đang được điều tra, trên thực tế, thuộc phạm vi một lệnh áp thuế. Khi xem xét liệu hàng hóa có thuộc phạm vi một lệnh áp thuế hay không, CBSA sẽ xem xét các yếu tố được quy định để đưa ra phán quyết về phạm vi (scope rulings).
Nếu hàng hóa được kết luận là thuộc phạm vi một lệnh áp thuế, CBSA sẽ chấm dứt điều tra chống lẩn tránh, trước khi công bố tuyên bố về các dữ kiện thiết yếu và sẽ đưa ra lý do chấm dứt điều tra, bao gồm cả lý do xác định rằng hàng hóa liên quan thuộc phạm vi một lệnh áp thuế. Theo tiểu mục 75 (4), quyết định chấm dứt điều tra này được coi là phán quyết về phạm vi. Để biết thêm thông tin về các phán quyết phạm vi, đề nghị tham khảo Thông tin liên quan đến các vụ việc về phạm vi.[3]
3.6. Tuyên bố về các dữ kiện thiết yếu
Tuyên bố về các dữ kiện thiết yếu (SEF) là một báo cáo công khai của CBSA. SEF sẽ bao gồm đánh giá sơ bộ của CBSA về việc liệu bằng chứng có cho thấy dấu hiệu hợp lý về lẩn tránh. Nó cũng sẽ bao gồm một bản tóm tắt các dữ kiện mà CBSA dựa vào khi đưa ra đánh giá sơ bộ đó.
3.7. Đệ trình các tranh luận vụ việc và bản phản biện
Sau khi SEF được công bố, các bên có thể gửi các lập luận về vụ việc dựa trên bất kỳ thông tin liên quan nào có sẵn trong hồ sơ hành chính và phản hồi các đánh giá sơ bộ của CBSA được nêu chi tiết trong SEF.
Các bên cũng có thể gửi bản đệ trình phản bác cho CBSA để đáp lại các lập luận về vụ việc được gửi bởi các bên khác. Ngày nhận được cả hai lập luận về vụ việc và lập luận phản bác sẽ được nêu rõ trong lịch trình vụ việc. Nói chung, CBSA sẽ yêu cầu bất kỳ lập luận vụ việc nào được nhận không muộn hơn một tuần sau ngày công bố SEF và bản phản bác phải được nhận không muộn hơn một tuần sau hạn gửi bản lập luận vụ việc. Sau khi hết hạn nhận bản phản bác, CBSA sẽ không xem xét bất kỳ đệ trình nào nữa từ các bên.
3.8. Quyết định
Nói chung, CBSA sẽ đưa ra quyết định liên quan đến lẩn tránh, dựa trên các yếu tố chống lẩn tránh được quy định, trong vòng 180 ngày sau khi khởi xướng điều tra. Trong một số trường hợp nhất định, ví dụ như khi phát sinh các vấn đề phức tạp hoặc mới, CBSA có thể kéo dài thời gian đưa ra quyết định của mình lên 240 ngày.
Khi CBSA ra quyết định về kết luận có hành vi lẩn tránh, CBSA sẽ thông báo cho CITT. Đến lượt CITT sẽ sửa đổi lệnh áp thuế ban đầu để bao gồm cả hàng hóa lẩn tránh và do đó mở rộng thuế CBPG, CTC đối với những hàng hóa đó.

CBSA cũng có thể đưa ra kết luận một phần về vấn đề lẩn tránh, nghĩa là, kết luận rằng chỉ một số hàng hóa đang bị điều tra là lẩn tránh lệnh áp thuế. Ví dụ, khi cuộc điều tra được khởi xướng đối với hàng hóa từ một quốc gia, CBSA có thể quyết định rằng việc nhập khẩu hàng hóa từ nhà xuất khẩu A cấu thành hành vi lẩn tránh nhưng việc nhập khẩu hàng hóa từ nhà xuất khẩu B không cấu thành hành vi lẩn tránh.
Sau khi CITT sửa đổi lệnh áp thuế, hàng hoá bán phá giá hoặc được trợ cấp có cùng mô tả phải nộp thuế CBPG hoặc thuế CTC nhập khẩu vào hoặc sau ngày khởi xướng điều tra chống lẩn tránh và được thực hiện với tất cả các lô hàng của hàng hóa được thông quan sau ngày CITT sửa đổi lệnh áp thuế. Thuế CBPG/CTC này được áp dụng cho đến khi lệnh áp thuế được sửa đổi hoặc hủy bỏ hoặc hết hạn.
Nếu CBSA đưa ra quyết định rằng một số hoặc tất cả hàng hoá liên quan không lẩn tránh lệnh áp thuế, thuế CBPG/CTC sẽ không được mở rộng cho những hàng hóa đó.
3.9. Rà soát quyết định của CBSA

a. Rà soát tư pháp

Phù hợp với đoạn 96.1(1)(c.2) của SIMA, quyết định của CBSA trong cuộc điều tra chống lẩn tránh sẽ bị rà soát tư pháp bởi Toà Phúc thẩm liên bang.

b. Rà soát trong kỳ (interim review)
CBSA có thể tiến hành rà soát trong kỳ đối với một quyết định kết luận là có hành vi lẩn tránh. Việc rà soát này có thể cần thiết khi có sự thay đổi tình huống mà cơ quan điều tra đã dựa vào đó để đưa ra quyết định về việc lẩn tránh. Khi hoàn thành rà soát, CBSA sẽ bãi bỏ hoặc duy trì quyết định (có thể sửa hoặc không) trong trường hợp cần thiết. Nếu được yêu cầu, CITT cũng sẽ sửa đổi lệnh áp thuế tương ứng.

c. Rà soát loại trừ (exemption review)
Trong một số trường hợp hạn chế, có khả năng là các nhà xuất khẩu có hàng hóa thuộc diện mở rộng lệnh áp thuế có thể không có cơ hội tham gia vào cuộc điều tra chống lẩn tránh vì họ không được thông báo. Các nhà xuất khẩu, những người có thể chứng minh rằng hàng hóa của họ không lẩn tránh lệnh áp thuế có thể xin loại trừ khỏi việc mở rộng lệnh áp thuế do điều tra chống lẩn tránh. CBSA sẽ khởi xướng việc rà soát loại trừ khi có đủ bằng chứng.
Hàng hóa liên quan nhập khẩu từ nhà xuất khẩu đưa ra yêu cầu loại trừ sẽ được tính toán mức thuế CBPG/CTC trong quá trình rà soát loại trừ.

Yêu cầu loại trừ
Nhà xuất khẩu có thể yêu cầu CBSA xác định xem hàng hóa của họ có thể được loại trừ khỏi việc mở rộng lệnh áp thuế nếu nhà xuất khẩu:
- chứng minh được rằng họ không liên quan đến bất kỳ nhà xuất khẩu nào đã được thông báo về cuộc điều tra lẩn tránh; và
- chưa từng
        + được thông báo về việc khởi xướng cuộc điều tra đó, hoặc
        + được yêu cầu cung cấp thông tin trong quá trình điều tra đó.
Yêu cầu loại trừ của nhà xuất khẩu phải được lập thành văn bản và phải có các thông tin sau theo quy định của tiểu mục 57.21 (1) của Quy định về các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMR):
- tên và địa chỉ của nhà xuất khẩu, cùng với danh sách những người liên quan (persons associated);
- xác nhận, cùng với bằng chứng đi kèm, rằng hàng hóa yêu cầu loại trừ đã được bán hoặc ký gửi cho một nhà nhập khẩu ở Canada;
- mô tả chi tiết về hàng hóa;
- nếu có thể, tên và địa chỉ của từng nhà sản xuất các bộ phận/linh kiện và, nếu biết, tên và địa chỉ của mỗi người sử dụng các bộ phận/linh kiện đó;
- nếu có thể, tên và địa chỉ của bất kỳ nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất các bộ phận/linh kiện được sử dụng để lắp ráp hoặc hoàn thành hàng hóa;
- nếu có thể, tên và địa chỉ của bất kỳ nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hàng hóa tương tự đã được sửa đổi nhỏ;
- nêu lệnh áp thuế cần sửa đổi; và
- lập luận chứng minh yêu cầu,
Yêu cầu xem xét loại trừ phải được gửi tới:
Phòng Đăng ký và Công bố SIMA
Vụ về các chương trình thương mại và chống bán phá giá
Cơ quan Biên phòng Canada
Đường 100 Metcalfe, tầng 11, Ottawa, Ontario K1A 0L8, Canada

Với điều kiện nhà xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu trên và CBSA chấp nhận rằng đáp ứng các yêu cầu về việc rà soát, CBSA sẽ khởi xướng rà soát. CBSA sẽ thông báo cho nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, chính phủ của nước xuất khẩu và các nhà sản xuất trong nước về việc khởi xướng và hoàn thành rà soát.
Sau khi hoàn thành rà soát, CBSA sẽ đưa ra quyết định rằng hàng hóa từ nhà xuất khẩu:
- thuộc phạm vi mở rộng áp thuế nếu Tổng thống chấp nhận rằng việc lẩn tránh đang xảy ra; hoặc là
- được loại trừ khỏi việc mở rộng lệnh áp thuế nếu Tổng thống chấp nhận rằng không có việc lẩn tránh.
Nếu CBSA xác định rằng hàng hóa được loại trừ, CITT sẽ sửa đổi lệnh áp thuế bị ảnh hưởng bởi việc rà soát để đảm bảo tính hiệu lực của quyết định của CBSA. Thuế sẽ chấm dứt vào ngày CITT sửa đổi lệnh áp thuế.
3.10. Các Yếu tố về chống lẩn tránh
Các mục 57.11 đến 57.16 của SIMR quy định một số yếu tố có thể được xem xét trong việc đánh giá các yếu tố lẩn tránh khác nhau. Không có yếu tố duy nhất nào có tính quyết định để chứng minh/phản đối việc có hành vi lẩn tránh, thay vào đó, chúng sẽ được xem xét một cách toàn diện khi đưa ra kết luận. Tuy nhiên, tất cả các yếu tố của lẩn tránh phải hiện hữu để có thể đưa ra kết luận về hành vi lẩn tránh. Các yếu tố có thể được xem xét theo phạm vi một nước hoặc ở cấp độ nhà xuất khẩu tùy thuộc vào bản chất của cuộc điều tra.
Các yếu tố được nêu trong các quy định của SIMR như sau:
a. Thay đổi mô hình thương mại
Khi xác định xem có sự thay đổi nào trong mô hình thương mại được đề cập trong đoạn 71 (a) của SIMA hay không, CBSA có thể xem xét các yếu tố sau theo mục 57.11 của SIMR:
   - bất kỳ thay đổi trong khối lượng nhập khẩu của hàng hóa liên quan;
   - bất kỳ thay đổi nào về khối lượng nhập khẩu hàng hóa bị cáo buộc là lẩn tránh;
    - bất kỳ thay đổi nào về khối lượng nhập khẩu của hàng hóa tương tự, hoặc các linh kiện/bộ phận có thể được lắp ráp thành hàng hóa tương tự, từ một nước được nêu trong lệnh áp thuế hiện hành sang một quốc gia thứ ba là một phần của cuộc điều tra chống lẩn tránh; và
   - bất kỳ yếu tố nào khác phù hợp với tình hình.

b. Các hành động được quy định
Các hành động được đề cập trong đoạn 71 (b) của SIMA thể hiện cách thức mà việc lẩn tránh có thể diễn ra. Chúng được quy định theo mục 57.12 của SIMR như sau:
  -  lắp ráp hoặc hoàn thành hàng hóa tương tự ở Canada bằng cách sử dụng các bộ phận hoặc linh kiện có nguồn gốc xuất xứ từ hoặc được xuất khẩu từ một quốc gia đang chịu lệnh áp thuế. Theo đó,
 + các bộ phận hoặc linh kiện phải chiếm một phần chính trong tổng chi phí sản xuất hàng hóa tương tự;
 + quá trình lắp ráp hoặc hoàn thiện hàng hóa tương tự phải không đáng kể; và
 + các bộ phận hoặc linh kiện từ nước liên quan không cần phải là bộ phận duy nhất được sử dụng để lắp ráp hoặc hoàn thiện hàng hóa tương tự.
- lắp ráp hoặc hoàn thiện hàng hóa tương tự ở nước thứ ba bằng cách sử dụng các bộ phận hoặc linh kiện có nguồn gốc từ hoặc xuất khẩu từ một nước chịu lệnh áp thuế. Theo đó,
 + các bộ phận hoặc linh kiện phải chiếm một phần chính trong tổng chi phí sản xuất hàng hóa tương tự;
 + quá trình lắp ráp hoặc hoàn thiện hàng hóa tương tự phải không đáng kể; và
 + các bộ phận hoặc linh kiện từ nước liên quan không cần phải là bộ phận duy nhất được sử dụng để lắp ráp hoặc hoàn thiện hàng hóa tương tự.
 - việc sửa đổi nhỏ hàng hóa tương tự có nguồn gốc xuất xứ từ hoặc xuất khẩu từ một nước đang chịu lệnh áp thuế, cho dù việc sửa đổi diễn ra ở nước liên quan hay nước thứ ba, để hàng hóa không còn là hàng hóa tương tự.
c. Tầm quan trọng của quá trình lắp ráp hoặc hoàn thiện hàng hoá
Đoạn 57.12 (a) và (b) của SIMR yêu cầu các quy trình lắp ráp hoặc hoàn thiện phải là không đáng kể. Với mục đích xác định xem các quy trình này có đáng kể hay không, CBSA có thể xem xét các yếu tố sau được quy định trong mục 57.13 của SIMR:

 - bản chất của các quá trình;
 - bản chất của cơ sở vật chất (facilities) thực hiện các quy trình;
 - mức độ đầu tư vào Canada hoặc một nước thứ ba vào các quy trình hoặc cơ sở sản xuất;
 - mức độ nghiên cứu và phát triển ở Canada hoặc một nước thứ ba liên quan đến các quy trình;
 -  chi phí của các quy trình sản xuất ở Canada hoặc một nước thứ ba;
 -  chi phí của các quy trình sản xuất ở Canada hoặc một nước thứ ba theo tỷ lệ của tổng chi phí sản xuất lắp ráp hoặc hoàn thiện hàng hóa tương tự; và
 -  bất kỳ yếu tố nào khác phù hợp với tình hình.
d. Các cân nhắc trong việc đánh giá “sự điều chỉnh nhỏ”
Theo mục 57.14 của SIMR, CBSA có thể xem xét các yếu tố sau khi xác định liệu việc sửa đổi của hàng hóa tương tự được đề cập trong đoạn 57.12 (c) có phải là không đáng kể không:

- các đặc tính vật lý của hàng hóa sửa đổi và hàng hóa tương tự, bao gồm cả thành phần (compositions) của chúng;
- các thông số kỹ thuật của hàng hóa tương tự và hàng hóa sửa đổi;
- phân loại HS của hàng hóa tương tự và hàng hóa sửa đổi;
- mục đích sử dụng cuối cùng trước và sau khi sửa đổi;
- khả năng thay thế giữa hàng hóa được sửa đổi và hàng hóa tương tự cũng như sở thích của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa tương tự và hàng hóa sửa đổi;
- cách thức mà hàng hóa được đóng gói và quảng cáo trước và sau khi sửa đổi (bao gồm các tài liệu và tài liệu quảng cáo liên quan đến hàng hóa);
- các kênh phân phối trước và sau khi sửa đổi;
- sự khác biệt trong quy trình sản xuất, chi phí và cơ sở sản xuất giữa hàng hóa được sửa đổi và hàng hóa tương tự;
- chi phí sửa đổi và, nếu có thể đảo ngược việc sửa đổi, chi phí đảo ngược nó; và
- bất kỳ yếu tố nào khác phù hợp.
e. Làm suy yếu tác dụng khắc phục của lệnh áp thuế hiện hành
Khi xác định liệu hàng hóa nhập khẩu mà có hành vi làm suy yếu các tác động khắc phục của thuế CBPG, CTC như được nêu trong đoạn 71 (b) của SIMA hay không, CBSA có thể xem xét các yếu tố sau được quy định trong mục 57.15 của SIMR:
    - giá và khối lượng của hàng hóa tương tự được lắp ráp hoặc hoàn thiện ở Canada và được bán ở Canada, hoặc giá và khối lượng nhập khẩu của hàng hóa tương tự được lắp ráp hoặc hoàn thành ở nước thứ ba hoặc của hàng hóa tương tự được sửa đổi nhỏ;
    - liệu hàng hóa có được bán cho cùng người tiêu dùng mà nếu không thì có thể họ đã mua hàng hóa thuộc lệnh áp thuế;
    - hàng hóa có cùng mục đích sử dụng cuối cùng như hàng hóa chịu lệnh áp thuế hay không; và
    - bất kỳ yếu tố nào khác phù hợp.
f. Nguyên nhân chính của sự thay đổi trong mô hình thương mại
Khi xác định xem nếu nguyên nhân chính của thay đổi mô hình thương mại có phải là việc áp thuế CBPG, CTC theo đoạn 71 (c) của SIMA hay không, CBSA có thể xem xét các yếu tố sau được quy định trong mục 57.16 của SIMR:
- sự khác biệt về chi phí giữa hàng hóa đang chịu lệnh áp thuế và hàng hóa tương tự được lắp ráp/hoàn thiện hoặc hàng hóa tương tự được sửa đổi nhỏ;
- khi hành vi lẩn tránh bắt đầu, hoặc tăng đáng kể, liên quan đến ngày mà cuộc điều tra CBPG hoặc CTC được khởi xướng;
- bất kỳ việc bán hàng nào, ở một nước khác ngoài Canada, của:
    + hàng hóa tương tự đã được hoàn thiện hoặc lắp ráp ở nước thứ ba,
    + các bộ phận hoặc linh kiện đang được bán cho Canada hoặc nước thứ ba để lắp ráp / hoàn thiện, hoặc
    + hàng hóa sửa đổi nhỏ;
- thay đổi sở thích của người tiêu dùng;
- thay đổi về công nghệ; và
- bất kỳ yếu tố nào khác phù hợp

                                                                                                   ThS. Phạm Hương Giang 

                                                                                             (Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ)

[1] https://www.cbsa-asfc.gc.ca/sima-lmsi/ac/menu-eng.html

[2] https://www.cbsa-asfc.gc.ca/sima-lmsi/ig-ldi-eng.html

[3] https://www.cbsa-asfc.gc.ca/sima-lmsi/sp-pp-eng.html