Một số quy định về nội dung ‘bằng chứng” tại Điều 12.1-12.6 Hiệp định Trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) WTO

Điều 12 Hiệp định SCM quy định về vấn đề “bằng chứng”. Điều 12 bao gồm 12 điều khoản. Bài nghiên cứu này sẽ tìm hiểu về các Điều khoản từ Điều 12.1-12.6, liên quan đến việc thông báo thông tin, thời hạn trả lời bảng câu hỏi điều tra, thông tin mật, thẩm tra thông tin… theo các phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO tại các vụ việc liên quan, cụ thể như sau:

- Điều 12.1 Những Thành viên liên quan và tất cả các bên liên quan đến vụ điều tra thuế đối kháng được thông báo về những thông tin mà các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu và được tạo mọi cơ hội để cung cấp mọi bằng chứng bằng văn bản mà họ cho là có liên quan đến cuộc điều tra.

12.1.1 Nhà xuất khẩu, nhà sản xuất nước ngoài và các Thành viên liên quan nhận được phiếu hỏi được sử dụng trong vụ điều tra sẽ có ít nhất 30 ngày để trả lời (ghi chú 40). Bất kỳ yêu cầu gia hạn trả lời thêm 30 ngày nữa sẽ được xem xét đúng mức, và, khi có lý do chính đáng, việc gia hạn sẽ được chấp nhận vào bất cứ khi nào có thể thực hiện được.

12.1.2 Tùy thuộc vào yêu cầu bảo vệ các thông tin mật, những bằng chứng được một Thành viên liên quan hoặc một bên liên quan gửi tới bằng văn bản sẽ được sẵn sàng cung cấp nhanh chóng cho các Thành viên liên quan hay các bên liên quan khác tham gia vụ điều tra.

12.1.3 Ngay khi khởi xướng điều tra, các cơ quan có thẩm quyền sẽ cung cấp đơn yêu cầu điều tra đầy đủ được nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 11 tới các nhà xuất khẩu  đã biết [ghi chú 41] và tới  các cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu liên quan và khi có yêu cầu, sẽ cung cấp cho các bên quan tâm liên quan khác. Các bên cần lưu ý một cách thích đáng việc giữ thông tin mật như quy định tại khoản 4.

- Điều 12.2 Các Thành viên và các bên liên quan, khi giải trình được, cũng có quyền cung cấp thông tin miệng. Sau khi cung cấp những thông tin miệng đó, các Thành viên và các bên liên quan phải nộp thông tin đó bằng văn bản. Bất kỳ quyết định nào của các cơ quan có thẩm quyền điều tra chỉ được dựa vào những thông tin đó và lập luận ghi trong hồ sơ của mình và đã được cung cấp cho các Thành viên và các bên liên quan tham gia vụ việc điều tra, có tính đến một cách đầy đủ yêu cầu bảo vệ thông tin mật.

- Điều 12.3 Khi có điều kiện, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tạo cơ hội kịp thời cho tất cả các Thành viên và các bên liên quan được biết mọi thông tin liên quan tới phần trình bày của họ, mà không phải là những thông tin mật như quy định tại khoản 4, và là những thông tin được  các cơ quan có thẩm quyền sử dụng trong vụ điều tra, và để chuẩn bị trình bày trên cơ sở thông tin đó.

- Điều 12.4 Mọi thông tin mang tính chất mật (ví dụ nếu bị công bố sẽ tạo thêm lợi thế cạnh tranh đáng kể cho một đối thủ cạnh tranh hoặc gây ra tác hại đáng kể cho cá nhân đã cung cấp thông tin đó hay cho một người là nguồn để nhà cung cấp có được thông tin đó), hoặc thông tin được các bên trong cuộc điều tra cung cấp trên cơ sở tin mật, và có lý do chính đáng để cơ quan có thẩm quyền coi là thông tin mật. Các thông tin đó sẽ không được công bố nếu không có sự cho phép cụ thể của bên cung cấp [ghi chú 42].

12.4.1 Cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu các Thành viên và các bên liên quan cung cấp bản tóm tắt không chứa thông tin mật về các thông tin mật đó. Bản tóm tắt sẽ mô tả chi tiết đến mức cần thiết để cho phép hiểu một cách đúng mức về nội dung thông tin đã cung cấp được bảo mật. Trong trường hợp ngoại lệ này, các Thành viên hoặc các bên nói trên có thể chỉ ra rằng thông tin đó không thể tóm tắt được. Trong trường hợp ngoại lệ đó, bản trình bày về lý do không thể tóm tắt thông tin phải được cung cấp.

12.4.2 Nếu Cơ quan có thẩm quyền thấy rằng yêu cầu cầu giữ bí mật thông tin không được bảo đảm và nếu người cung cấp thông tin không đồng ý cho công bố thông tin hoặc không cho phép tiết lộ dưới hình thức tóm tắt hoặc khái quát thông tin, Cơ quan có thẩm quyền có thể bỏ qua thông tin đó trừ khi có nguồn thích đáng chứng minh thoả đáng rằng thông tin đó là đúng [ghi chú 43].

- Điều 12.5 Trừ trường hợp nêu tại khoản 7, trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền có thể tự mình xác định tính chính xác của thông tin được các Thành viên hay các bên liên quan cung cấp mà căn cứ vào đó cơ quan có thẩm quyền đã đưa ra các kết luận của mình.

- Điều 12.6 Cơ quan điều tra có thể tiến hành điều tra trên lãnh thổ của Thành viên khác khi cần thiết, với điều kiện là phải thông báo kịp thời cho Thành viên hữu quan biết và trừ khi Thành viên đó phản đối việc điều tra. Ngoài ra, cơ quan điều tra có thể tiến hành điều tra tại trụ sở của một công ty và có thể xem xét bản lưu chứng từ của một công ty nếu: (a) công ty đó đồng ý và (b) Thành viên liên quan được thông báo và không phản đối. Thủ tục nêu tại phụ lục VI áp dụng đối với các cuộc điều tra tại trụ sở một công ty. Theo yêu cầu bảo vệ thông tin mật, cơ quan có thẩm quyền phải sẵn sàng cung cấp kết quả điều tra, hoặc cung cấp nội dung về cuộc điều tra, theo quy định tại khoản 8, cho các công ty liên quan và sẵn sàng cung cấp kết quả đó cho nguyên đơn.

1. Một số thông tin chung

Ban Hội thẩm vụ Mexico - Dầu Ôliu lưu ý rằng một số điều khoản của Hiệp định SCM, bao gồm Điều 12, để các Thành viên quyền quyết định đáng kể đối với các thủ tục của mình, ví dụ: Điều 12, 14 và 23. Điều này cho thấy, nói chung, trừ khi một thủ tục cụ thể được quy định trong Hiệp định, các thủ tục chính xác về cách các cơ quan điều tra sẽ thực hiện các nghĩa vụ đó như thế nào là do các Thành viên quyết định."

Ngoài ra, có thể thấy lời văn Điều 12 Hiệp định SCM phần lớn tương đồng với lời văn Điều 6 Hiệp định chống bán phá giá (ADA).

2. Điều 12.1

2.1. Phạm vi Điều 12.1

"Hiệp định SCM nhấn mạnh vào việc cung cấp thông tin bằng văn bản và giảm các bằng chứng được đưa ra bằng miệng, đồng thời quy định rằng 'bất kỳ quyết định của cơ quan điều tra chỉ có thể dựa trên những thông tin và lập luận như đã có trong hồ sơ của cơ quan điều tra'.[1]

Liên quan đến vấn đề bản chất, thời gian và hình thức của yêu cầu thông báo theo Điều 12.1[2]: "Thứ nhất, Điều 12.1 yêu cầu cơ quan điều tra phải chủ động cung cấp 'thông báo về thông tin mà cơ quan có thẩm quyền yêu cầu' cho tất cả các bên liên quan. Nghĩa vụ này đòi hỏi phải tiếp cận và làm cho tất cả các bên liên quan biết về thông tin liên quan. Vì vậy, việc chỉ cung cấp quyền truy cập vào hệ thống chuyển tải thông báo được yêu cầu là chưa đủ.

Thứ hai, Điều 12.1 không quy định khung thời gian cụ thể cho việc đưa ra thông báo, nhưng liên kết yêu cầu thông báo với nghĩa vụ tạo 'đủ cơ hội' để đưa ra bằng chứng bằng văn bản có liên quan. Do đó, thời điểm 'thông báo' phải được hiểu trong bối cảnh cụ thể đó: đủ thời gian để một bên liên quan có thể chuẩn bị và trình bày bằng chứng bằng văn bản trong thời hạn do cơ quan điều tra ấn định để nộp bằng chứng bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến việc tìm kiếm thông tin nào.

Thứ ba, Điều 12.1 không quy định các yêu cầu cụ thể đối với hình thức của thông báo hoặc các thể thức mà thông báo sẽ được đưa ra. Hình thức và thể thức vẫn do cơ quan điều tra quyết định. Cơ quan điều tra có thể có bất kỳ cách nào để đưa ra thông báo. Về vấn đề này, có những lo ngại liên quan đến gánh nặng hành chính liên quan đến việc thông báo thông tin cần thiết cho tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không phải cung cấp thông báo đó ngay lập tức hoặc không phải trao đổi riêng cho tất cả các bên liên quan khác trong mỗi trường hợp. Cơ quan điều tra có thể chọn cách đưa ra thông báo theo yêu cầu để giảm bớt gánh nặng hành chính."

Ban hội thẩm vụ việc Trung Quốc - Sản phẩm gà thịt này cũng đã giải thích nội dung của thông báo được yêu cầu theo Điều 12.1, như sau: "Nội dung được yêu cầu của thông báo tuân theo yêu cầu rằng thông báo phải cung cấp 'thông tin mà các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu', theo nửa sau của điều khoản này. Do đó, thông tin cụ thể mà cơ quan điều tra yêu cầu từ các bên liên quan sẽ xác định nội dung thông báo phải truyền đạt và sẽ thay đổi theo từng trường hợp. Ít nhất, thông báo phải cho biết thông tin nào được yêu cầu để cho phép tất cả các bên liên quan chuẩn bị và nộp bằng chứng liên quan bằng văn bản liên quan đến những vấn đề về việc thông tin nào được tìm kiếm. Nghĩa vụ là đưa ra thông báo về thông tin được yêu cầu; chứ không phải là nghĩa vụ tiết lộ yêu cầu thông tin. Do đó, một dàn ý hoặc mô tả thông tin được yêu cầu có thể đủ để đưa ra thông báo cần thiết. Nếu cơ quan điều tra phát hành bảng câu hỏi cho một bên liên quan cụ thể, gửi hoặc cung cấp (trong phạm vi mà tất cả các bên liên quan khác đều biết) bảng câu hỏi này cho tất cả các bên liên quan khác chắc chắn sẽ là một cách thông báo về thông tin cơ quan điều tra yêu cầu. Tuy nhiên, đó không phải là những gì quy định yêu cầu: Điều 12.1 không yêu cầu cụ thể cơ quan điều tra phải cung cấp cho tất cả các bên liên quan khác các câu hỏi hoặc yêu cầu thực tế được đưa ra cho một bên liên quan cụ thể, mặc dù điều này có thể hiệu quả và là thông lệ tốt trong ngữ cảnh này.

Điều 12.1 yêu cầu thông báo về thông tin mà cơ quan điều tra yêu cầu để các bên liên quan chuẩn bị và gửi bằng chứng bằng văn bản có liên quan. Vì lý do này, một thông báo mà cho các bên liên quan khác biết về thông tin thực sự được gửi bởi (các) bên liên quan có trả lời không cấu thành thông báo theo nghĩa của điều khoản này."

Điều 12.1 không quy định phương thức mà cơ quan điều tra phải sử dụng để đưa ra thông báo cần thiết.[3] "Cơ quan điều tra có thể thông báo cho tất cả các bên liên quan một cách riêng lẻ rằng thông tin được yêu cầu hoặc thông qua các phương thức chung hơn; nếu được viết và gửi đi một cách hợp lý thì một thông báo khởi xướng hoặc thư thẩm tra có thể cấu thành 'thông báo' theo nghĩa của Điều 12.1."

Theo vụ việc trên, Ban Hội thẩm kết luận rằng thực tế mà MOFCOM đã đề cập, trong thông báo khởi xướng, rằng thông tin công khai về cuộc điều tra sẽ sẵn có tại một địa điểm cụ thể, và sau đó cung cấp tại địa điểm đó một tài liệu nhằm chỉ rõ thông tin được yêu cầu, là không đủ để đáp ứng yêu cầu thông báo của Điều 12.1. "MOFCOM đã không thông báo cho các bên liên quan về việc để tài liệu được cho là chuyển tải thông báo về thông tin được yêu cầu tại phòng đọc công cộng. Thay vào đó, các bên liên quan phải 'tận dụng phòng đọc công cộng để tự xem xét hồ sơ công khai' và do đó, tự họ xác định thực tế là có một thông báo về thông tin yêu cầu đối với các nhà sản xuất Trung Quốc đã được đưa ra. Tuy nhiên, theo Điều 12.1, MOFCOM phải ‘đưa’ cho bên liên quan thông báo- một nghĩa vụ đưa thông báo không thể được đáp ứng bằng cách mong đợi các bên liên quan giám sát cơ quan điều tra để đảm bảo họ vẫn được thông báo khi các bên liên quan không được thông báo rằng đó là cơ chế mà thông báo đó sẽ được đưa ra cho họ. Quan điểm của Trung Quốc làm giảm yêu cầu thông báo thành một nghĩa vụ đưa ra tuyên bố chung rằng các bên liên quan có thể tham khảo thông tin trong phòng đọc công cộng. Khi đó, yêu cầu thông báo sẽ không liên quan tới các thông tin được yêu cầu; nó sẽ không còn là "về thông tin mà các cơ quan chức năng yêu cầu". 'Thông báo' như vậy sẽ không đáp ứng được chức năng quy trình của Điều 12.1. Một Ban hội thẩm có thể không áp dụng cách diễn giải khiến một điều khoản của hiệp ước hoặc một phần của nó không có hiệu lực".

2.2 "thông tin mà cơ quan có thẩm quyền yêu cầu"

Tại vụ Hoa Kỳ - Thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp (Trung Quốc), Ban hội thẩm đã bác bỏ một khiếu nại theo Điều 12.1 vì không cho rằng cơ quan điều tra đã "yêu cầu" thông tin đang đề cập. "Mặc dù việc cơ quan điều tra có quan điểm rõ ràng về một số vấn đề pháp lý có khả năng phát sinh trong các cuộc điều tra mà họ tiến hành là cần thiết, nhưng Điều 12.1 không yêu cầu họ phải làm như vậy đối với bất kỳ và tất cả những vấn đề như vậy. "

Ban Hội thẩm cũng đưa ra những nhận xét sau đây về Điều 12.1: "Điều 12, với tiêu đề là 'Bằng chứng', bao gồm một loạt các quy tắc về chứng cứ, bao gồm việc cơ quan điều yêu cầu, tiếp nhận và xử lý chứng cứ của cơ quan điều tra - đối tượng cụ thể của Điều 12.1. Về vấn đề này, quy định mũ của Điều 12.1 quy định hai yêu cầu bao trùm: đó là các Thành viên và các bên liên quan được cơ quan có thẩm quyền cung cấp (i) 'thông báo' về thông tin mà cơ quan có thẩm quyền yêu cầu họ cung cấp; và (ii) 'có nhiều (ample) cơ hội để trình bày bằng văn bản tất cả các bằng chứng mà họ cho là có liên quan'. Cả 2 yêu cầu này không bị giới hạn trong bất kỳ cách nào, về hình thức hoặc khoảng thời gian. Cụ thể, yêu cầu thông báo không giới hạn về việc cơ quan điều tra phải yêu cầu thông tin như thế nào vào do đó có vẻ như lường trước được các loại yêu cầu thông tin khác nhau có thể xảy ra. Yêu cầu về việc cung cấp đủ cơ hội cũng không có giới hạn cụ thể và thực sự mở rộng hơn việc trả lời đối với các yêu cầu từ cơ quan điều tra, để bao gồm việc Thành viên hoặc bên liên quan chủ động cung cấp thông tin. Trong trường hợp có yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan điều tra, từ 'ample' phải được hiểu có nghĩa là 'phong phú' theo bản chất và phạm vi cụ thể của yêu cầu đó, điều mà bản chất của nó chỉ có thể được xác định. trên cơ sở từng trường hợp cụ thể."

2.3 Điều 12.1.1: Thời hạn 30 ngày để trả lời bảng câu hỏi

Phạm vi nghĩa vụ tại Điều 6.1.1 Hiệp định Chống bán phá giá và 12.1.1 Hiệp định SCM:[4] "Các quyền về trình tự thủ tục tại Điều 6 Hiệp định chống bán phá giá — bao gồm quyền có 30 ngày để trả lời bảng câu hỏi — 'không thể gia hạn vô thời hạn' mà thay vào đó, bị giới hạn bởi nhu cầu của cơ quan điều tra trong việc “kiểm soát việc tiến hành" cuộc điều tra của mình và để "thực hiện nhiều bước" cần thiết để hoàn thành kịp thời thủ tục. Do đó, giới hạn thời gian để hoàn thành cuộc điều tra là lý do để đưa ra nghĩa vụ tại Điều 6.1.1 trong việc tạo cơ hội cho tất cả các bên liên quan 30 ngày để trả lời bảng câu hỏi."

Thuật ngữ "bảng câu hỏi" trong Điều 12.1.1 đề cập đến bảng câu hỏi toàn diện ban đầu (hoặc bộ câu hỏi) do cơ quan điều tra ban hành vào hoặc sau khi khởi xướng một cuộc điều tra thuế đối kháng và thời hạn 30 ngày để trả lời các bảng câu hỏi quy định tại Điều 12.1.1 không áp dụng cho các câu trả lời cho bảng câu hỏi bổ sung.[5]

3. Điều 12.3

Mối liên hệ giữa hai nghĩa vụ nêu trong Điều 12.3[6]: "Hai nghĩa vụ trong Điều 12.3 là khác biệt, nhưng có liên quan với nhau. Đặc biệt, nghĩa vụ thứ hai liên quan đến việc cung cấp cơ hội để chuẩn bị các bài thuyết trình 'trên cơ sở thông tin này' - tức là, thông tin mà các bên liên quan phải được tạo cơ hội kịp thời để có thể xem. Trong trường hợp cơ quan điều tra không tạo bất kỳ cơ hội nào để xem thông tin có liên quan và không mật được cơ quan điều tra sử dụng, thì cơ quan điều tra không thể tạo bất kỳ cơ hội nào để các bên liên quan chuẩn bị các bản trình bày trên cơ sở thông tin này. Tuy nhiên, khi bên liên quan có cơ hội để xem thông tin, nhưng không đủ thời gian cho phép họ xem thông tin để chuẩn bị các bài thuyết trình dựa trên thông tin đó thì cũng chưa đáp ứng được quy định."

Ban hội thẩm tại vụ việc Trung Quốc - Sản phẩm gà thịt này bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng trừ khi các bên liên quan yêu cầu xem thông tin, Điều 12.3 không đặt ra bất kỳ nghĩa vụ nào đối với các bên liên quan: "Thực tế là việc 'mức độ liên quan' của thông tin phải được đánh giá từ quan điểm của bên liên quan không làm ảnh hưởng đến việc hiểu rằng cơ quan điều tra phải cung cấp cơ hội bất kể yêu cầu xem thông tin có được đưa ra hay không. Các bên liên quan mà không biết về sự tồn tại của một số thông tin mà cơ quan điều tra có được hiển nhiên không thể đưa ra yêu cầu xem thông tin đó. Các bên liên quan này có thể là đối tượng cần được bảo vệ về việc cơ quan điều tra phải tuân thủ quy trình thủ tục quy định tại Điều 12.3. Do đó, quy định về việc bên liên quan phải đưa ra yêu cầu sẽ làm vô hiệu hóa quyền của họ có cơ hội xem những thông tin mà họ không biết. Việc gán một ý nghĩa như vậy cho một điều khoản của hiệp ước sẽ dẫn đến một kết quả không hợp lý."

Tuy nhiên, Ban Hội thẩm cũng đề cập đến những khó khăn về mặt chứng cứ trong việc chứng minh hành vi vi phạm Điều 12.3, và nêu rõ: "Việc không cung cấp cơ hội để xem thông tin nhất định là vi phạm do thiếu sót. Có những thách thức về chứng cứ liên quan đến khiếu nại dựa trên thiếu sót bị cáo buộc. Có thể khó chứng minh việc không có cơ hội xem thông tin. Do đó, từ góc độ chứng minh, sẽ rất hữu ích nếu nguyên đơn có thể chứng minh, bằng cách tham chiếu đến bằng chứng trong hồ sơ, rằng một bên liên quan đã yêu cầu xem thông tin mà cơ quan điều tra sau đó không cung cấp. Nhưng đối với việc bên liên quan không đưa ra yêu cầu, xét về mặt luật pháp hoặc thực tế, điều đó không có nghĩa là cơ quan điều tra đã đáp ứng nghĩa vụ cung cấp cơ hội kịp thời để xem thông tin theo Điều 12.3. Trong bối cảnh vụ việc, việc Trung Quốc trích dẫn từ vụ EC - Ốc vít (Trung Quốc) không hỗ trợ cho lập trường của Trung Quốc. Ban hội thẩm trong vụ việc đó đã cho rằng Điều 6.4 Hiệp định ADA không yêu cầu cơ quan điều tra 'chủ động cộng bố' thông tin, và giải quyết lập luận của Trung Quốc rằng 'cơ quan điều tra có nghĩa vụ cung cấp thông tin ngay cả khi không có yêu cầu. Ban hội thẩm bác bỏ quan điểm rằng có nghĩa vụ về việc phải chủ động công bố thông tin theo Điều 6.4. Trong bối cảnh vụ việc này, tuyên bố rằng 'vi phạm Điều 6.4 thông thường sẽ yêu cầu chứng minh rằng cơ quan điều tra đã từ chối yêu cầu của một bên liên quan về việc xem thông tin' cho thấy rằng một cách chứng minh vi phạm Điều 6.4 sẽ là chỉ ra rằng yêu cầu để xem thông tin đã bị từ chối. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là yêu cầu (và từ chối) như vậy là cần thiết để chứng minh việc vi phạm Điều 6.4 và 12.3."

Về phạm vi nghĩa vụ quy định tại Điều 12.3, Ban Hội thẩm tại vụ việc này tuyên bố rằng: "Thông tin 'được sử dụng' theo nghĩa của Điều 6.4 Hiệp định chống bán phá giá và Điều 12.3 Hiệp định SCM có thể rộng hơn các dữ kiện hoặc dữ liệu liên quan đến các vấn đề mà cơ quan điều tra được yêu cầu xem xét hoặc cơ quan điều tra, trên thực tế, đã xem xét trong quá trình điều tra chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp. Liệu một thông tin cụ thể có phải là thông tin được các cơ quan có thẩm quyền 'sử dụng' theo nghĩa rộng hơn hay không sẽ phụ thuộc vào dữ kiện và hoàn cảnh của từng vụ việc."

Ban Hội thẩm vụ việc trên lưu ý rằng Điều 12.3 không quy định một phương pháp cụ thể về việc cung cấp cơ hội kịp thời để xem tất cả thông tin và chỉ ra rằng "cơ quan điều tra có thể tiến hành theo bất kỳ cách nào, bao gồm cả việc cung cấp thông tin trong một phòng đọc vật lý hoặc điện tử."

4. Điều 12.4

Tại vụ Hoa Kỳ - Thép các bon (Ấn Độ), Ban Hội thẩm đã từ chối "diễn giải Điều 14(d) [Hiệp định SCM] theo cách mà có thể khiến cơ quan điều tra vi phạm nghĩa vụ bảo mật quy định tại Điều 12.4 Hiệp định SCM. "

4.1 Điều 12.4.1

4.1.1 Yêu cầu chung

Tầm quan trọng của việc tuân thủ Điều 6.5.1 Hiệp định chống bán phá giá và Điều 12.4.1 Hiệp định SCM:[7] "Thực tế là không có bản tóm tắt không mật nào mà cung cấp sự hiểu biết hợp lý về nội dung của các phụ lục mật của Đơn kiện có thể đã ảnh hưởng đến khả năng của bị đơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình trước MOFCOM và khả năng của Hoa Kỳ trong việc đưa ra các khiếu kiện về việc Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của WTO. Điều này càng làm nổi bật tầm quan trọng của việc tuân thủ Điều 6.5.1 Hiệp định chống bán phá giá và Điều 12.4.1 Hiệp định SCM."

Điều 12.4.1 Hiệp định SCM nhằm đảm bảo tính minh bạch và cho phép các bên liên quan hiểu được bản chất của thông tin mật:[8] "Mặc dù không được quy định rõ ràng trong Điều 12.4.1 Hiệp định SCM ..., Ban Hội thẩm ghi nhận đóng góp quan trọng vào sự minh bạch và hỗ trợ các bên trong việc đạt được hiểu biết hợp lý về bản chất của thông tin mật, mà việc gắn nhãn các bản tóm tắt không mật như vậy có thể cung cấp."

Ban hội thẩm tại vụ việc Trung Quốc – GOES này cũng đã chỉ ra rằng tiêu chuẩn quy định tại Điều 12.4.1 về nội dung của bản tóm tắt không mật phải được đáp ứng bất kể một bên liên quan có phản đối vấn đề này trong quá trình điều tra hay không.

Ban hội thẩm đã bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng "tính đầy đủ của các bản tóm tắt không mật nên được đánh giá theo 'hoàn cảnh ngoại lệ' là chỉ có hai nhà sản xuất GOES của Trung Quốc, điều này gây khó khăn cho việc tóm tắt dữ liệu tổng hợp một cách đầy đủ để bảo vệ tính bí mật của thông tin". Ban Hội thẩm cho rằng, dù thực tế này tồn tại, họ sẽ đánh giá tính đầy đủ của các bản tóm tắt không mật bằng cách tham chiếu đến tiêu chuẩn quy định tại Điều 12.4.1: "Khi xem xét lập luận của Trung Quốc về vấn đề này, Ban Hội thẩm lưu ý rằng Điều 12.4.1 Hiệp định SCM ... quy định rõ ràng [các] tiêu chuẩn để đánh giá mức độ đầy đủ của các bản tóm tắt không mật, cụ thể là bằng cách tham khảo về việc liệu bản tóm tắt có 'cho phép hiểu hợp lý về bản chất của thông tin mật được nộp hay không'. Nếu thông tin không thể tóm tắt được, ví dụ do không thể tóm tắt thông tin trong khi vẫn đảm bảo tính bảo mật của thông tin, các quy định này cho phép được miễn nghĩa vụ cung cấp bản tóm tắt không mật. Tuy nhiên, nếu việc miễn trừ 'trường hợp ngoại lệ' này không được viện dẫn, như trong trường hợp này, sẽ không có cơ sở để kết luận rằng 'trường hợp ngoại lệ' này làm thay đổi tiêu chuẩn áp dụng theo Điều 12.4.1 và 6.5.1. Do đó, Ban Hội thẩm sẽ đánh giá tính đầy đủ của các bản tóm tắt không mật bằng cách tham khảo xem liệu chúng có cho phép hiểu hợp lý về thông tin mật được cung cấp hay không'. Nếu chúng không cho phép hiểu như vậy, việc chỉ có hai nhà sản xuất GOES của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi kết luận rằng Trung Quốc đã hành động trái với Điều 12.4.1 và 6.5.1."

Ban Hội thẩm cũng bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng Điều 12.4.1 sẽ được đáp ứng nếu một bản tóm tắt không mật tiết lộ điểm chính của thông tin mật liên quan: "Ngay từ đầu, Ban Hội thẩm lưu ý một số vấn đề nhất định đối với một số bản tóm tắt mà Trung Quốc dựa vào. Đặc biệt, trong một số trường hợp, quan điểm của Trung Quốc là bản tóm tắt không mật đã được cung cấp theo nghĩa của Điều 12.4.1 Hiệp định SCM và Điều 6.5.1 Hiệp định chống bán phá giá khi có thể suy ra 'điểm chính' của thông tin mật từ bối cảnh xung quanh bản tóm tắt. Theo quan điểm của Ban Hội thẩm, đây không phải là những gì được coi là một bản tóm tắt không bảo mật theo Hiệp định SCM và Hiệp định chống bán phá giá. Điều 12.4.1 và 6.5.1 yêu cầu rõ ràng bên liên quan cung cấp thông tin mật phải cung cấp bản tóm tắt của thông tin đó, chứ không phải yêu cầu các bên quan tâm khác suy luận, lấy và ghép lại một bản tóm tắt có thể có của thông tin mật."

Ban hội thẩm nhấn mạnh tầm quan trọng đối với quyền của các bên liên quan về việc được đảm bảo trình tự thủ tục liên quan đến sự nhất quán trong việc chuẩn bị các bản tóm tắt không mật: "Một mặt, Ban hội thẩm lưu ý rằng Điều 12.4.1 Hiệp định SCM và 6.5.1 Hiệp định chống bán phá giá không bao gồm bất kỳ yêu cầu nào về hình thức mà một bản tóm tắt không mật phải có. Tuy nhiên, mặt khác, do thiếu tham chiếu chéo và không khớp giữa thông tin được biên tập lại và các bản tóm tắt không mật, bị đơn có thể bối rối về việc liệu thông tin tóm tắt có dựa trên cùng một nguồn dữ liệu với thông tin được biên tập lại hay không và do đó có đại diện cho bản tóm tắt mật. Theo nghĩa này, mục tiêu đúng trình tự thủ tục của Điều 12.4.1 và 6.5.1 có thể bị ảnh hưởng, vì một bên liên quan có thể không biết rằng thông tin được biên tập lại trên thực tế đã được tóm tắt và có thể bị tranh cãi."

Ban hội thẩm cũng đã bác bỏ lập luận rằng dựa trên các số liệu được tiết lộ trong một bản tóm tắt không mật, các bên liên quan có thể suy ra được phần lớn dữ liệu còn thiếu: "Tuy nhiên, liên quan đến lập luận của Trung Quốc rằng, dựa trên các công thức và con số được tiết lộ, các bên liên quan có thể suy ra được phần lớn dữ liệu còn thiếu, Ban Hội thẩm cho rằng cần phải bình luận rằng loại quy trình này không phải là những gì Điều 12.4.1 Hiệp định SCM trù liệu ... Các Điều khoản yêu cầu một cách rõ ràng rằng các bên cung cấp những bản tóm tắt không mật của bất kỳ thông tin mật nào được nộp. Trong trường hợp các bên liên quan khác bị yêu cầu tự suy ra bản tóm tắt của riêng họ và đưa ra các phỏng đoán về nội dung của thông tin được biên tập lại, các yêu cầu của Điều ... 12.4.1 sẽ không được đáp ứng."

Trong vụ việc Trung Quốc- Các sản phẩm gà thịt, hiệp hội ngành sản xuất khiếu kiện đã cung cấp các bản tóm tắt không mật được biên soạn lại các số liệu sản xuất riêng lẻ của các công ty nguyên đơn. Ban hội thẩm kết luận rằng tuyên bố rằng yêu cầu về tính đại diện (standing) được đáp ứng đã không thể thay thế thông tin mật liên quan vì nó không cung cấp cho các bên liên quan phương tiện để khiếu nại liệu thông tin mật đó có thực sự hỗ trợ cho kết luận như vậy hay không.

Ban hội thẩm tại vụ việc này kết luận rằng phiên bản không bảo mật của thông tin được cung cấp trong đơn khởi kiện về các yếu tố gây thiệt hại nhất định đã không cung cấp sự hiểu biết hợp lý về thông tin mật "vì việc cung cấp tỷ lệ phần trăm những thay đổi hàng năm mà không có bản tóm tắt không mật về mức độ gốc sẽ không cho phép hiểu hợp lý về tầm quan trọng của sự thay đổi."

4.1.2 Các bản tóm tắt phải đủ chi tiết để cho phép hiểu hợp lý về nội dung của thông tin mật

Ban hội thẩm tại vụ Mexico - Dầu ô liu đã áp dụng Điều 12.4.1 trong bối cảnh một cuộc điều tra mà, thay vì cung cấp các bản tóm tắt không mật về thông tin mật trong các bản đệ trình của mình, một bên đã chuẩn bị các phiên bản công khai của nó bằng cách đơn giản bỏ đi thông tin mật. Ban Hội thẩm kết luận: "Khi yêu cầu bảo mật đối với một tài liệu cụ thể, Ban Hội thẩm cho rằng việc cung cấp phiên bản công khai của tài liệu đó, từ đó thông tin bí mật đã bị xóa đơn giản, có thể chưa đáp ứng các yêu cầu của Điều 12.4.1. Điều này là do cái được yêu cầu tóm tắt theo Điều 12.4.1 là thông tin mật. Các phần không mật còn lại của tài liệu tự nó có thể không đủ để truyền đạt 'sự hiểu biết hợp lý' về bản chất của thông tin mật đã được loại bỏ để tạo thành một bản tóm tắt đầy đủ về thông tin đó.

Có thể có những trường hợp mà thông tin còn lại trong phiên bản công khai của tài liệu tự nó có thể đủ để cung cấp bản tóm tắt cần thiết của thông tin mật. Trong những trường hợp như vậy, không cần tóm tắt bổ sung. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy có thể sẽ bị hạn chế do điều mà Hiệp định SCM yêu cầu là phần tóm tắt phải truyền đạt sự hiểu biết hợp lý về bản chất của thông tin mật."

Ban hội thẩm trong vụ việc trên cũng giải quyết lập luận của Mexico rằng bản tóm tắt không mật không cần được cung cấp nếu đại diện của các bên liên quan đã được cung cấp quyền truy cập vào toàn bộ thông tin mật. Ban Hội thẩm không tìm thấy sự ủng hộ bằng lời văn nào đối với lập luận của Mexico tại Điều 12.4.1 Hiệp định SCM. Do đó, Ban Hội thẩm đã bác bỏ lập luận của Mexico, viện dẫn lý do được áp dụng bởi một ban hội thẩm trước đó trong bối cảnh Điều 6.5  Hiệp định Chống bán phá giá.

Ban hội thẩm vụ Trung Quốc – Ô tô nhắc lại rằng "các Ban hội thẩm trước đây đã kết luận rằng các tuyên bố chung chung không được chứng minh bằng bằng chứng, cũng như khả năng các bên quan tâm suy ra 'điểm chính' của thông tin mật từ bối cảnh xung quanh bản được lược bỏ thông tin mật là không đủ để tuân thủ Điều... 12.4.1 [Hiệp định SCM]." Ban hội thẩm giải thích thêm:

"Về mặt này, các Ban hội thẩm đã cho rằng một cơ quan điều tra không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc yêu cầu các bản tóm tắt không mật đầy đủ trong đó phiên bản không mật của đơn kiện yêu cầu các bên liên quan 'suy luận, lấy và ghép lại một bản tóm tắt có thể có của thông tin mật.' Hơn nữa, khoảng trống dữ liệu trong các bản tóm tắt không mật có thể tước đi 'sự hiểu biết hợp lý' của bị đơn về bản chất của thông tin mật đang được đề cập."

4.1.3 Trình bày lý do tại sao không thể tóm tắt

Mặc dù nghĩa vụ tuyên bố lý do được áp đặt đối với bên yêu cầu bảo mật, Điều 12.4.1 cũng đặt ra nghĩa vụ đối với cơ quan điều tra phải yêu cầu cung cấp tuyên bố đó. Điều này phù hợp với các kết luận của các ban hội thẩm khác nhau đã xem xét điều khoản tương đương trong Hiệp định chống bán phá giá (Điều 6.5.1).[9]

Ban Hội thẩm tại vụ việc Mexico- Dầu Ôliu này cũng lưu ý rằng một tuyên bố lý do chỉ có thể thay thế cho một bản tóm tắt không mật trong những trường hợp "ngoại lệ". "Việc sử dụng từ 'ngoại lệ' (exceptional) nhấn mạnh rằng những nhà soạn thảo cho rằng thông tin mật thường phải có khả năng được tóm tắt. Trên thực tế, việc tóm tắt thông tin mật được coi là tiêu chuẩn, vì chỉ trong 'những trường hợp ngoại lệ' thì việc tóm tắt thông tin mật mới không thể thực hiện được."

Liên quan đến nghĩa vụ của cơ quan điều tra khi đánh giá một khẳng định rằng không thể tóm tắt, Ban hội thẩm vụ việc trên kết luận rằng: "Trong khi Điều 12.4.1 không đặt ra bất kỳ cơ chế cụ thể nào mà theo đó cơ quan điều tra sẽ đánh giá một khẳng định rằng việc tóm tắt là không thể thực hiện được, tuy nhiên, lời văn của Điều 12.4.1 cung cấp một chỉ dẫn rõ ràng về cơ sở của việc đánh giá này: Cơ quan điều tra cần xem xét các lý do đưa ra về việc không tóm tắt thông tin mật và xác định xem liệu những lý do này có cấu thành các trường hợp "ngoại lệ" hay không. Bằng cách xem xét mức độ mà một Thành viên hoặc bên liên quan đã chỉ ra trường hợp ngoại lệ, cơ quan điều tra có thể xác định liệu Thành viên hoặc bên liên quan đó có chứng minh được rằng việc tóm tắt là không thể hay không."

5. Điều 12.6

5.1 Các cuộc họp thẩm tra

Ban Hội thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Điều tra thuế chống trợ cấp với DRAM đã xem xét phạm vi áp dụng của Điều 12.6, theo đó các Thành viên có quyền phản đối bất kỳ cuộc họp thẩm tra nào diễn ra trong lãnh thổ của Thành viên đó. Đặc biệt, Ban Hội thẩm đã xem xét liệu việc Hàn Quốc phản đối hình thức thẩm tra (không phải bản thân việc thẩm tra) có nghĩa là USDOC đã bị Điều 12.6 ngăn cản việc tiến hành thẩm tra hay không. Theo Ban Hội thẩm, Điều 12.6 quy định hai điều kiện để cơ quan điều tra tiến hành điều tra trên lãnh thổ của các Thành viên khác: "(1) ý định tiến hành điều tra được thông báo trong thời gian thích hợp cho Thành viên được đề cập; và (2) Thành viên đó không phản đối cuộc điều tra.” Như vậy, khiếu nại của Hàn Quốc liên quan đến điều kiện thứ hai. Về vấn đề này, Ban Hội thẩm đã đồng ý với Hoa Kỳ và kết luận rằng: "Liên quan đến điều kiện đầu tiên, Hàn Quốc không đặt câu hỏi về việc Hoa Kỳ đã thông báo cho Hàn Quốc về ý định thực hiện cuộc điều tra trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vấn đề liên quan đến điều kiện thứ hai, tức là liệu Hàn Quốc có phản đối cuộc điều tra hay không - hay liệu Hàn Quốc có quyền phản đối hình thức điều tra chứ không phải bản thân cuộc điều tra. ... Hàn Quốc lẽ ra có thể ngăn cản cuộc điều tra trên lãnh thổ của mình diễn ra, nhưng họ đã chọn không làm như vậy. Trong thư phản hồi của mình gửi tới Hoa Kỳ, Hàn Quốc không phản đối các cuộc gặp, cũng như không phản đối quyền quyết định của DOC để gặp "bất kỳ ai mà DOC muốn." Vì Hàn Quốc không phản đối cuộc điều tra tại chỗ của DOC, nên quyết định của DOC tiến hành cuộc điều tra đó không phải là trái với Điều 12.6 Hiệp định SCM."

5.2 "kết quả"

Nếu cơ quan điều tra tiến hành một cuộc thẩm tra xác minh tại một công ty trong quá trình điều tra chống trợ cấp thì cơ quan điều tra sẽ phải cung cấp "kết quả" của cuộc thẩm tra xác minh cho công ty bị điều tra:[10] "Nếu cơ quan điều tra tiến hành thẩm tra tại một công ty trong quá trình điều tra chống trợ cấp, thì theo Điều 12.6, cơ quan có thẩm quyền 'sẽ' thực hiện một trong hai việc: (a) cung cấp kết quả của cuộc thẩm tra cho công ty liên quan; hoặc (b) tiết lộ kết quả đó theo Điều 12.8 cho công ty liên quan. Do đó, cả hai phương án đều yêu cầu cung cấp 'kết quả' các cuộc thẩm tra cho công ty bị điều tra."

Định nghĩa về thuật ngữ "kết quả":[11] "Cả Điều 12 Hiệp định SCM cũng như bất kỳ điều khoản nào khác của Hiệp định đều không định nghĩa về 'kết quả' của các chuyến thẩm tra. Hơn nữa, thuật ngữ này không được định nghĩa tương ứng trong bất kỳ hiệp định có liên quan nào khác (ví dụ: Hiệp định chống bán phá giá) và vẫn chưa được định nghĩa rộng rãi trong bất kỳ báo cáo đã được thông qua nào của ban hội thẩm hoặc Cơ quan Phúc thẩm. Tuy nhiên, một 'kết quả' được định nghĩa là 'hệ quả, ảnh hưởng hoặc kết luận', 'mà đạt được, mang lại, hoặc thu được, đặc biệt là bằng hành động có mục đích ', và 'hệ quả, hậu quả ... hoặc kết quả của một số hành động, quy trình hoặc sự thiết kế '. Do đó, Ban Hội thẩm diễn giải 'kết quả' của các cuộc thẩm tra, theo Điều 12.6, là những gì đạt được, mang lại hoặc thu được thông qua cuộc thẩm tra. Bởi vì những kết quả đó đạt được đặc biệt thông qua "hành động có mục đích" và thông qua một số "quy trình hoặc sự thiết kế", Ban Hội thẩm diễn giải thêm thuật ngữ 'kết quả' như được sử dụng trong Điều 12.6 theo mục đích của cuộc thẩm tra."

Thuật ngữ "kết quả" theo mục đích của cuộc thẩm tra:[12] "Về mục đích đó, cần nhắc lại rằng Điều 12.6 Hiệp định SCM chỉ ra rằng 'các thủ tục quy định trong Phụ lục VI sẽ được áp dụng cho' các chuyến thẩm tra xác minh. Phụ lục VI có tên 'Các thủ tục Điều tra tại chỗ theo Đoạn 6 của Điều 12". Đoạn 7 giải thích rằng" mục đích chính của cuộc điều tra tại chỗ là để xác minh thông tin được cung cấp hoặc để có thêm thông tin chi tiết". Đoạn 7 cũng giải thích thêm rằng thông lệ tiêu chuẩn trước khi thẩm tra là thông báo cho các công ty liên quan về bản chất chung của thông tin cần được xác minh và bất kỳ thông tin nào khác cần được cung cấp, mặc dù điều này không loại trừ các yêu cầu được thực hiện ngay tại chỗ để biết thêm chi tiết được cung cấp dựa trên thông tin thu được.' Từ 'xác minh' (verify) được định nghĩa là 'để chứng minh là đúng; để xác nhận hoặc chứng minh sự thật hoặc tính trung thực của; để xác thực', 'cho thấy là đúng sự thật bằng cách chứng minh hoặc bằng chứng; xác nhận sự thật hoặc tính xác thực của; chứng minh', và 'khẳng định (ascertain) hoặc kiểm tra tính chính xác hoặc tính đúng đắn của, đặc biệt bằng cách kiểm tra hoặc so sánh dữ liệu ... kiểm tra hoặc chứng minh bằng cách điều tra'. Do đó, mục đích chính của việc thẩm tra xác minh là giúp cơ quan điều tra xác nhận tính chính xác của thông tin được cung cấp. Do đó, theo đó, 'kết quả' của việc thẩm tra xác minh phải phản ánh mức độ mà thông tin được cung cấp được xác định là chính xác.

Các điều khoản khác của Hiệp định SCM cung cấp hỗ trợ theo ngữ cảnh cho việc diễn giải này. Đặc biệt, Điều 12.5 Hiệp định SCM, ngay trước Điều 12.6, quy định rằng 'các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình điều tra sẽ có quyền quyết định về tính chính xác của thông tin do các Thành viên hoặc các bên liên quan cung cấp để đưa ra kết luận.' Các cuộc điều tra xác minh dường như là một phương tiện để thực hiện nghĩa vụ chung này so với thông tin được cung cấp. Do đó, 'kết quả' của cuộc điều tra xác minh phải phản ánh 'kết quả' của quá trình xác minh thông tin được cung cấp. Thông tin đáng chú ý nhất trong trường hợp các cuộc thẩm tra xác minh đến một công ty bị điều tra, sẽ là thông tin có trong câu trả lời bảng câu hỏi của công ty."

5.3 Công bố kết quả của cuộc thẩm tra tại chỗ

Tiêu chuẩn tối thiểu về nội dung của các công bố (disclosures) được cung cấp cho các bên liên quan:[13] "Một tiêu chuẩn tối thiểu theo Điều 12.6 bao gồm việc cung cấp các công bố đủ cụ thể để cho phép các bên liên quan phân biệt:

a. thông tin trong câu trả lời bảng câu hỏi hoặc thông tin khác được cung cấp mà bằng chứng hỗ trợ được yêu cầu, và liệu bằng chứng đó có được cung cấp hay không;

b. liệu cơ quan điều tra có yêu cầu cung cấp thêm thông tin tại cuộc thẩm tra xác minh hay không và liệu những thông tin đó có được cung cấp hay không;

c. liệu cơ quan điều tra có thu thập các tài liệu được yêu cầu hay không, và nếu có thì những tài liệu nào; và

d. liệu cơ quan điều tra có xác minh thông tin mà đã yêu cầu bằng chứng hỗ trợ hay không. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là kết quả của cuộc thẩm tra xác minh nhất thiết phải bao gồm các kết luận về tính phù hợp cuối cùng của dữ liệu được kiểm tra để sử dụng trong quyết định cuối cùng trong cuộc điều tra."

5.4 Mối quan hệ với Điều 12.8

Ban Hội thẩm tại vụ EU - PET (Pakistan) bác bỏ lập luận của Liên minh châu Âu rằng vì Điều 12.6 cho phép thông báo kết quả của các cuộc thẩm tra xác minh "theo" Điều 12.8, Điều 12.8 về cơ bản tương đương với những yếu tố cấu thành việc công bố "kết quả" theo Điều 12.6: "Ban Hội thẩm cho rằng, trái với quan điểm của EU, việc viện dẫn chéo Điều 12.8 trong Điều 12.6 không phản ánh mối quan hệ thực chất về bản chất này giữa hai điều khoản vì bốn lý do chính:

a. Thứ nhất, Hiệp định SCM một mặt có nghĩa vụ thông báo kết quả của các cuộc thẩm tra xác minh và mặt khác, công bố các thông tin quan trọng theo các điều khoản khác nhau và không theo trình tự (tức là tương ứng với Điều 12.6 và Điều 12.8). Điều này cho thấy hai quy định về cơ bản là khác biệt.

b. Thứ hai, chỉ có phương án thứ hai trong số hai phương án liên lạc tại Điều 12.6 tham chiếu chéo Điều 12.8, nhưng cả hai phương án đều yêu cầu cung cấp cùng một thứ, tức là 'kết quả' của các cuộc thẩm tra xác minh. Do đó, có vẻ không hợp lý khi giải thích Điều 12.8 là sửa đổi về cơ bản thuật ngữ 'kết quả' theo cách được EU đề xuất theo cả hai phương án, vì chỉ một phương án đề cập đến Điều 12.8 hoặc chỉ theo phương án thứ hai, trong trường hợp đó khái niệm về một 'kết quả' được tiết lộ về cơ bản sẽ khác nhau trong hai trường hợp. Thay vào đó, quan điểm hợp lý hơn là thuật ngữ 'kết quả' nên được giải thích nhất quán trong Điều 12.6.

c. Thứ ba, hạn chế duy nhất về phạm vi của 'kết quả' trong Điều 12.6 là thông tin liên quan đến một cuộc thẩm tra xác minh. Ngược lại, phạm vi tiết lộ theo Điều 12.8 được giới hạn trong 'các dữ kiện thiết yếu được xem xét làm cơ sở cho quyết định có áp dụng các biện pháp chính thức hay không'. Điều này chỉ ra rằng kết quả của các cuộc thẩm tra xác minh không bị giới hạn ở kết quả 'thiết yếu' của các cuộc điều tra như vậy cũng như không giới hạn ở các dữ kiện làm cơ sở cho quyết định áp dụng cuối cùng.

d. Thứ tư, cần nhắc lại rằng Điều 12.6 quy định rằng cơ quan điều tra 'có thể cung cấp các kết quả đó cho nguyên đơn.' Tuy nhiên, 'dữ kiện thiết yếu' phải được công bố cho tất cả các bên liên quan, bao gồm cả những nguyên đơn. Do đó, sẽ có vẻ lạ khi Điều 12.6 đề cập đến khả năng cung cấp 'kết quả' của các cuộc thẩm tra xác minh cho nguyên đơn nếu nguyên đơn nhận được thông tin công bố khi nhận được 'dữ kiện thiết yếu'. Điều này càng cho thấy sự khác biệt về cơ bản của hai điều khoản."

Tương tự, Cơ quan Phúc thẩm tại vụ EU - Fatty Alcohol (Indonesia) bác bỏ lập luận rằng việc viện dẫn Điều 12.8 Hiệp định SCM, tại Điều 12.6 Hiệp định SCM, đã giới hạn phạm vi nghĩa vụ công bố thông tin theo Điều 12.8: "Giống như Ban Hội thẩm, chúng tôi không đồng ý với EU rằng việc tham chiếu đến Điều [12.6] trong Điều [12.8] cho thấy rằng phạm vi 'kết quả' của các cuộc điều tra tại chỗ được công bố chỉ giới hạn ở những kết quả 'thiết yếu'. Điều [12.8] xác định hai cách mà cơ quan điều tra có thể thông báo kết quả điều tra tại chỗ cho các công ty liên quan. Cơ quan điều tra sẽ cung cấp kết quả của cuộc điều tra hoặc cung cấp bản báo cáo (disclosure) thông tin đó cho các công ty liên quan theo Điều [12.6]. Trong trường hợp thứ hai, kết quả của cuộc điều tra tại chỗ được công bố cho các công ty liên quan cùng với 'các dữ kiện thiết yếu' được xem xét, là cơ sở cho việc áp đặt biện pháp chống bán phá giá. Điều [12.8] và Điều [12.6] bao gồm các nghĩa vụ riêng biệt, mỗi nghĩa vụ được áp dụng bất kể 'kết quả' của các cuộc điều tra tại chỗ có được công bố cùng thời điểm với 'dữ kiện thiết yếu' hoặc riêng biệt. Việc 'kết quả' của cuộc điều tra tại chỗ có thể được công bố cùng lúc với 'những dữ kiện thiết yếu' không liên quan đến phạm vi 'kết quả' điều tra tại chỗ sẽ được công bố."

 


[1] Ban Hội thẩm, EU - PET (Pakistan).

[2] Ban Hội thẩm, Trung Quốc - Sản phẩm gà thịt (Điều 21.5 - Hoa Kỳ).

[3] Ban Hội thẩm, Trung Quốc - Sản phẩm gà thịt (Điều 21.5 - Hoa Kỳ).

[4] Cơ quan Phúc thẩm, Mexico - Các biện pháp chống bán phá giá đối với gạo.

[5] Ban Hội thẩm, Hoa Kỳ- Thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp (Trung Quốc).

[6] Ban Hội thẩm, Trung Quốc - Sản phẩm gà thịt (Điều 21.5 - Hoa Kỳ).

[7] Ban hội thẩm, Trung Quốc - Sản phẩm gà thịt.

[8] Ban hội thẩm, Trung Quốc – GOES.

[9] Ban hội thẩm, Mexico - Dầu ô liu.

[10] Ban Hội thẩm, EU - PET (Pakistan).

[11] Ban Hội thẩm, EU - PET (Pakistan).

[12] Ban Hội thẩm, EU - PET (Pakistan).

[13] Ban Hội thẩm, EU - PET (Pakistan)

Tin tức khác