Nghiên cứu Điều 15.1 và 15.2 liên quan đến nguyên tắc chung về xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và tác động của hàng nhập khẩu tới giá trong nước trong vụ việc điều tra chống trợ cấp theo Hiệp định WTO

Điều 15 Hiệp định Trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) WTO quy định về vấn đề xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước trong vụ việc điều tra chống trợ cấp, theo đó:

- Điều 15.1: Việc xác định thiệt hại phải dựa trên bằng chứng khẳng địnhxem xét khách quan đồng thời (a) khối lượng hàng nhập khẩu trợ cấp và tác động của hàng nhập khẩu trợ cấp đối với giá trên thị trường trong nước của sản phẩm tương tự [ghi chú 46] và (b) tác động mang tính hậu quả của hàng nhập khẩu đó với các nhà sản xuất trong nước của các sản phẩm đó.

*Ghi chú 46: Trong toàn bộ Hiệp định này, thuật ngữ "sản phẩm tương tự" được hiểu là một sản phẩm giống hệt ví dụ như giống hệt sản phẩm đang được xem xét về mọi mặt hoặc nếu không tồn tại một sản phẩm như vậy, một sản phẩm khác dù không tương đồng về mọi mặt, nhưng có những đặc điểm tính chất rất giống sản phẩm đang được xem xét.

- Điều 15.2: Đối với khối lượng hàng nhập khẩu được trợ cấp, cơ quan có thẩm quyền đang điều tra sẽ xét xem liệu có sự tăng trưởng đáng kể hàng nhập khẩu trợ cấp hay không, tính theo mức tuyệt đối hay tương đối so với sản lượng hoặc tiêu thụ tại Thành viên nhập khẩu. Đối với tác động của hàng nhập khẩu được trợ cấp lên giá, cơ quan điều tra sẽ xét xem liệu có sự chênh lệch giá đáng kể do hàng nhập khẩu được trợ cấp hay không so với giá của sản phẩm tương tự tại Thành viên nhập khẩu, hoặc tác động của hang nhập khẩu đó có ép giá tới mức đáng kể hay ngăn cản giá hàng tăng, mà đáng lẽ đã phải xảy ra, lên một mức đáng kể. Không yếu tố nào trong các yếu tố này sẽ nhất thiết có vai trò quyết định đối với việc xem xét nói trên.

Bài nghiên cứu này sẽ phân tích các vấn đề liên quan đến Điều 15.1, 15.2 trên cơ sở các phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO tại các vụ việc liên quan.

1. Tổng quát

1.1 So sánh với Hiệp định chống bán phá giá (ADA)

Lời văn Điều 15 Hiệp định SCM phần lớn tương đồng với lời văn Điều 3 Hiệp định chống bán phá giá.

1.2. Các quy định của Điều khoản 15 cho thấy tiến trình điều tra hợp lý (logical progression) đối với vấn đề thiệt hại

Các quy định của Điều 15 cho thấy tiến trình điều tra hợp lý đối với vấn đề thiệt hại dẫn đến việc quyết định cuối cùng của cơ quan điều tra về thiệt hại và mối quan hệ nhân quả [1]: "Các quy định của Điều 3 [Hiệp định ADA] và 15 [Hiệp định SCM] quy định chi tiết các nghĩa vụ của cơ quan điều tra trong việc xác định thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước do hàng nhập khẩu bị kiện. Các điều khoản này cung cấp cho cơ quan điều tra một khuôn khổ và nguyên tắc liên quan để tiến hành phân tích thiệt hại và mối quan hệ nhân quả. Việc điều tra này đòi hỏi phải xem xét lượng hàng nhập khẩu và tác động giá của chúng và yêu cầu kiểm tra tác động của hàng nhập khẩu này đối với ngành sản xuất trong nước theo một số yếu tố kinh tế. Những yếu tố khác nhau này được liên kết thông qua phân tích về mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu và thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, theo đó xem xét tất cả các yếu tố được nêu. Cụ thể, theo các Điều 3.5 và 15.5, phải chứng minh rằng hàng nhập khẩu bị bán phá giá hoặc được trợ cấp đang gây ra thiệt hại 'thông qua các tác động của' bán phá giá hoặc trợ cấp 'như được quy định trong đoạn 2 và 4'. Do đó, việc điều tra quy định tại Điều 3.2 và 15.2, và kiểm tra theo yêu cầu tại Điều 3.4 và 15.4, là cần thiết để trả lời câu hỏi cuối cùng trong Điều 3.5 và 15.5 là liệu hàng nhập khẩu bị kiện có gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước hay không. Do đó, kết quả của những việc điều tra này tạo cơ sở cho phân tích nhân quả tổng thể được đề cập trong Điều 3.5 và 15.5. Việc diễn giải các Điều 3.2 và 15.2 phải phù hợp với vai trò của các điều khoản này trong khuôn khổ tổng thể của việc xác định thiệt hại theo Điều 3 và 15."

2. Điều 15.1

2.1 Thông tin chung

Điều 15.1 là một điều khoản bao quát quy định các nghĩa vụ cơ bản của các Thành viên trong bối cảnh xác định thiệt hại và thông báo các nghĩa vụ chi tiết hơn trong các đoạn tiếp theo của Điều 15 liên quan đến việc cơ quan điều tra xác định thiệt hại.[2]

2.2 Việc diễn giải và áp dụng

Ban Hội thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Điều tra Thuế đối kháng đối với DRAMs đã ghi nhận cách giải thích của Cơ quan Phúc thẩm về điều khoản tương đương tại Hiệp định ADA trong các vụ việc trước đây và cho rằng, với sự nhất trí của các bên, Ban Hội thẩm sẽ sử dụng các tuyên bố này của Cơ quan Phúc thẩm để xác định trong trường hợp này liệu quyết định của ITC về thiệt hại có phù hợp với các Điều 15.2, 15.4 và 15.5.3 Hiệp định SCM hay không. Trong bối cảnh này, Ban Hội thẩm đã theo hướng dẫn của Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Thép cán nóng, trong đoạn 193 mô tả "bằng chứng khẳng định" (positive evidence) là bằng chứng "có tính chất khẳng định, khách quan và có thể xác minh được, và ... [là] đáng tin cậy" và mô tả "xem xét khách quan" (objective examiniation) là yêu cầu việc điều tra ngành sản xuất trong nước và ảnh hưởng của hàng nhập khẩu một cách khách quan, không thiên vị cho lợi ích của bất kỳ bên liên quan hoặc nhóm các bên liên quan nào trong cuộc điều tra: "Thuật ngữ 'xem xét khách quan' nhằm vào một khía cạnh khác trong việc xác định của cơ quan điều tra. Trong khi thuật ngữ 'bằng chứng khẳng định' tập trung vào các tình tiết làm cơ sở và chứng minh cho việc xác định thiệt hại, thì thuật ngữ 'xem xét khách quan' lại liên quan đến chính quá trình điều tra. Từ 'xem xét' (examination) liên quan đến cách thức mà bằng chứng được thu thập, thẩm vấn và sau đó, được đánh giá; nghĩa là, nó liên quan đến việc tiến hành điều tra nói chung. Từ 'khách quan', bổ nghĩa cho từ 'xem xét', chỉ ra rằng về cơ bản quá trình 'xem xét' phải tuân theo các quy tắc của các nguyên tắc cơ bản về thiện chí và sự công bằng cơ bản. Nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền về việc tiến hành 'xem xét khách quan' công nhận rằng việc xác định sẽ bị ảnh hưởng bởi tính khách quan, hoặc bất kỳ sự thiếu sót nào của quá trình điều tra."

Xem xét bản chất của Điều 15.1 Hiệp định SCM, Ban hội thẩm trong vụ EC- Các biện pháp đối kháng đối với chip DRAM lưu ý rằng đó là một điều khoản bao quát thông báo cho các nghĩa vụ khác có trong Điều 15 của Hiệp định SCM. Điều này ngụ ý rằng chỉ có thể kết luận rằng cơ quan có thẩm quyền đã hành động theo cách phù hợp với các nghĩa vụ cụ thể của Điều 15.2, 15.4 và 15.5 Hiệp định SCM nếu cơ quan điều tra xác định thiệt hại dựa trên bằng chứng khẳng định và tiến hành xem xét khách quan các yếu tố thiệt hại khác nhau theo yêu cầu của các điều khoản cụ thể hơn này."

2.3 Lựa chọn thời kỳ điều tra

Ban hội thẩm tại vụ Mexico - Dầu ôliu đã xem xét Điều 15.1 trong bối cảnh các khiếu nại liên quan đến định nghĩa của cơ quan điều tra về thời kỳ điều tra. Ban Hội thẩm đã đưa ra những tuyên bố sau đây về vấn đề này: "việc cơ quan điều tra lựa chọn thời kỳ điều tra là một yếu tố quan trọng trong quá trình điều tra thuế chống trợ cấp. Nó xác định dữ liệu sẽ tạo cơ sở cho việc đánh giá trợ cấp, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu được trợ cấp và thiệt hại với ngành sản xuất trong nước. Mặc dù Hiệp định SCM không đưa ra yêu cầu rõ ràng về việc lựa chọn thời kỳ điều tra nhằm mục đích tiến hành phân tích thiệt hại, nhưng điều này không có nghĩa là quyền quyết định của cơ quan điều tra về mặt này là vô hạn. Các yêu cầu trong Điều 15.1 để xác định thiệt hại dựa trên bằng chứng khẳng định và căn cứ vào việc xem xét khách quan đặt ra những ràng buộc nhất định đối với quyền quyết định của cơ quan điều tra trong việc lựa chọn thời kỳ điều tra cần thiết để đảm bảo tính toàn diện và độ tin cậy của dữ liệu được sử dụng làm cơ sở cho việc xác định thiệt hại."

2.4 "hàng nhập khẩu được trợ cấp"

Thuật ngữ "những mặt hàng nhập khẩu này" có trong Điều 15.1(b) đề cập đến "hàng nhập khẩu được trợ cấp" có trong Điều 15.1(a)[3]. Do đó, phân tích thiệt hại trong khuôn khổ Điều 15 sẽ liên quan đến thiệt hại do "hàng nhập khẩu được trợ cấp", thay vì bao gồm các tác động của hàng nhập khẩu nói chung. Cụ thể,: "Điều 15.1 Hiệp định SCM quy định rằng việc xác định thiệt hại sẽ dựa trên bằng chứng khẳng định và liên quan đến việc xem xét khách quan về cả khối lượng và tác động của hàng nhập khẩu được trợ cấp đối với giá tại thị trường trong nước đối với các sản phẩm tương tự và tác động mang tính hậu quả của những mặt hàng nhập khẩu này đối với các nhà sản xuất trong nước sản xuất các sản phẩm đó. Đặc biệt, lưu ý các tham chiếu đến 'hàng nhập khẩu được trợ cấp' trong phần đầu của điều khoản và 'các mặt hàng nhập khẩu này' trong phần sau của điều khoản. Các từ 'hàng nhập khẩu này" để chỉ "hàng nhập khẩu được trợ cấp" trong phần đầu của điều khoản. Bằng cách đề cập đến "hàng nhập khẩu được trợ cấp", thay vì "hàng nhập khẩu" nói chung, Điều 15.1 yêu cầu việc phân tích thiệt hại trong khuôn khổ của Điều 15, bao gồm cả Điều 15.3, giới hạn trong việc xem xét thiệt hại do 'hàng nhập khẩu được trợ cấp', thay vì bao gồm các tác động của hàng nhập khẩu nói chung."

3. Chú thích 46: "các đặc điểm gần như tương đồng"

Trong phân tích về "sản phẩm tương tự" theo chú thích 46, Ban hội thẩm vụ Indonesia – Ô tô nhấn mạnh các đặc điểm vật lý của các sản phẩm được so sánh và cho rằng trong phân tích của mình, Ban hội thẩm cũng sẽ được hướng dẫn bởi phân tích "sản phẩm tương tự" có trong Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hàn Quốc - Đồ uống có cồn": "Việc phân tích xem những chiếc xe nào có 'đặc điểm gần giống' với Timor một cách hợp lý phải bao gồm một yếu tố quan trọng là các đặc tính vật lý của những chiếc xe được đề cập vì nhiều tiêu chí khả thi khác đã được xác định bởi các bên có liên quan chặt chẽ đến các đặc điểm vật lý của xe ô tô được đề cập. Do đó, các yếu tố như lòng trung thành với thương hiệu, hình ảnh thương hiệu/danh tiếng, tình trạng và giá trị bán lại phản ánh, ít nhất một phần, sự đánh giá của người mua về các đặc tính vật lý của xe ô tô được mua. Mặc dù có thể các sản phẩm rất khác nhau về mặt vật lý có thể được sử dụng cho cùng một mục đích sử dụng, nhưng sự khác biệt về cách sử dụng thường phát sinh từ và hỗ trợ trong việc đánh giá tầm quan trọng của các đặc tính vật lý khác nhau của sản phẩm. Tương tự, mức độ các sản phẩm có thể thay thế cũng có thể được xác định một phần đáng kể bởi các đặc tính vật lý của chúng. Sự khác biệt về giá cũng có thể (nhưng không nhất thiết) phản ánh sự khác biệt vật lý của sản phẩm. Việc phân tích các nguyên tắc phân loại thuế quan có thể hữu ích vì nó cung cấp hướng dẫn về việc các chuyên gia Hải quan coi sự khác biệt vật lý nào giữa các sản phẩm là đáng kể. Tuy nhiên, Hiệp định SCM không cấm xem xét các tiêu chí khác ngoài đặc điểm vật lý, nếu có liên quan đến phân tích sản phẩm tương tự. Thuật ngữ 'đặc điểm gần giống' theo nghĩa thông thường của nó bao gồm nhưng không giới hạn ở các đặc điểm vật lý và ngữ cảnh hoặc đối tượng và mục đích của Hiệp định SCM không đưa ra một kết luận khác.

Mặc dù trong vụ tranh chấp này, Ban Hội thẩm phải giải thích thuật ngữ 'sản phẩm tương tự' phù hợp với định nghĩa cụ thể được quy định trong Hiệp định SCM, hướng dẫn hữu ích có thể được rút ra từ các phân tích trước về các vấn đề 'sản phẩm tương tự' theo các quy định khác của Hiệp định WTO. Do đó, lưu ý tuyên bố của Cơ quan Phúc thẩm trong vụ Đồ uống có cồn (1996) rằng, trong bối cảnh này cũng như trong bất kỳ bối cảnh nào khác, vấn đề 'sản phẩm tương tự' phải được xem xét trên cơ sở từng trường hợp, khi áp dụng các tiêu chí liên quan, Ban hội thẩm chỉ có thể sử dụng phán đoán tốt nhất về việc trên thực tế sản phẩm có tương tự không và điều này sẽ luôn liên quan đến một yếu tố không thể tránh khỏi là đánh giá cá nhân, mang tính tùy ý."

Hơn nữa trong phân tích "sản phẩm tương tự" theo chú thích 46, Ban hội thẩm vụ Indonesia – Ô tô đã bác bỏ lập luận rằng họ "phải coi tất cả các xe chở khách là 'tương tự' bởi vì bất kỳ nỗ lực nào để phân biệt giữa xe du lịch với vô số sự khác biệt về các đặc điểm chắc chắn sẽ dẫn đến sự chia tách dễ gây tranh cãi": "Có vô số sự khác biệt giữa các loại xe du lịch và việc xác định các dòng xe không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Tuy nhiên, điều này không biện minh cho việc gộp tất cả các sản phẩm đó lại với nhau khi có sự khác biệt lớn giữa các sản phẩm.... Phải cố gắng tìm ra một cách hợp lý nào đó để đánh giá tầm quan trọng tương đối của những khác biệt khác nhau trong tâm trí người tiêu dùng và nghĩ ra một số phương tiện hợp lý để phân loại xe du lịch."

Ban hội thẩm vụ Indonesia – Ô tô quyết định rằng "một cách hợp lý ... để tiếp cận vấn đề 'sản phẩm tương tự' là xem xét cách thức mà bản thân ngành công nghiệp ô tô đã phân tích phân khúc thị trường." Ban hội thẩm đã chọn cho một phân tích mà "đã xem xét các đặc điểm vật lý của những chiếc xe được đề cập khi thiết kế phân khúc của nó"; và cho rằng "một cách tiếp cận, mà phân khúc thị trường dựa trên sự kết hợp giữa quy mô và giá cả/vị trí thị trường, [là] một cách hợp lý và phù hợp với các tiêu chí liên quan đến phân tích 'sản phẩm tương tự' theo Hiệp định SCM."

Tại vụ Indonesia – Ô tô, Indonesia cho rằng mức giá thấp của chiếc xe Timor đã đặt nó vào một "ngách thị trường đặc biệt" và khiến nó không giống như những mẫu xe hơi khác đắt tiền hơn. Ban hội thẩm lưu ý rằng những nguyên đơn trong vụ kiện này đã cho rằng ô tô Timor của Indonesia được bán với giá thấp do trợ cấp và bác bỏ lập luận của Indonesia: "Không loại trừ rằng giá cả có thể là một yếu tố cần cân nhắc phù hợp khi thực hiện phân tích 'sản phẩm tương tự', đặc biệt khi sự khác biệt về giá thể hiện một cách để đánh giá tầm quan trọng tương đối của các đặc điểm vật lý khác nhau đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nguyên đơn cáo buộc rằng Timor đang được bán với giá thấp hơn do trợ cấp. Nếu kết luận rằng giá thấp của Timor tại thị trường Indonesia là để khiến Timor 'không giống như' các mẫu khác mà có các đặc điểm vật lý tương tự như Timor nhưng được định giá cao hơn, kết quả là, trong trường hợp trợ cấp và chênh lệch giá đủ cao, các cáo buộc về chênh lệch giá theo Điều 6 sẽ không bao giờ được áp dụng. Do đó, Ban Hội thẩm không cho rằng mức giá thấp hơn của Timor là cơ sở để kết luận rằng nó không giống với các mẫu mà nguyên đơn cáo buộc là 'giống' Timor."

Xem xét liệu "sự khác biệt giữa một sản phẩm lắp ráp và chưa lắp ráp có đủ quan trọng để sản phẩm chưa lắp ráp không 'gần giống' với sản phẩm đã lắp ráp hay không", Ban hội thẩm tại vụ Indonesia – Ô tô tuyên bố: "Chúng tôi không cho rằng một sản phẩm chưa được lắp ráp không phải là một sản phẩm tương tự như sản phẩm được lắp ráp đó. Nhắc lại quan điểm của Cơ quan Phúc thẩm rằng phân loại thuế quan có thể là một công cụ hữu ích trong việc phân tích sản phẩm, lưu ý rằng, theo Quy tắc chung của diễn giải thích về Hệ thống Hài hòa: Bất kỳ tham chiếu nào trong tiêu đề của một sản phẩm sẽ được coi là bao gồm tham chiếu đến sản phẩm đó dù hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thành, với điều kiện như đã trình bày, sản phẩm chưa hoàn chỉnh hoặc chưa được lắp ráp có đặc điểm cơ bản của sản phẩm hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thành. Cách tiếp cận có thể so sánh được về mối quan hệ giữa sản phẩm đã lắp ráp và chưa lắp ráp là có lý trong bối cảnh tranh chấp này."

4. Điều 15.2

4.1 Hàng nhập khẩu được trợ cấp gia tăng "đáng kể"

Ban Hội thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Điều tra Thuế Chống Trợ cấp về DRAM giải thích rằng có ba cách mà cơ quan điều tra có thể tuân thủ yêu cầu để xem xét liệu có sự gia tăng đáng kể trong nhập khẩu được trợ cấp hay không: "Có ba cách mà cơ quan điều tra có thể tuân theo yêu cầu của Điều 15.2 để 'xem xét liệu có sự gia tăng đáng kể đối với hàng nhập khẩu được trợ cấp hay không.' Thứ nhất, Cơ quan điều tra có thể xem xét liệu có sự gia tăng đáng kể về khối lượng hàng hóa nhập khẩu được trợ cấp về mặt tuyệt đối hay không. Thứ hai, Cơ quan điều tra có thể xem xét liệu có sự gia tăng đáng kể khối lượng hàng hóa nhập khẩu được trợ cấp tương đối so với sản xuất trong nước hay không. Thứ ba, cơ quan điều tra có thể xem xét liệu có sự gia tăng đáng kể khối lượng hàng nhập khẩu được trợ cấp tương đối so với tiêu dùng trong nước hay không. Điều 15.2 quy định rằng 'không một hoặc một số yếu tố nào nhất thiết có thể đưa ra hướng dẫn mang tính quyết định."

Liên quan đến khối lượng hàng nhập khẩu được trợ cấp tương đối so với tiêu dùng trong nước, Ban Hội thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Cuộc điều tra về thuế chống trợ cấp đối với DRAM, sau khi kết luận rằng Hàn Quốc đã không chứng minh được rằng "việc gia tăng thị phần hàng nhập khẩu bị kiện ở mức độ này không thể được coi là đáng kể," và giải thích rằng: “Điều 15.2 không yêu cầu cơ quan điều tra phải chứng minh rằng tất cả các hàng nhập khẩu bị kiện được nhập khẩu trong thời kỳ điều tra thiệt hại là được trợ cấp."

Ban Hội thẩm vụ EC - Các biện pháp đối kháng về chip DRAM tuyên bố rằng: "ngôn ngữ của Điều 15.2 quy định thẩm quyền đáng kể cho cơ quan điều tra. Điều 15.2 cho phép cơ quan điều tra xem xét sự gia tăng đáng kể, về mặt tuyệt đối hoặc tương đối đối với sản xuất hoặc tiêu dùng."

4.2 Cách xử lý với hàng nhập khẩu từ các công ty sáp nhập

Ban Hội thẩm vụ EC - Các biện pháp đối kháng đối với chip DRAM đã xem xét liệu theo Điều 15.2 Hiệp định SCM, hàng nhập khẩu từ các công ty đã hợp nhất có tuân theo bất kỳ quy tắc đặc biệt nào hay không. Ban Hội thẩm kết luận rằng "Điều 15.2 Hiệp định SCM không đưa ra quy tắc cụ thể nào liên quan đến việc đối xử với hàng nhập khẩu từ các công ty đã sáp nhập trong quá trình điều tra, do đó hình thành công ty được cho là đã được trợ cấp".

4.3 Tác động giá

Ban Hội thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Cuộc điều tra về thuế chống trợ cấp đối với DRAM giải thích rằng, theo Điều 15.2, "các cơ quan có thẩm quyền có thể lựa chọn xem xét tác động giá của hàng nhập khẩu được trợ cấp trên cơ sở bán dưới giá, ép giá hoặc kìm giá". Bởi vì, trong vụ việc này, ITC đã xem xét cả việc bán dưới giá và ép giá (depression), Ban Hội thẩm đã xem xét các vấn đề này một cách riêng biệt. Về vấn đề bán dưới giá, Ban Hội thẩm bác bỏ lập luận của Hàn Quốc, lưu ý rằng "ý nghĩa đơn giản" của Điều 15.2 yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền chỉ "xem xét tác động giá của hàng nhập khẩu được trợ cấp" và không xem xét ảnh hưởng về giá của hàng nhập khẩu không được trợ cấp. hoặc định giá trên cơ sở thương hiệu kết hợp: "Điều 15.2 Hiệp định SCM yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phân tích 'tác động của hàng nhập khẩu được trợ cấp đối với giá [trong nước]." Theo nghĩa đơn giản của lời văn này, cơ quan có thẩm quyền chỉ phải kiểm tra tác động về giá của hàng nhập khẩu được trợ cấp mà không bắt buộc phải kiểm tra tác động về giá của hàng nhập khẩu không được trợ cấp hoặc định giá trên cơ sở thương hiệu kết hợp. Những cuộc kiểm tra đó sẽ vượt ra ngoài tác động về giá của hàng nhập khẩu được trợ cấp, và do đó, Điều 15.2 không bắt buộc phải kiểm tra. Vì lý do đó, lập luận của Hàn Quốc liên quan đến tác động về giá đối với hàng nhập khẩu không được trợ cấp hoặc việc định giá trên cơ sở kết hợp thương hiệu, không đưa ra cơ sở nào để có thể kết luận rằng ITC không thể kết luận rằng 'hàng nhập khẩu bị điều tra bán dưới giá một cách đáng kể'."

Trên cơ sở này, Ban Hội thẩm vụ Hoa Kỳ- Điều tra thuế chống trợ cấp đối với DRAMs đã bác bỏ lập luận của Hàn Quốc rằng việc ép giá là do khối lượng hàng nhập khẩu không bị kiện lớn hơn, lưu ý sự thừa nhận của chính Hàn Quốc rằng: "Có thể có  nhiều nguyên nhân gây ra thiệt hại cho một ngành sản xuất trong nước. Vì vậy, thực tế là hàng nhập khẩu không bị kiện có thể có tác động tiêu cực về giá không loại trừ kết luận rằng hàng nhập khẩu bị kiện cũng có tác động tiêu cực đến giá cả. Ngay cả khi các lập luận của Hàn Quốc liên quan đến vai trò của nhập khẩu không bị kiện là đúng, do đó, các lập luận của Hàn Quốc không nhất thiết có nghĩa là dù sao ITC không thể kết luận một cách chính xác rằng "tác động của [] hàng nhập khẩu bị kiện [] ép giá ở một mức độ đáng kể."

Thảo luận về lập luận mà Hàn Quốc đưa ra liên quan đến bản chất phi logic của việc EC kết luận rằng hàng nhập khẩu của Hynix có tác động đến giá trong nước khi nó đang mất thị phần, Ban hội thẩm vụ EC - Các biện pháp đối kháng đối với chip DRAM lưu ý rằng: "Điều 15.2 Hiệp định SCM yêu cầu cơ quan điều tra xem xét liệu có bất kỳ sự chênh lệch giá đáng kể nào của hàng nhập khẩu được trợ cấp hay không. Điều 15.2 không yêu cầu cơ quan điều tra xác định nguyên nhân gây ra việc chênh lệch giá."

Ban Hội thẩm vụ EC - Các biện pháp đối kháng đối với chip DRAM cho rằng Điều 15.2 Hiệp định SCM không đưa ra bất kỳ phương pháp luận cụ thể nào để xem xét chênh lệch giá, miễn là phương pháp luận được chọn là hợp lý và khách quan. Ban Hội thẩm tuyên bố rằng "mọi phương pháp luận đều có điểm mạnh và điểm yếu, nhưng, trong trường hợp không có bất kỳ phương pháp luận nào được quy định trong Hiệp định SCM, miễn là phương pháp luận được sử dụng không phải là không hợp lý, thì Ban Hội thẩm không thể phản đối."

Thảo luận, trong bối cảnh của Điều 15.2, về yêu cầu kiểm tra các yếu tố có thể tác động đến giá trong nước, Ban Hội thẩm vụ EC - Các biện pháp đối kháng đối với chip DRAM đã kết luận rằng: "Điều 15.2 Hiệp định SCM không yêu cầu Cơ quan điều tra chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu được trợ cấp và giá trong nước mà có thể yêu cầu cơ quan điều tra xem xét tất cả các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá trong nước cùng một lúc".

Ban Hội thẩm tại vụ Trung Quốc – Ô tô lưu ý rằng "cả Điều 3.2 [Hiệp định chống bán phá giá] và Điều 15.2 [Hiệp định SCM] đều không áp đặt phương pháp luận cụ thể cho Cơ quan điều tra trong việc phân tích tác động của hàng nhập khẩu đối với giá của ngành sản xuất trong nước. Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm trước đây đã công nhận mức độ tùy ý mà một cơ quan điều tra có trong việc lựa chọn phương pháp luận để phân tích như vậy. Tuy nhiên, các báo cáo này nhấn mạnh rằng thẩm quyền này không phải là không giới hạn." Trên cơ sở đó, Ban hội thẩm giải thích rằng: "Các Điều 3.2 và 15.2 được thông báo bởi nghĩa vụ bao trùm của Điều 3.1 và 15.1 rằng cơ quan điều tra thực hiện 'kiểm tra khách quan' dựa trên 'bằng chứng xác thực'. Hơn nữa, Cơ quan Phúc thẩm tuyên bố, tại vụ Trung Quốc - GOES, ngoài việc 'xem xét' sự tồn tại của một loại tác động giá đối với giá trong nước, phân tích tác động giá của cơ quan điều tra yêu cầu cơ quan điều tra xác định xem liệu hàng nhập khẩu bị kiện có 'mang tính giải thích' (explanatory force) (gây ra) cho (các) tác động giá đó hay không. Điều này kêu gọi cơ quan điều tra xem xét mối quan hệ giữa hàng nhập khẩu bị kiện và giá trong nước, điều này không thể được thực hiện đúng nếu cơ quan điều tra giới hạn phân tích của mình vào những gì đang xảy ra với giá trong nước, mà không xem xét hàng nhập khẩu bị kiện và giá của chúng. Cơ quan Phúc thẩm cho rằng các yếu tố liên quan đến việc xem xét chênh lệch giá có thể khác với những yếu tố liên quan đến việc xem xét ép giá hoặc kìm giá, ở mức độ mà hàng nhập khẩu bị kiện vẫn có thể có tác động ép giá, ngay cả khi giá của chúng không thấp hơn đáng kể giá trong nước. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, cơ quan điều tra không được bỏ qua bằng chứng đặt ra nghi vấn tính giải thích của hàng nhập khẩu bị kiện về các tác động giá bị cáo buộc đối với giá của ngành sản xuất trong nước."

Ban hội thẩm tại vụ Trung Quốc - Sản phẩm gà thịt đã diễn giải phán quyết nói trên của Cơ quan phúc thẩm tại vụ EC - Bed Linen (Điều 21.5) có nghĩa là "yêu cầu đảm bảo sự so sánh được về giá không phụ thuộc vào việc bị đơn đã đưa ra vấn đề trước cơ quan điều tra." Ban hội thẩm nhận thấy rằng những kết luận trên dẫn đến kết luận rằng "cần phải kiểm tra sự so sánh được về giá bất cứ lúc nào mà việc so sánh giá được thực hiện trong bối cảnh phân tích chênh lệch giá, nhưng cũng nhận thấy rằng sự cần thiết phải điều chỉnh nhất thiết phụ thuộc vào tình tiết thực tế của vụ việc và bằng chứng trước cơ quan có thẩm quyền."

Ban hội thẩm vụ Trung Quốc – Ô tô kết luận rằng cơ quan điều tra phải đảm bảo rằng những kết luận của họ về sự khác biệt về giá là do một loại tác động giá: "Trong việc so sánh giá giữa các nhóm hàng nhập khẩu bị kiện và các hàng hóa tương tự trong nước, cơ quan điều tra phải đảm bảo tính so sánh được về giá giữa các hàng hóa có giá được so sánh. Việc không đảm bảo sự so sánh được về giá là không phù hợp với quy định tại Điều 3.1 và 15.1 rằng quyết định về thiệt hại phải dựa trên bằng chứng xác thực và liên quan đến việc xem xét khách quan tác động của hàng nhập khẩu bị kiện đối với giá của các sản phẩm tương tự trong nước. Do đó, cơ quan điều tra phải đảm bảo rằng bất kỳ sự khác biệt nào về giá do so sánh hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá trong nước trong các ‘giỏ’ sản phẩm hoặc giao dịch bán hàng là kết quả của một loại tác động giá, và không chỉ là do sự khác biệt về thành phần của hai giỏ hàng đang được so sánh, không có sự điều chỉnh của cơ quan điều tra để kiểm soát và điều chỉnh những khác biệt liên quan về đặc tính sản phẩm." Ban hội thẩm đã làm rõ rằng "nghĩa vụ của cơ quan điều tra trong việc đảm bảo sự so sánh được về giá giữa hàng nhập khẩu bị kiện và sản phẩm tương tự trong nước không bị ảnh hưởng bởi loại tác động giá đang được xem xét hoặc kết luận là ảnh hưởng đến giá ngành sản xuấttrong nước." "Việc cần phải xem xét giá có thể so sánh để thực hiện việc kiểm tra khách quan bằng chứng xác thực không chỉ giới hạn trong các trường hợp thực hiện so sánh giá thực tế, mà áp dụng cho việc xem xét ảnh hưởng của giá nói chung."

Ban hội thẩm tại vụ Trung Quốc - Sản phẩm gà thịt lưu ý rằng "một số yếu tố xác định giá bán trong một giao dịch nhất định và do đó, phải đảm bảo khả năng so sánh được về giá liên quan đến các tính năng khác nhau của các sản phẩm và giao dịch được so sánh. Cụ thể, giá bán của một sản phẩm phản ánh các giao dịch thương mại và hoàn cảnh mà sản phẩm được mua bán. Nó được tạo thành từ các thành phần giá khác nhau phản ánh các điều kiện hoặc hoàn cảnh cụ thể của việc bán hàng, bắt đầu bằng chi phí sản xuất và bán sản phẩm, và được thêm vào một khoản lợi nhuận. Tùy thuộc vào thực tế cụ thể của thị trường liên quan, các yếu tố định giá bổ sung - thường là số tiền cho chi phí bổ sung và lợi nhuận cho mỗi người tham gia kế tiếp trong chuỗi phân phối - được thêm vào khi sản phẩm được giao dịch sâu hơn trong chuỗi phân phối, từ nhà sản xuất đến nhà bán buôn, từ bán buôn đến nhà bán lẻ và từ nhà bán lẻ đến người dùng cuối."

Ban Hội thẩm tại vụ Trung Quốc - Sản phẩm gà thịt cho rằng, trong khuôn khổ vấn đề chênh lệch giá, "khái niệm mức độ thương mại liên quan đến việc so sánh giá mặc dù nó không được đề cập cụ thể trong các khoản khác nhau của Điều 3, ngược lại với Điều 2.4 Hiệp định Chống bán phá giá." Ban Hội thẩm tuyên bố rằng: "Cấp độ thương mại mà tại đó một giao dịch diễn ra - cho dù việc mua bán diễn ra giữa người sản xuất và người bán buôn hay giữa người bán buôn và người bán lẻ - là một đặc điểm quan trọng của giao dịch vì nó xác định các thành phần định giá nào được bao gồm trong giá bán. Để việc so sánh giá cung cấp thông tin về mức chênh lệch giá của hàng nhập khẩu, nó phải so sánh các giao dịch bao gồm các thành phần định giá giống nhau (trong chừng mực các thành phần định giá có tác động đến giá). Điều này có nghĩa là nó phải so sánh các giao dịch ở cùng một cấp độ giao dịch. Ngoài ra, nếu các giao dịch ở các cấp độ thương mại khác nhau, cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng các điều chỉnh thích hợp để làm cho chúng có thể so sánh được về các thành phần định giá bao gồm."

Ban Hội thẩm tại vụ việc này cũng cho rằng, trong khuôn khổ chênh lệch giá, cơ quan điều tra phải đảm bảo rằng các "sản phẩm tương tự" được so sánh là đủ giống nhau: "Một yếu tố quyết định cơ bản khác của giá là các đặc tính vật lý của sản phẩm. Điều 3.1 / 15.1 và 3.2/15.2 yêu cầu phân tích tác động của giá đối với thị trường trong nước của 'sản phẩm tương tự'. Tuy nhiên, đảm bảo rằng các sản phẩm được so sánh là 'sản phẩm tương tự' sẽ không phải lúc nào cũng đủ để đảm bảo khả năng so sánh về giá. Trong trường hợp các sản phẩm bị điều tra không đồng nhất và các mẫu khác nhau có mức giá khác nhau đáng kể, cơ quan điều tra phải đảm bảo rằng sản phẩm được so sánh trên cả hai mặt của sự so sánh đủ giống nhau để sự chênh lệch giá dẫn đến là thông tin về 'sự chênh lệch giá', nếu có, của các sản phẩm nhập khẩu. Vì lý do này, đối với việc phân tích chênh lệch giá để tuân thủ các Điều 3.1/15.1 và 3.2/15.2 có thể yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện việc so sánh giá ở cấp độ các mẫu sản phẩm. Trong tình huống thực hiện so sánh giá trên cơ sở 'rổ' sản phẩm hoặc giao dịch bán hàng, cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo rằng các nhóm sản phẩm hoặc giao dịch được so sánh ở cả hai phía của phương trình là đủ tương tự để bất kỳ sự khác biệt nào về giá cả là kết quả của việc 'chênh lệch giá' chứ không chỉ là do sự khác biệt trong thành phần của hai rổ được so sánh. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện các điều chỉnh để kiểm soát và điều chỉnh các khác biệt liên quan về đặc tính vật lý hoặc các đặc tính khác của sản phẩm."

4.4 Kiểm tra tác động của cả giá và khối lượng hàng nhập khẩu đối với giá trong nước

Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Trung Quốc - GOES kết luận rằng trong tình huống mà cơ quan điều tra dựa vào cả giá và khối lượng hàng nhập khẩu bị điều tra, ban hội thẩm vẫn phải cho phép khả năng rằng bản thân giá hoặc khối lượng đủ để duy trì kết luận về kìm giá hoặc ép giá: "Các bên tham gia không có sự bất đồng về việc MOFCOM kết luận việc kìm giá và ép giá đáng kể dựa trên việc xem xét tác động của cả giá và khối lượng hàng nhập khẩu bị kiện đối với giá trong nước. Cách tiếp cận này phù hợp với các yêu cầu của Điều 3.2 và 15.2, theo đó tác động của hàng nhập khẩu bị kiện với giá trong nước có thể được kiểm tra thông qua véc tơ giá, lượng hàng nhập khẩu bị kiện, hoặc cả hai. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan điều tra dựa vào cả giá và khối lượng hàng nhập khẩu bị kiện, ban hội thẩm vẫn phải cho phép khả năng giá hoặc khối lượng là đủ để đưa ra một kết luận. Do đó, Cơ quan Phúc thẩm không cho rằng trọng tâm cuộc điều tra của Ban hội thẩm nên đặt vào việc liệu tác động của khối lượng hoặc giá nhập khẩu có phải là cơ sở chính đối với kết luận về tác động giá của MOFCOM."

Cơ quan Phúc thẩm tại Trung Quốc - GOES lưu ý rằng MOFCOM đã đề cập đến cả tác động của khối lượng và giá nhưng không đưa ra lời giải thích hoặc lý do nào về việc liệu giá cả và khối lượng hàng nhập khẩu có tương tác hay không hoặc tương tác như thế nào để tạo ra tác động đến giá trong nước. Trong trường hợp này, Cơ quan Phúc thẩm lưu ý rằng bản thân ban hội thẩm đã không thể phân loại được sự đóng góp tương đối của những tác động này trong Quyết định cuối cùng của MOFCOM mà không thay thế phán quyết của mình với quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Theo Cơ quan Phúc thẩm: "Về mặt này, kết luận của Ban Hội thẩm rằng 'quyết định của MOFCOM không cho thấy dấu hiệu gợi ý rằng bản thân MOFCOM kết luận rằng chỉ riêng tác động về khối lượng của việc nhập khẩu đối tượng đã đủ để kết luận rằng kìm giá là ảnh hưởng của hàng nhập khẩu bị điều tra.' Không cần giải thích hoặc lập luận thêm trong Quyết định cuối cùng của MOFCOM về cách thức mà tác động của giá và khối lượng hàng nhập khẩu bị kiện hoạt động độc lập hoặc cùng nhau để kìm giá trong nước, Ban Hội thẩm đã kết luận rằng bản thân nó không thể tách cho sự đóng góp tương đối của những tác động này vào Quyết định cuối cùng của MOFCOM mà không thay thế phán quyết của mình cho cơ quan có thẩm quyền. Do đó, Ban hội thẩm đã hạn chế tiến hành một phân tích mà MOFCOM đã không tiến hành. Làm như vậy sẽ khiến Ban hội thẩm gặp rủi ro tham gia vào một cuộc rà soát từ đầu, điều này sẽ không phù hợp với thẩm quyền của ban hội thẩm khi đánh giá các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Do đó, Cơ quan Phúc thẩm đồng ý với Ban Hội thẩm rằng 'không thể kết luận rằng kết luận của MOFCOM rằng việc kìm giá là một tác động của hàng nhập khẩu bị kiện có thể được duy trì hoàn toàn trên cơ sở các kết luận của MOFCOM về ảnh hưởng của việc gia tăng khối lượng hàng nhập khẩu'."

4.5 Thời kỳ thu thập dữ liệu

Ban Hội thẩm vụ EC - Các biện pháp đối kháng đối với chip DRAM lưu ý rằng Điều 15.2 không nêu bất kỳ nghĩa vụ rõ ràng nào về thời kỳ thu thập dữ liệu và kết luận: " Mặc dù có thể lập luận rằng dữ liệu mà phân tích thiệt hại dựa trên phải đủ mới để dữ liệu này có liên quan và mang tính xác suất, chẳng hạn như để tạo thành bằng chứng xác thực về thiệt hại do hàng nhập khẩu được trợ cấp, Ban Hội thẩm không cho rằng việc EC từ chối mở rộng thời kỳ điều tra thiệt hại ngoài thời hạn được sử dụng để điều tra trợ cấp trong vụ việc này là không hợp lý hoặc không khách quan.. "


[1] Cơ quan Phúc thẩm, vụ Trung Quốc – GOES.

[2] Cơ quan Phúc thẩm, vụ Hoa Kỳ - Thép các bon (Ấn Độ).

[3] Cơ quan Phúc thẩm, vụ Hoa Kỳ- Thép các bon (Ấn Độ).

Tin tức khác