Kinh nghiệm của Brazil Thổ Nhĩ Kỳ, Úc về điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp

  1. Brazil

Brazil khởi xướng 413 vụ CBPG, 12 vụ CTC (trong đó có 251 biện pháp CBPG,8 biện pháp CTC được áp dụng). Cho đến nay, Brazil đã tiến hành 9 vụ việc chống lẩn tránh thuế CBPG, chưa có vụ việc chống lẩn tránh thuế CTC, cụ thể như sau:

Năm 2011, Brazil bắt đầu khởi xướng vụ việc chống lẩn tránh thuế đầu tiên với chăn làm từ sợi tổng hợp nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đó, Brazil cáo buộc chăn làm từ sợi tổng hợp nhập khẩu vào Brazil từ Paraguay và Uruguay được làm từ sợi có xuất xứ từ Trung Quốc, do đó lẩn tránh thuế CBPG mà Brazil đang áp với chăn Trung Quốc.

02 vụ việc tiếp theo điều tra cáo buộc lẩn tránh thuế CBPG với giày nhập khẩu từ Trung Quốc. Vụ việc thứ nhất đối với nhập khẩu thành phần mũi giày và các thành phần khác từ Trung Quốc làm nguyên liệu cho ngành sản xuất giày nội địa của Brazil. Vụ việc thứ hai liên quan đến nhập khẩu giày từ Việt Nam và Indonesia nhưng có nguyên liệu làm mũi giày và các thành phần khác có xuất xứ Trung Quốc.

Năm 2014, sau khi ban hành Nghị định 8058/2013, Brazil khởi xướng 02 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với tấm kim loại nặng (heavy plates) nhập khẩu từ Trung Quốc và tấm kim loại nặng có thêm thành phần boron nhập khẩu từ Trung Quốc và Ukraine.

Năm 2015, Brazil khởi xướng 03 vụ việc chống lẩn tránh tiếp theo. Vụ việc thứ nhất vẫn với tấm kim loại nặng nhập khẩu từ Trung Quốc với cáo buộc tấm kim loại nặng nhập khẩu từ Trung Quốc đã được thêm vào một lượng nhỏ chrome làm biến đổi mã HS sản phẩm, tuy nhiên biến đổi này không được coi là biến đổi đáng kể, dẫn tới việc Brazil điều tra chống lẩn tránh thuế với Trung Quốc. Vụ việc thứ hai với máy điện cực nhập khẩu từ Ả rập Xê út và Anh do cáo buộc sử dụng các thành phần nhập khẩu từ Trung Quốc. Vụ việc này, sau đó đã bị chấm dứt đầu năm 2016 do nguyên đơn rút đơn kiện. Vụ việc thứ ba vẫn với tấm kim loại nặng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng dưới dạng cuộn có chứa hoặc không chứa một lượng phần trăm boron nhất định.

Năm 2016, Brazil tiếp tục khởi xướng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với tấm kim loại nặng nhập khẩu từ Trung Quốc có chứa lượng phần trăm nhất định titanium.

Đối với Việt Nam, Brazil đã điều tra 2 vụ việc: với giày da (2011) (đã hết hạn áp thuế) và sợi nylon (2016) (áp thuế) liên quan đến lệnh áp thuế với Trung Quốc.

2. Thổ Nhĩ Kỳ

2.1. Giới thiệu chung

Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng 221 vụ CBPG, 2 vụ CTC (trong đó có 189 biện pháp CBPG, 1 biện pháp CTC áp dụng). Mặc dù các quy định về chống lẩn tránh thuế của Thổ Nhĩ Kỳ mới được ban hành hơn 10 năm trở lại đây nhưng số lượng các vụ việc lẩn tránh thuế mà nước này đã điều tra tương đối nhiều, tổng cộng cho đến nay là 21 vụ việc[1] khiến Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước đứng đầu về điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh. Chỉ trong 5 năm đầu tiên (2006 – 2010), Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng với 07 vụ việc (với sợi tổng hợp, dây cáp, bật lửa ga, điều hoà, bản lề). Trong giai đoạn 2011 – 2018, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục điều tra, áp dụng với 14 vụ việc (ốc vít, khớp nối cho ống, xích xe, xơ sợi nhân tạo, đá granite, ống thép inox, gỗ dán, sợi polyester, bản lề). Các Thành viên bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế nhiều nhất là Việt Nam, Đài Loan và Malaysia. Các hành vi bị điều tra nhiều nhất là “thay đổi xuất xứ” hàng hóa từ biện pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng ban đầu. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ điều tra 01 vụ việc liên quan đến hành vi“xuất khẩu thông qua công ty có mức thuế thấp hơn” và 02 biện pháp đối với hành vi“thay đổi sản phẩm không đáng kể”.

2.2. Thực tiễn điều tra tại Thổ Nhĩ Kỳ

2.2.1. Chuyển tải

Hầu hết các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hành vi chuyển tải, gian lận khai báo hải quan về nguồn gốc hoặc gian lận khai báo nhà xuất khẩu/sản xuất. Tất cả các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế về chuyển tải đều được khởi xướng sau khi áp dụng biện pháp PVTM với Trung Quốc hoặc nhóm nước trong đó có Trung Quốc. Trong những vụ việc như vậy, trước khi khởi xướng điều tra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xác định xu hướng thương mại giữa nước bị điều tra và nước biện pháp PVTM ban đầu bị áp dụng và thu thập thông tin thông qua các kênh khác nhau (bao gồm các thông tin về nhà sản xuất sản phẩm bị điều tra trong đó tập trung vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, công suất sản xuất, năng lực sản xuất).

2.2.2. Xuất khẩu qua nhà xuất khẩu có mức thuế thấp hơn

Trong vụ việc điều tra lẩn tránh thuế sợi filament nhập khẩu từ Hàn Quốc năm 2002, Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định có 3 nhà xuất khẩu của Hàn Quốc với mức thuế CBPG thấp đã thực hiện hành vi bán hàng hóa xuất khẩu của các nhà sản xuất khác tại Hàn Quốc (bị mức thuế cao hơn) sang Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành câu hỏi bổ sung đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu khác của Hàn Quốc. Sau khi nhận được bản trả lời và thẩm tra thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ kết luận rằng cả ba nhà xuất khẩu này thực hiện hành vi xuất khẩu thông qua việc gây nhầm lẫn về “chứng nhận sản xuất”. 

2.2.3. Sự thay đổi sản phẩm không đáng kể

Sau khi áp dụng biện pháp CBPG với sản phẩm dây và cáp nhập khẩu từ Trung Quốc và Nga, sản phẩm sợi xoắn (nguyên liệu chính để sản xuất ra sản phẩm đang bị áp thuế) từ các nước này đã tăng lên đáng kể. Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế đối với hai nước này và mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm sợi xoắn với mức thuế tương đương với lý do sản phẩm này có thể dễ dàng chuyển đổi sang sản phẩm đang bị áp thuế CBPG, việc thay đổi sản phẩm là không đáng kể với mức chi phí thấp. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sản phẩm bị áp thuế thay thế việc nhập khẩu sản phẩm đang bị áp thuế được coi là hành vi lẩn tránh thuế .

2.3. Vụ việc với hàng xuất khẩu của Việt Nam

2.3.1. Một số thông tin chung

Tính đến tháng 12 năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tra 06 vụ việc lẩn tránh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 30% tổng số vụ việc nước này điều tra áp dụng các biện pháp PVTM với Việt Nam. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nước điều tra lẩn tránh thuế đứng thứ 3 với hàng hóa của Việt Nam.

Bảng 4. Các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế của Thổ Nhĩ Kỳ với Việt Nam

Năm khởi xướng

Sản phẩm

Tình trạng vụ việc

Nước/vùng lãnh thổ bị điều tra

2017

Sợi POY

QĐ CUỐI CÙNG (ÁP THUẾ)

Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam

2015

Gỗ dán

QĐ CUỐI CÙNG (ÁP THUẾ)

Việt Nam, Bulgaria

2014

Ống thép hàn không gỉ cuộn cán nguội

QĐ CUỐI CÙNG (ÁP THUẾ)

Việt Nam, Malaysia

2014

Đá Granite

QĐ CUỐI CÙNG (ÁP THUẾ)

Việt Nam

2009

Điều hòa nhiệt độ

QĐ CUỐI CÙNG (ÁP THUẾ)

Việt Nam, Philippines, Ai Cập, Pakistan, Indonesia

2007

Bật lửa ga

QĐ CUỐI CÙNG (ÁP THUẾ)

Việt Nam, Áo, Hà Lan

          Hầu hết các vụ việc lẩn tránh thuế Thổ Nhĩ Kỳ điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam liên quan đến hành vi thay đổi xuất xứ của sản phẩm. Các vụ việc đều khởi xướng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng biện pháp CBPG/CTC với hàng hóa của nước khác. Nguyên đơn cáo buộc rằng sau khi bị áp dụng biện pháp, doanh nghiệp của các nước này đã đầu tư/chuyển sản phẩm bị áp thuế sang Việt Nam để sản xuất/gia công/đóng gói rồi lại tiếp tục xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, trong năm 2017, lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ tiến chống lẩn tránh thuế (CBPG) thông qua việc thay đổi không đáng kể sản phẩm đang bị nước này áp dụng biện pháp (sản phẩm sợi dún). Đáng lưu ý, sản phẩm bị áp dụng biện pháp lẩn tránh thuế sau này là bán thành phẩm của sản phẩm bị áp thuế CBPG trước đó và trước đó Việt Nam chưa xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ điều tra lẩn tránh thuế với mục tiêu ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ xảy ra hiện tượng lẩn tránh sau này.

2.3.2. Một số vụ việc điển hình

a. Chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với sợi dún (POY)

Tháng 2 năm 2017, Tổng vụ Nhập khẩu Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra vụ việc với sợi dún POY (mã HS: 5402.46) do nghi ngờ lẩn tránh lệnh áp thuế CBPG với sợi polyester (PTY) (mã HS: 5402.33) với Việt Nam vào cuối năm 2016.

Theo số liệu hải quan, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu khoảng 26 triệu USD sản phẩm bị điều tra sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 8 năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành kết luận sơ bộ trong đó xác định (i) sợi dún POY là nguyên liệu bán thành phẩm để sản xuất ra sợi polyester (PTY); (ii) có sự gia tăng lượng nhập khẩu sản phẩm POY (năm 2010 chỉ đạt 41,2 tấn nhưng năm 2016 đã tăng lên 195 tấn), làm giảm tác dụng của các biện pháp CBPG được áp dụng đối với sợi PTY.

Tháng 6 năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ công bố kết quả cuối cùng, theo đó, kết luận có hiện tượng lẩn tránh thuế CBPG sợi polyester thông qua việc xuất khẩu sợi POY (lẩn tránh về sản phẩm) và mức thuế cuối cùng với Việt Nam là 8% (giá CIF) (giảm so với mức sơ bộ là 36,28%), các nước còn lại bị áp thuế từ 2,45-8%.

b. Chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với đá granite

Tháng 12 năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng điều tra với đá granite nhập khẩu từ Việt Nam, do nghi ngờ lẩn tránh thuế CBPG đang được áp dụng với sản phẩm từ Trung Quốc từ tháng 9 năm 2006.

Thổ Nhĩ Kỳ sơ bộ xác định rằng kể từ năm 2010, lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc có xu hướng giảm. Mức thuế nhập khẩu từ Việt Nam vào Thổ Nhĩ Kỳ là 0%. Một số nhà nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các nhà xuất khẩu tại Việt Nam ngoài nguồn hàng tự sản xuất còn có nguồn hàng mua lại của Trung Quốc.

Tháng 02 năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ ban hành kết luận cuối cùng, theo đó, cơ quan điều tra xác định có 05 (năm) nhà sản xuất/xuất khẩu đã hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra, trong đó: có 2 công ty tự sản xuất sản phẩm bị điều tra và không thực hiện giao dịch lẩn tránh thuế chống bán phá giá nào; 03 (ba) công ty có cơ sở sản xuất và sản xuất tại Việt Nam, tuy nhiên một số thông tin do các công ty này cung cấp lại không được chứng thực, do vậy, cơ quan điều tra đã sử dụng các dữ liệu sẵn có để xác định việc lẩn tránh thuế của 03 công ty này và các doanh nghiệp không hợp tác khác của Việt Nam.

        Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ xác định rằng lượng nhập khẩu hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam liên tục tăng từ giai đoạn đầu của cuộc điều tra rà soát cuối kỳ đối với Trung Quốc, còn lượng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm dần trong suốt giai đoạn điều tra. Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ kết luận rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam (ngoại trừ 2 Công ty nêu trên) lẩn tránh thuế CBPG áp với Trung Quốc. Do đó, mức thuế CBPG đang áp với Trung Quốc (174 USD/tấn) cũng được áp với Việt Nam, trừ 2 Công ty (các giao dịch của 2 công ty này phải xuất trình giấy chứng nhận sản xuất). Ngoài ra, những thay đổi về mức thuế CBPG áp dụng đối với Trung Quốc cũng sẽ được áp dụng đối với Việt Nam.

c. Chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với gỗ dán (Plywood)

Năm 2006, Thổ Nhĩ Kỳ ra quyết định áp thuế CBPG với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tháng 7 năm 2012, Thổ Nhĩ Kỳ đã gia hạn áp dụng lệnh áp thuế với Trung Quốc sau khi kỳ rà soát hoàng hôn.

Tháng 5 năm 2015, Tháng 5 năm 2015,thuế nêu trên, theo đó, CBPG với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Thổ Nhĩ Kỳ sơ bộ xác định rằng kể từ năm 2010, lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể, theo đó lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ năm 2010 trở về trước chỉ đạt 3.250m3, nhưng trong năm 2013 đã tăng lên 10.052m3 và năm 2014 là 24.065m3. Lượng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này vào Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng từ 2% trong năm 2010 lên 8% trong năm 2014.

Tại kết luận cuối cùng, cơ quan điều tra xác định có 2 doanh nghiệp Việt Nam không bị áp dụng biện pháp chống lẩn thuế do cung cấp thông tin đầy đủ, đúng thời gian và chứng minh được hàng xuất khẩu được sản xuất tại các công ty này.

Các doanh nghiệp không cung cấp thông tin bị áp dụng mức thuế là 240 USD/m3 (tương đương với mức thuế CBPG với Trung Quốc). Thời gian áp dụng mức thuế được tính ngay khi kết luận điều tra được đăng trên Công báo của Thổ Nhĩ Kỳ.

3.Úc

Úc điều tra 332 vụ CBPG, 28 vụ CTC (trong đó có 151 vụ CBPG, 15 vụ CTC áp biện pháp. Úc đã tiến hành 9 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC, trong đó Trung Quốc (4 vụ), Hàn Quốc (3 vụ) và Malaysia, Đài Loan, Thụy Điển, Nam Phi và Thái Lan (mỗi nước/vùng lãnh thổ 1 vụ, một số vụ điều tra nhiều nước cùng lúc). Các vụ việc chủ yếu liên quan đến thay đổi nhỏ sản phẩm (5 vụ), lẩn tránh tác động của biện pháp (3 vụ) và chuyển tải (1 vụ). Có 5 vụ liên quan đến điều tra chống lẩn tránh biện pháp CBPG và 4 vụ liên quan đến chống lẩn tránh biện pháp CBPG và CTC. Thời gian gần đây, Úc tăng cường điều tra chống lẩn tránh thuế hơn, đặc biệt trong năm 2015 với 5 vụ, trong năm 2018 với 2 vụ (đang trong giai đoạn điều tra: vụ với dây cáp (Nam Phi 2018) và kính nổi (Thái Lan 2018).

Một số phân tích về các vụ việc:

- Lẩn tránh tác động của biện pháp: Khi xác định hàng hoá có bán lỗ hay không, Cơ quan điều tra có thể tiến hành phân tích tỷ suất lợi nhuận của hàng hoá lẩn tránh theo 2 bước, bao gồm: (i) tính mức chi phí nhập khẩu, bán hàng bình quân gia quyền trên một đơn vị hàng hoá; (ii) so sánh giữa tổng doanh thu sản phẩm bị điều tra lẩn tránh do nhà nhập khẩu thu được trong giai đoạn điều tra và chi phí nhập khẩu và bán hàng bị lẩn tránh được hấp thu (absorbed) (bao gồm: chi phí hàng hoá; phí vận chuyển đường biển ở nước ngoài, bảo hiểm; chi phí liên quan đến nhập khẩu như thuế nhập khẩu, phí tại cảng, phí môi giới, phí vệ sinh, phí bốc xếp ...; các chi phí trực tiếp khác như phí vận chuyển nội địa, thuê kho bãi, đóng gói lại...; chi phí SG&A gián tiếp; thuế phải trả). Khi doanh thu không đủ bù đắp chi phí nêu trên, thì kết luận là có bán lỗ và có hành vi lẩn tránh.

CQĐT cũng có thể so sánh giá xuất khẩu của nhà xuất khẩu bị cáo buộc và giá bán tại Úc của nhà nhập khẩu bị cáo buộc trong thời kỳ điều tra của vụ việc ban đầu và vụ việc chống lẩn tránh để xem xét nhà xuất khẩu có giảm giá để nhà nhập khẩu lẩn tránh tác động của biện pháp hay không, và nhà nhập khẩu có giảm mức chênh lệch giữa giá FOB xuất khẩu và giá bán tại Úc (cả về con số tuyệt đối hoặc tương đối) hay không.

            Ngoài ra, theo quy định[2], khi có hành vi bán lỗ, có thể cho rằng nhà nhập khẩu sẽ được bồi hoàn hoặc bồi thường hoặc được hưởng lợi bằng cách khác (trực tiếp hoặc gián tiếp). Do đó, việc mua hàng này sẽ không được coi là giao dịch theo điều kiện thương mại thông thường (arms length transactions) và có thể tính toán mức giá xuất khẩu mới dựa trên mức giá bán bình quân gia quyền của nhà nhập khẩu trừ đi các khoản giảm trừ tương ứng (bao gồm: chi phí của nhà nhập khẩu, chi phí SG&A, lợi nhuận hợp lý, thuế phải trả). Trị giá thông thường của vụ việc ban đầu sẽ được sử dụng. Biên độ phá giá mới sẽ được tính dựa trên mức giá xuất khẩu mới. Khi đó, CQĐT sẽ thay đổi mức thuế của vụ việc ban đầu. Do có khả năng xảy ra hành vi lẩn tránh trong tương lai hoặc tiếp tục lẩn tránh của nhà nhập khẩu hiện tại hoặc nhà nhập khẩu trong tương lai đối với nhà xuất khẩu bị cáo buộc, để đảm bảo hiệu quả của biện pháp, CQĐT sẽ thay đổi mức thuế hồi tố (với những nhà nhập khẩu đã xác định) và với tất cả các nhà nhập khẩu khác (trong tương lai).

+ Với nhôm đùn (Trung Quốc 2014): Vụ việc ban đầu bao gồm cả CBPG và CTC nhưng chỉ điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG. Trong vụ việc này, vẫn phải thay đổi biên độ trợ cấp (xác định biên độ mới) để thống nhất với tỷ lệ biên độ trợ cấp/giá xuất khẩu của vụ việc ban đầu (mặc dù lượng trợ cấp không thay đổi).

+ Với thép tấm luyện (Thuỵ Điển 2014): huỷ bỏ quyết định khởi xướng điều tra.

+ Với thanh thép chịu lực (Hàn Quốc 2014): không áp dụng biện pháp chống lẩn tránh do xác định không tồn tại hành vi lẩn tránh. Theo đó, tuy giá xuất khẩu sản phẩm bị cáo buộc lẩn tránh của nhà xuất khẩu bị đơn là thấp hơn kể từ sau khi áp biện pháp CBPG và giá bán của nhà nhập khẩu Úc trong thời kỳ điều tra đã bị ảnh hưởng bởi giá xuất khẩu thấp hơn này và thấp hơn giá trong thời kỳ điều tra ban đầu nhưng điều này có thể giải thích bởi các yếu tố bên ngoài. CQĐT đã xem xét các yếu tố như: (i) biến động tỷ giá: giá xuất khẩu của nhà xuất khẩu giảm do giảm chi phí sản xuất và sự biến động tỷ giá giữa đồng won Hàn Quốc và đô la Mỹ (đồng tiền thanh toán cho việc nhập khẩu sản phẩm). Hơn nữa, đồng đô la Úc (đồng tiền thanh toán cho hàng hoá bán tại Úc) bị mất giá so với đô la Mỹ đã phần nào bù đắp cho việc giá xuất khẩu giảm (khiến giá bán tại Úc cao hơn), (ii) Xu hướng giá xuất khẩu bởi các nhà xuất khẩu từ các nước khác cho thấy xu hướng tương tự với giá của nhà xuất khẩu bị điều tra, (iii) xu hướng giá toàn cầu (của các nhóm thị trường chính) xu hướng chung giống nhau ở các thị trường chính (đều giảm so với thời kỳ điều tra ban đầu). So sánh giá toàn cầu với giá xuất khẩu sang Úc trong cùng thời kỳ cho thấy rằng xu hướng và đặc điểm của 2 nhóm số liệu là tương tự, điều này khiến cho giá bán của nhà nhập khẩu cũng tuân theo xu hướng này, (iv) giá kim loại phế liệu (nguyên liệu đầu vào chính sử dụng trong việc sản xuất hàng hoá bị điều tra) giảm, do đó nhà xuất khẩu cũng giảm giá tương ứng và nhà nhập khẩu vẫn có lợi nhuận khi bán với giá này và đã không giảm biên độ lợi nhuận so với thời kỳ điều tra ban đầu, (v) bản chất của mối quan hệ giữa nhà nhập khẩu và xuất khẩu: giao dịch theo điều kiện thương mại thông thường do không liên quan đến nhau và không có hành vi bồi hoàn hoặc bồi thường...Ngoài ra, bằng cách so sánh chi phí và doanh thu trong thời kỳ điều tra ban đầu và thời kỳ điều tra vụ việc, cơ quan điều tra thấy rằng tỷ suất lợi nhuận của hàng xuất khẩu sang Úc của nhà xuất khẩu không bị giảm. CQĐT cũng xác định nhà nhập khẩu đã tăng giá tương ứng với mức thuế CBPG phải nộp.

- Thay đổi nhỏ sản phẩm:

Việc xác định hàng hoá có phải được xuất khẩu từ nước bị điều tra không[3] có thể thông qua phân tích số liệu nhập khẩu của hải quan, bằng chứng có được từ các nhà nhập khẩu hợp tác, kiểm tra thực tế lô hàng từ nước bị điều tra tại hải quan, bản đệ trình của nhà xuất khẩu…

Để xác định hàng hoá có được thay đổi nhỏ trước khi xuất khẩu hay không[4], phải so sánh hàng hoá lẩn tránh và hàng hoá bị áp thuế thông qua xem xét các (13) yếu tố liệt kê tại tiểu mục 48(3) của Quy định, trong đó một số yếu tố có thể xác định như sau: (i) đặc điểm vật lý của hàng hoá: thông qua xem xét mô tả hàng hoá theo số liệu nhập khẩu của hải quan, tài liệu quy trình sản xuất, hoá đơn thương mại và vận chuyển, thẩm tra tại chỗ, làm việc với hải quan…, (ii) xu hướng thương mại của từng loại hàng hoá: so sánh trị giá của hàng hoá bị điều tra nhập khẩu từ nước bị điều tra với trị giá của hàng hoá bị áp thuế và hàng hoá từ những nước khác không bị áp thuế….

Việc xác định hành vi lẩn tránh có thể chỉ áp với từng nhà xuất khẩu cụ thể mà không nhất thiết phải áp với các nhà xuất khẩu khác nếu có bằng chứng cho thấy họ không lẩn tránh.

Phạm vi hàng hoá trong vụ việc ban đầu sẽ được sửa đổi để bao gồm cả hàng hoá lẩn tránh từ nhà xuất khẩu cụ thể (bị kết luận là có hành vi lẩn tránh).

+ Với thép mạ kẽm (Trung Quốc 2015): sản phẩm bị áp thuế CBPG, CTC là thép mạ kẽm không hợp kim, sản phẩm bị cáo buộc lẩn tránh là thép mạ kẽm hợp kim (thay đổi nhỏ bằng cách bổ sung thêm lượng nhỏ hợp kim Boron).

+ Với ống thép hàn bao gồm thành phần kết cấu rỗng (Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia 2015): sản phẩm bị áp thuế CBPG, CTC là ống thép không hợp kim (mã HS 7306.30.00, 7306.61.00, 7306.69.00), sản phẩm bị cáo buộc lẩn tránh là ống thép hợp kim (mã HS 7306.50.00 và 7306.61.00).

+ Với dây cáp (Nam Phi 2018): đã ban hành báo cáo các dự kiện trọng yếu (statements of essential facts- SEF). Sản phẩm bị áp thuế CBPG: dây cáp 8 lõi, sản phẩm lẩn tránh: dây cáp 9 lõi (cùng thuộc mã HS 7312.10.00). Uỷ viên ADC đang đề xuất thay đổi mô tả sản phẩm áp thuế để mở rộng áp dụng với sản phẩm lẩn tránh (không nhiều hơn 9 lõi), việc thay đổi áp từ ngày khởi xướng điều tra chống lẩn tránh.

+ Với kính nổi (Thái Lan 2018): đã ban hành báo cáo các vấn đề trọng yếu (statements of essential facts- SEF). Sản phẩm bị áp thuế CBPG dưới mã HS 7005.29.00, sản phẩm bị điều tra chống lẩn tránh thuộc mã HS 7006.00.00 có mô tả giống với sản phẩm bị áp thuế ngoại trừ việc được mài cạnh. Hiện Uỷ viên ADC đang đề xuất thay đổi mô tả sản phẩm áp thuế để mở rộng biện pháp với sản phẩm lẩn tránh và thay đổi hình thức áp dụng biện pháp (thuế hỗn hợp) và các yếu tố (về giá xuất khẩu, trị giá thông thường) đối với tất cả các nhà xuất khẩu Thái Lan (áp mức đang áp với nhà xuất khẩu không hợp tác) và đề xuất thời gian áp dụng là từ thời điểm khởi xướng điều tra vụ việc chống lẩn tránh.

- Xuất khẩu qua 1 hoặc nhiều nước thứ 3:

+ Với nhôm đùn (Trung Quốc 2017): Rất nhiều nước xuất khẩu sản phẩm này sang Úc đã bị áp biện pháp CBPG (Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam). CQĐT phải xem xét số liệu nhập khẩu từ các nước liên quan, kiểm tra chứng nhận xuất xứ của hàng hoá (hỏi lại cơ quan cấp), vận đơn, hoá đơn thương mại, phối hợp với hải quan... để xem xét hàng hoá thực sự được bốc xếp từ đâu (Trung Quốc), được thanh toán cho ai. Đặc trưng của loại  vụ việc này là có nhiều nhà cung cấp dịch vụ giao nhận, vận chuyển (logistics) và nhà vận chuyển liên quan vì họ được thuê làm thủ tục xuất khẩu nên CQĐT cũng xem xét, thu thập thông tin từ các nhà vận chuyển (thông qua các hình thức khác nhau, bao gồm cả gọi điện thoại, email...) để xác định xem họ có phải là nhà sản xuất sản phẩm hay không (không có bằng chứng). CQĐT kết luận hàng hoá xuất xứ Trung Quốc đã được chuyển tải qua Đài Loan, Malaysia, Thái Lan để lẩn tránh biện pháp CBPG. Theo đó, biện pháp đã được thay đổi bằng cách áp mức thuế dành cho nhà xuất khẩu Trung Quốc không hợp tác (mức thuế sẵn có bất lợi) với hàng xuất khẩu từ các nhà xuất khẩu cụ thể của 3 nước/vùng lãnh thổ nêu trên. CQĐT cũng kết luận quy định pháp luật không cho phép thay đổi biện pháp để mở rộng áp cho nhà cung cấp dịch vụ logistics và nhà vận chuyển vì họ không phải là nhà xuất khẩu thực sự.

 

[1] https://www.trade.gov.tr/legislation/import/trade-defence-policy/anti-circumvention-and-monitoring

[2]Tiểu mục 269TAA (2) Đạo luật Hải quan

[3] Tiểu mục 48(2)(a) của Quy định.

[4] Tiểu mục 48(2)(b).