Một số vấn đề trong một số vụ việc giải quyết tranh chấp liên quan đến chống bán phá giá tại WTO

I. Phá giá mục tiêu (Targeted Dumping)

Vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO (DS464)[1] Hàn Quốc khiếu kiện Hoa Kỳ về một số biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm máy giặt từ Hàn Quốc. Trong vụ việc này, Hàn Quốc kiện Hoa Kỳ về biện pháp chống bán phá giá đối với hai nhóm vấn đề chính: Cách tiếp cận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khi sử dụng phép so sánh W - T (weighted average – transaction, so sánh bình quân gia quyền giá trị thông thường với giá xuất khẩu của từng giao dịch) để tính toán biên độ phá giá (theo câu thứ 2 của Điều 2.4.2 Hiệp định Chống bán phá giá - ADA). Đây là phép so sánh được Hoa Kỳ sử dụng trong trường hợp bán phá giá mục tiêu (targeted dumping) - phương pháp đã được DOC loại bỏ trước đây và trong phương pháp mới gần đây là định giá phân biệt (differential pricing- DFP); và Phương pháp quy về không (zeroing) sử dụng khi Hoa Kỳ áp dụng phương pháp định giá phân biệt để tính toán biên độ phá giá.

 

Phương pháp định giá phân biệt, được ban hành vào tháng 3 năm 2013, được coi là phương pháp phát triển từ phương pháp bán giá mục tiêu (targeted dumping) trước đây của Hoa Kỳ. Theo đó, DOC sẽ xác định có tồn tại việc định giá phân biệt hay không (thông qua một số phép thử), tức là có sự khác biệt đáng kể về giá bán giữa các giao dịch sản phẩm bị điều tra tới người bán, khu vực và trong thời gian cụ thể hay không. Nếu có sự khác biệt về giá này và phép so sánh thông thường (W-W weighted average to weighted average, bình quân gia quyền của giá trị thông thường và bình quân gia quyền của giá xuất khẩu) không thể giải quyết được sự khác biệt này, DOC sẽ áp dụng phép so sánh thay thế W-T (cho phép DOC tái sử dụng zeroing) để tính biên độ phá giá, khiến mức thuế của các bị đơn thường tăng cao.

 Ngày 07 tháng 9 năm 2016, Cơ quan Phúc thẩm đã ban hành báo cáo về các kết luận cuối cùng trong đó ủng hộ các khiếu kiện về phương pháp định giá phân biệt của Hàn Quốc. Cụ thể: (i) theo Điều 2.4.2 Hiệp định ADA, cơ quan điều tra chỉ có thể sử dụng phương pháp ngoại lệ (W-T) khi một số giao dịch có tồn tại “mẫu” và “mẫu” chỉ có thể bao gồm các mức giá thấp hơn (tức là dưới mức giá bình quân hoặc giá trị thông thường); (ii) “mẫu” phải tập trung vào một số dạng cụ thể mà không được kết hợp các dạng khác nhau, mỗi dạng là riêng biệt và không thể được kết hợp chung vào một “mẫu”; (iii) phép so sánh ngoại lệ (W-T) chỉ có thể áp dụng đối với những giao dịch được xác định là thuộc “mẫu”, phép so sánh ngoại lệ chỉ có thể được áp dụng đối với những giao dịch xuất khẩu đáp ứng được các điều kiện để áp dụng trường hợp ngoại lệ; (iv) phép so sánh ngoại lệ (W-T) không thể áp dụng dựa trên các tiêu chí hạn hẹp về lượng, “mẫu” phải bao gồm các mức giá khác nhau một cách “đáng kể”, yêu cầu cơ quan điều tra phải giải thích cả về định lượng và định tính rằng vì sao các mức giá khác nhau và phép so sánh ngoại lệ không nên áp dụng khi có các yếu tố thị trường khách quan cho thấy sự khác biệt về giá không thực sự đáng kể; (v) ngay cả khi phép so sánh ngoại lệ được sử dụng thì cơ quan điều tra cũng không thể áp dụng phương pháp zeroing, zeroing là không được phép trong tất cả các trường hợp, bao gồm cả phép so sánh ngoại lệ của Điều 2.4.2.

Hai kết luận quan trọng nhất của Cơ quan Phúc thẩm đó là: (i) cần phải có một quy tắc chặt chẽ về việc sử dụng phép so sánh ngoại lệ (W-T) trong Điều 2.4.2 trong trường hợp có sự khác biệt đáng kể về giá giữa các khách hàng, khu vực và thời gian khác nhau; và không nên sử dụng phương pháp quy về 0 mà đã nhiều lần bị kết luận vi phạm quy định của WTO. Các quyết định trên thể hiện một sự tiến bộ đáng kể trong quy định của WTO về việc sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, ngăn chặn việc một bên áp dụng phép so sánh ngoại lệ trong Điều 2.4.2 (phương pháp W-T) một cách tùy ý từ đó tái áp dụng phương pháp zeroing.

II. Đối xử riêng rẽ (Individual Treatment)

            Vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO DS 397 (báo cáo Cơ quan Phúc thẩm) (Trung Quốc kiện Cộng đồng Châu Âu- EC -đối với biện pháp chống bán phá giá EC áp với sản phẩm ốc vít – steel fastener của Trung Quốc) và DS429[2] Việt Nam khiếu kiện Hoa Kỳ về một số biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm từ Việt Nam. Trong vụ việc của Việt Nam, một nội dung trong số các vấn đề khiếu kiện là Việt Nam kiện Hoa Kỳ về Thuế suất toàn quốc (NME-wide entity), cụ thể: Việt Nam khiếu kiện rằng việc Hoa Kỳ áp dụng thuế suất toàn quốc cho các doanh nghiệp Việt Nam không chứng minh được họ độc lập với sự kiểm soát của chính phủ là vi phạm về mặt pháp lý và về mặt áp dụng (trong đợt rà soát 4, 5 và 6) quy định của Hiệp định ADA. Ngoài ra, phương pháp mà Hoa Kỳ sử dụng để tính mức thuế suất toàn quốc dựa trên các dữ kiện sẵn có bất lợi là vi phạm quy định của Hiệp định ADA.

            Ngày 17 tháng 11 năm 2014, Ban Hội Thẩm đã ban hành báo cáo về các kết luận cuối cùng và kết luận đối với vấn đề thuế suất toàn quốc như sau:  Ban Hội thẩm ủng hộ Việt Nam rằng việc Hoa Kỳ áp dụng thuế suất toàn quốc cho các doanh nghiệp Việt Nam không chứng minh được họ độc lập với sự kiểm soát của chính phủ là vi phạm về mặt pháp lý và về mặt áp dụng (trong đợt rà soát 4, 5 và 6) quy định của Hiệp định ADA. 

            Ban Hội thẩm kết luận rằng thuế suất toàn quốc của Hoa Kỳ vi phạm về mặt pháp lý quy định của WTO sẽ khiến Hoa Kỳ phải loại bỏ phương pháp này trong các vụ điều tra AD liên quan đến NMEs như Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc sẽ không phải chứng minh họ độc lập với sự kiểm soát của Chính phủ và không phải nhận mức thuế suất toàn quốc. Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ việc trong tương lai và cũng là vấn đề nhạy cảm đối với Hoa Kỳ do hàng xuất khẩu của Trung Quốc là một mục tiêu lớn của Hoa Kỳ trong các vụ việc AD.

III. Chấm dứt vụ việc trong trường hợp biên độ phá giá tối thiểu (de minimis) hoặc bằng 0 (zero)

            Vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO (DS 295)[3] Hoa Kỳ khiếu kiện Mexico về một số biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm gạo và thịt bò nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Trong vụ việc này, đặc biệt Hoa Kỳ kiện Mexico Điều 5.8 về việc chấm dứt vụ việc điều tra, cụ thể: một biện pháp chống bán phá giá có được áp dụng hay không nếu trong quá trình điều tra cho thấy một nhà sản xuất/xuất khẩu có biên độ phá giá tối thiểu hoặc bằng 0 ?

             Ngày 22 tháng 11 năm 2005, Cơ quan Phúc thẩm đã ban hành báo cáo về các kết luận cuối cùng và kết luận đối với vấn đề nói trên như sau: Cơ quan phúc thẩm và Ban Hội Thẩm đồng ý rằng vụ việc điều tra đối với từng nhà xuất khẩu mà có biên độ phá giá tối thiểu hoặc bằng 0 nên được chấm dứt ngay lập tức theo câu thứ hai của Điều 5.8. Cơ quan Phúc thẩm kết luận rằng Mexico đã vi phạm Điều 5.8 bởi đã không chấm dứt vụ việc điều tra đối với hai nhà xuất khẩu của Hoa Kỳ.

            Ý nghĩa của kết luận này là,do nhà sản xuất/xuất khẩu phải được loại trừ khỏi biện pháp chống bán phá giá (chứ không chỉ chịu mức thuế bằng 0%), nếu có bán phá giá sau này thì cơ quan điều tra phải khởi xướng một cuộc điều tra mới chứkhông thể khởi xướng một đợt rà soát.

IV. Định nghĩa về ngành sản xuất nội địa (Definition of domestic industry)

            Vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO (DS 397)[4] Cộng đồng Châu Âu (EC) khiếu kiện Trung Quốc về một số biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm ốc vít nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong các vấn đề khiếu kiện, EC kiện Trung Quốc Điều 4.1 về định nghĩa về ngành sản xuất nội địa, cụ thể: Làm sao để xác định “tỷ trọng lớn” của tổng lượng sản xuất của ngành sản xuất nội địa? Cơ quan điều tra có thể loại trừ những nhà sản xuất không hợp tác hoặc không ủng hộ khỏi định nghĩa ngành sản xuất nội địa hay không?

             Ngày 15 tháng 7 năm 2011, Cơ quan Phúc thẩm đã ban hành báo cáo về các kết luận cuối cùng và kết luận đối với vấn đề định nghĩa về ngành sản xuất nội địa như sau: Cơ quan phúc thẩm kết luận rằng EC đã vi phạm Điều 4.1 về định nghĩa về ngành sản xuất nội địa trong vụ việc này khi các nhà sản xuất chiếm ước tính 27% tổng số ngành sản xuất của EC. Ngành sản xuất nội địa được định nghĩa trên cơ sở nói trên không bao gồm các nhà sản xuất có tổng lượng sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng sản xuất của ngành sản xuất nội địa. Theo kết luận của vụ việc, không có một ngưỡng số học cụ thể nào nhưng nếu các nhà sản xuất chiếm tỷ lệ càng nhỏ trong tổng lượng sản xuất trong nước thì khả năng càng cao là có rủi ro nghiêm trọng về việc không khách quan, bị bóp méo (material risk of distortion). Việc chỉ chọn những nhà sản xuất sẵn lòng tham gia vào nhóm này và mang tính tự chọn (self selection) thì sẽ làm tăng rủi ro bóp méo.

            Ý nghĩa của kết luận của vụ việc này là nếu lựa chọn một nhóm các nhà sản xuất nội địa để làm đại diện cho các nhà sản xuất nội địa, phải đảm bảo rằng họ mang tính đại diện cho toàn ngành sản xuất nội địa.

V. Một phần dữ liệu có sẵn (Partial Facts Available)

            Vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO (DS 206)[5] Ấn Độ khiếu kiện Hoa Kỳ về một số biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép tấm nhập khẩu từ Ấn Độ. Trong các vấn đề khiếu kiện, Ấn Độ kiện Hoa Kỳ Điều 6.8 và Phụ lục II về bằng chứng và các dữ liệu có sẵn, cụ thể: cơ quan điều tra có thể từ chối tất cả các thông tin về giá xuất khẩu vì có những vấn đề với dữ liệu về giá nội địa không?

            Ngày 28 tháng 6 năm 2002, Ban Hội thẩm đã ban hành báo cáo về các kết luận cuối cùng và kết luận đối với vấn đề bằng chứng và các dữ liệu có sẵn như sau: Ban Hội thẩm kết luận rằng cơ quan điều tra của Hoa Kỳ đã vi phạm ADA trong việc kết luận rằng nhà sản xuất của Ấn Độ (SAIL) đã không cung cấp thông tin cần thiết để đáp ứng bản trả lời câu hỏi trong quá trình điều tra và do đó quyết định của Hoa Kỳ hoàn toàn dựa trên những dữ liệu có sẵn, bởi vì thông tin được cung cấp bởi SAIL đáp ứng tất cả các tiêu chí quy định tại Phụ lục II (3) và do đó, cơ quan điều ra Hoa Kỳ đã phải sử dụng những thông tin đó để đưa ra quyết định. Ban Hội Thẩm bác bỏ khiếu kiện của Ấn Độ cho rằng pháp luật của Hoa Kỳ chỉ yêu cầu duy nhất dữ liệu có sẵn trong trường hợp mà theo Điều 6.8 và Phụ lục II (3) không cho phép nộp thông tin để được bỏ qua. Theo lập luận của Ấn Độ rằng cơ quan điều tra của Hoa Kỳ thường phản ánh một chính sách mà các dữ liệu có sẵn được dựa trên những hoàn cảnh bên ngoài phạm vi của Phụ lục II (3), Ban Hội Thẩm cho rằng đây là một hành động đơn thuần theo ý mình và hành vi này không phù hợp với WTO.

Việc xác định xem liệu có nên sử dụng dữ liệu có sẵn phải thực hiện cùng với dữ liệu cụ thể. Nếu dữ liệu kiểm chứng được, kịp thời và có thể sử dụng không quá khó khăn thì dữ liệu cần phải được sử dụng. Việc từ chối tất cả các thông tin bởi vì một số bị thiếu hoặc bị từ chối là không được phép. Thay vào đó, cơ quan điều tra phải kiểm tra mức độ dữ liệu bị thiếu có thể khiến cho các dữ liệu khác không sử dụng được (ví dụ: thiếu dữ liệu về chi phí có thể làm mất giá trị của giá thị trường nội địa nước xuất khẩu) phải được xác định trong từng trường hợp cụ thể.

VI. Công bố thông tin

Trong một số vụ việc DS414 (Hoa Kỳ kiện Trung Quốc về biện pháp chống bán phá giá của Trung Quốc áp với sản phẩm thép có hạt hướng điện (GOES) và vụ DS454, 460 (EU, Nhật Bản kiện Trung Quốc về biện pháp chống bán phá giá của Trung Quốc áp với ống thép không gỉ HP-SST), vấn đề đặt ra là cơ quan điều tra phải công bố thông tin gì theo Điều 6.9 Hiệp định Chống bán phá giá[6]. Theo đó, Cơ quan Phúc thẩm các vụ việc nói trên đã kết luận cơ quan điều tra phải công bố các giao dịch xuất khẩu và bán hàng nội địa được sử dụng, những điều chỉnh đã được thực hiện và phương pháp tính toán biên độ được áp dụng. Trong khi cơ quan điều tra không cần thiết phải “công bố bản tính toán cụ thể”, Cơ quan Phúc thẩm đã lưu ý rằng việc công bố đầy đủ là cần thiết để xác định liệu quyết định có “những sai sót về mặt toán học” hay không, và điều này cho thấy là cơ quan điều tra phải có thể xây dựng phép tính dựa trên những thông tin được cung cấp.

VII. Thu thập thông tin và thẩm tra

Trong vụ việc DS454/460 như nêu ở trên, một vấn đề khiếu kiện nữa là liệu cơ quan điều tra có thể từ chối thông tin được nộp trong đợt thẩm tra chỉ trên cơ sở là thông tin này không được nộp trước lúc diễn ra thẩm tra.

Kết luận của vụ việc là cơ quan điều tra không được phép như vậy. Cơ quan điều tra phải cân đối lợi ích của các bên với việc phải kiểm soát và tiến hành nhanh vụ việc.

Điều này có nghĩa là, khi đưa ra quyết định, cơ quan điều tra nên xem xét cả những yếu tố khác, bao gồm thời điểm phát sinh thông tin mới; liệu có gây ra những khó khăn không đáng có; liệu có liên quan đến những dữ kiện quan trọng theo quy định tại Điều 6.9 hay không; và liệu thông tin có được yêu cầu một cách đặc biệt bởi cơ quan điều tra hay không.

VIII. Thông tin mật: lý do hợp lý

Cũng trong vụ DS454/460 và DS397, một vấn đề khiếu kiện là liệu cơ quan điều tra có phải đưa ra “giải thích” liên quan đến việc đánh giá lý do hợp lý hay không.

Kết luận là một bên muốn được bảo đảm thông tin được xử lý theo chế độ mật thì phải có lý do hợp lý và lý do này phải được “đánh giá và xác định một cách khách quan” bởi cơ quan điều tra. Ban Hội thẩm phải xem xét vấn đề dựa trên cơ sở báo cáo được công bố và các tài liệu liên quan. Việc chỉ tóm tắt các các khẳng định của bên đó sẽ không chỉ ra được rằng cơ quan điều tra đã đánh giá một cách khách quan lý do hợp lý.

IX. Tính gộp

Trong vụ việc DS 436 (Ấn Độ kiện Hoa Kỳ về biện pháp chống trợ cấp của Hoa Kỳ đối với sản phẩm thép các bon dẹt của Ấn Độ), vấn đề gây tranh cãi là khi tiến hành song song các vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, liệu thiệt hại gây ra bởi hàng nhập khẩu bán phá giá có thể được tính gộp với thiệt hại gây ra bởi hàng nhập khẩu được trợ cấp. Tại báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm (đoạn 4.563-4.729), Cơ quan Phúc thẩm đã kết luận là không được tính gộp. Ảnh hưởng của hàng nhập khẩu phá giá nhưng không được trợ cấp thì không được tính gộp với ảnh hưởng của hàng nhập khẩu trợ cấp nhưng không phá giá.

Vụ việc này liên quan đến khiếu kiện về Điều 15.3 Hiệp định Chống trợ cấp[7] nhưng cũng liên quan đến Điều 3.3 Hiệp định Chống bán phá giá[8].

Ý nghĩa của kết luận trên là hàng hóa phá giá nên được coi như là một “yếu tố khác” trong phân tích về các yếu tố không liên quan trong vụ việc chống trợ cấp (và ngược lại).

X. Dữ liệu sẵn có: mức thuế suất dành cho các doanh nghiệp còn lại “all others” rate

Trong vụ việc DS454/469 và DS427 (Hoa Kỳ kiện Trung Quốc liên quan đến biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của Trung Quốc áp với sản phẩm vỉ nướng thịt của Hoa Kỳ, vấn đề tranh chấp là liệu có thể sử dụng thông tin sẵn có đối với mức thuế suất dành cho các doanh nghiệp còn lại (all others rate). Báo cáo của Ban Hội thẩm kết luận là cơ quan điều tra có thể sử dụng thông tin sẵn có miễn là cơ quan điều tra thông báo nhà xuất khẩu về thông tin được yêu cầu, và chỉ ra rằng thông tin sẵn có sẽ được sử dụng nếu nhà xuất khẩu không cung cấp những thông tin này nên những nhà xuất khẩu không được biết đến biết được thông tin gì được yêu cầu và ảnh hưởng là gì.

Ý nghĩa của kết luận này là cơ quan điều tra phải thông báo chi tiết thông tin gì mà nhà sản xuất/xuất khẩu phải cung cấp, bao gồm cả những nhà sản xuất/xuất khẩu mà cơ quan điều tra không biết.

XI. Chi phí liên quan đến sản xuất và bán hàng

Trong vụ việc DS473 (Argentina kiện EU về biện pháp chống bán phá giá của EU đối với dầu biodiesel của Argentina), một vấn đề tranh chấp là khi xây dựng trị giá thông thường, liệu cơ quan điều tra có thể không xem xét những giá cả đầu vào mà được xác định trong hồ sơ của nhà sản xuất với lý do là giá này “thấp một cách giả tạo” do có can thiệp của chính phủ.

Kết luận trong báo cáo của Ban Hội thẩm cho rằng cơ quan điều tra không được thực hiện như vậy. Theo Điều 2.2.1.1 Hiệp định ADA[9], liệu những chi phí, được thể hiện trong hồ sơ của nhà sản xuất “phản ánh một cách hợp lý những chi phí liên quan đến việc sản xuất và bán hàng”, sẽ liên quan đến các chi phí thực tế của nhà sản xuất.

Ý nghĩa của kết luận này là cơ quan điều tra không thể không xem xét những chi phí đầu vào với lý do là chi phí này bị bóp méo bởi sự can thiệp của chính phủ.

 


[1] Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm số WT/DS464/AB/R ngày 7 tháng 11 năm 2016

[2] Báo cáo Ban Hội Thẩm số WT/DS429/R ngày 17 tháng 11 năm 2014

[3] Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm số WT/DS295/AB/R ngày 29 tháng 11 năm 2005

[4] Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm số WT/DS397/AB/R ngày 15 tháng 7 năm 2011

[5] Báo cáo Ban Hội Thẩm số WT/DS206/R ngày 28 tháng 6 năm 2002

[6] Điều 6.9: Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo cho tất cả các bên liên quan về các dữ kiện quan trọng được xem xét làm cơ sở cho việc quyết định liệu có áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Việc thông báo trên sẽ được tiến hành đủ sớm để các bên có thể bảo vệ quyền lợi của mình.

[7] Khi hàng nhập khẩu từ hai hay nhiều nước cùng là đối tượng điều tra chịu thuế đối kháng, cơ quan có thẩm quyền đang điều tra có thể đánh giá tác động gộp của nhập khẩu từ các nước đó chỉ khi đã xác định được (a) lượng trợ cấp được áp dụng liên quan tới nhập khẩu từ từng nước cao hơn mức tối thiểu (de minimis) nêu tại khoản 9 Điều 11và lượng nhập khẩu từ từng nước đó không phải là không đáng kể và (b) căn cứ vào những điều kiện cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu với nhau và điều kiện cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu và hàng trong nước dẫn đến việc đánh giá gộp các tác động của hàng nhập khẩu là thích hợp.

[8] Khi có nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá về cùng một sản phẩm được nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau, cơ quan điều tra có thể đánh giá ảnh hưởng một cách tổng hợp của hàng nhập khẩu này chỉ trong trường hợp cơ quan này xác định được rằng: (a) biên độ bán phá giá được xác định đối với hàng nhập khẩu từ mỗi nước vượt quá mức tối thiểu (de minimis) được qui định tại khoản 8 Điều 5 và lượng hàng nhập khẩu từ mỗi nước không ở mức không đáng kể; (b) việc đánh giá gộp các ảnh hưởng của hàng nhập khẩu là thích hợp nếu xét đến điều kiện cạnh tranh giữa các sản phẩm nhập khẩu với nhau và điều kiện cạnh tranh giữa các sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm tương tự trong nước.

[9] Các chi phí thông thường sẽ được tính toán trên cơ sở sổ sách của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất là đối tượng bị điều tra với điều kiện là sổ sách này phù hợp với các nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi tại nước xuất khẩu và phản ánh một cách hợp lý các chi phí liên quan đến việc sản xuất và bán hàng đang được xem xét. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét tất cả các bằng chứng sẵn có về việc phân bổ hợp lý các chi phí, trong đó bao gồm cả các bằng chứng do nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất cung cấp trong quá trình điều tra với điều kiện là việc phân bổ trên thực tế đã được nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất sử dụng trong quá khứ, đặc biệt là sử dụng trong việc xây dựng thời gian khấu hao thích hợp và hạn mức cho phép chi tiêu xây dựng cơ bản và các chi phí phát triển khác. Trừ khi đã được phản ánh trong sự phân bổ chi phí theo qui định tại mục này, các chi phí sẽ được điều chỉnh một cách thích hợp đối với các hạng mục chi phí phát sinh một lần mà làm lợi cho hoạt động sản xuất  trong tương lai và/hoặc hiện tại, hoặc trong trường hợp các chi phí trong thời gian điều tra bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khi bắt đầu sản xuất.