Nghiên cứu quy định về điều tra chống trợ cấp theo Hiệp định WTO

Điều 11 Hiệp định Trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) WTO quy định về vấn đề khởi xướng và tiến hành điều tra vụ việc chống trợ cấp, theo đó:

- Điều 11.1: Trừ trường hợp quy định tại khoản 6, việc điều tra để xác định sự tồn tại, mức độ và tác động của bất kỳ trợ cấp bị cáo buộc nào sẽ được khởi xướng trên cơ sở đơn kiện bằng văn bản của ngành sản xuất trong nước hoặc thay mặt cho ngành sản xuất trong nước.

- Điều 11. 2: Đơn kiện nêu tại khoản 1 phải bao gồm đầy đủ những bằng chứng về sự tồn tại của: (a) khoản trợ cấp và nếu có thể nêu rõ cả giá trị trợ cấp, (b) thiệt hại theo nghĩa của Điều VI Hiệp định GATT 1994 được diễn giải theo Hiệp định này, và (c) mối quan hệ nhân quả giữa nhập khẩu được trợ cấp với thiệt hại bị cáo buộc. Một sự khẳng định giản đơn, không có bằng chứng thì không thể được coi là đủ để đáp ứng các yêu cầu của khoản này. Đơn kiện sẽ phải bao gồm những thông tin mà nguyên đơn có được một cách hợp lý về những nội dung sau đây:

(i) thông tin về nguyên đơn và mô tả về khối lượng và trị giá của sản xuất trong nước về sản phẩm tương tự của nguyên đơn. Khi đơn kiện được nộp nhân danh một ngành sản xuất trong nước, thì đơn kiện đó sẽ xác định ngành sản xuất trong nước bằng một danh sách những nhà sản xuất trong nước sản xuất sản phẩm tương tự được biết đến (hoặc hiệp hội những nhà sản xuất trong nước về sản phẩm tương tự) và trong chừng mực có thể, mô tả khối lượng và trị giá sản xuất trong nước của sản phẩm tương tự mà những nhà sản xuất này sản xuất ra.

(ii) mô tả đầy đủ về sản phẩm bị cáo buộc được trợ cấp, tên nước hay những nước xuất xứ hoặc xuất khẩu sản phẩm đó, thông tin về mỗi nhà xuất khẩu hay nhà sản xuất nước ngoài đã biết và một danh sách những nhà nhập khẩu sản phẩm đó được biết.

(iii) bằng chứng về sự tồn tại, lượng và tính chất của trợ cấp.

(iv) bằng chứng về thiệt hại bị cáo buộc đối với ngành sản xuất trong nước do sản phẩm nhập khẩu được trợ cấp gây ra thông qua tác động của trợ cấp; bằng chứng đó phải bao gồm những thông tin về sự thay đổi trong khối lượng nhập khẩu hàng bị cáo buộc trợ cấp, tác động của nhập khẩu đó với giá cả những sản phẩm tương tự trên thị trường trong nước và tác động mang tính hậu quả của hàng nhập khẩu đó đối với ngành sản xuất trong nước, được chứng minh bằng những yếu tố cùng chỉ số có liên quan thể hiện tình trạng của ngành sản xuất trong nước, như các chỉ số nêu tại các khoản 2 và 4 Điều 15.

- Điều 11.3: Cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra lại tính đúng đắn và đầy đủ của bằng chứng được cung cấp trong đơn để xác định xem bằng chứng đó có đủ để khởi xướng điều tra không.

- Điều 11.4: Việc điều tra theo quy định tại khoản 1 sẽ không được khởi xướng trừ khi cơ quan có thẩm quyền xác định, trên cơ sở xem xét mức độ đồng tình hay phản đối đối với đơn kiện của những nhà sản xuất trong nước những sản phẩm tương tự, rằng đơn kiện đã được nộp bởi [ghi chú 38] hoặc nhân danh ngành sản xuất trong nước [ghi chú 39]. Đơn kiện được coi là được nộp bởi hoặc nhân danh một ngành sản xuất trong nước nếu được những nhà sản xuất có tổng khối lượng sản xuất chiếm trên 50% tổng lượng sản xuất sản phẩm tương tự của những nhà sản xuất thể hiện sự ủng hộ hay phản đối đơn kiện. Tuy nhiên, việc điều tra sẽ không được tiến hành nếu các nhà sản xuất trong nước ủng hộ đơn kiện không vượt quá 25% tổng khối lượng của ngành sản xuất sản phẩm tương tự trong nước.

- Điều 11.5: Cơ quan có thẩm quyền sẽ tránh không công bố đơn yêu cầu khởi xướng điều tra, trừ khi đã có quyết định bắt đầu điều tra.

- Điều 11.6: Nếu trong trường hợp đặc biệt, khi cơ quan có thẩm quyền quyết định điều tra mà không nhận được đơn của và nhân danh một ngành sản xuất trong nước yêu cầu tiến hành điều tra, thì cơ quan có thẩm quyền chỉ khởi xướng điều tra nếu đã có đủ bằng chứng về sự tồn tại trợ cấp, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả như đã nêu tại khoản 2 để chứng minh cho việc khởi xướng điều tra.

- Điều 11.7: Bằng chứng của cả việc trợ cấp lẫn thiệt hại sẽ được xem xét cùng một lúc: (a) khi ra quyết định có khởi xướng điều tra không và (b) sau đó, trong tiến trình điều tra, bắt đầu vào ngày không chậm hơn ngày sớm nhất mà một biện pháp tạm thời có thể được áp dụng theo quy định của Hiệp định này.

- Điều 11.8: Trong trường hợp sản phẩm không được nhập khẩu trực tiếp từ nước xuất xứ mà được xuất khẩu sang Thành viên nhập khẩu thông qua một nước trung gian, các quy định của Hiệp định này vẫn được áp dụng đầy đủ, và (những) giao dịch đó vẫn được coi là được tiến hành trực tiếp giữa nước xuất xứ và Thành viên nhập khẩu theo Hiệp định này.

- Điều 11.9: Đơn kiện nêu tại khoản 1 sẽ bị từ chối và việc điều tra bị chấm dứt ngay lập tức khi cơ quan có thẩm quyền có liên quan cho rằng không đủ bằng chứng về việc tồn tại một trợ cấp hay thiệt hại để tiến hành điều tra. Trong trường hợp trợ cấp chỉ ở mức tối thiểu (de minimis) hoặc khối lượng hàng nhập khẩu được trợ cấp hiện tại hoặc trong tương lai, hoặc thiệt hại là không đáng kể, thì việc điều tra sẽ được chấm dứt ngay lập tức. Theo khoản này, khối lượng trợ cấp được coi là ở mức không đáng kể nếu thấp hơn 1% trị giá sản phẩm.

- Điều 11.10:  Việc điều tra không được làm ảnh hưởng đến thủ tục thông quan.

- Điều 11.11: Trừ trường hợp đặc biệt, thủ tục điều tra phải được kết thúc trong thời hạn một năm, và trong mọi trường hợp không quá 18 tháng, kể từ ngày khởi xướng.

*Ghi chú: + 38: Đối với những ngành sản xuất trong nước bị phân tán bao gồm một số lượng lớn bất thường những nhà sản xuất, cơ quan có thẩm quyền có thể xác định việc ủng hộ hay phản đối căn cứ vào kỹ thuật lấy mẫu thống kê có hiệu lực.

            + 39: Các Thành viên hiểu rằng trên lãnh thổ của một số Thành viên, nhân viên của các nhà sản xuất trong nước sản xuất sản phẩm tương tự hoặc đại diện của những nhân viên này có thể đưa ra hay ủng hộ một đơn yêu cầu điều tra theo khoản 1.

            Bài nghiên cứu này sẽ phân tích các vấn đề liên quan đến Điều 11 trên cơ sở các phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO tại các vụ việc liên quan.

1. Điều 11.2

1.1 "do nhập khẩu được trợ cấp"

Tại vụ Nhật Bản - DRAMs (Hàn Quốc), Cơ quan Phúc thẩm tán thành kết luận của Ban Hội thẩm rằng đủ để cơ quan điều tra kết luận rằng hàng nhập khẩu được trợ cấp đang gây ra thiệt hại, mà không cần bất kỳ yêu cầu bổ sung nào để theo dõi tác động về khối lượng, tác động về giá cả hoặc tác động mang tính hậu quả của hàng nhập khẩu được trợ cấp đối với các khoản trợ cấp. Cơ quan Phúc thẩm, cũng như Ban Hội thẩm, nhận thấy sự ủng hộ theo ngữ cảnh cho kết luận này tại Điều 11.2: "Điều 11.2 Hiệp định SCM cung cấp ngữ cảnh hỗ trợ cho câu đầu tiên của Điều 15.5. Điều 11.2 đưa ra hướng dẫn về những gì có thể tạo thành 'bằng chứng đầy đủ' cho mục đích nộp đơn yêu cầu khởi xướng điều tra thuế đối kháng và mô tả chi tiết hơn loại bằng chứng cần có trong đơn kiện ... Điều 11.2 do đó chỉ ra rằng thông tin liên quan đến tác động của khối lượng, tác động về giá và tác động mang tính hậu quả của hàng nhập khẩu được trợ cấp đối với ngành sản xuất trong nước là bằng chứng để chứng minh rằng thiệt hại là do 'hàng nhập khẩu được trợ cấp thông qua tác động của trợ cấp'. Điều 11.2 không yêu cầu nguyên đơn cung cấp bằng chứng cụ thể về những tác động mà trợ cấp có thể có đối với khối lượng và giá nhập khẩu để gây thiệt hại.

Nếu việc chứng minh mối liên hệ nhân quả bổ sung giữa tác động của trợ cấp và thiệt hại được thiết lập như một điều kiện tiên quyết để xác định thiệt hại, như Hàn Quốc lập luận, không có lý do gì vì sao Điều 11.2 lại không quy định việc nộp bằng chứng cho mục đích đó."

1.2 "đủ bằng chứng"

Ban hội thẩm tại vụ Trung Quốc - GOES bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng tiêu chuẩn chứng minh thấp hơn áp dụng cho Điều 11.2 vì điều khoản đó không trực tiếp đề cập đến "tính riêng biệt". Thay vào đó, Ban Hội thẩm cho rằng: "cùng một tiêu chuẩn về 'bằng chứng đầy đủ' được áp dụng bất kể bằng chứng đó có liên quan đến sự tồn tại của đóng góp tài chính, lợi ích hay tính riêng biệt hay không." "Liên quan đến việc liệu có yêu cầu bằng chứng về tính riêng biệt trong đơn kiện hay không, Ban Hội thẩm đồng ý với các bên rằng việc tham chiếu đến bằng chứng về 'bản chất của trợ cấp' bao gồm bằng chứng về việc trợ cấp có mang tính riêng biệt hay không. Điều 11 được quy định trong Phần V của Hiệp định SCM. Hơn nữa, Điều 1.2 quy định rằng trợ cấp sẽ chịu sự điều chỉnh của Phần V nếu nó mang tính riêng biệt theo nghĩa của Điều 2. Do đó, việc kết luận rằng bằng chứng về 'bản chất của trợ cấp' bao gồm bằng chứng về việc trợ cấp có mang tính riêng biệt hay không là hợp lý. Giải pháp thay thế là việc khởi xướng điều tra sẽ được chứng minh theo Điều 11.3, mặc dù có thể rõ ràng vào thời điểm khởi xướng điều tra rằng khoản trợ cấp bị cáo buộc không phải tuân theo các nguyên tắc của Phần V của Hiệp định SCM vì khoản trợ cấp này được cung cấp rộng rãi trong một khu vực tài phán nhất định.

Ban Hội thẩm thừa nhận rằng thuật ngữ 'bản chất' được sử dụng trong một số phần của Hiệp định SCM và nó có thể không nhất thiết đề cập đến 'tính riêng biệt' trong mỗi trường hợp. Ví dụ, tham chiếu đến thuật ngữ 'bản chất' trong Điều 4.5 Hiệp định SCM dường như đề cập đến việc trợ cấp có bị cấm hay không. Tuy nhiên, theo quan điểm của Ban Hội thẩm và do cả hai bên đồng ý, việc xem xét bối cảnh mà một thuật ngữ được sử dụng có thể dẫn đến các ý nghĩa khác nhau trong các điều khoản khác nhau. Như đã trình bày trong đoạn trước, bối cảnh tại Điều 11.2 và 11.3 ủng hộ quan điểm của các bên rằng 'bản chất' của trợ cấp theo Điều 11.2 (iii) bao gồm bằng chứng về việc liệu một khoản trợ cấp bị cáo buộc là có mang tính riêng biệt hay không."

Ban Hội thẩm cũng kết luận rằng Điều 11.2 (iii) "yêu cầu bằng chứng về 'bản chất', cụ thể là tính riêng biệt, 'của khoản trợ cấp được đề cập đến' ... [trong đó] yêu cầu bằng chứng về bản chất của từng chương trình trợ cấp bị cáo buộc." Ban Hội thẩm bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng sự hỗ trợ rộng rãi của chính phủ đối với một ngành sản xuất, có thể thấy rõ từ đơn kiện, cấu thành bằng chứng đầy đủ về tính riêng biệt. Ban Hội thẩm kết luận rằng "thông tin chung về chính sách của chính phủ, không liên quan trực tiếp đến chương trình bị kiện, không phải là 'bằng chứng đầy đủ' về tính riêng biệt."

2. Điều 11.3

2.1 Tiêu chuẩn xem xét (standard of review)

Ban hội thẩm tại vụ Trung Quốc - GOES kết luận rằng tiêu chuẩn xem xét thích hợp áp dụng theo Điều 11.3 cũng giống như tiêu chuẩn của điều khoản tương tự trong Hiệp định chống bán phá giá, như đã được Ban hội thẩm ở vụ Hoa Kỳ - Gỗ xẻ mềm V thông qua: "Ban hội thẩm nên xác định 'liệu một cơ quan điều tra không thiên vị và khách quan đáng lẽ có kết luận rằng đơn kiện có chứa đầy đủ thông tin để biện minh cho việc khởi xướng điều tra hay không". Ban Hội thẩm đồng ý với các bên rằng vai trò của mình không phải là tiến hành xem xét lại (de novo review) sự chính xác và đầy đủ của bằng chứng để tự mình đưa ra kết luận về việc liệu bằng chứng trong đơn có đủ để biện minh cho việc khởi xướng hay không."

Hơn nữa, Ban Hội thẩm tại Trung Quốc - GOES đã làm rõ rằng, như ngụ ý trong ngôn ngữ của Điều 11.3, một phần của quyết định của cơ quan điều tra về việc liệu có "đủ bằng chứng" để biện minh cho việc khởi xướng một cuộc điều tra hay không phải đòi hỏi "đánh giá tính chính xác và đầy đủ của các bằng chứng được cung cấp." "Khi bằng chứng không có trong đơn kiện nhưng có liên quan đến quyết định khởi xướng được đệ trình lên cơ quan điều tra ... một cơ quan điều tra công tâm và khách quan sẽ cân nhắc bằng chứng này trong đánh giá của mình. "

Trong vụ Hoa Kỳ- Các biện pháp đối kháng (Trung Quốc), Ban Hội thẩm đã tiến hành phân tích chuyên sâu về dữ kiện để xác định xem liệu một cơ quan điều tra khách quan, công tâm đáng nhẽ đã kết luận rằng thông tin được cung cấp trong đơn kiện của ngành là " ‘bằng chứng đủ có xu hướng chứng minh hoặc chỉ ra’ rằng Chính phủ Trung Quốc cung cấp một khoản đóng góp tài chính bằng cách chỉ đạo một cơ quan tư nhân thực hiện chức năng cung cấp hàng hóa cho các nhà sản xuất trong nước". Ban Hội thẩm không tìm thấy "bất kỳ thông tin nào" trong các đơn kiện mà cho thấy cách Chính phủ Trung Quốc "trao trách nhiệm cho" hoặc "thực hiện quyền đối với" một cơ quan tư nhân ở Trung Quốc trong chừng mực "chính phủ thực hiện quyền hạn của mình đối với một cơ quan tư nhân nhằm thực hiện một khoản đóng góp tài chính." Do đó, Ban Hội thẩm kết luận rằng việc cơ quan điều tra khởi xướng hai cuộc điều tra chống trợ cấp là không phù hợp với Điều 11.3.

2.2 "đủ bằng chứng"

Như đã lưu ý ở trên, Ban Hội thẩm tại Trung Quốc - GOES xác nhận rằng cùng một tiêu chuẩn về "bằng chứng đầy đủ" áp dụng cho Điều 11.3 cũng như cho Điều 11.2.

 Tại vụ Trung Quốc - GOES, Ban hội thẩm đã bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng "bằng chứng trực tiếp về tính riêng biệt trên thực tế thường không có sẵn một cách hợp lý cho nguyên đơn" và do đó, cơ quan điều tra, trong tranh chấp đó, đã đủ bằng chứng khi khởi xướng điều tra theo Điều 11.3. "Thực tế là nguyên đơn phải cung cấp thông tin có sẵn một cách hợp lý không có nghĩa là cơ quan điều tra có lý do chính đáng khi tiến hành điều tra theo Điều 11.3 mặc dù không có bằng chứng về tính riêng biệt trước cơ quan điều tra."

2.3 Mối quan hệ giữa Điều 11.2 và 11.3

Ban Hội thẩm tại vụ Trung Quốc - GOES đã giải quyết mối quan hệ giữa Điều 11.2 và 11.3 Hiệp định SCM. Theo Ban Hội thẩm, Điều 11.2 quy định "bằng chứng phải được đưa vào đơn yêu cầu điều tra bởi hoặc đại diện cho ngành sản xuất trong nước nộp cho cơ quan điều tra" và Điều 11.3 yêu cầu cơ quan điều tra xem xét tính chính xác và đầy đủ của bằng chứng để xác định xem có 'đủ' để biện minh cho việc khởi xướng điều tra hay không. " "Nghĩa vụ đối với các Thành viên liên quan đến tính đầy đủ của bằng chứng trong đơn kiện, được thể hiện trong Điều 11.3 Hiệp định SCM, quy định rằng cơ quan điều tra phải đánh giá tính chính xác và đầy đủ của bằng chứng trong đơn kiện để xác định xem có đủ để biện minh cho việc khởi xướng hay không. Nghĩa vụ trong Điều 11.3 phải được đọc cùng với Điều 11.2, trong đó đưa ra các yêu cầu về 'đủ bằng chứng'. Nếu cơ quan điều tra bắt đầu điều tra mà không có 'đủ bằng chứng', điều này sẽ không phù hợp với Điều 11.3."

Theo cách tiếp cận trên, Ban Hội thẩm tại vụ Trung Quốc - GOES đã "không cho rằng cần thiết phải đưa ra các kết luận riêng biệt" theo Điều 11.2. Thay vào đó, Ban Hội thẩm "cho rằng phù hợp để đưa ra các kết luận theo Điều 11.3" liên quan đến các biện pháp được đề cập.

3. Điều 11.4

3.1 "bởi hoặc thay mặt cho ngành công nghiệp trong nước"

3.1.1 Yêu cầu đưa ra quyết định

Trong vụ Hoa Kỳ- Đạo luật (Bản sửa đổi Byrd), Cơ quan Phúc thẩm nhắc lại rằng Điều 11.4 Hiệp định SCM yêu cầu cơ quan điều tra "xác định" xem liệu đơn yêu cầu điều tra có được "đưa ra bởi hoặc thay mặt cho ngành sản xuất trong nước" hay không. Nếu có đủ số lượng các nhà sản xuất trong nước đã "bày tỏ sự ủng hộ" và các ngưỡng quy định tại Điều 11.4 do đó đã được đáp ứng, thì "đơn kiện sẽ được coi là được thực hiện bởi hoặc thay mặt cho ngành sản xuất trong nước". Trong những trường hợp như vậy, một cuộc điều tra có thể được khởi xướng. Ngược lại, không có yêu cầu cơ quan điều tra kiểm tra động cơ của các nhà sản xuất trong nước chọn ủng hộ điều tra. Do đó, cần phải có một cuộc "kiểm tra" về "mức độ" của sự ủng hộ, chứ không phải "bản chất" của sự ủng hộ. Nói cách khác, vấn đề là "số lượng" chứ không phải "chất lượng". Cơ quan Phúc thẩm phán quyết: "Việc xem xét văn bản Điều 5.4 Hiệp định chống bán phá giá và Điều 11.4 Hiệp định SCM cho thấy rằng những điều khoản đó không có yêu cầu nào về việc cơ quan điều tra phải kiểm tra động cơ của các nhà sản xuất trong nước chọn ủng hộ một cuộc điều tra. Cũng không có bất kỳ yêu cầu rõ ràng rằng sự ủng hộ phải dựa trên một số động cơ nhất định chứ không phải dựa trên những động cơ khác. Việc sử dụng các thuật ngữ 'bày tỏ sự ủng hộ' và 'ủng hộ rõ ràng' làm rõ rằng Điều 5.4 và 11.4 chỉ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền 'xác định' rằng sự ủng hộ đã được 'bày tỏ' bởi một số lượng đủ các nhà sản xuất trong nước.”

3.1.2 phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin trong đơn kiện

Ban hội thẩm tại vụ Mexico - Dầu ô liu đã giải quyết lập luận của Cộng đồng Châu Âu rằng các cơ quan điều tra không được phép căn cứ vào các quyết định của họ theo Điều 11.4 chỉ dựa trên thông tin được cung cấp trong đơn. Ban Hội thẩm đã bác bỏ lập luận này: "Không có ngôn ngữ nào trong Điều 11.4 hoặc trong Hiệp định SCM nói chung, cấm cơ quan điều tra đưa ra quyết định rằng đơn kiện đã được đưa ra 'bởi hoặc thay mặt cho ngành công nghiệp trong nước' chỉ dựa trên bằng chứng do nguyên đơn cung cấp Không có bất cứ tham chiếu nào trong Điều 11.4, hoặc ở quy định khác trong Hiệp định SCM, về các nguồn thông tin cụ thể phải hoặc không được sử dụng làm cơ sở cho việc xác định này. Quy định duy nhất liên quan đến chất lượng của bằng chứng cung cấp trong một đơn kiện là các yêu cầu chung trong Điều 11.2 và 11.3 Hiệp định SCM (cả hai điều mà Cộng đồng Châu Âu không viện dẫn trong các khiếu kiện của mình), rằng 'những khẳng định đơn giản, không được chứng minh bằng bằng chứng liên quan, không thể được coi là đủ' cho các mục đích của đơn kiện, và cơ quan có thẩm quyền phải 'xem xét tính chính xác và đầy đủ của bằng chứng được cung cấp trong đơn kiện'. Trọng tâm của các điều khoản này là chất lượng và độ tin cậy của bằng chứng, chứ không phải trên nguồn chính xác của nó. "

3.2 Mối quan hệ với Điều 5.4 Hiệp định CBPG

Trong vụ Hoa Kỳ- Đạo luật Bù trừ, Cơ quan Phúc thẩm lưu ý rằng Điều 5.4 Hiệp định CBPG và Điều 11.4 Hiệp định SCM là các quy định “giống nhau”.

4. Điều 11.6: Không áp dụng tiêu chuẩn tự khởi xướng đối với các cuộc rà soát hoàng hôn theo Điều 21.3

Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Thép các bon xác nhận kết luận của Ban Hội thẩm liên quan đến việc tự khởi xướng các cuộc rà soát hoàng hôn rằng "không có điều gì trong lời văn của Điều 11.6 quy định các tiêu chuẩn chứng minh được ngụ ý trong Điều 21.3" liên quan. "Trước khi phân tích nội dung của Điều 21.3 Hiệp định SCM, lưu ý rằng điều khoản này không có tham chiếu chéo rõ ràng đến các quy tắc chứng minh liên quan đến việc khởi xướng, chẳng hạn như những quy định có trong Điều 11.6. Do không có bất kỳ việc tham khảo chéo như vậy dẫn đến một số hậu quả rằng những nhà đàm phán Hiệp định SCM đã tích cực sử dụng các tham chiếu chéo để áp dụng các nghĩa vụ liên quan đến điều tra rà soát. Do đó, việc bỏ qua bất kỳ tham chiếu chéo rõ ràng nào là dấu hiệu cho thấy các nhà đàm phán Hiệp định SCM không có ý định áp dụng các tiêu chuẩn chứng cứ áp dụng cho việc tự khởi xướng điều tra theo Điều 11 để áp dụng cho việc tự khởi xướng rà soát theo Điều 21.3. "

5. Điều 11.9

5.1 Việc không áp dụng tiêu chuẩn tối thiểu đối với các rà soát hoàng hôn theo Điều 21.3

Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Thép các bon đã đảo ngược kết luận của Ban Hội thẩm rằng tiêu chuẩn 1% de minimis tại Điều 11.9 (áp dụng cho các cuộc điều tra về thuế đối kháng) có thể được "ngụ ý" trong Điều 21. Hiệp định SCM về các cuộc rà soát hoàng hôn về các quyết định thuế đối kháng. Cơ quan phúc thẩm nhận thấy rằng tất cả các khoản của Điều 11 liên quan đến việc các cơ quan có thẩm quyền khởi xướng và tiến hành cuộc điều tra về thuế đối kháng, và đặc biệt các điều khoản này phản ánh các quy tắc "chủ yếu mang tính chất thủ tục và chứng cứ." "Mặc dù các điều khoản của Điều 11.9 được quy định chi tiết liên quan đến các nghĩa vụ đối với các cơ quan có thẩm quyền, nhưng không có từ nào trong Điều 11.9 cho thấy rằng tiêu chuẩn de minimis có thể áp dụng ngoài giai đoạn điều tra thuế đối kháng. Cụ thể, Điều 11.9 không đề cập đến Điều 21.3, cũng như không đề cập đến các cuộc rà soát có thể theo sau việc áp thuế đối kháng."

Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Thép các bon đã chỉ trích cách tiếp cận của Ban hội thẩm đối với tiêu chuẩn tối thiểu trong Điều 21.3 và nhận xét rằng Ban Hội thẩm "tập trung" vào tiền đề rằng tiêu chuẩn de minimis của Điều 11.9 thể hiện một ngưỡng mà dưới mức đố trợ cấp sẽ không gây thiệt hại. Mặc dù Cơ quan Phúc thẩm nhận thấy rằng "không chắc" mức trợ cấp rất thấp có thể gây ra thiệt hại "đáng kể", nhưng Cơ quan này cho rằng Hiệp định SCM không loại trừ khả năng đó. Về vấn đề này, Cơ quan phúc thẩm lưu ý: "Không có nội dung nào tại Điều 11.9 gợi ý rằng tiêu chuẩn de minimis nhằm tạo ra một mục đặc biệt về trợ cấp 'không gây thiệt hại' hoặc phản ánh một khái niệm rằng trợ cấp ở mức thấp hơn ngưỡng tối thiểu không bao giờ có thể gây ra thiệt hại. Tiêu chuẩn de minimis trong Điều 11.9 không ngoài việc đặt ra một quy tắc đã thống nhất rằng nếu tồn tại trợ cấp de minimis trong một cuộc điều tra ban đầu, thì các cơ quan có thẩm quyền có nghĩa vụ chấm dứt cuộc điều tra của họ, với kết quả là không áp dụng thuế chống trợ cấp trong những trường hợp như vậy."

Sau đó, Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ- Thép các bon đã xem xét Điều 11.9 và các khoản khác của Điều 11 và kết luận rằng hầu hết các điều khoản này đưa ra các quy tắc có "bản chất chủ yếu mang tính thủ tục và bằng chứng" và "không có từ nào trong Điều 11.9 gợi ý rằng tiêu chuẩn de minimis có thể áp dụng ngoài giai đoạn điều tra thuế đối kháng. Đặc biệt, Điều 11.9 không đề cập đến Điều 21.3, cũng như không đề cập đến các cuộc rà soát có thể theo sau việc áp thuế đối kháng."

Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Thép các bon đặc biệt lưu ý rằng không có sự tham chiếu chéo văn bản giữa Điều 21.3 và Điều 11.9 và nhận thấy rằng: "Kỹ thuật tham chiếu chéo thường được sử dụng trong Hiệp định SCM ... Trong bối cảnh của nhiều tham chiếu chéo rõ ràng được đưa ra trong Hiệp định SCM, việc lưu ý rằng không có bất kỳ liên kết lời văn nào giữa các rà soát theo Điều 21.3 và tiêu chuẩn de minimis được quy định trong Điều 11.9 là rất quan trọng. Đây là điều đáng chú ý, xét đến thực tế là cả việc áp dụng tiêu chuẩn de minimis cho điều tra và việc quy định về điều khoản 'hoàng hôn', đều được coi là những bổ sung quan trọng đối với Bộ luật trợ cấp vòng Tokyo để cải thiện các nguyên tắc của GATT về trợ cấp và thuế đối kháng."

Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Thép các bon đã chú ý đến việc tham chiếu đến Điều 12 trong Điều 21.4 và lưu ý rằng việc thiếu tham chiếu đến Điều 11, "như một dấu hiệu cho thấy những nhà đàm phán dự định rằng các nghĩa vụ trong Điều 12, nhưng không phải những nghĩa vụ trong Điều 11, sẽ áp dụng cho các cuộc rà soát được thực hiện theo Điều 21.3. "

Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Thép các bon xem xét thêm rằng quyết định của Ban hội thẩm về việc "ngụ ý" tiêu chuẩn de minimis trong Điều 21.3 dựa trên thực tế là tiêu chuẩn de minimis của Điều 11.9 đưa ra một ngưỡng mà dưới đó việc trợ cấp là không gây thiệt hại. Cơ quan Phúc thẩm coi cách tiếp cận của Ban Hội thẩm là sai và chỉ ra rằng, Ban Hội thẩm đã không giải thích lý do tại sao họ cho rằng việc dựa vào Bản ghi chú năm 1987 do Ban Thư ký soạn thảo cho Nhóm đàm phán Vòng Uruguay về Trợ cấp và Các biện pháp đối kháng là phù hợp mà chỉ nêu một cách đơn giản rằng 'việc xem xét lý do cho việc áp dụng tiêu chuẩn de minimis cho các cuộc điều tra, như phản ánh tại một tiêu chuẩn cho các cuộc điều tra, như được phản ánh trong Bản ghi chú của Ban thư ký được soạn thảo vào tháng 4/1987 là rất hữu ích’. Dù sao, có vẻ như Bản ghi chú năm 1987 không ủng hộ kết luận của Ban hội thẩm rằng 'cơ sở' cho tiêu chuẩn de minimis trong Điều 11.9 là rằng trợ cấp theo mức tối thiểu được coi là không gây thiệt hại. Như bản thân Ban hội thẩm đã công nhận, Bản ghi chú năm 1987 đưa ra hai lý do cho các tiêu chuẩn de minimis, nhưng không cho thấy lý do nào trong số đó mang tính quyết định hơn hơn hoặc thích hợp hơn. Cũng không có bất kỳ bằng chứng nào được đưa ra trước Ban Hội thẩm cho thấy rằng các nhà đàm phán Hiệp định SCM đã cân nhắc những lý do này hoặc những lý do khác và bày tỏ ưu tiên đối với bất kỳ lý do nào trong số đó. Ban Hội thẩm diễn giải Điều 11.9 chỉ dựa trên một trong những lý do này. Ngay cả khi việc dựa vào Bản ghi chú năm 1987 trong việc giải thích Hiệp định SCM theo các quy tắc giải thích được quy định trong Công ước Viên là phù hợp, việc dựa vào một cách có chọn lọc tài liệu như vậy không cung cấp cơ sở thích hợp cho kết luận của Ban hội thẩm về vấn đề này. "

Ngoài ra, Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Thép các bon cho rằng: "Điều 15 của Hiệp định SCM, trong đó đề cập đến thiệt hại và cách xác định, trong đoạn 3, đề cập đến tiêu chuẩn de minimis trong Điều 11.9 chỉ nhằm mục đích xem xét cộng gộp hàng nhập khẩu. Hơn nữa, chú thích 45 của Điều 15 chỉ ra rằng, trong Hiệp định SCM, thuật ngữ 'thiệt hại', 'trừ khi được quy định khác', nhằm để: ... có nghĩa là thiệt hại đáng kể cho một ngành sản xuất trong nước, mối đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho một ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước và sẽ được giải thích theo các quy định của [Điều 15].

Khi xác định khái niệm thiệt hại, chú thích 45 không đề cập đến lượng trợ cấp liên quan."

Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Thép các bon cũng nhấn mạnh rằng: "Điều 1 Hiệp định SCM đưa ra định nghĩa về 'trợ cấp" áp dụng cho toàn bộ Hiệp định. Định nghĩa này bao gồm tất cả các khoản trợ cấp như vậy, bất kể lượng trợ cấp. Không có điều khoản nào trong Hiệp định SCM sử dụng thuật ngữ 'trợ cấp' giới hạn ý nghĩa của 'trợ cấp' theo nghĩa trợ cấp với tỷ lệ bằng hoặc vượt quá 1% trị giá, hoặc ở bất kỳ ngưỡng tối thiểu nào khác. Cũng cần lưu ý rằng, theo Phần II Hiệp định SCM, trợ cấp bị cấm là bị cấm bất kể lượng trợ cấp là bao nhiêu.

Các thuật ngữ 'trợ cấp' và 'thiệt hại' đều có một ý nghĩa độc lập trong Hiệp định SCM mà không thể suy ra khái niệm này bằng cách tham khảo khái niệm kia. Có vẻ như là mức trợ cấp rất thấp không thể được chứng minh là có thể gây ra thiệt hại vật chất. Tuy nhiên, khả năng như vậy không bị loại trừ bởi Hiệp định vì thiệt hại không được định nghĩa trong Hiệp định SCM liên quan đến bất kỳ mức trợ cấp cụ thể nào."

Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Thép các bon sau đó đã xem xét lịch sử đàm phán của Hiệp định SCM và xác nhận quan điểm về ý nghĩa của Điều 21.3: "Việc dựa vào lịch sử đàm phán của Hiệp định SCM có xu hướng xác nhận quan điểm về ý nghĩa của Điều 21.3. Hai vấn đề, đó là việc áp dụng một tiêu chuẩn de minimis cụ thể trong các cuộc điều tra và việc đưa ra một giới hạn thời gian đối với việc duy trì thuế đối kháng, được coi là rất quan trọng và là chủ đề của các cuộc đàm phán kéo dài ... Lời văn cuối cùng của Điều 11.9 và Điều 21.3 là kết quả của các sự thương lượng được đàm phán một cách cẩn thận, được đưa ra từ một loạt các đề xuất khác nhau, phản ánh lợi ích và quan điểm khác nhau. Về mặt này rằng không ai trong số những bên tham gia kháng cáo này chỉ ra bất kỳ tài liệu nào cho thấy rằng việc đưa vào ngưỡng de minimis đã từng được xem xét trong các cuộc đàm phán về các điều khoản rà soát hoàng hôn dẫn đến lời văn của Điều 21.3."

5.2. Loại trừ các nhà xuất khẩu khỏi các đợt rà soát hành chính tiếp theo và các rà soát thay đổi hoàn cảnh

Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Mexico - Các biện pháp chống bán phá giá đối với gạo, kết luận rằng cơ quan điều tra phải loại trừ khỏi biện pháp chống bán phá giá bất kỳ nhà xuất khẩu nào được kết luận là có biên độ phá giá bằng 0 hoặc de minimis, đồng ý thêm với Ban hội thẩm rằng hậu quả là: "các nhà xuất khẩu này không thể bị rà soát hành chính và thay đổi hoàn cảnh, bởi vì các cuộc rà soát đó lần lượt xem xét 'thuế đã trả' và 'sự cần thiết phải tiếp tục áp thuế.' Nếu cơ quan điều tra phải thực hiện một rà soát các nhà xuất khẩu đã bị loại trừ khỏi biện pháp chống bán phá giá do biên độ phá giá của họ là de minimis, những nhà xuất khẩu đó sẽ bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, điều này không phù hợp với Điều 5.8. Cũng có thể áp dụng như vậy đối với Điều 11.9 Hiệp định SCM. "

Áp dụng lý luận này, Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Mexico - Các biện pháp chống bán phá giá đối với gạo đã kết luận rằng bằng cách yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành rà soát đối với các nhà xuất khẩu có biên độ phá giá bằng 0 và de minimis, Điều 68 của Đạo luật Ngoại thương Mexico là không phù hợp với Điều 5.8 của Hiệp định chống bán phá giá và Điều 11.9. Hiệp định SCM.

6. Điều 11.11: "trong mọi trường hợp không quá 18 tháng"

Ban hội thẩm tại vụ Mexico - Dầu ô liu nhận thấy rằng yêu cầu quy định trong Điều 11.1 là "rõ ràng và dứt khoát". Ban hội thẩm cho rằng "không có cơ sở trong điều khoản này (cũng như thẩm quyền trong bất kỳ phần nào khác của Hiệp định SCM) để kéo dài một cuộc điều tra vượt quá 18 tháng vì bất kỳ lý do gì, kể cả yêu cầu từ các bên liên quan". Vì cuộc điều tra của Mexico đã vượt quá 18 tháng, Ban Hội thẩm kết luận rằng Mexico đã hành động không phù hợp với Điều 11.1.

7. Mối quan hệ với các điều khoản của Hiệp định SCM: Điều 21

Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ- Thép các bon (Ấn Độ) đã đề cập đến khả năng áp dụng Điều 11 đối với các cuộc rà soát hành chính được tiến hành theo Điều 21.2 Hiệp định SCM. Cơ quan Phúc thẩm đã phân biệt Điều 11, trong đó quy định cách thức khởi xướng "[các] cuộc điều tra ban đầu", với Điều 21, "một quy tắc chung", mà sau khi áp dụng thuế chống đối kháng, các đối tượng tiếp tục áp dụng thuế đó theo các nguyên tắc nhất định bằng cách đặt ra các yêu cầu để rà soát định kỳ. Cơ quan Phúc thẩm nhận thấy những khác biệt bổ sung giữa thẩm quyền của cơ quan điều tra trong việc tiến hành điều tra ban đầu theo Điều 11 và rà soát hành chính theo Điều 21.2. Hơn nữa, Cơ quan Phúc thẩm nhắc lại lập luận tại vụ Hoa Kỳ- Thép các bon, theo đó đã nhấn mạnh rằng các cuộc điều tra ban đầu và rà soát hoàng hôn theo Điều 21 là "các quy trình riêng biệt với các mục đích khác nhau." Cơ quan Phúc thẩm cũng lưu ý rằng ngôn ngữ của Điều 21 không dẫn chiếu tới các yêu cầu tại Điều 11, điều này ủng hộ kết luận rằng các yêu cầu của Điều 11 không áp dụng cho các cuộc rà soát hành chính được thực hiện theo Điều 21.2: "Ngoài ra, trong khi Điều 21.4 áp đặt các quy tắc chứng minh tại Điều 12 Hiệp định SCM đối với các cuộc rà soát được tiến hành theo Điều 21, ngôn ngữ của Điều 21 không nhắc đến một cách rõ ràng các yêu cầu của Điều 11 đối với việc tiến hành các cuộc rà soát hành chính theo Điều 21. ... Cả [Điều 21.2 và 21.3] ... đều tập trung về các vấn đề trong tương lai giống nhau. Trong phạm vi trọng tâm của việc rà soát theo Điều 21.2 tương tự như trong Điều 21.3, điều này cho thấy rằng các yêu cầu nêu tại Điều 11 Hiệp định SCM sẽ không áp dụng cho các cuộc rà soát hành chính được thực hiện theo Điều 21.2 của Hiệp định SCM".

Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ- Thép các bon (Ấn Độ) sau đó đã giải quyết quan điểm của Ấn Độ rằng Điều 11 là "điều khoản duy nhất trong Hiệp định SCM đề cập đến việc kiểm tra 'sự tồn tại, mức độ và tác động của bất kỳ khoản trợ cấp bị cáo buộc nào’." Cơ quan Phúc thẩm không đồng ý với quan điểm này: "Trong cuộc điều tra ban đầu được thực hiện theo Điều 11 của Hiệp định SCM, cơ quan điều tra phải chứng minh rằng tất cả các điều kiện quy định trong Hiệp định SCM đối với việc áp thuế đối kháng đều được thực hiện. Tuy nhiên, trong một cuộc rà soát hành chính, cơ quan điều tra phải giải quyết chỉ những vấn đề đã được các bên quan tâm nêu ra trước đó hoặc, trong trường hợp việc điều tra được tiến hành theo sáng kiến của chính cơ quan điều tra thì là những vấn đề đảm bảo cho việc kiểm tra. Ban Hội thẩm không cho rằng việc xem xét các trợ cấp mới trong rà soát hành chính thay đổi các phạm vi điều tra khác nhau khác nhau về cơ bản này theo Điều 11 và 21 Hiệp định SCM."

Tin tức khác