Thực tiễn điều tra vấn đề tình hình thị trường đặc biệt của Liên minh Châu Âu

Tính đến năm 2018, EU đã điều tra 596 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu chiếm tỷ lệ 8,9% tổng số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của tất cả thành viên WTO. Trong số 596 vụ việc được khởi xướng, các biện pháp chống bán phá giá được điều tra nhiều nhất với 510 vụ việc (chiếm tỷ 85%). Có thể thấy, tương tự như Hoa Kỳ, EU cũng là thành viên ưu tiên sử dụng công cụ chống bán phá giá trong các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tương tự như Hoa Kỳ, EU cũng thường xuyên đưa ra các cách giải thích để áp dụng các quy định của các hiệp định liên quan của WTO một cách linh hoạt, hiệu quả nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với các biện pháp phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, khác với Hoa Kỳ, trước khi sửa đổi các điều khoản về phòng vệ thương mại năm 2016, EU liệt kê rõ ràng trong quy định pháp luật thành viên nào là nền kinh tế phi thị trường và áp dụng phương pháp giá trị thay thế. Do thời hạn để mặc nhiên coi các thành viên là nền kinh tế phi thị trường trước đây đã kết thúc nên EU đã buộc phải sửa đổi lại pháp luật về phòng vệ thương mại để phù hợp với hoàn cảnh mới.

Theo quy định pháp luật được ban hành năm 2017, nội dung quan trọng khi xác định PMS đó là sự “can thiệp của nhà nước” khi thị trường có nhiều các công ty/doanh nghiệp lớn có sở hữu, chịu sự chỉ đạo hoặc kiểm soát của cơ quan chính phủ. PMS cũng có thể xảy ra khi cơ quan nhà nước ban hành, triển khai các chính sách can thiệp vào giá hay chi phí sản xuất. Bên cạnh sự “can thiệp của nhà nước”, EU sẽ xem xét cả vấn đề “bóp méo đáng kể” có tồn tại hay không, nếu sự can thiệp của nhà nước là không đáng kể, EU sẽ không kết luận có PMS đối với các giao dịch nội địa. Khi xem xét nội dung “bóp méo đáng kể”, EU sẽ  đánh giá một số tiêu chí như chính sách của nhà nước và mức độ ảnh hưởng; sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước, sự phân biệt đối xử doanh nghiệp, sự độc lập của các chủ thể tài chính. Thêm vào đó, để đề phòng trường hợp gặp khó khăn khi xác định PMS trong quá trình đánh giá các yếu tố trên, EU cũng đã chuẩn bị sẵn một số báo cáo ngành, lĩnh vực cụ thể tại một số quốc gia có dấu hiệu bóp méo thị trường. Năm 2018, EU đã công bố báo cáo này đối với nền kinh tế Trung Quốc trong đó kết luận tồn tại tự bóp méo thị trường đáng kể tại quốc gia này dựa trên các tiêu chí như: sự kiểm soát của chính phủ về đất đai, kiểm soát giá năng lượng, kiểm soát hệ thống tín dụng, kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, chi phí đầu vào khác như than đá, nước...

Thêm vào đó, do pháp luật về phòng vệ thương mại mới đã bỏ sự phân định giữa các quốc gia có nền kinh tế thị trường và phi thị trường nên việc xác định bóp méo thị trường có thể được thực hiện ở bất kỳ nền kinh tế nào, ngành sản xuất nào. Như vậy, thẩm quyền cũng như phạm vi xác định PMS khi tồn tại sự bóp méo thị trường đã được mở rộng hơn sang cả những nền kinh tế thị trường.

Một số vụ việc điển hình

a) Vụ việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm sợi 

Đây là vụ việc EU điều tra chống bán phá giá sản phẩm sợi của Brazil vào năm 1989[1]. Trong vụ việc này, EU hoàn toàn căn cứ vào giá giao dịch nội địa của Brazil để xác định giá trị thông thường của sản phẩm tương tự và từ đó so sánh với giá xuất khẩu để xác định biên độ bán phá giá sản phẩm bị điều tra. Tuy nhiên, cách xác định biên độ như vậy trong vụ việc này là không phù hợp với các quy định của ADA khi việc so sánh giữa giá trị thông thường và giá xuất khẩu chưa chính xác.

Điều này được giải thích là do đầu năm 1989, do lạm phát tăng cao tại Brazil, chính phủ nước này đã đóng băng tỷ giá hối đoái giữa đồng nội tệ và đồng đô-la Mỹ. Việc đóng băng tỷ giá hối đoái khiến giá nội địa tiếp tục tăng trong khi giá xuất khẩu vẫn ổn định. Vì vậy, biên độ bán phá giá đã bị đẩy lên cao và không phản ánh đúng thực tế. Đây là vụ việc đầu tiên xuất hiện PMS khiến việc so sánh giữa giá trị thông thường và giá xuất khẩu không chính xác theo quy định tại Điều 2.2 của Hiệp định ADA. 

b) Vụ việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm dầu biosel

Ngày 29 tháng 8 năm 2012, EU đã ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với dầu biodiesel[2] nhập khẩu từ Achentina và Indonesia căn cứ trên đơn kiện do Ủy ban Biodiesel EU, đại diện cho hơn 25% tổng sản lượng dầu biodiesel của EU. Sản phẩm bị điều tra trong vụ việc này là dầu nhiêu liệu sinh học hay este của axit béo có thể có mã HS: 1516 20 98; 1518 0091; 1518 0095; 1518 0099; 2710 1943; 2710 1946; 2710 1947; 2710 2011; 2710 2015; 2710 20 17; 3824 9097; 3826 0010 và 3826 00 90.

Ngày 29 tháng 5 năm 2013, EU đã ban hành kết luận sơ bộ trong đó áp thuế chống bán phá giá tạm thời từ 65 euro/tấn - 104 euro/tấn với hàng hóa xuất khẩu từ Argentina và 0 - 84 euro/tấn đối với hàng hóa xuất khẩu từ Indonesia.

Ngày 26 tháng 11 năm 2013, EU công bố kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra và áp thuế chống bán phá giá với mức 216 euro/tấn – 245 euro/tấn với hàng hóa của Argentina và 76 euro/tấn – 178 euro/tấn với hàng hóa xuất khẩu của Indonesia.

Trong vụ việc này, khi xác định giá trị thông thường sản phẩm của Argentina và Indonesia, EU cho rằng thuế xuất khẩu nguyên liệu đầu vào đã làm sai lệch chi phí sản xuất tại các quốc gia này do đó việc so sánh giữa giá trị thông thường và giá xuất khẩu sẽ không chính xác nếu sử dụng chi phí sản xuất tại Argentina và Indonesia. Theo lý giải của cơ quan điều tra, việc áp thuế xuất khẩu cao với nguyên liệu sản xuất đã khiến lượng nguyên liệu trong nước luôn dồi dào và mang tính cạnh tranh cao làm cho giá nguyên liệu thấp “không thực tế” (artificial low).

Trên cơ sở đó, trong vụ việc này, EU kết luận tồn tại PMS do chính sách thuế của chính phủ đã can thiệp vào giá nguyên liệu khiến chi phí sản xuất không phản ánh đúng thực tế và sử dụng phương pháp giá trị thay thế để tính toán giá trị thông thường.