Hội nghị tập huấn “Quy định và thực tiễn về các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh mới” tại TP. Huế

Ngày 27 tháng 7 năm 2023, Cục Phòng vệ thương mại đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị tập huấn “Quy định và thực tiễn về các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh mới” tại TP. Huế. Hội nghị nằm trong chuỗi các hoạt động triển khai Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giai đoạn 2022-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1659/QĐ-TTg ngày 2 tháng 10 năm 2021.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, đại diện các sở, ngành, địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, thương mại trên địa bản tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại Hội nghị, báo cáo viên đại diện Cục Phòng vệ Thương mại đã giới thiệu tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại, thực tiễn của các biện pháp phòng vệ thương mại do Việt Nam tiến hành, quy định pháp luật và điều tra, và các tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại. Trên thực tế, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến hết tháng 6 năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường quốc tế đã phải đối mặt với 231 vụ kiện phòng vệ thương mại. Trong đó, số lượng vụ việc điều tra chống bán phá giá (128 vụ), tiếp đến là vụ việc tự vệ (47 vụ), điều tra lẩn tránh thuế (33 vụ) và chống trợ cấp (23 vụ). Ở chiều ngược lại, các công cụ phòng vệ thương mại nếu được áp dụng hợp lý sẽ là tấm khiên để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các hàng rào thuế quan thông thường sẽ được giảm dần theo các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế. Cho đến nay, Việt Nam cũng đã điều tra 26 vụ việc phòng vệ thương mại trong đó có 17 vụ việc chống bán phá giá, 06 vụ việc tự vệ, 01 vụ việc chống trợ cấp và 02 vụ việc chống lẩn tránh.

Bên cạnh đó, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cũng chia sẻ về tình hình xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cùng các cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam sang Hoa Kỳ bị sụt giảm, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm này có thể kể đến như: tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao ở Hoa Kỳ, FED tiếp tục tăng lãi suất… Trên cơ sở phân tích các cơ hội và thách thức vi mô, vĩ mô, bài trình bày đã đưa ra các khuyến nghị cho Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ Doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại giữa hai nước nói chung.

Hội nghị tập huấn cũng có sự tham gia và trình bày của đại diện Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực TP. Hồ Chí Minh, bài trình bày chủ yếu tập trung vào các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ đối với mặt hàng dệt may trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia, qua đó giúp các Doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt đối với mặt hàng dệt may có một cái nhìn tổng quan về các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ nhằm tạo điều kiện việc xuất nhập khẩu được diễn ra một cách thuận lợi.

Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục chủ động và tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phòng vệ thương mại là nội dung cần được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm hơn nữa để có thể tận dụng hiệu quả các ưu đãi cắt giảm thuế từ các hiệp định đồng thời giảm thiểu các rủi ro bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

 Thông qua hội nghị, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những hiểu biết sâu sắc hơn về các biện pháp phòng vệ thương mại và cách thức áp dụng, xử lý có hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp.

Tin tức khác