Hội thảo ngành thép Việt Nam với việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại trong tình hình mới

Ngày 23 tháng 9 năm 2019, tại Hà Nội, Cục Phòng vệ thương mại phối hợp với Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) tổ chức Hội thảo “Ngành thép Việt Nam với việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại trong tình hình mới” nhằm cung cấp những thông tin về ngành thép thế giới, trong khu vực và Việt Nam; tình hình và thực trạng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đang được sử dụng trong ngành thép.

Buổi hội thảo dưới sự chủ trì của Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại và ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội thép (VSA), tham gia hội thảo có các đại biểu đến từ các đơn vị: Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công thương, Cục Công nghiệp – Bộ Công thương, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan và các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội cùng các cơ quan báo chí.

Khai mạc hội thảo, Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh hội thảo không chỉ dừng ở việc ngành thép Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại mà còn là sự ứng phó các vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp đối với ngành thép trong suốt thời gian vừa qua. Việc tăng trưởng không ngừng và gia tăng chuỗi giá trị của ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu.

Đại diện từ Hiệp hội thép - Ông Nghiêm Xuân Đa – chủ tịch VSA cũng nêu: ngành thép Việt Nam đang có những cơ hội mới để chuyển mình mạnh mẽ trên thị trường thép trên thế giới và khu vực nhưng bên cạnh đó là những nguy cơ về các vấn đề phát sinh, tình hình mất cân đối cung cầu trong nước cũng như gia tăng tình trạng gian lận xuất xứ. Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi thông tin về tình hình phát triển của ngành thép của Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như những giải pháp mà ngành thép sẽ phải giải quyết trong thời gian tới, đồng thời xây dựng một cơ chế đối thoại chính sách giữa các thành viên của hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong bài báo cáo “Tổng quan ngành Thép Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Ông Trịnh Khôi Nguyên – Phó Chủ tịch Hiệp hội đã tóm tắt về tổng quan thị trường thép trên thế giới, trong khu vực Đông Nam Á, thị trường trong nước và các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép. Kể từ năm 2004, tổng số các vụ nước ngoài kiện sản phẩm thép Việt Nam lên tới 52 vụ việc, bao gồm 30 vụ chông bán phá giá, 3 vụ chống trợ cấp, 3 vụ chống bán phá giá và chống trợ cấp, 9 vụ tự vệ toàn cầu, 6 vụ chống lẩn tránh thuế và 1 vụ sử dụng biện pháp theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act).

Ông Tô Thái Ninh – Trưởng phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp Cục phòng vệ thương mại đã nêu khái quát các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam hiện đang bị cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như: thép hình H, thép không gỉ cán nguội, thép cuộn cán nguội, thép mạ, thép phủ màu. Ông nhấn mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại Việt Nam áp dụng hiện nay chỉ có thể sử dụng với các sản phẩm mà các ngành sản xuất trong nước đã sản xuất được như thép phủ màu, thép mạ; còn đối với các sản phẩm mà chưa sản xuất được thì các cơ quan quản lý nhà nước chưa thể sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.

Về tình hình các hoạt động xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với sản phẩm thép, bà Nguyễn Hằng Nga – Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài cho biết số lượng vụ việc PVTM với sản phẩm thép chiếm 39,1% trong tổng số vụ việc các sản phẩm của Việt Nam bị áp dụng, trong đó Hoa Kỳ và EU là hai thị trường sử dụng các công cụ PVTM nhiều nhất. Bà cho biết đã có 13 vụ việc được chấm dứt điều tra, 33 vụ việc có kết luận cuối cùng áp thuế ( trong đó có 3 vụ việc đã hết hạn áp thuế), 3 vụ có kết luận cuối cùng không áp thuế và 12 vụ đang trong quá trình điều tra.

Buổi hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp, các thành viên của Hiệp hội thép Việt Nam. Các ý kiến chia sẻ và băn khoăn của đại biểu đều được ban tổ chức ghi nhận và giải đáp đầy đủ. Kết thúc hội thảo, các đại biểu tham dự bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Hiệp hội thép Việt Nam và Cục PVTM sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền và thực thi pháp luật PVTM với các chủ đề có tính thực tiễn cao cùng những khuyến nghị, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trên con đường hội nhập và vươn ra thị trường thế giới.