Quy định mới về thực thi thương mại mạnh mẽ của EU chính thức có hiệu lực

Ngày 13/2/2021, quy định mới về thực thi thương mại của EU chính thức có hiệu lực. Quy định này sẽ tăng cường hơn nữa các công cụ bảo vệ lợi ích của EU nhằm bảo vệ các lợi ích của mình. Với việc hoàn thiện Quy định thực thi thương mại, EU có thể đưa ra các hành động trong nhiều trường hợp hơn.

Quy định mới tăng cường năng lực thực thi của EU với các thay đổi như sau:

- Cho phép EU đưa ra hành động để bảo vệ lợi ích thương mại của mình trong khuôn khổ WTO và theo các Hiệp định thương mại song phương khi một vụ việc tranh chấp thương mại bị cản trở dù cho EU đã nỗ lực một cách thiện chí trong việc tuân thủ các quy định về giải quyết tranh chấp (Quy định trước đây chỉ cho phép đưa ra hành động sau khi kết thúc quá trình giải quyết tranh chấp); và

- Mở rộng phạm vi quy định và phạm vi các biện pháp ứng phó về chính sách thương mại liên quan đến dịch vụ và một số khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Quy định trước đây chỉ cho phép các biện pháp đối kháng với hàng hóa).

Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Ủy viên Thương mại, Valdis Dombrovskis, cho biết: “Liên minh châu Âu phải có khả năng tự bảo vệ mình trước các hành vi thương mại không công bằng. Các quy định mới này sẽ giúp bảo vệ EU khỏi các nước cố gắng tận dụng độ mở của EU. EU sẽ tiếp tục nỗ lực theo đuổi ưu tiên của mình là các quy định đa phương được cải cách và hoạt động hiệu quả cùng với một hệ thống giải quyết tranh chấp hiệu quả là cốt lõi.”. Hiện nay, EU đang củng cố hơn nữa các công cụ của Liên minh để tập trung vào việc tuân thủ và thực thi các thỏa thuận thương mại của EU.

Đảm bảo việc tôn trọng các cam kết đã thỏa thuận với các đối tác thương mại khác là một yếu tố ưu tiên của Ủy ban châu Âu. Do đó, EU tăng cường tập trung vào việc thực thi các cam kết với các đối tác trong các thỏa thuận thương mại song phương, khu vực và đa phương. Để thực hiện như vậy, EU sẽ dựa vào một loạt các công cụ.

Đề xuất sửa đổi Quy chế Thực thi hiện hành được đưa ra như một phản ứng trước sự đóng băng hoạt động của Cơ quan Phúc thẩm WTO. Quy định hiện tại – là cơ sở theo luật của EU để áp dụng các biện pháp ứng phó thương mại - yêu cầu một vụ tranh chấp phải được thực hiện theo các thủ tục của WTO, bao gồm cả giai đoạn kháng cáo, trước khi Liên minh có thể phản ứng. Việc Cơ quan Phúc thẩm của WTO không hoạt động cho phép các Thành viên WTO trốn tránh các nghĩa vụ của mình và thoát khỏi một phán quyết ràng buộc bằng cách đơn giản là kháng cáo báo cáo của ban hội thẩm.

Quy chế sửa đổi cho phép EU phản ứng ngay cả khi WTO chưa đưa ra phán quyết cuối cùng vì thành viên WTO khác ngăn chặn thủ tục tranh chấp bằng cách kháng cáo lên Cơ quan phúc thẩm đang không hoạt động và bằng cách không đồng ý với một trọng tài thay thế theo Thỏa thuận giải quyết tranh chấp của WTO.

Cơ chế mới này cũng áp dụng cho việc giải quyết tranh chấp liên quan đến các hiệp định thương mại khu vực hoặc song phương mà EU là thành viên nếu phát sinh sự tắc nghẽn tương tự. EU sẽ có thể phản ứng trong trường hợp các đối tác thương mại cản trở việc giải quyết tranh chấp hiệu quả ví dụ như bằng cách ngăn chặn việc lựa chọn thành viên Ban hội thẩm.

Tham khảo quy định mới tại đây