Hội thảo: “Phòng vệ thương mại trong hiệp định RCEP: Quy định và thực tiễn” ngày 30 tháng 6 năm 2022

Ngày 30 tháng 6 năm 2022, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Phòng vệ thương mại trong hiệp định RCEP: Quy định và thực tiễn”. Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ đề án“Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tuyên truyền, giới thiệu các quy định về phòng vệ thương mại đến cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ các quy định về phòng vệ thương mại để tận dụng các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng như chủ động bảo vệ sản xuất trong nước trong quá trình thực thi Hiệp định.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Tp.Hồ Chí Minh, Hội Dệt May Thêu Đan TP.Hồ Chí Minh và đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh trong thời gian qua, xuất khẩu tăng trưởng nhanh thể hiện năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng cao hơn, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có chỗ đứng vững chắc tại nhiều thị trường trên thế giới. Đặc biệt khi Hiệp định RCEP có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2022, xuất khẩu sang thị trường các đối tác ký kết Hiệp định càng có cơ hội phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể yêu cầu chính phủ sở tại sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần trang bị những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại để có thể chủ động xử lý trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp trở thành đối tượng bị nước ngoài điều tra. Nắm được những kiến thức này, các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại một cách phù hợp với quy định pháp luật để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng nhập khẩu.

Tại Hội thảo, các diễn giả của Cục Phòng vệ thương mại đã giới thiệu hệ thống pháp luật và thực tiễn phòng vệ thương mại Việt Nam trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới, quy định về phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP; đồng thời các diễn giả cũng cung cấp các thông tin về các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và đưa ra những hướng dẫn và một số lưu ý cho doanh nghiệp, hiệp hội, hội, ngành hàng khi tham gia vào các vụ kiện phòng vệ thương mại./.

Tin tức khác