Cục Phòng vệ thương mại tổ chức Tọa đàm “Xuất khẩu thủy sản bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế - Nhìn lại một số trường hợp tiêu biểu”

Những năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong top 3 nước xuất khẩu mặt hàng thủy sản trên toàn thế giới. Theo thông tin của Tổng cục Thủy sản, mặc dù trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19, thủy sản vẫn giữ vững được vị thế của ngành với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước tính đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2020. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu đối với mặt hàng thủy sản của nước ta, theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 1,45 tỷ USD, trong đó tôm, cá tra, cá ngừ là 3 dòng sản phẩm chính xuất khẩu sang thị trường này.

So với các ngành khác, thủy sản là một trong những ngành đối diện với các vụ việc PVTM do nước ngoài điều tra sớm nhất khi mà Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với cá tra, basa năm 2002 và với tôm nước ấm năm 2003. Bên cạnh đó, trong tổng số 05 vụ việc giải quyết tranh chấp của Việt Nam khởi kiện tại WTO, có đến 04 vụ việc liên quan tới ngành thủy sản của Việt Nam và thu được những kết quả tích cực. Cho đến nay, Việt Nam đã trải qua 18 kỳ rà soát thuế CBPG đối với cá tra, basa và 16 kỳ rà soát CBPG đối với tôm nước ấm. Trong các lần rà soát, có những kỳ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và tôm của Việt Nam được hưởng mức thuế suất thấp (từ 0-1%), tuy nhiên có một số doanh nghiệp phải chịu thuế suất cao. Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau trong các lần rà soát hầu hết liên quan đến các yếu tố như mức độ hợp tác của doanh nghiệp với cơ quan điều tra Hoa Kỳ; cách thức cơ quan điều tra Hoa Kỳ tiến hành trong kỳ rà soát đó.

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm sử dụng và ứng phó các công cụ phòng vệ thương mại của ngành, ngày 28 tháng 12 năm 2021, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) đã phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay (Báo Điện tử Dân Việt) tổ chức thành công buổi Tọa đàm chuyên môn trực tuyến với chủ đề Xuất khẩu thủy sản bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế - Nhìn lại một số trường hợp tiêu biểu. Buổi Tọa đàm có sự góp mặt của đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam và chuyên gia nông nghiệp.

Tại đây, các chuyên gia trao đổi nhiều nội dung thiết thực về thực trạng và triển vọng phát triển của ngành sản xuất, chế biến thủy sản; những cơ hội và tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản xuất phát từ lợi thế hội nhập; những rào cản phòng vệ thương mại và những kinh nghiệm thực tiễn mà ngành thủy sản có được từ các vụ kiện của nước ngoài; các khó khăn, thách thức mà ngành thủy sản sẽ tiếp tục phải đối mặt trong tương lai. Kinh nghiệm của ngành thủy sản trong các vụ việc phòng vệ thương mại cũng là bài học cho các ngành sản xuất, xuất khẩu khác của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển xuất khẩu một cách bền vững.

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Phòng vệ thương mại sẽ luôn đồng hành với các hiệp hội, doanh nghiệp và sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động đa dạng nhằm nâng cao “sức đề kháng” của doanh nghiệp đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Chi tiết buổi Tọa đàm xem tại: https://tv.danviet.vn/truc-tiep-toa-dam-xuat-khau-thuy-san-ben-vung-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-nhin-lai-mot-so-truong-hop-tieu-bieu-20211228091037031.htm

Tin tức khác