Cục Phòng vệ thương mại tổ chức Hội nghị “Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do” tại tỉnh Khánh Hoà

Gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại quốc tế đang là xu thế mà nhiều quốc gia sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, đặc biệt là khi sản xuất của các nước đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID -19. Những ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP

Khánh Hoà là tỉnh có thế mạnh về xuất khẩu thuỷ sản, dệt may và cũng là địa phương sản xuất đường mía. Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất quan tâm về việc nâng cao khả năng ứng phó với các vụ kiện PVTM đối với thuỷ sản (như vụ kiện chống bán phá giá cá da trơn và tôm của Hoa Kỳ) cũng như bảo vệ sản xuất đối với ngành mía đường.

Nhằm giúp các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện PVTM ở nước ngoài, đồng thời hạn chế những thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, ngày 9 tháng 5 năm 2022, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Sở Công Thương Khánh Hòa tổ chức hội nghị “Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do”.

Hội nghị có sự tham gia của bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại, đại diện Sở Công Thương Khánh Hòa và các diễn giả đến từ Cục Phòng vệ thương mại, cùng sự tham dự của hơn 60 đại biểu đến từ các sở ban ngành, các cơ quan, đơn vị, hội, hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã trao đổi nhiều nội dung thiết thực về hệ thống pháp luật và thực tiễn PVTM Việt Nam trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới; ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; thực tiễn và tác động của các biện pháp PVTM trong thời gian qua; một số lưu ý đối với doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ PVTM và ứng phó với vụ kiện PVTM của nước ngoài.

PVTM là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay nhận trợ cấp từ Chính phủ, hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa. Chính vì vậy, cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp PVTM cũng ngày càng được các nước sử dụng nhiều hơn. Nhiều nước coi PVTM  là "van an toàn" trong chính sách ngoại thương để ổn định sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm của người lao động.

Trong vòng 10 năm lại đây, chính sách về xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có nhiều thay đổi, đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, khu vực và đa phương. Điều này một mặt mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về gia tăng, gian lận nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lẩn tránh thuế PVTM. Theo nhận định từ các chuyên gia, công cụ PVTM được dự báo sẽ trở thành "trụ cột" để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những tác động tiêu cực gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu.

Tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Các thị trường có tần suất điều tra nhiều là Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Úc và Canada. Việc bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khiến một số mặt hàng xuất khẩu phải chịu mức thuế cao, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cả ngành hàng, ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của hàng triệu lao động và gây tác động lớn đến chính sách xuất nhập khẩu, suy giảm lợi thế là quốc gia xuất khẩu hàng đầu trong khu vực của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã tiến hành điều tra 25 vụ việc PVTM, trong đó có 16 vụ việc chống bán phá giá, 06 vụ việc tự vệ, 02 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM và 01 vụ việc chống trợ cấp. Mười sáu biện pháp phòng vệ thương mại hiện đang áp dụng đối với một số mặt hàng nhập khẩu. Điều này cho thấy Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp PVTM như một công cụ để bảo đảm môi trường thuơng mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Hội nghị đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp, hiệp hội. Các ý kiến chia sẻ và băn khoăn của đại biểu đều được ban tổ chức ghi nhận và giải đáp đầy đủ. Hội nghị cũng là dịp để các doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhìn nhận về cơ hội và thách thức mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, giúp các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện PVTM ở nước ngoài, đồng thời hạn chế những thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.

 

 

Tin tức khác