Bộ Công thương họp triển khai Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”

Nhằm khẩn trương thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” (Đề án 824), ngày 09 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp nhằm triển khai Đề án với sự tham gia của các đơn vị có liên quan trong Bộ như Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ thị trường Châu Âu- Châu Mỹ, Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi, Vụ thị trường trong nước, Vụ kế hoạch… và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Tại cuộc họp, đại diện Cục Phòng vệ thương mại đã trình bày về sự cần thiết của công tác đấu tranh chống các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng như gian lận xuất xứ, nhằm hướng tới môi trường xuất khẩu bền vững, đảm bảo uy tín của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Cụ thể, trước tình hình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đang tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như CPTPP hay mới đây nhất là FTA với EU (EVFTA), cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu là rất lớn nhưng song hành cùng nó là những thách thức không hề nhỏ. Chúng ta cần theo dõi, giám sát những ngành hàng phát triển xuất khẩu quá nóng hoặc tình trạng doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng chính sách đầu tư để sản xuất "một cách hình thức" rồi lấy xuất xứ Việt Nam nhằm hưởng thuế quan ưu đãi. Trong bối cảnh số lượng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nước ta ngày càng gia tăng, Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” ra đời là một giải pháp quan trọng, nhanh chóng, kịp thời để đối phó với tình trạng này, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và khai thác hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới và các Hiệp định thương mại đã ký kết, phát triển bền vững xuất khẩu, bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính của Việt Nam. Đề án đã chỉ ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cả trước mắt cũng như lâu dài để cảnh báo và giảm thiểu tác động của các vụ việc điều tra trong tương lai như sau:

(i) Giám sát và trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng về các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường cụ thể;

(ii) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O);

(iii) Thu hút đầu tư một cách có chọn lọc, không để các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng Việt Nam để trở thành điểm "trung chuyển" hàng hóa sang các nước khác;

(iv) Chủ động xây dựng cơ chế hợp tác với các đối tác thương mại lớn nhằm phối hợp ngăn chặn các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận thương mại và gian lận xuất xứ.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng, các đơn vị liên quan đều đã đề xuất giải pháp triển khai Đề án cũng như kiến nghị xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị để triển khai Đề án hiệu quả và nhanh chóng ngay trong nửa đầu tháng 7/2019 như đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu, tăng cường thực hiện truy xuất nguồn gốc, rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý...

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc Quyết định 824/QĐ-TTg được ban hành đã đặt tầm vóc của công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp PVTM lên một tầm cao mới. Đây là nền tảng để thực hiện hiệu quả chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVTA. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trong Bộ phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc triển khai Đề án với nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là các đơn vị cùng phối hợp xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ Công thương theo sát Đề án mà Thủ tướng phê duyệt. Tiếp theo cần xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành liên cơ quan và cũng như có cơ chế phối hợp, xây dựng trung tâm chia sẻ dữ liệu về xuất xứ, chống lẩn tránh thuế. Ngoài ra, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật là nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt để đảm bảo sự thành công của Đề án. Việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng được đánh giá là một nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu việc giám sát chống lẩn tránh và gian lận xuất xứ phải tập trung vào các ngành hàng và thị trường cụ thể. Theo đó, những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh, biện pháp phòng vệ thương mại cần được theo dõi sát, có biện pháp kịp thời. Cần ngăn chặn không để tình trạng gian lận xuất xứ của một bộ phận ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu nghiêm túc. Trong thời gian tới, Bộ trưởng sẽ tiếp tục chỉ đạo sát việc triển khai thực hiện đề án của các đơn vị trong Bộ, đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao.