Phương pháp định giá phân biệt - Công cụ tái áp dụng phương pháp Zeroing của Bộ thương mại Hoa Kỳ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá

Sáng kiến về việc sử dụng Phương pháp định giá phân biệt được Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đưa ra sau khi DOC thông báo về việc bãi bỏ phương pháp phân tích “bán phá giá mục tiêu”[1] trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) trước đó vào tháng 12 năm 2008 và chính thức được bãi bỏ vào tháng 3 năm 2012. 

Theo pháp luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ quy định tại 19 CFR 351.414(c)[2], phương pháp so sánh bình quân gia quyền giá trị thông thường với bình quân gia quyền giá xuất khẩu (Weighted Average to Weighted Average - WA-WA) là phương pháp chuẩn khi thực hiện việc tính toán biên độ phá giá. Trong trường hợp DOC nhận thấy rằng phương pháp này không thể phản ánh một cách hợp lý về mức độ bán phá giá, khi đó DOC sẽ dựa vào một trong các phương pháp so sánh khác, cụ thể là phương pháp so sánh từng giao dịch bán hàng nội địa với từng giao dịch bán hàng xuất khẩu (Transaction to Transaction T-T) hoặc phương pháp so sánh giá trị thông thường bình quân gia quyền với giá xuất khẩu của từng giao dịch (Weighted Average to Transaction - WA-T). Tuy nhiên DOC sẽ không áp dụng hai phương pháp T-T và WA-T trừ khi DOC xác định rằng các giao dịch xuất khẩu thỏa mãn một số các tiêu chí cụ thể: (i) khi tồn tại một nhóm các giao dịch xuất khẩu có mức giá khác biệt đáng kể giữa các nhà nhập khẩu với nhau hoặc (ii) sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực địa lý hoặc (iii) sự khác biệt đáng kể trong các giai đoạn khác nhau trong giai đoạn điều tra (POI). Trước khi phương pháp định giá phân biệt được áp dụng trong các vụ việc điều tra CBPG và các giai đoạn rà soát hành chính, DOC đã sử dụng phương pháp phân tích bán phá giá mục tiêu để làm cơ sở cho việc sử dụng phương pháp so sánh WA-T khi tính toán biên độ phá giá.

DOC lần đầu tiên áp dụng phương pháp định giá phân biệt (Differential pricing) vào tháng 3 năm 2013 trong vụ việc điều tra CBPG sản phẩm Xanthan Gum nhập khẩu từ Trung Quốc và Áo, và được xem là phương pháp phát triển từ Phương pháp bán giá mục tiêu (targeted dumping) trước đây. Theo đó, thay vì sử dụng “phép thử Nails” (Nails test)[3]để xác định có sự khác biệt đáng kể về giá, DOC đã áp dụng 2 phép thử mới gọi là “Phép thử Cohen’s d” (Cohen’s d test) và “Phép thử Ratio” (Ratio test) để xác định xem liệu rằng có tồn tại một nhóm các giao dịch xuất khẩu có sự khác biệt đáng kể về giá hay không. Để xác định điều trên, DOC sẽ sử dụng 02 phép thử theo thứ tự như sau:

Bước 1: Thực hiện Phép thử Cohen’s d để so sánh giá của các nhóm giao dịch giữa (i) các nhà nhập khẩu với nhau, hoặc (ii) các khu vực địa lý khác nhau hoặc (iii) các khoảng thời gian khác nhau trong giai đoạn điều tra (theo tháng, quý). Nếu DOC xác định rằng các giao dịch xuất khẩu của doanh nghiệp bị điều tra có hệ số Cohen’s d cao chiếm tỷ lệ lớn thì có tồn tại nhóm giao dịch xuất khẩu có sự khác biệt đáng kể về giá của doanh nghiệp đó. (Nội dung phép thử Cohen’s d được phân tích kỹ trong mục tiếp theo)

Tiếp đó, DOC sử dụng phép thử tỷ lệ “ratio test” để đánh giá sự khác biệt đáng kể về giá đối với tất cả các giao dịch đã qua phép thử Cohen’s d và làm cơ sở để DOC quyết định phương pháp so sánh được sử dụng để tính toán biên độ bán phá giá. Nếu giá trị của các giao dịch tới người mua, khu vực và trong thời gian khác nhau vượt qua phép thử Cohen’s d chiếm bằng hoặc lớn hơn 66% giá trị tổng các giao dịch, thì DOC có thể sử dụng phương pháp so sánh WA -T (một hình thức tái sử dụng zeroing). Nếu giá trị giao dịch tới người mua, khu vực và trong thời gian khác nhau vượt qua phép thử Cohen chiếm cao hơn 33% nhưng nhỏ hơn 66% giá trị tổng các giao dịch, thì DOC có thể áp dụng phương pháp WA- T cho các giao dịch vượt qua phép thử Cohen’s d và không áp dụng WA-T cho các giao dịch không vượt qua phép thử Cohen. Nếu 33% trở xuống giá trị tổng các giao dịch vượt qua phép thử Cohen’s d, thì kết quả của phép thử Cohen’s d cho thấy DOC không cần sử dụng phương pháp WA-T.

Kết quả phép thử được minh họa trong bảng dưới đây:

Kết quả

Tỷ lệ mẫu khác biệt giá

dựa theo kết quả phép thử Cohen’s d

Phương pháp so sánh

Áp dụng phương pháp Zeroing?

1

< 33%

WA–WA

Không áp dụng Zeroing

2

33%-66%

WA-T

(nếu có sự khác biệt giá)

Áp dụng Zeroing cho các mẫu khác biệt giá

WA –WA

(nếu không có sự khác biệt giá)

Không áp dụng Zeroing cho các mẫu không có sự khác biệt giá

3

> 66%

WA- T

Áp dụng zeroing cho toàn bộ các mẫu (toàn bộ giao dịch của công ty)

Bước 2: Nếu cả hai phép thử Cohen’s d và ratio cho thấy sự tồn tại của việc định giá phân biệt, DOC sẽ tiếp tục xác định liệu phương pháp WA-WA có hợp lý để giải quyết sự khác biệt này hay không. Theo đó, DOC sẽ tính toán liệu biên độ phá giá bình quân gia quyền từ phương pháp WA-T có tạo ra sự khác biệt “đáng kể” (meaningful difference) so với biên độ bán phá giá được xác định theo phương pháp WA-WA hay không. Nếu sự khác biệt là “đáng kể”, DOC sẽ sử dụng phương pháp WA-T. Sự khác biệt được coi là “đáng kể” nếu thỏa mãn một trong hai điều kiện:

           (1) có 25% thay đổi trong biên độ bán phá giá bình quân gia quyền giữa phương pháp WA-WA và phương pháp WA-T khi cả hai biên độ này đều lớn hơn mức không đáng kể, hoặc

          (2) biên độ bán phá giá xác định theo phương pháp này lớn hơn ngưỡng biên độ phá giá tối thiểu (2%).

Phép thử COHEN’S D có thực sự phù hợp?

            Việc phân tích phương pháp định giá phân biệt phụ thuộc vào việc đo lường hệ số ảnh hưởng (effect size) của mức chênh lệch giữa giá trị trung bình của hai nhóm mẫu.  Việc sử dụng phép thử Conhen’s d để tính hệ số đo ảnh hưởng ấy và nó phụ thuộc vào phạm vi hai nhóm mẫu. Phép thử này được nhà tâm lý học Jacob Cohen giới thiệu trong cuốn sách “Statistical Power Analysis for the Behavior Sciences (1969,1988), nêu rằng khi không có sự dao động trong 2 nhóm mẫu, Cohen’s d chính là tỷ lệ giữa mức chênh lệch giá trị trung bình 2 mẫu và độ lệch chuẩn[4]. Ví dụ như, độ lệch chuẩn của điểm số trong bài thi toán là 15, nếu một phương pháp dạy mới được cho là tốt hơn phương pháp dạy hiện tại, thì sau 1 năm sinh viên theo phương pháp mới sẽ đạt được điểm trung bình là 80, trong khi sinh viên được dạy theo phương pháp cũ có điểm số trung bình là 75. Do đó mức độ ảnh hưởng là tỷ lệ giữa mức chênh 2 điểm trung bình (85-75 =5) chia cho độ lệch chuẩn (15), do đó tỷ lệ là 1/3.

            Như vậy, kết quả của phép thử Cohen’s d là một ngưỡng cho phép đánh giá mức độ chênh lệch (khác biệt) giữa hai nhóm hoặc hai mẫu. Ngưỡng càng lớn thì thể hiện độ chênh lệch càng lớn và ngược lại.

            Công thức tính:

            Trong đó:       M1 (mean of sample 1): Trung bình Mẫu 1

                                    M2: (mean of sample 2) Trung bình Mẫu 2

                                   PSD (pooled standard deviation): Độ lệch chuẩn của mẫu 1 và mẫu 2

            Tuy nhiên, ngưỡng này có đánh giá được một cách tổng thể về sự khác biệt của hai nhóm hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cách thức nhìn nhận từ các góc độ khác nhau. Theo lập luận của DOC, khi ngưỡng khác biệt của phép thử Cohen’s d giữa hai nhóm giá của giao dịch xuất khẩu là lớn hơn hoặc bằng 0,8 thì DOC xác định là có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm mẫu. Tuy nhiên liệu rằng giả thiết này có phù hợp không sau khi xem xét ví dụ về giá của các giao dịch xuất khẩu trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1

Trường hợp 2

Trường hợp 3

Mẫu cần so sánh

Mẫu đối chứng

Mẫu cần so sánh

Mẫu đối chứng

Mẫu cần so sánh

Mẫu đối chứng

6

7

16

17

116

117

6

7

16

17

116

117

7

7

17

17

117

117

7

7

17

17

117

117

          Giả sử rằng Độ lệch chuẩn chung (Pooled standard deviation) cho cả 3 trường hợp là 0,577, khi đó kết quả phân tích Cohen’s d như sau:

Các giá trị thống kê

Trường hợp 1

Trường hợp 2

Trường hợp 3

Mẫu so sánh

Mẫu đối chứng

Mẫu so sánh

Mẫu đối chứng

Mẫu so sánh

Mẫu đối chứng

A1

B1

A2

B2

A3

B3

Giá trị trung bình mẫu (M)

6,5

7

16,5

17

116,5

117

Chênh lệch giá trị trung bình (A-B)

0,5

0,5

0,5

Tỷ lệ khác biệt của Mức chênh lệch của M =(A-B)/B

7,1%

2,9%

0,4%

Độ lệch chuẩn chung (PSD)

0,577

0,577

0,577

Kết quả hệ số Cohen’s d = (A-B)/PSD

-0,866

-0,866

-0,866

 Cả 3 Nhóm đều cho kết quả chung là hệ số Cohen’s d đều là 0,866 và thỏa mãn ngưỡng do DOC quy định là 0,8 (tức là có sự khác biệt đáng kể giữa hai mẫu), tuy nhiên từ số liệu phân tích nêu trên cho thấy trong các trường hợp khác nhau thì tỷ lệ khác biệt của mức chênh khác nhau. Chẳng hạn như trường hợp 3 thì tỷ lệ khác biệt là 0,4% thấp hơn nhiều so với trường hợp 1 (7,1%) nhưng cũng có thể bị Hoa Kỳ kết luận là có sự khác biệt đáng kể và áp dụng zeroing như mục 1 đã phân tích. Chính vì thế, phương pháp này phải chăng cho thấy kẽ hở và sự thiếu chính xác của phép thử Cohen’s d khi đánh giá về sự khác biệt đáng kể giữa các mẫu trên thực tế. Phép thử Cohen’s d chỉ tập trung vào sự khác biệt giữa mẫu cần so sánh và mẫu đối chứng mà không chỉ ra được sự khác biệt về mặt tuyệt đối trên khía cạnh giá trị.

Với việc Hoa Kỳ đã, đang và sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp này trong các vụ việc điều tra, rà soát chống bán phá giá sẽ tiếp tục tạo ra những cuộc chiến về mặt pháp lý kéo dài, tốn kém, không chỉ trên lãnh thổ Hoa Kỳ (tòa thương mại quốc tế Hoa Kỳ - ITC, tòa phúc thẩm lưu động liên bang Hoa Kỳ - CAFC) mà còn cả trên cả cơ chế giải quyết tranh chấp WTO, giống như những gì đã từng diễn ra với phương pháp ZEROING mà Hoa Ky đã áp dụng trong suốt hơn 1 thập kỷ qua.


[1] Phương pháp này được DOC sử dụng khi DOC nhận thấy rằng có tồn tại một mẫu (gồm các giao dịch xuất khẩu) có mức giá khác biệt đáng kể giữa các nhà nhập khẩu hoặc khác biệt đáng kể giữa các khu vực địa lý hoặc khác biệt đáng kể trong các giai đoạn khác nhau.

[2]  19 CFR 351.414(c) Lựa chọn phương pháp.

           (1) Trong một vụ việc điều tra hoặc rà soát, DOC sẽ sử dụng phương pháp bình quân gia quyền với bình quân gia quyền trừ khi DOC xác định rằng có một phương pháp khác phù hợp trong vụ việc cụ thể đó.

           (2) DOC sẽ sử dụng phương pháp so sánh giao dịch với giao dịch chỉ trong các trường hợp bất thường, ví dụ như khi chỉ có một số lượng rất ít hàng hóa thuộc đối tượng điều tra và hàng hóa khác được bán trên từng thị trường được xác định là tương tự, hoặc rất giống nhau hoặc được làm theo yêu cầu của người mua.

[3] Phép thử Nails test (phép thử đinh ốc) là phương pháp sử dụng thống kê để xác định có tồn tại hay không một mẫu giá có sự khác biệt đáng kể giữa các nhà nhập khẩu (người mua), giữa các khu vực địa lý hoặc khoảng thời gian được DOC sử dụng lần đầu tiên trong vụ việc đinh ốc (Nails) của Trung Quốc năm 2008. Nội dung phép thử gồm 2 bước để xác định có tồn tại sự khác biệt đáng kể về giá hay không. Cụ thể về phương pháp, xem tại: Proposed methodology for Indentifying and Analyzing Target dumping in Antidumping Investigations: Request for Comment, 73 Fed. Reg. 26371, 26372, (May 9, 2008) - https://www.federalregister.gov/articles/2008/05/09/E8-10528/proposed-methodology-for-identifying-and-analyzing-targeted-dumping-in-antidumping-investigations

[4] Trong thống kê, độ lệch chuẩn xác định mức độ ổn định của số liệu thống kê xoay quanh giá trị trung bình. Giá trị của độ lệch chuẩn càng thấp thì mức độ ổn định của số liệu càng lớn, dao động quanh giá trị trung bình càng nhỏ và ngược lại