Tập huấn “Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do"

Nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, các viện trường, và các doanh nghiệp trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ PVTM được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại đã phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Lào Cai tổ chức chương trình tập huấn “Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do” tại TP. Lào Cai vào trung tuần tháng 8 vừa qua.

Chương trình tập huấn có sự tham gia của các diễn giả đến từ Cục PVTM, chuyên gia kinh tế cùng sự tham dự của các đại biểu đến từ các sở ban ngành, các cơ quan, đơn vị, hội, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Tại buổi tập huấn, các diễn giả của Cục PVTM lần lượt trình bày chi tiết các nội dung về Tổng quan về pháp luật và thực tiễn PVTM Việt Nam trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do; các quy định về PVTM trong Hiệp định RCEP; Ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và một số lưu ý trong việc ứng phó và sử dụng công cụ PVTM. Qua đây các diễn giả cho biết thêm, hiện nay một số quốc gia, kể cả các quốc gia tích cực tham gia Hiệp định thương mại tự do vẫn đang tiếp tục duy trì áp dụng một số biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước. Thậm chí, một số quốc gia đã có dấu hiệu lạm dụng các biện pháp này để bảo hộ quá mức ngành sản xuất nội địa, gây tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong thời gian qua, xuất khẩu tăng trưởng nhanh thể hiện năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng cao hơn, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có chỗ đứng vững chắc tại nhiều thị trường trên thế giới. Đặc biệt khi Hiệp định RCEP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, xuất khẩu sang thị trường các đối tác ký kết Hiệp định càng có cơ hội phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể yêu cầu chính phủ sở tại sử dụng các biện pháp PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.

Trên thực tế, số lượng vụ việc PVTM với hàng hóa xuất khẩu của ta đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến hết tháng 6 năm 2022, Việt Nam đã bị 22 quốc gia/vùng lãnh thổ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM với tổng cộng 214 vụ việc PVTM. Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia điều tra nhiều nhất với tổng cộng 44 vụ việc, Ấn Độ với 29 vụ việc, Thổ Nhĩ Kỳ 24 vụ việc, Canada 18 vụ việc, Úc 18 vụ việc, tiếp theo là EU, Philippines, Indonesia, Malaysia…

Việc bị điều tra và áp dụng biện pháp PVTM khiến một số mặt hàng xuất khẩu phải chịu mức thuế cao, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cả ngành hàng, ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của người lao động và gây tác động lớn đến chính sách xuất nhập khẩu, suy giảm lợi thế là quốc gia xuất khẩu hàng đầu trong khu vực của Việt Nam. Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu biết về PVTM chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra, không hiểu rõ các công việc cần thực hiện trong khi yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài rất chặt chẽ về trình tự thời gian, thủ tục và các thông tin doanh nghiệp phải cung cấp. Các doanh nghiệp không đáp ứng đúng yêu cầu của cơ quan điều tra có khả năng cao nhận được kết quả bất lợi, thể hiện bởi việc phải chịu mức thuế cao khi xuất khẩu vào thị trường áp dụng biện pháp PVTM, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, các công cụ PVTM nếu được áp dụng hợp lý sẽ là tấm khiên để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các hàng rào thuế quan thông thường sẽ được giảm dần theo các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế.

Thông qua hội thảo lần này, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tổ chức liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ có những hiểu biết sâu sắc hơn về các biện pháp PVTM và cách áp dụng những biện pháp này một cách phù hợp với quy định pháp luật; đồng thời tận dụng được ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.

Tin tức khác