Hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng vệ thương mại phục vụ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Trong suốt tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và nước luôn chủ trương tăng cường sử dụng các biện pháp kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ hàng xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế.

Cụ thể, văn kiện Đại hội XII của Đảng (Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020) đã nêu rõ “Tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của các hiệp định, thỏa thuận thương mại để thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời có biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng.”

Trong thương mại quốc tế, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ (gọi chung là các biện pháp PVTM) được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. Đối với Việt Nam, việc nâng cao năng lực PVTM thông qua thực hiện các điều ước quốc tế cũng như pháp luật trong nước về PVTM có vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực, hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Cho tới nay, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập kinh tế, nền kinh tế nước ta đã hội nhập rất sâu, thể hiện ở việc gia nhập WTO và tham gia ký kết 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA). Cũng như WTO, các Hiệp định này đều quy định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp PVTM. Trên cơ sở quy định của WTO và các Hiệp định FTA, Việt Nam cũng đã từng bước xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý về việc áp dụng các biện pháp PVTM, bao gồm:

            - Luật Quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2017;

            - Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM;

            - Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP về các biện pháp PVTM.

Như vậy, hệ thống văn bản pháp luật về PVTM của ta hiện nay đã tương đối đầy đủ, phù hợp với cam kết quốc tế để thực hiện công tác về PVTM nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước cũng như lợi ích của người tiêu dùng.

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật và căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 03 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 2903/QĐ-BCT ngày 16 tháng 8 năm 2018 của Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025”. Chương trình tổng thể này, cùng với các văn bản pháp luật liên quan, sẽ tạo nền tảng cho việc triển khai các chính sách, biện pháp về PVTM phù hợp với cam kết quốc tế để phát triển các ngành sản xuất trong nước, thực hiện thành công các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang thực hiện 03 thủ tục hành chính (gồm cả hình thức dịch vụ công trực tuyến) trong lĩnh vực PVTM: thủ tục khai báo nhập khẩu hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM để phục vụ công tác điều tra; thủ tục miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM; thủ tục bổ sung lượng hàng hóa được miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM. Theo kế hoạch, các dịch vụ công này sẽ kết nối với hệ thống Hải quan một cửa trong thời gian tới để tạo thuận lợi tối đa cho các bên liên quan, kể cả các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện./.